TTCT - Ngày 24-10, Citizenfour (*) - phim tài liệu đầu tiên về cựu điệp viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden - công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới. Laura Poitras - Ảnh: NewYorker ...Tôi sẽ không thể tha thứ cho bản thân, nếu tôi không bước chân lên máy bay để tìm gặp nhân vật của mình Laura Poitras Đây cũng là lần đầu tiên đạo diễn Laura Poitras, nhà làm phim tài liệu từng được đề cử Oscar và đoạt giải Pulitzer, tiết lộ mối liên hệ đặc biệt của mình với “người thổi còi” Edward Snowden hiện vẫn đang bị Chính phủ Mỹ truy nã. Hành trình nào đưa đẩy nhà làm phim 52 tuổi Laura Poitras, người dấn thân vào mảng phim tài liệu chính trị đầy cam go trong hơn một thập niên qua, trở thành người giúp đưa những bí mật tối cao của Chính phủ Mỹ ra ánh sáng công luận toàn cầu? 1. Một ngày đầu tháng 6-2013, Laura Poitras bước vào căn phòng chật chội tại khách sạn Mira ở Hong Kong. Bà đặt chiếc máy quay vào lòng, nhìn qua ống kính từ phía trên - một thói quen hành nghề được bà thiết lập từ những ngày đầu làm phim tài liệu vì “không muốn giấu mặt sau máy quay”. Trước ống kính của bà là một nhân vật mới chỉ gặp mặt vài phút trước đó. Trong tám ngày liên tục, bà ngồi nguyên ở vị trí này, ghi lại tổng cộng 20 giờ nội dung mà người đàn ông mang bí danh Citizen Four muốn gửi ra cho thế giới: Chính phủ Mỹ đang nhân danh an ninh quốc gia để vươn dài cánh tay giám sát của mình đến tận từng ngõ ngách nhỏ của cuộc sống riêng tư cá nhân, bất chấp hiến pháp quốc gia và luật lệ quốc tế. Ngày 5-6-2013, thông tin về những chương trình giám sát toàn cầu nổ tung trên tờ Guardian (Anh) và lan truyền chóng mặt trên mọi phương tiện truyền thông. Ngày 9-6, qua 12 phút ghi hình của Laura đăng trên trang web của Guardian, thế giới biết đến gương mặt Citizen Four với tên thật là Edward Snowden. Thế giới cũng được biết đến cuộc đào thoát đầy kịch tính của Edward từ Hong Kong sang Nga vào ngày 23-6, và những nỗ lực không thành của Chính phủ Mỹ trong việc yêu cầu dẫn độ anh về nước. Nhưng thế giới không biết nhiều đến Laura Poitras, người mà Edward Snowden chủ động liên lạc để giao trọn bí mật động trời mà anh thu thập ròng rã nhiều năm. 2. Trong một bức thư điện tử được mã hóa gửi đến Laura Poitras, Edward Snowden viết: “Bà hỏi vì sao tôi chọn bà? Tôi không chọn bà. Bà đã tự chọn mình (là người mà tôi muốn liên lạc)”. Edward đã theo dõi hành trình của Laura trong gần một thập niên qua, phục tài và nể khả năng bảo mật của nhà làm phim này. Xuất thân từ một gia đình bảo thủ và khá giả ở ngoại vi Boston, Laura Poitras chọn cho mình con đường tiếp cận với đời sống qua chiếc máy quay. Khi nước Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc chiến sau sự kiện 11-9, bà đã có một phim tài liệu khá thành công trong nước. Năm 2004, Laura đặt chân đến Iraq, bắt đầu hành trình quốc tế quan trọng trong sự nghiệp làm phim của mình. Vào thời điểm mà an toàn của giới báo chí đang ở mức thấp nhất, bà mang theo máy quay đến ở nhà một bác sĩ người Iraq trong suốt tám tháng, ghi lại chi tiết cuộc sống thường nhật của người dân địa phương trong thời Mỹ chiếm đóng. Sau Iraq là Yemen, nơi bà đưa hẳn chiếc máy quay phim cho một trong hai nhân vật chính gắn vào chiếc xe taxi mà người này lái, nhằm ghi hình tự nhiên và chân thật nhất những gì diễn ra hằng ngày. Không hiểu ngôn ngữ địa phương, nhưng Laura có bản năng đặc biệt của người nhìn thấu những tranh đấu sinh tồn và những đốm sáng hi vọng trong thực tại tăm tối. Bà thường nói: “Chiếc máy quay phim bản thân nó là một chứng nhân”. 3. Kết quả của những lựa chọn nghề nghiệp đó là thành công và lòng tôn trọng của giới làm phim Mỹ dành cho Laura Poitras. Năm 2006, phim tài liệu Đất nước tôi (My country, my country) về Iraq được đề cử giải Oscar cho hạng mục phim tài liệu. Năm 2010, phim tài liệu Lời thề (The oath) kể về số phận của hai công dân Yemen trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ đoạt giải hình ảnh xuất sắc của dòng phim tài liệu tại liên quan phim độc lập danh tiếng Sundance. Nhưng Laura không dừng lại ở đó. Đất nước tôi và Lời thề nằm trong kế hoạch dài hạn xây dựng bộ ba (trilogy) phim tài liệu về hệ quả của chính sách Mỹ sau ngày 11-9. Với phim tài liệu thứ ba, được phôi thai từ năm 2012, Laura Poitras dự kiến sẽ đề cập các chương trình giám sát của Chính phủ Mỹ và quan điểm của những người chống lại chúng. Bản thân nữ đạo diễn không xa lạ gì với những “biện pháp an ninh” mà nhà chức trách Mỹ tiến hành nhân danh an ninh quốc gia. Năm 2006, sau thời điểm phim Đất nước tôi được công chiếu, bà trở thành đối tượng bị theo dõi sát sao. Bà cho biết từng bị tạm giữ và thẩm vấn khoảng 40 lần kể từ đó, từng bị thu giữ máy tính, máy quay, thậm chí bị tước quyền ghi chép khi bị tạm giữ để thẩm vấn. Sự căng thẳng mà nhà chức trách gây ra cho Laura chính là lý do khiến bà quyết định chuyển hẳn sang sống tại Berlin vào mùa thu năm 2012. Ban đầu, bà phỏng vấn và ghi hình chủ bút của trang web WikiLeaks Julian Assange tại Anh, cùng một số cá nhân khác đang hoạt động nhiều nơi trên thế giới. Khung sườn bộ phim đã dần dần hình thành, những câu chuyện của các cá nhân trong tầm ngắm theo dõi của Chính phủ Mỹ cũng gần đủ độ tròn đầy. Vào đúng thời điểm đó, tháng 1-2013, bà nhận được lá thư được mã hóa đầu tiên từ một người nặc danh tự xưng là Citizen Four. E ngại bị “gài bẫy”, Laura hành xử thận trọng trong những trao đổi đầu tiên. Nhưng những lá thư ngày càng cuốn bà vào nguồn tin ngồn ngộn của Citizen Four. Bà nhớ lại: “Tôi bị thu hút từ mọi hướng - cả cảm xúc lẫn tâm lý, tôi nghĩ liên miên về những điều trao đổi qua thư”. Không chỉ vì số lượng thông tin quan trọng mà bà được tiếp cận, trong quá trình trao đổi thư, Laura Poitras còn nhận ra điều quan trọng hơn: người tiếp cận với bà là một cá nhân sẵn sàng lộ diện, hi sinh an toàn của bản thân vì một mục tiêu cao cả hơn - bảo vệ quyền tự do của mỗi con người trước quyền lực không biên giới của một chính phủ. Ý thức sâu sắc rằng mình đang tham gia vào một dự án đầy rủi ro, bà vẫn đề nghị được gặp trực tiếp để phỏng vấn nhân vật của mình. Tháng 5-2013, bà bay đến New York, rồi nối tiếp chuyến bay đến Hong Kong theo đề nghị của Citizen Four. Trả lời phỏng vấn của tờ Vogue số tháng 10-2014, Laura Poitras nói: “Tôi nhận ra rằng tôi sẽ không thể tha thứ cho bản thân nếu tôi không bước chân lên máy bay để tìm gặp nhân vật của mình”. 4. Sau cuộc làm việc tại khách sạn Hong Kong, Edward Snowden xuất hiện công khai trên nhiều phương tiện truyền thông khác. Còn Laura chọn cách ẩn mình, lặng lẽ sửa lại kịch bản đã biến đổi hình hài từ những thước phim mà bà quay được tại khách sạn Mira. Những gì diễn ra trong căn phòng khách sạn Mira vào tháng 6-2013 trở thành tâm điểm của phim tài liệu Citizenfour. Tại studio ở thủ đô Berlin (Đức), bà cùng nhóm cộng sự làm việc trên những máy tính được mã hóa tối đa, dùng những mật mã dài lê thê để bảo đảm tính bảo mật của những thông tin sẽ ra mắt trong phim. Đầu tháng 10-2014, khi lần đầu tiên giới thiệu đầy đủ Citizenfour cho một nhóm phóng viên chọn lọc đến từ nhiều nơi trên thế giới, Laura Poitras vẫn thực hiện tất cả những động thái an ninh cần thiết để bảo đảm nội dung phim không lọt ra ngoài trước ngày công chiếu. 5. Katy Scoggin, nhà sản xuất phim Citizenfour, bình luận với tờ The Newyoker: “Ở Laura toát lên nhu cầu khẩn thiết được làm người kể chuyện... Bà không phải là loại người gào to lên việc mình làm, nhưng những gì bà thực hiện luôn chứa đầy nội lực và quyết tâm”. Cuộc gặp gỡ với Edward Snowden giúp đạo diễn Laura Poitras xâu chuỗi một cách hệ thống những câu chuyện bà thu thập trong thời gian trước đó, để bức tranh về những chương trình giám sát toàn cầu hiện lên rõ ràng và thuyết phục hơn. Nếu như trước đó, thông tin về các chương trình này được liệt vào loại “thuyết âm mưu” không đáng tin, thì Edward Snowden, bằng việc tiết lộ danh tính và hi sinh an toàn bản thân để đánh động công luận, đã xóa tan những nghi ngờ đó. Vào giai đoạn cuối cùng của quá trình biên tập, sau nhiều đắn đo, Laura Poitras quyết định đưa tiếng nói của mình vào phim bằng việc tự đọc lại những lá thư điện tử mà hai người trao đổi trong sáu tháng đầu năm 2013. Từ người làm phim, bà đã chọn cách làm người đồng kể chuyện cùng nhân vật của mình. Với lựa chọn này, Laura Poitras trở thành một trong những “người thổi còi” của thời đại công nghệ thông tin, thể hiện sự phản kháng của người dân có lương tri đối với quyền lực công đi ngược lại quyền lợi của con người. Tố chất kín đáo trong nghề nghiệp của Laura đã giúp bà tiếp tục tiếp cận được với những nguồn tin cấp cao sau Edward Snowden. Cho đến thời điểm dựng phim, dù tư liệu đầy ắp, bà vẫn chọn cách bảo vệ những nguồn tin mới của mình bằng các thủ pháp xóa danh tính triệt để. Dù vậy, Citizenfour vẫn sẽ là quả bom thông tin mới, trong đó Laura Poitras công bố “danh sách quản lý” - danh sách 1,2 triệu công dân Mỹ bị theo dõi vì có âm mưu khủng bố hoặc có khả năng gây nguy hại cho an ninh quốc gia - và những chi tiết của quyết định đánh bom bằng máy bay tự động (drone strikes) do Nhà Trắng phê chuẩn. (*): Citizenfour là tên mà Edward Snowden tự đặt cho mình khi liên lạc với Laura Poitras, là một cách chơi chữ từ cụm từ Fourth Estate (quyền lực thứ tư - chỉ giới báo chí) ngầm ý công dân cũng có quyền lực kiểm soát các quyền lực khác, trong đó có chính phủ. Tags: Phim tài liệu
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm, vùng núi cao dưới 10 độ C CHÍ TUỆ 23/11/2024 Dự báo từ đêm 26-11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi rét đậm với nhiệt độ phổ biến 16-18 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.