Những con chích chòe than đảo Seychelles dài hơn 20cm, với bộ lông màu xanh đen như mực và các mảng lông trắng ở cánh. Trên toàn thế giới, tạo vật tuyệt tác này chỉ còn lại 200 cá thể, tất cả sống trong những khu rừng thuộc quần đảo Seychelles, Ấn Độ Dương, ngoài khơi Đông Phi. Những cá thể cuối cùng của loài chim Acrocephalus sechellensis (chích chòe) đang được bảo vệ nghiêm ngặt Một cơn bão lớn, một trận dịch hay một đoàn du khách quá đông lên quần đảo này thôi, có thể quét sạch những con còn lại.Không có mấy cá thể của một loài khác, người tinh khôn, ước tính có số lượng 7,53 tỉ (2017) trên toàn cầu, sống bên ngoài Seychelles (tức là hầu hết bọn họ) từng nhìn hay nghe thấy giống lông vũ hót hay này.Tên chúng đã xuất hiện trong tóm tắt báo cáo của Liên Hiệp Quốc tuần trước, cảnh báo rằng loài người đang trên hành trình làm tuyệt diệt khoảng 1 triệu trong tất cả 8 triệu các loài thực và động vật của hành tinh.Khi mà Trái đất ấm lên, loài người tỏa đi khắp nơi, chim, côn trùng và động vật ngày càng mất đi những vùng sinh sống rộng lớn. Các chuyên gia luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng sinh học và thường giải thích những loài khiêm tốn mà chúng ta ít khi nhìn thấy thực ra có vai trò quan trọng với sự sống của chúng ta ra sao. Ong mật là chuyên gia thụ phấn toàn cầu cho những loại thực vật nuôi sống chúng ta. Kiến và sâu làm đất màu mỡ. Ếch ăn những loại côn trùng phá hoại mùa màng. Những loài khiêm nhường đó làm được nhiều việc thật to tát.Sir Robert Watson - chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về chính sách khoa học với đa dạng sinh học và hệ sinh thái, nơi thực hiện báo cáo trên - cảnh báo: “Chúng ta đang làm suy thoái chính những nền tảng cho các nền kinh tế, sự sống còn, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng sống trên toàn thế giới”. Báo cáo vẽ ra “một bức tranh đáng ngại” khi “sức khỏe của hệ sinh thái... đang suy giảm nhanh hơn bao giờ hết”.Các mối đe dọa chính trên toàn cầu được liệt kê là việc sử dụng các nguồn lực từ đất đai và biển cả của con người, cho tới những thách thức vì biến đổi khí hậu, ô nhiễm, và loài xâm lấn. Tổng cộng, “khoảng 60 tỉ tấn tài nguyên tái tạo được và không tái tạo được bị lấy khỏi địa cầu mỗi năm” (tăng gấp đôi so với năm 1980). 75% môi trường đất và 66% môi trường biển “đã bị thay đổi nghiêm trọng vì hành vi con người”.Gần 1/3 diện tích mặt đất và 75% nguồn nước ngọt được dùng cho nông nghiệp. Ô nhiễm rác thải nhựa tăng gấp 10 lần từ năm 1980 và từ 300-400 tấn kim loại nặng và các rác thải công nghiệp độc hại tương đương bị thải vào trong hệ thống nước của thế giới và còn vô số những điều kinh khủng khác nữa.Cũng vào ngày báo cáo được công bố, tin tức trên toàn thế giới là một danh sách những điều khá u ám: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ và Iran lại dọa nạt nhau bằng máy bay và tàu chiến... nhưng tất cả những tranh đoạt đó vẫn không thể khẩn cấp bằng tin tức mà các khoa học gia vừa báo với chúng ta về sự tồn vong của hệ sinh thái.“Phát hiện ra 1 triệu loài đối mặt nguy cơ tuyệt chủng nếu như con người không thay đổi hành vi cũng giống như thấy mình mắc bệnh hiểm nghèo vậy - The Washington Post so sánh - Hôm trước ta còn lo lắng đủ chuyện, hôm nay ta chỉ còn lại một vấn đề”.Ảnh: Regeneration InternationalTheo lời ông Watson, vẫn còn chưa quá muộn để sửa chữa và cứu vãn tình hình, nếu con người thay đổi hành vi một cách cơ bản. Việc từng cá nhân không dùng ống hút nhựa hay túi nilông không còn đủ nữa dù vẫn là đáng khuyến khích. Các công ty lớn, chính quyền và những tổ chức quốc tế giờ phải thay đổi, điều thật sự không hề dễ dàng. “Chúng ta cần kết nối những điều đó với hạnh phúc của chính con người - Watson lưu ý - Bằng không chúng ta chỉ là một đám bảo vệ môi trường lạc lõng”.Vấn đề là mọi thứ đang tăng tốc: nhiệt độ, sự axit hóa các đại dương, điều làm biến mất nhanh chóng những rạn san hô khổng lồ, nơi sinh sống của hơn 25% các loài dưới đáy biển.Trong khi đó, dân số thế giới dự kiến sẽ là gần 10 tỉ người tới giữa thế kỷ này, theo Liên Hiệp Quốc, tức tăng gấp 3 lần so với năm 1950. Chỉ mất một thế kỷ để loài người phát hiện ra và tận diệt hoàn toàn giống chim dodo ở Ấn Độ Dương, nhưng tốc độ hủy diệt hiện giờ lớn hơn bao giờ hết: sinh khối của các loài động vật hoang dã đã giảm 82% so với thời tiền công nghiệp.Loài người chúng ta vẫn tự hào về năng lực nhìn ra ngoài những quan ngại tức thời và suy tưởng về những điều lớn lao. Trong khi những giống loài khác chỉ nghĩ tới tìm bạn tình, săn mồi hay xây tổ, thì chỉ con người suy tưởng về thời gian, khám phá không gian và cả vũ trụ. Nhưng chúng ta hóa ra đang có nguy cơ không chịu hiểu và không chịu tập trung vào những điều thực sự quan trọng.■ Tags: Môi trườngHệ sinh tháiĐa dạng sinh họcChích chòe thanĐại tuyệt chủngTài nguyên tái tạo
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.