Dân bóng đá nếu biết đọc thơ...

PHẠM XUÂN NGUYÊN 02/05/2010 19:05 GMT+7

TTCT - Bạo lực sân cỏ gần đây đang làm xấu đi hình ảnh của bóng đá và buồn lòng rất nhiều người hâm mộ. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là một trong số người hâm mộ này. Ông ước gì...

Phóng to
Pha tranh bóng quyết liệt nhưng không thô bạo trong trận Đà Nẵng (áo cam) thắng HAGL 3-0 - Ảnh: Sĩ Huyên

Dân bóng đá (huấn luyện viên, cầu thủ, lãnh đội, khán giả, trọng tài, bảo vệ sân... tất cả ai gắn bó và dính líu với trái bóng tròn) nếu biết đọc thơ...

...Thì họ đã biết các nhà thơ gọi những trận đá bóng là “bài thơ sân cỏ” và tôn vinh các cầu thủ trên sân là những “nhà thơ sân cỏ”. Họ sẽ sung sướng và tự hào cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Họ sẽ lâng lâng niềm vui mỗi khi bước ra sân cỏ, chạm chân vào bóng. Họ sẽ cảm ơn các nhà thơ đã biến một trò chơi chạy và sút thành một sự bay bổng sáng tạo. Quả đất sẽ ra sao nếu không có balê, thi ca và bóng đá? Một nhà thơ đã thốt lên như vậy, và ca ngợi cầu thủ: “Các anh đá - không hẳn là như vậy/ Các anh kiến tạo những-đường-thơ” (Cao Xuân Thái).

Dân bóng đá nếu biết đọc thơ...

...Thì họ biết mình đã, đang và sẽ là niềm mong đợi, ước ao, ngưỡng mộ của các thi nhân và người đời vì những biến hóa từ đôi chân của họ với quả bóng đưa đến bao cảm nghĩ về cuộc đời, nhân sinh và cái đẹp, khiến người xem cũng được thăng hoa theo những đường bóng vút bay. “Quả bóng buồn tênh qua chân các anh/ bay bay lên mà thành nghệ thuật/ và cú đá người đời không ưa/ các anh biến hóa ra cái đẹp” (Nguyễn Duy).

Hỡi ôi, người viết những dòng thơ nhìn ra “cú đá = cái đẹp” này đã rất đau buồn và bực tức khi liên tiếp mấy vòng đấu gần đây của V-League 2009-2010 phải chứng kiến cảnh bạo lực trên sân cỏ, khi các cầu thủ thay cái đẹp bằng cú đá. Và đau xót hơn cho nhà thơ, khi phóng viên băng ra tác nghiệp bấm máy ghi lại những hình ảnh xấu chơi và chơi xấu đó để rồi bị hành hung, tước máy, xóa hình lại là con trai ông, phóng viên ảnh Nguyễn Duy Bùi của báo Thể Thao 24h.

Năm 1982, trong không khí sôi sục của “mùa hè España”, Nguyễn Duy đã cảm hứng viết nên bài thơ Nhịp điệu bóng đá. Ông tin từ ngày đó: “quả bóng câm có tiếng nói rồi/ một ngôn ngữ tuyệt vời/ để ca ngợi/ con người/ và/ sự thật”. Để rồi kết thúc bài thơ, trong niềm hân hoan cổ vũ cho cái đẹp bóng đá và bóng đá đẹp, nhà thơ như đã linh cảm thấy quá trình tìm đến và đi theo cái đẹp trong bóng đá là gian lao, khó nhọc khi ở đây rất dễ “bỏ bóng đá người”:

những thi sĩ làm thơ bằng chân ơi
sáng tạo của các anh là tổng lực
nhịp điệu các anh đáng nhớ biết chừng nào
đá
đá
và đá...
đá quả bóng tròn
không đá nhau.

Dân bóng đá nếu biết đọc thơ...

...Thì họ hẳn đã biết giật mình xấu hổ khi thấy điều một nhà thơ lo ngại gần ba chục năm trước nay đang hiện hình, đang hoành hành, đang phá đi vẻ đẹp của bóng đá và làm chấn thương con người, cả thể xác lẫn tinh thần.

...Thì họ đã phải biết day dứt lương tâm khi lao vào triệt hạ nhau bằng những cú đá kinh người, gây sát thương nặng nề nghiêm trọng cho các cầu thủ cũng là người chơi như mình; đã phải chùn tay khi giật máy ảnh của phóng viên đang tác nghiệp và thô bạo hèn hạ xóa những hình ảnh làm chứng cho những hành động phản thể thao, phản thơ, phản nhân tính trên sân cỏ.

Dân bóng đá nếu biết đọc thơ...

...Thì họ đã không bóp méo vụ việc bằng bản báo cáo sai lạc.

...Thì họ đã không nhắm mắt làm ngơ xử phạt như không xử.

...Thì họ đã không biến V-League thành chốn ẩu đả.

Vì thơ, bài thơ trên giấy hay bài thơ sân cỏ, đều giúp con người thanh sạch tâm hồn và sống cao thượng, đẹp đẽ hơn.

Tôi không biết nhà thơ Nguyễn Duy đã nói gì với phóng viên Nguyễn Duy Bùi sau sự cố sân Thiên Trường. Tôi chắc ông vẫn cổ vũ con mình cầm chắc tay máy, không khoan nhượng trước mọi mưu toan và hành vi làm xấu sân cỏ, làm méo cầu thủ. Tôi chắc ông vẫn tin rồi dân bóng đá sẽ biết đọc thơ, và thơ ông biết không chỉ là ơ hờ ru ngủ mà còn phải đạp bàn quát tháo, lo toan như Chế Lan Viên từng nghĩ. Tôi chắc ông vẫn “cứ hết mình mà cuồng nhiệt say sưa” với bóng đá, nơi “thực chất vinh quang không thể dối lừa”.

Dân bóng đá nếu biết đọc thơ...

...Thì họ sẽ có một tình yêu đích thực - tình yêu bóng đá. “Giá em được yêu như bóng đá/một tình yêu anh cũng thèm thuồng”. Nguyễn Duy không buồn. Nguyễn Duy chỉ đau. Và tất cả ai yêu bóng đá và yêu thơ đều đau như nhà thơ những ngày này.

Dân bóng đá nếu biết đọc thơ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận