Đang có cuộc đua tranh thông tin quyết liệt

LÊ KIÊN THỰC HIỆN 16/08/2010 19:08 GMT+7

TTCT - Trao đổi với TTCT bên hành lang Đại hội IX Hội Nhà báo VN, phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Phạm Quốc Toàn cho rằng trong cuộc đua tranh thông tin quyết liệt hiện nay, nhà báo VN gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn tin, tiếp cận người có trách nhiệm...

Phóng to
Các nhà báo đang tác nghiệp - Ảnh minh họa

* Theo ông, đâu là điểm nổi bật trong hoạt động báo chí năm năm vừa qua?

- Báo chí VN năm năm qua đã phát triển rất nhanh cả về chất và lượng. Chúng ta đang chứng kiến cuộc đua tranh thông tin rất quyết liệt mà ở đó báo nào chậm chân, thông tin lên chậm thì bạn đọc quay lưng lại. Trong thời đại bùng nổ thông tin, không thể giấu và cũng không nên giấu bất cứ điều gì, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia hoặc quá nhạy cảm về chính trị, kinh tế. Bởi mình không nói thì người khác cũng nói, báo chí VN không nói thì báo chí nước ngoài cũng nói. Nếu mình không kịp thời, không làm chủ được trận địa thông tin thì mình thua.

Đặc điểm đáng chú ý nữa là sự phân hóa giữa các cơ quan báo chí ngày càng sâu sắc. Những tờ báo có lượng độc giả đông đảo, không sống trong bao cấp mà sống bằng nghề là những tờ báo phát triển nhanh. Những tờ báo thiếu năng động, dựa vào bao cấp thì bị tụt lại. Sự hình thành tập đoàn báo chí gần đây tương đối rõ nét... Tôi cho rằng sự phân hóa sẽ ngày càng lớn.

* Sự phát triển đó đã đáp ứng mong đợi và nhu cầu hưởng thụ thông tin của bạn đọc chưa, thưa ông?

Báo chí nóng nhờ có sự kiện nóng
Bạn đọc không chờ thông tin một chiều
Diễn đàn của nhân dân, phương tiện phản biện xã hội tích cực
Đừng để bạn đọc thờ ơ
Quy chế phát ngôn làm không nghiêm, bạn đọc thiệt
Báo chí phải không ngừng đổi mới
Đề nghị lập đường dây nóng bảo vệ nhà báo

- Phát triển như vậy là nhanh nhưng chưa đồng đều, nên để đáp ứng được nhu cầu thông tin, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân thì vẫn còn một khoảng cách. Báo chí VN hiện vẫn tập trung ở khu vực đô thị, ở vùng sâu vùng xa, nơi đời sống khó khăn thì chưa nhiều, thậm chí có những nơi người dân không có báo để đọc.

Trong việc chuyển tải thông tin vẫn thấy sự trùng lặp giữa các báo. Bạn đọc nói chỉ cần đọc một, hai tờ báo là biết hết thông tin. Bản sắc mỗi tờ báo bị nhạt đi. Chúng ta đang thiếu những bài báo có chiều sâu, sắc sảo, phân tích, dự báo chính xác tình hình. Chất lượng thông tin trên báo cũng không đều, thông tin, phân tích trên báo chí về kinh tế chất lượng không cao.

* Sự giống nhau, đơn điệu đó là do tài nguyên thông tin trong xã hội nghèo nàn hay còn do có sự ngăn trở nào khác?

- Tôi nghĩ còn một lý do nữa là hiện nay báo chí rất khó lấy thông tin. Quy chế người phát ngôn bị nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện một cách hình thức, thực hiện cho có. Nên mới có thực trạng báo chí thiếu thông tin độc quyền, phóng viên báo A lấy được tin chia sẻ cho phóng viên các báo B, C...

* Nhiều nơi lợi dụng quy chế người phát ngôn để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Hội Nhà báo đã có hành động gì để buộc các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm quy chế này?

- Nhiều phóng viên, hội viên đã phản ảnh, đề nghị hội có ý kiến về việc này. Hội cũng đã nhiều lần có ý kiến bằng các hình thức khác nhau và gửi văn bản tới các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Nhưng quả thật chuyển biến chưa nhiều. Quy định hay nhưng trên thực tế diễn ra lại không hay. Có lẽ đây còn là vấn đề nhận thức.

* Vậy có nên đề nghị Thủ tướng sửa quy chế người phát ngôn theo hướng quy định thật cụ thể như người phát ngôn phải là người đứng đầu hoặc cấp phó thường trực của cơ quan, đơn vị và đưa ra chế tài rõ ràng đối với người vi phạm quy chế này không, thưa ông?

- Tôi nghĩ những quy định và chế tài cụ thể là rất cần. Để có một phát ngôn thông tin có chất lượng, người phát ngôn phải có thẩm quyền, nên là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, không nên là chánh, phó văn phòng. Cá nhân tôi mong rằng Chính phủ sẽ sớm tổng kết quy chế và sửa đổi theo hướng quy định rõ trách nhiệm, vị trí của người phát ngôn trong các cơ quan, đơn vị cũng như chế tài xử lý người có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin nhưng cố ý từ chối báo chí.

* Thời gian qua, nhiều nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp. Hội có biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo?

- Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, chính đáng của anh em làm báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội. Đáng tiếc là trong năm năm qua có tới gần 30 vụ hành hung nhà báo nhưng đến nay chưa xử lý rốt ráo được vụ nào, lại rất chậm chạp. Phóng viên báo Người Lao Động bị đánh ở Lạng Sơn, lúc đầu cơ quan công an ở Lạng Sơn nói là không khởi tố, khi công luận lên tiếng dữ dội thì họ khởi tố nhưng đến nay vẫn trong quá trình điều tra. Một nhà báo bị đánh ở trước cổng tòa soạn báo Khánh Hòa giữa thanh thiên bạch nhật, nay cũng chưa thấy tìm ra thủ phạm...

Những ví dụ trên cho thấy việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo là nhiệm vụ đang đặt ra rất bức xúc. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phải coi nhà báo khi tác nghiệp là thi hành công vụ và việc cản trở phải bị xử theo luật. Tại đại hội này có một số tham luận và trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác của hội chúng tôi cũng đề cập việc này.

Hội Nhà báo chủ trương sẽ có một ủy viên thường vụ chuyên trách và một tổ giúp việc chuyên môn về việc bảo vệ nhà báo. Chúng ta sẽ làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, thậm chí khi xảy ra vụ việc gì thì cán bộ của hội sẽ có mặt tại chỗ để tham gia giải quyết.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận