TTCT - “Nước đâu tắm, dưới chân là biển nhưng xác cá chết nổi lềnh bềnh, mùi hôi tanh bốc lên muốn né còn không được nữa. Mấy bà muốn tắm thì chịu khó chèo thúng ra xa bờ chút, nhảy xuống ngâm mình rồi lên”, ông Nguyễn Hữu Thành, một người dân sống trong vùng bão nói. Xác cá chết nằm la liệt dọc các con đường ven biển ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.-Ảnh: NAM TRẦN Tại xã Vạn Thạnh và thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đến ngày 7-11 vẫn chưa có điện và nước máy chưa cấp trở lại vì nhiều đường ống dẫn lớn bị vỡ. Thiếu nước, thiếu điện gây khốn khổ cho hơn 50.000 dân. Đặc biệt là các làng chài ven biển, nơi bị cơn bão số 12 tàn phá nặng nề với những mất mát không thể đong đếm. Trên con đường đổ nát ven bờ biển Vạn Giã, ông Huỳnh Mẫn lụi cụi dùng xe đạp thồ can nước 30 lít. Ông nói: “Phải chạy sâu vô trong đất liền, cách biển 5-7km xin nước giếng về nấu ăn. Mấy ngày nay mua nước đóng chai nấu ăn nhưng hết tiền rồi”. Ông Mẫn cho biết từ khi bão xảy ra, đã 4 ngày ông phải dùng nước đóng chai để uống và nấu ăn, nhưng mỗi người chỉ dám dùng 1 chai khoảng 1,5 lít. Hỏi chuyện tắm rửa, ông Mẫn gãi đầu: “Bão lũ mà, ăn uống chưa lo xong”. Ông nói thêm: “Cứ ra biển, nước sạch nước dơ gì cũng xuống nhúng mình cho đỡ ngứa ngáy mồ hôi, độ nửa ngày thấy khó chịu thì lại ra biển lựa luồng nước nào trong trong mà nhúng mình xuống. Nhiều người cũng làm vậy, từ người già, phụ nữ, con nít”. Sống trên bờ, thiếu nước như ông Mẫn vẫn còn may mắn. Có những bè cá neo ở Hòn Nung, Bãi Gạo, Bãi Bày Đặt, Đầm Môn trước bão và khi bão đến thì những bè cá này chỉ còn xác bè tan nát. Những người sống sót, bám lại phải chấp nhận hoàn cảnh khó khăn để giữ những gì sót lại trên biển. Bà Nguyễn Thị Loan (39 tuổi, quê Tuy Hòa, làm cá bè ở Bãi Gạo, huyện Vạn Ninh), sống cùng chồng trên bè từ trước đến khi bão đi qua, cho biết: “Tụi tui ăn mì sống, có tàu bè nào qua thì xin chai nước để dành uống”. Ông Nguyễn Hữu Thành (44 tuổi), chồng bà Loan, nói: “Nước đâu tắm, dưới chân là biển nhưng xác cá chết nổi lềnh bềnh, mùi hôi tanh bốc lên muốn né còn không được nữa. Mấy bà muốn tắm thì chịu khó chèo thúng ra xa bờ chút, nhảy xuống ngâm mình rồi lên”. Ông Nguyễn Công Bằng, chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, cho biết thị trấn còn mất nước sinh hoạt nhiều ngày. Đến khi hệ thống điện sửa xong mới có thể bơm nước ở một số khu vực xa biển. Sau khi có nước sinh hoạt sẽ xin UBND huyện Vạn Ninh điều xe cứu hỏa chở nước tiếp tế cho dân. “Tạm thời chúng tôi có hơn trăm cái giếng đào, cán bộ xã đang tổ chức tiêu độc, khử trùng rồi để bà con dùng can chở về dùng tạm” - ông Bằng nói. Ngày 7-11, ông Trần Văn Thẩm (56 tuổi, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết trong những ngày ngập lũ, gia đình ông phải mua nước đóng chai và hứng nước mưa uống tạm qua cơn lũ. Đến sáng 7-11, khi nước rút thì nước giếng đào đã bị đục ngầu. “Tuy nhiên, gia đình vẫn phải sử dụng để tắm rửa, giặt giũ. Dù sợ mắc bệnh nhưng không còn cách nào khác, vì mấy ngày này lũ vào không có nước để tắm giặt” - ông Thẩm kể. Ông Nguyễn Thanh Bình (trưởng thôn 10, xã Đại Cường) cho biết khi lũ vào kéo theo một lượng rác và bùn non khủng khiếp tấp vào địa bàn thôn. Khi nước vừa rút, thôn đã kêu gọi người dân dọn bùn non, vệ sinh môi trường sau lũ để giảm thiểu dịch bệnh. “Các giếng đào đều ngập nước lũ, chúng tôi yêu cầu người dân xúc rửa cho sạch, dùng thuốc tiêu độc khử trùng rồi mới uống” - ông Bình nói. Ông Trần Quốc Đạt, chủ tịch UBND xã Đại Cường, cho biết toàn xã có hơn 2.100 hộ dân thì chỉ có 50% dùng nước máy sinh hoạt, còn lại dùng giếng đào và giếng bơm. Bức thiết nhất bây giờ ở xã là nước sạch và thực phẩm. “Xã đã yêu cầu trạm y tế và ban nông nghiệp hỗ trợ thuốc tiêu trùng nguồn nước giếng bị lũ ngập vào. Một số thôn còn ngập sâu thì kiến nghị cấp trên hỗ trợ nước sạch, thực phẩm cho bà con dùng và dọn vệ sinh môi trường sau lũ để hạn chế dịch bệnh phát sinh” - ông Đạt nói. Ông Hồ Ngọc Mẫn, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho hay đã chỉ đạo trung tâm y tế huyện khẩn trương triển khai hỗ trợ người dân thuốc tiêu độc các giếng nước, bể nước sinh hoạt trên toàn huyện; trực chiến hỗ trợ người dân khi mắc phải những bệnh đường ruột do uống nước, ăn thực phẩm không đảm bảo. Ngoài ra, yêu cầu các lực lượng công an, quân đội, Đoàn thanh niên hỗ trợ các địa phương dọn dẹp vệ sinh sau lũ ở những nơi công cộng, trường học, làng xóm, không để phát sinh dịch bệnh do ô nhiễm” - ông Mẫn nói. Theo ông Đinh Văn Thu - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện nắm bắt tình hình lũ lụt, chủ động triển khai các giải pháp xử lý môi trường sau khi lũ rút, không để xảy ra ô nhiễm và dịch bệnh. Đồng thời xử lý tốt nguồn nước và xác động vật chết, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.■ Tags: Lũ lụtBão lũThiếu nước sạch
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".