'Đại lộ người Ý'

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 23/07/2020 16:07 GMT+7

TTCT - " Tôi bắn hắn rồi. Những ngày xưa thân ái. Không ngăn nổi tay tôi…”, Pi lẩm bẩm đọc thơ. “Không có kẻ thù thì đời sẽ rất bằng phẳng. Cậu sẽ không có động lực làm nên chuyện gì cả”.

Minh họa: Kim Duẩn
Tranh của: Nguyễn Kim Duẩn

Paris đón họ lúc mười giờ sáng bằng một tiếng hét ở lối ra của ga Lyon. Một khách du lịch đuổi theo một bóng người, chắc anh ta vừa bị giật túi. Thành phố có màu vàng nhàn nhạt của những tòa nhà giống nhau, những bancông giống nhau nhìn xuống các con phố hun hút giống nhau.

Căn hộ Tiến thuê theo dự kiến sẽ nằm cách ga chỉ ba trăm mét, nhưng anh kéo vali vòng vèo quanh quảng trường trước cửa ga mà không xác định được hướng. Liên tiếp các quảng trường có các đại lộ tỏa ra nhiều hướng như một tổ hợp mạng nhện. Hai mươi phút sau, trong cơn đau nhức vì đôi chân đã mỏi, Tiến nhìn thấy biển phố trên góc tường một tòa nhà. Căn hộ nằm trong một tòa nhà giống hệt tòa nhà đối diện, giống rất nhiều tòa nhà xung quanh, nhang nhác những khu chung cư cao cấp ở Hà Nội bây giờ. Cái thang máy hai lần cửa, vừa cho hai người với hai vali xếp chồng lên nhau, phát ra âm thanh ken két khi đưa Tiến và Pi lên căn hộ ở tầng hai. Đồ đạc toàn màu be, hợp phong cách tân cổ điển của tòa nhà. Trên tường treo một bức ảnh chụp lại tranh vẽ một đại lộ đông đúc, bên dưới ghi “Boulevard des Italiens”. Tiến đã biết loạt tranh này từ hồi học vẽ ở nhà. “Đại lộ người Ý”, Pi lẩm nhẩm. Cái tên này đã nhắc đến trong kế hoạch đi châu Âu. Paris là chặng cuối.

Sau chuyến đi dài, hai người nằm vật ra giường. Pi lấy điện thoại nhập mật khẩu Internet. Tiến bóp bàn chân phồng rộp, sờ vào những khung sắt của chiếc giường kiểu cổ. “Ông già mình có lần kể lúc ở chiến khu về Hà Nội, được anh bạn rủ về nhà ở phố Hàng Khay có cái giường Tây đệm trắng muốt… Anh nhà quê lần đầu tiên được biết giường Tây, không dám leo lên vì sợ cởi giày lộ ra tất rách. Sợ bị chê cười”.

“Thương nhỉ”.

“Mình ghét những cái chuyện đấy. Nghe thảm hại”.

“Cậu vẫn kể lại đó thôi. Mà ông cụ hài hước đấy chứ. Cậu chả được một mảy nào”.

Tiến hơi phật ý vì quy kết của bạn đồng hành. Tất cả những gì anh biết về đời bố mình cho đến mãi về sau, ông chỉ là một thợ sửa đồng hồ nhàu nhĩ. Anh chỉ thấy ông cười khi ngồi cùng những ông già về hưu ở tổ dân phố. “Paris hoa lệ” - Pi hé nhìn qua cửa sổ xuống phố, giọng hơi giễu cợt. Một người đàn ông dắt con chó dừng bên cột đèn ở vỉa hè, thản nhiên hút thuốc đợi con chó tè sau cái cột.

Trời Paris đục màu chì. Cuối thu, những cái cây nhuôm nhuôm vàng bị thời tiết đổi thành một thứ màu ủ dột. Những ngôi nhà bị chém vát ở các ngã sáu nối tiếp nhau làm cho hai người nhầm lẫn liên tục. Pi cười, “giống truyện Alibaba nhỉ”. Tiến nhớ đến một truyện ngắn Nam Mỹ kể về một anh chàng bốc đồng đưa vợ đi trăng mật ở Paris, cô vợ bị gai hoa hồng đâm vào ngón tay chảy máu, phải đi cấp cứu. Các tòa nhà giống nhau, những thủ tục kỳ lạ của thành phố lạnh lẽo, anh ta lại không biết tiếng Pháp nên không thể vào được bệnh viện những hôm sau. “Rồi thế nào?”, Pi hỏi. Thì cô vợ chết, nhưng anh ta không hề biết, dù ở ngay khách sạn bên kia đường. Không ai liên lạc được với anh ta. “Truyện chán chết”, Pi chưng hửng. Tiến định bảo mình thích truyện ấy lắm nhưng nghĩ đang đi chơi lại kể chuyện chết chóc. Đúng là anh không biết hài hước. Pi tên thật là Phương. Pi từng bảo Tiến đổi tên là Ti cho hợp với tên rút ngắn của cô, “nghe cũng hợp nhau, Tây đọc cũng dễ”, nhưng Tiến thấy như trẻ con. Đi sang đây cũng là gợi ý của Pi, người sốt sắng với tất cả những gì thuộc về “tiền chiến”. Cô không biết truyện Tiến kể nhưng thuộc lòng Hội hè miên man của Hemingway.

Khu trung tâm Paris hiện lên sắc đanh lạnh của những đường viền mái đá xám gấp khúc, những bancông sắt uốn màu đen trên những mặt tiền nhà màu trắng ngà. Đằng kia con sông là tháp Eiffel nhô lên phá vỡ thế buồn tẻ của những sân thượng sàn sàn nhau, lốm đốm những ống khói nhợt nhạt. Tiến và Pi đi về phía nhà hát Opera. Những cặp đôi ngồi bệt trên bậc thềm nhà hát khoan khoái ngắm quảng trường.

Tấm biển “Boulevard des Italiens” cách quảng trường một ngã tư, khung cảnh vẫn như trong phiên bản bức tranh thế kỷ mười chín ở căn hộ. Tiến hồi hộp đi qua các cửa hiệu sáng choang, thầm nghĩ nhân vật của mình sống ở nơi này có còn nhớ gì đến những điều ông đã làm ở quê nhà sáu mươi năm trước không. Giống Hà Nội, anh buột mồm. Hà Nội không bằng cái xó bếp người ta, Pi giễu. Tiến cãi, Hà Nội có cái duyên riêng. Pi cười: “Duyên!”.

Hai người đến địa chỉ đã lưu trong điện thoại. Nó là một trụ sở ngân hàng lớn chứ không phải nơi ở. Người ra vào đại sảnh mặc complê sẫm màu. Nhân viên người Pháp ở quầy lễ tân kiên nhẫn lắng nghe rồi nhún vai tỏ ý xin lỗi, ở đây không có căn hộ nào, thưa monsieur. Chúng tôi rất tiếc không thể giúp được, thưa monsieur. Thấy Tiến lắp bắp nói tiếng Anh mà người lễ tân không hiểu, Pi gạt anh ra, hỏi lại rành rọt. Tất nhiên là chúng tôi rất tiếc không thể giúp được, thưa madame. Ở đây không có căn hộ nào.

Tiến vẫn suy nghĩ về cái địa chỉ. Có lẽ đảo lại số nhà chăng. Mặt vẫn tái mét vì chân đau, Tiến cố bước tới một ngôi nhà lớn, có vẻ như nhiều căn hộ. Biết đâu lại đúng. Nhưng sự thật Tiến phải đối mặt là không thể xông vào gõ cửa từng căn hộ trong tòa nhà đồ sộ ấy để tìm thứ anh cần. Pi châm chọc, rất tiếc không thể giúp ông được, monsieur. Ở đây có quá nhiều căn hộ.

Minh họa: Kim Duẩn
Tranh minh họa: Nguyễn Kim Duẩn

…Trời có vẻ sắp mưa. Cả Paris phút chốc tối sầm như có một mụ phù thủy bay lướt qua, quăng tấm màn bất hạnh lên thành phố. Nhưng các cửa hiệu mau chóng lên đèn, làm cho khung cảnh mờ ảo có những điểm màu lập lòe. Hai người vào một quán cà phê, chẳng ai nói với nhau câu nào. Tiến giở cuốn sách tiếng Anh chi chít những mẩu giấy đánh dấu dán ở mép. Năm năm trước, Tiến bất ngờ nhận được cuốn sách từ một nghiên cứu sinh ở Mỹ. Anh đọc mãi chưa xong. Nó vẫn dừng ở đâu đó. Tiến cố gắng đọc giữa những đoạn nghiên cứu rối rắm thuật ngữ anh không hiểu gì mấy, là câu chuyện về một hội thanh niên đàn hát đi kháng chiến hơn sáu mươi năm trước, trong số ấy có bố Tiến, nhưng mang một cái tên khác. Rồi cái tên đó biến mất, chỉ còn cái tên như Tiến vẫn biết từ nhỏ. Trong hình dung phóng túng nhất của mình, Tiến chỉ biết bố anh từng viết mấy bài hát cho hội người cao tuổi và mấy bài hát về Hà Nội “thành phố rồng bay”. Có lần Pi tò mò muốn nghe, Tiến cười: “Nhạc dưỡng sinh trên nền Mác-xây-e”.

Nhưng những bài hát mà cuốn sách ghi tên bố Tiến là đồng tác giả thì khác. Nó kể về một thế giới mà Tiến chưa bao giờ nghĩ bố mình sống trong đó. “Chờ qua điêu linh đón người trai về xây tổ ấm xinh…”. Tiến gấp sách lại. “Đừng có thở dài thế chứ”, Pi nhấp ngụm cà phê, với lấy cuốn sách, lật qua. Từ cuốn sách rơi ra một tấm ảnh đen trắng bé bằng nửa bàn tay. Nó là tấm ảnh chụp ba người, giữa hai người đàn ông đội mũ calô đang ôm đàn accordeon là một cô gái chải tóc bồng kiểu thập niên 1950.

Hai người châu đầu săm soi những gương mặt nhỏ chỉ bằng hạt đỗ. Pi mân mê đường viền răng cưa mép ảnh, xuýt xoa, “các cụ đẹp quá!”. Tiến không để Pi ngắm thêm, lật ra đằng sau. Có mấy hàng chữ viết tay kiểu thời xưa. Bên dưới dòng chữ đã mờ “Lưu Nhân - Nguyễn Lang và T.H, Khu III 15-9-1950”, là dòng chữ mới hơn: “Lưu Nhân 138 Ave d’Italie 75013 Paris”.

Ave d’Italie. Đường nước Ý. Pi nhoài người sang nhìn lần nữa. Hẳn là họ đã nhầm với đại lộ Người Ý.

“Lạ nhỉ, chắc tấm ảnh của cái anh nghiên cứu sinh để quên rồi. Nhưng chắc là điềm báo của bố cậu rồi”.

“Lúc còn sống, chưa bao giờ ông nói chuyện với mình quá năm phút”.

“Ông theo cậu đấy”. Pi nhìn quanh như thể thấy một người vô hình, thì thào đầy long trọng.

Tiến không trả lời, mặc cho Pi háo hức lật giở cuốn sách tìm kiếm thêm. Cô lẩm nhẩm tự dịch thành tiếng.

“…Lưu Nhân đã đặt bút danh cho người em kết nghĩa… Blood brothers dịch thế đúng không nhỉ?”.

Mãi đến khi đọc sách, Tiến mới nhớ mẹ từng nhắc đến mối liên quan giữa bố với Lưu Nhân. Sau khi thuật lại việc ông ta “lên đài bê bê xê” nói rằng nhân vật “Nguyễn” đồng tác giả với mình là “một cậu liên lạc, ghi tên vào do nhiệm vụ đi tuyên truyền”, bà nhiếc móc chuyện bạc bẽo của lòng người. Bố Tiến nổi cáu: “Sao bà cứ vơ quàng là thế nào nhỉ?”. Đang ăn cơm, ông cầm bát ném vỡ tan tấm gương soi gắn cánh cửa tủ. Từ đấy trở đi, Tiến né hoàn toàn những chuyện tương tự. Có lần sau khi bố đã mất, hai mẹ con ngồi xếp lại giấy tờ, Tiến thấy mẹ chăm chú xem mấy bản nhạc cất dưới đáy ngăn tủ. Trên đầu đề một bản có dòng chữ “Thu kỷ niệm cùng T.”. Tiến buột miệng thắc mắc, mẹ chép miệng, thà chả biết còn hơn.

…Trái với vẻ tráng lệ của đại lộ Người Ý, khu phố Tiến và Pi tìm đến gồm những chung cư cũ kỹ. Cả hai đều ngỡ ngàng vì kiến trúc không có vẻ gì kiểu các phố người Á đã biết, ngoại trừ những biển quán ăn đề chữ Việt lẫn Hán. Tiến khó nhọc bước ngang qua một cửa hiệu đề biển “Thăng Long” và chữ “Phở” viết kiểu thư pháp. Trời mưa, quán vắng. Những cái bàn dán phoocmica kiểu thập niên 1970. Trên tường dán vài ápphích quảng cáo những chương trình ca nhạc người Việt ở hải ngoại. Những bức ảnh cũ chụp những nữ diễn viên mặt nghiêng, mặc áo dài, tóc uốn lượn. Một tờ lịch xuân năm nào đó, vẽ cành mai và băng pháo đỏ.

Hai người đi theo lối vào khu căn hộ phía sau. Ánh đèn nhợt nhạt hắt lên bảng tên các căn hộ. Pi dí mắt vào dò số phòng để bấm nút gọi. Không có tín hiệu trả lời. Đợi một hồi lâu, từ trong bóng tối, những tiếng lọc cọc vang lên, mỗi lúc một rõ hơn. Một bà già người Á chống gậy lò dò bước ra. Tiến và Pi nín thở. Vừa lúc bà đi tới, Pi vội lại gần. Pardonnez-moi, madame…

Bà già ngơ ngác, mở cặp mắt đờ đẫn nhìn Pi giở những trang sách. Bà chỉ tay ra phía ngoài. Giọng bà rời rạc những tiếng nghe như từ một cái hộp bí mật giấu đâu đó trong người. Paralysie… l’hôpital…

Tiến kéo tay Pi níu lại, “Thôi”. Pi gạt Tiến ra, cố gắng lắng nghe thông tin từ bà già. Cô hí hoáy ghi vào cuốn sổ, rồi nhìn theo bóng bà già đi khuất khỏi khung cửa.

“Chẳng lẽ xông đến bệnh viện tìm ông ấy? Nói chuyện với một cái máy thở?”, Tiến cáu với Pi khi hai người đã ngồi ở một cái sân nhỏ, có những cái ghế sắt nhìn ra một đài phun nước nhỏ.

“Thì mất gì đâu? Ít nhất cũng có thêm một trải nghiệm”. Pi nhún vai, đột nhiên hỏi lại Tiến. “À, cái anh bạn rủ bố cậu về nhà ở Hàng Khay có phải ông ấy không?”.

Tiến vẫn nhấm nhẳng. “Không biết. Đang ở chiến khu mà về Hà Nội thì chỉ có dinh tê. Mà nếu sau ngày tiếp quản thì ông kia đã vào Nam rồi”.

“Nhỡ đâu… chính là cái lúc ông về Hà Nội vì cái vụ diệt ác trừ gian ấy?”.

Tiến chưa bao giờ biết ai liên quan đến ngày xưa của bố. Cuốn sách có nói bố anh về Hà Nội vì cấp trên buộc ông “xử lý” Lưu Nhân nhưng đã để ông ta thoát, hay là như người viết phỏng đoán, ông đã thu xếp cho người anh kết nghĩa ra đi trót lọt… Tiến chỉ nhớ rõ là đám ma ông không có bất kỳ đồng đội hay đồng nghiệp cũ nào.

Tiến đã nghĩ không biết bao nhiêu kịch bản cho cuộc gặp gỡ. Anh đã không gọi điện thoại trước vì muốn có một màn đụng độ bất ngờ. Anh tưởng tượng ra cảnh mình sẽ cho ông ta xem các bằng chứng về quyền tác giả của bố anh, sẽ nói những câu thật đau đớn để ông ta phải thừa nhận, sẽ khiến ông ta cắn rứt lương tâm mãi mãi… Thậm chí trong những giấc mơ, anh còn thấy mình cầm một khẩu súng kết liễu kẻ đối diện. Tiến thở dài, đi ra đài phun nước, thả một đồng xu xuống. Pi đi theo, lấy tay khỏa xuống nước rồi rụt ngay lại vì lạnh. “Cái anh chồng trong truyện cậu kể không tìm thấy cô vợ ấy, nhớ không? Cậu biết vì sao không?”.

“Thì kiểu chủ nghĩa phi lý thôi”.

“Vì tay chồng là người phàm. Cô vợ là người trời. Môtip tiên nữ lấy thằng ngốc thôi”.

Tiến nhăn nhó bấm mạnh vào các huyệt trên đôi chân. Pi vẫn nói như người đang mộng du. “Hai vợ chồng ấy thật ra tuyệt vọng vì chẳng có kẻ thù nào để đổ lỗi ngoài chính họ”.

“Thế cứ có kẻ thù thì giải quyết được vấn đề à?”. Đầu óc Tiến tập trung vào cơn đau buốt dọc chân.

“Có chứ. Tôi bắn hắn rồi. Những ngày xưa thân ái. Không ngăn nổi tay tôi…”, Pi lẩm bẩm đọc thơ. “Không có kẻ thù thì đời sẽ rất bằng phẳng. Cậu sẽ không có động lực làm nên chuyện gì cả”. Cô giơ cuốn sách ra. “Còn những chuyện trong này…”.

“Sao cứ phải làm nên chuyện gì mới được?”. Tiến cáu. “Toàn chuyện như cứt! Người chết thì cũng chết rồi, người sống thì cũng sắp xuống lỗ…”.

“Nhưng còn tên tuổi bố cậu… Cậu không làm việc này thì ai làm!”.

Pi dúi cuốn sách vào tay Tiến. Anh quên mất tình trạng của mình, cáu kỉnh giậm chân. Cơn đau dội lên khiến anh chới với, vung mạnh tay. Cuốn sách văng ra nền đường lát đá ẩm ướt. Những mẩu giấy đánh dấu nhiều màu rơi vung vãi. Mép cuốn sách bắt đầu bị ngấm nước, các trang giấy phồng lên. Một vệt ướt loang lổ dần lan rộng trên tấm ảnh làm những khuôn mặt người méo đi. Người Tiến rung lên, anh vội xoài ra chụp lấy tấm ảnh nhưng bị cơn đau ngăn cản, anh thụp xuống, run rẩy. Mấy ông bà già người Pháp đi ngang qua tò mò nhìn.

Pi nhặt những thứ dưới đất lên, lấy tay áo khẽ thấm những chỗ ướt rồi cho vào balô. Tiến vẫn ngồi yên, nhắm nghiền mắt. Xung quanh họ, những con chim kêu lích chích, cánh của chúng lấp loáng ánh hoàng hôn êm dịu đang tĩnh mịch phủ lên khung cảnh. Những chấm trắng nhỏ bắt đầu xuất hiện trong không trung rồi đậm dần thành một màn mưa tuyết nhẹ.

------------------------------

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận