Đảo "lên đồng"

BINH NGUYÊN 05/02/2008 21:02 GMT+7

TTCT - Sau khi ngăn sông Đà làm thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), những đỉnh núi đã trở thành những hòn đảo trong khu vực lòng hồ. Trong một buổi chiều tà, chúng tôi ghé thuyền vào một hòn đảo nơi có đền thờ bà chúa Thác Bờ linh thiêng...

Phóng to
Đồng đang lên trong thân xác cô Liên
TTCT - Sau khi ngăn sông Đà làm thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), những đỉnh núi đã trở thành những hòn đảo trong khu vực lòng hồ. Trong một buổi chiều tà, chúng tôi ghé thuyền vào một hòn đảo nơi có đền thờ bà chúa Thác Bờ linh thiêng...

Truyền thuyết kể rằng khi vua Lê Lợi đưa quân lên Tây Bắc dẹp loạn cát cứ Đèo Cát Hãn, có hai người đàn bà người Mường và người Dao ở Thung Nai và Vầy Nưa đứng ra giúp vua chế ngự dòng thác Bờ hung hãn để vua quan ngược sông Đà lên vùng cao dẹp loạn. Năm 1432, vua Lê Lợi đã cho khắc vào vách đá về huyền tích lên non dẹp loạn của Người. Từ đó dân quanh vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn hai người đàn bà vùng sơn cước này và gọi đó là đền thờ bà chúa Thác Bờ. Đền thờ bà chúa người Mường nằm bên bờ trái sông Đà, thuộc xã Thung Nai, huyện Cao Phong; còn đền thờ bà chúa người Dao lại nằm trên bờ phải thuộc Vầy Nưa, Đà Bắc.

Chúng tôi vào đền bà chúa nằm trên một quả đồi bên Hang Thầu, Vầy Nưa. Khung cảnh thật cô tịch và huyền bí. Hôm nay chưa phải là ngày 7 tháng giêng âm lịch - ngày lễ hội cúng đền, nhưng cô bán hàng trước sân đền gợi ý ngay: “Các bác muốn phát lộc cung văn thế trụ à? Làm mấy giá đồng đời lên như diều ấy ngay thôi mà”. Một người đàn ông đã luống tuổi đi vào lắc đầu: “Muộn rồi, cậu đồng Khoa vừa xuống thuyền về rồi, không tiếp khách nữa”.

Phóng to
Đền thờ bà chúa Thác Bờ
Một cô cháu gái ông chủ nhang mời chúng tôi nghỉ lại qua đêm với dịch vụ “khép kín” để ngày mai gặp các cô cậu đồng xin lộc, nhưng người dẫn đường nói khẽ: “Chúng ta sang bên bờ trái đi, cũng có đền bà chúa”.

Trời đã tắt nắng, đền bà chúa phía tả ngạn hiện ra trong đêm như một pháo đài to lớn ven sông, mà nhiều người gọi đó là Sơn Trang động. Ông chủ nhang đền này khó tính lắm, vì đã có lần ông cấm cửa một đoàn khách từ Hà Nội lên vì “dám” sang viếng đền Vầy Nưa trước. Ai cúng vào hòm công đức 50.000 đồng thì ông viết tên và địa chỉ khách là “xóm Hà Nội” chứ không ghi là “thủ đô Hà Nội” và phán rằng: “Keo kiệt thế thì chỉ là xóm thôi, nếu bỏ vào 100.000 đồng mới được ghi thủ đô!”.

Cuộc ngã giá lên đồng kéo dài đến gần nửa giờ và ông chủ nhang quyết định ban cho chúng tôi ba giá đồng. Ông bảo: “Tôi sẽ mời cô đồng Liên sang hầu ba giá đồng ông Hoàng Mười, quan tam phủ và bà chúa Thượng Ngàn cho mấy chú trong miền Nam ra lấy lộc vậy, và ba giá đồng phải tầm chục triệu mới mong nhận lộc...”.

Phải công nhận cô đồng Liên là người lên đồng có hạng của đền bà chúa Thác Bờ này. Trong vai ông Hoàng Mười, cô vừa rít thuốc lá vừa trừng mắt và múa kiếm ra dáng văn võ song toàn; khi cô chuyển sang cốt bà chúa Thượng Ngàn thì điệu đàng không kém với những màn xịt dầu thơm, lấy quạt che mặt và uốn lượn trong ánh lửa với cặp mắt của cõi trên. Nhưng khi vào vai quan tam phủ thì uy nghi cứng cỏi... Trong ánh nến lung linh, trong tiếng nhạc chập cheng, những tờ tiền phát lộc được cô đồng tung ra như mưa...

Ông chủ nhang rất tự hào cho chúng tôi biết ngôi đền này được xây dựng gần 4 tỉ đồng từ tiền công đức của bá tánh thập phương và là ngôi đền chính hiệu duy nhất vùng lòng hồ. Ông luôn phê phán chủ nhang đền bà chúa bên kia sông là đền “giả hiệu”, đền “đồng cô lính phạt”. Cứ đến mùa lễ hội là hai đền đều có những cuộc tranh nhau giá đồng quyết liệt từ sáng đến tối. Không phải ai cũng mua được giá đồng chính nên phải tổ chức “đấu giá”. Mới mùa lễ năm ngoái, bà T. - một mệnh phụ phu nhân từ Hà Nội - lên đặt nguyên cung hầu chính đến 40 triệu đồng, đó là chưa kể bà T. còn đưa lên cả một con thuyền chất đầy lễ vật, mà chỉ riêng tiền thuê phu khuân vác từ thuyền lên đền đã mất hơn triệu đồng.

Anh Giang - người lái thuyền trên lòng hồ Hòa Bình - kể: “Bà chúa Thác Bờ ngày xưa linh thiêng lắm, nhưng bây giờ chỉ thiêng với người giàu, có chức có quyền và dân đề đóm, cá độ bóng đá. Có lúc cả bến thuyền Bích Hạ ken dày hàng trăm thuyền bè chở người giàu, người có thế lực dưới xuôi lên xin giá đồng, không đủ thuyền phải huy động cả thuyền chở cát, chở ngô đưa người lên chật kín cả đền. Người nghèo làm nghề chèo đò, đánh cá trên sông Đà không có tiền vào xin lễ, xin lộc, đành phải đứng dưới thuyền vái vọng vào, trông thật đáng thương...”.

Những người dân khu vực hạ lưu lòng hồ Hòa Bình đều có thể kể tên rành rọt bà L. - phu nhân một quan chức cao cấp ở trung ương, ông S. cán bộ cao cấp, ông N. tổng biên tập báo, ông K. tổng giám đốc, cũng như những ông trùm đề đóm, cá độ bóng đá... là khách thường xuyên của những giá đồng bạc triệu này. “Mà cách họ xin lộc cũng lạ lắm, chỉ xin tiền, quyền và giữ ghế cho họ, rất khác với bà con từ xưa tới nay chỉ xin được đủ ăn đủ mặc và thuyền yên gió lặng khi đi trên dòng sông bao la này. Đi xin giá đồng đền bà chúa Thác Bờ đang là mốt của các quan chức dưới xuôi đấy, các anh ạ” - Giang nói.

Cô đồng Liên đã thôi uốn éo trong ánh nến lung linh huyền ảo và luôn miệng nhắc đến tên của những vị khách dưới xuôi lên bỏ hàng chục, hàng trăm triệu đồng ra cho những giá đồng. Những ngọn gió sông thổi lên đền lạnh buốt, chúng tôi không biết bà chúa đã chấp nhận lễ vật nhỏ bé của chúng tôi chưa? Dòng nước như đang trôi giữa hai bờ hư ảo, trong đền là khói nhang đồng cốt, còn ngoài kia đang lập lòe ánh đuốc của những con thuyền ngư dân nghèo xơ xác đang mưu sinh trong đêm tối.

“Đi để mang về...”

Phóng to
Binh Nguyên với những hành trình xa
Với tôi, 20 năm làm báo là 20 năm của những chuyến đi xa đến những miền đất lạ. Nó như món nợ đeo vào đôi chân. Những chuyến đi đã mang lại bao tầm nhìn mới, bạn bè mới và niềm vui mới. Trở về sau những chuyến đi xa, niềm vui lớn nhất không phải là bài phóng sự được đăng mà là hồi âm của bạn bè, bạn đọc.

Nhiều người hỏi: “Vì sao lại cứ thích đi xa nhà?”. Và đây là câu trả lời: viết phóng sự là nghề, xê dịch là nghiệp, không thể khác hơn. Tôi như người kể chuyện, hầu chuyện bạn đọc. Đó cũng là công việc phải làm của những anh em trong ban phóng sự - ký sự của báo Tuổi Trẻ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận