TTCT - Họ đã từng vướng vào con đường ma túy, tù tội. Có người vùng vẫy gần hết cuộc đời mà không thoát ra khỏi nỗi đau ấy. Khi phát hiện đảo Hòn Cò ở vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh), họ dắt nhau đến lập nghiệp làm lại cuộc đời.

Phóng to
Những chiếc bè nuôi tu hài ở đảo Hòn Cò là nơi nhiều người tìm lại ý nghĩa cuộc sống - Ảnh: Ngọc Nga

Dưới cái lạnh căm của vịnh Bái Tử Long, trên chiếc bè của gia đình ông bà Trần Văn Kiếm và Nguyễn Thị Yến vang lên tiếng cười trẻ nhỏ nô đùa trước hiên cùng mấy chú chó con. Nhấp ngụm trà nóng, ông Kiếm bùi ngùi: “Chỉ mới cách đây năm năm thôi, vợ chồng tui không dám mơ đến cảnh nhà được đầm ấm thế này đâu”.

Rủ nhau làm lại cuộc đời

“Tuy còn khó khăn về vốn và kỹ thuật, nhưng những cư dân ở đảo Hòn Cò thuộc CLB Vạn Hoa đang phát triển nghề nuôi tu hài rất tốt. Họ đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống mới và tích cực làm kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội. Mô hình này của CLB Vạn Hoa đã giúp những con người một thời lầm lỡ quay về nẻo thiện”.

Ông Kiếm là bộ đội, bà Yến là giáo viên tiểu học. Cảnh nhà yên ấm cho đến khi cậu con trai út Trần Văn Hưng rơi vào con đường nghiện ngập. Hưng cai nghiện trở về thì phát hiện nhiễm HIV, đôi vợ chồng già đau đớn nhìn con trai suy sụp tinh thần mà không biết phải làm gì. Khi mọi người trong Câu lạc bộ (CLB) Vạn Hoa rủ nhau ra đảo Hòn Cò làm lại cuộc đời, ông bà động viên con trai ra đó.

Để tạo chỗ dựa cho con trai, ông bà đóng cửa căn nhà bình yên ở đất liền. Ở tuổi nghỉ hưu, giờ ông bà lại ra sông nước cùng con đóng bè, nuôi thả tu hài. Gió, sóng, dông bão ở đây không làm ông bà sợ bằng “cơn bão trắng” đã quét qua gia đình mình ở đất liền.

Không phụ lòng cha mẹ già, anh Hưng chí thú làm ăn. Bây giờ cơ ngơi của gia đình ông Kiếm trị giá đến hàng tỉ đồng. Anh Hưng ngày ngày nuôi tu hài, đi đánh cá và kiên trì điều trị. Đứa con và vợ anh may mắn không nhiễm HIV. “Giờ y học phát triển, biết đâu tui chờ đến được ngày đó. Mình quay đầu lại nên trời chẳng triệt đường sống đâu” - anh Hưng hi vọng.

Phóng to

Không quản ngại tuổi già, ông Trần Văn Kiếm đến đảo Hòn Cò giúp con trai làm lại cuộc đời - Ảnh: Ngọc Nga

Gia đình ông Kiếm cũng như những hộ gia đình ở đây đều có người thân là thành viên của CLB Vạn Hoa thuộc dự án can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại Vân Đồn, Quảng Ninh của Tổ chức Sức khỏe gia đình thế giới. Họ đều một thời vướng vào ma túy.

“Nhiều người cai rồi lại tái nghiện vì không có công ăn việc làm ổn định, lại bị cộng đồng xa lánh” - ông Hoàng Văn Liêm, chủ nhiệm CLB, nhớ lại. Cho đến một ngày năm 2006, anh Châu Ngọc Long - một thành viên của CLB - phát hiện vùng nước quanh đảo Hòn Cò.

Vướng vào ma túy, bao nhiêu năm vợ anh Long khóc cạn nước mắt khi chồng tái nghiện hết lần này đến lượt khác. Ra trại, anh Long trở về với hai bàn tay trắng lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ, vợ một đàng con một nẻo. Anh dong thuyền ra biển nuôi tu hài để tìm lối thoát vì không chịu được ánh mắt kỳ thị của mọi người trong đất liền. Nhưng đến vùng nước nào vừa cắm bè là anh bị người ta xua đuổi, xa lánh. Buồn quá, anh nhổ bè về lại đất liền với ý nghĩ buông xuôi cuộc đời.

Khi đi qua đảo Hòn Cò, thuyền anh Long chết máy. Anh phải nhờ anh em trong CLB giúp sức. Mọi người ra kéo thuyền thấy vùng nước quanh đảo rất thích hợp cho việc nuôi tu hài nên bàn với anh Long cắm bè ở ngay đảo Hòn Cò nuôi thử một vụ xem sao. Mọi người giúp anh cắm bè ở đó rồi vào tận Nha Trang mua con giống. Vợ con nghe tin anh quyết tâm làm lại cuộc đời cũng trở về động viên anh vượt qua khó khăn. Cả gia đình dốc sức và niềm hi vọng đặt vào những chiếc bè nuôi tu hài ở đảo Hòn Cò.

Hơn một năm sau, vụ tu hài đầu tiên của gia đình anh Long bội thu. Anh em trong CLB kéo đến chung vui và bàn nhau xin chính quyền cấp diện tích mặt nước xung quanh đảo Hòn Cò để nuôi trồng hải sản. Chính quyền đồng ý, bảy gia đình đầu tiên ra đảo cắm bè nuôi tu hài.

“Sau những trận bão tu hài chết, thiếu vốn mua giống... chúng tôi chán nản muốn bỏ về. Nhưng nghĩ đến việc người ta khi đi thuyền không dám qua khu vực chúng tôi nên anh em động viên nhau phải lao động hết mình, làm lại cuộc đời để mọi người hiểu chúng tôi đang quay đầu về nẻo thiện” - anh Nguyễn Xuân Tính, một trong những người đầu tiên ra đảo, nhớ lại.

Phóng to

Từng nghĩ đời mình “không có gì buồn bằng”, nay anh Mạnh đã tìm lại nụ cười trên đảo Hòn Cò - Ảnh: Ngọc Nga

Tình người vượt bão dông

Ở Hòn Cò, đàn ông đều nói về vợ mình với lòng biết ơn bởi chính tình thương của các chị đã giúp các anh nhận ra mình cần phải sống có ý nghĩa hơn. Phụ nữ ở đây đều chấp nhận rời xa những gì thân thuộc tại đất liền để ra đảo làm chỗ dựa cho chồng.

Gần 60 tuổi, ông Bùi Huy Đông mất hơn mấy chục năm đắm chìm trong ma túy. Chỉ đến khi nhận ra vợ đã quá cơ cực vì mình ông mới quyết định ra đảo Hòn Cò để “làm tất cả những ngày còn lại mà bù đắp cho vợ con”. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Yến, ứa nước mắt vui mừng mỗi khi nhớ lại quyết định của chồng. Bà theo chồng ra đảo với chỉ 2 triệu đồng tiền vốn vay được. Vụ đầu tiên tu hài chết hết, ông nản chí bỏ về đất liền, bà về động viên ông trở lại đảo.

“Mình thuận vợ thuận chồng, việc gì mà chẳng làm được” - ông Đông nhớ lại những lời vợ động viên. Trời không phụ lòng người, bây giờ vợ chồng ông đã có hàng ngàn lồng nuôi tu hài với thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Từ bảy hộ gia đình đầu tiên, đến nay “làng tu hài” đã có 19 gia đình làm cư dân của Hòn Cò. “Mỗi khi có người ra đảo là anh em chúng tôi sẵn sàng cắt một phần diện tích mình có được cho người đó. Rồi mọi người bơi thuyền mủng đến xúm tay kết bè, thả lồng. Cùng cảnh nên chẳng hề có tranh chấp, hiềm khích gì nhau” - anh Trần Dân Mạnh, một cư dân trên đảo, tâm sự.

Vợ mất, nhiễm HIV, anh Mạnh từng nghĩ đời mình “chẳng còn gì buồn bằng”. Sau những ngày chán chường tuyệt vọng, anh ra đảo Hòn Cò nhờ sự động viên của anh em trong CLB. Ngày ra đảo mọi người đều xúm lại giúp anh thả lồng, rồi hướng dẫn kỹ thuật nuôi tu hài. Sống một mình nhưng chính nơi đây anh Mạnh không còn cảm thấy cô đơn nữa, sức khỏe cũng được cải thiện rất nhiều.

“Tối nào anh em cũng bơi mủng tụ tập ở một nhà nào đó nhâm nhi ấm trà kể chuyện tiếu lâm. Có hôm gặp nhau chẳng muốn về. Ở đây chẳng sợ mất cắp vì mọi người trông coi lẫn nhau” - anh Mạnh kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Những ngày dông bão, mọi người ở Hòn Cò kéo bè neo vào nhau để chống chọi với những con sóng dữ. Ở nơi đây mùa biển động mọi người gọi điện cho nhau thường xuyên hơn để xem có cần giúp đỡ gì không.

Mỗi khi một bè nào bị gió giật phăng, lập tức mọi người đều gọi nhau lặn xuống biển neo lại. Lúc lạnh quá còn nhường nhau chén nước mắm uống cho ấm người. Có khi bão kéo dài mấy ngày không vào được đất liền để mua lương thực, mọi người tập trung lại một nơi chia nhau gói mì, chai nước, cầm cự cho qua dông bão.

Tình người đã giúp cư dân ở Hòn Cò vượt qua những khắc nghiệt của biển khơi để bám trụ lại nơi đây. Nhưng điều quan trọng nhất là họ đã giúp nhau vượt qua được “cơn bão trắng” từng quét qua cuộc đời mình. Để hôm nay người dân địa phương không còn phải cho thuyền chạy xa khỏi đảo Hòn Cò nữa mà còn xin tới học hỏi kinh nghiệm nuôi tu hài của cư dân nơi đây. Và CLB nuôi trồng thủy sản vừa được thành lập vào đầu tháng 3.

“Người dân địa phương giờ không còn kỳ thị nữa mà đăng ký vào CLB để học hỏi kinh nghiệm rất nhiều” - ông Liêm chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận