Đất khổ lưu lạc 35 năm

NGUYỄN TRƯỜNG UY 05/04/2008 18:04 GMT+7

TTCT - Đất khổ là bộ phim có số phận hẩm hiu với hơn 35 năm nằm trong kho sau khi chỉ công chiếu được hai suất rồi bị cấm. Với Trịnh Công Sơn, vai diễn trong Đất khổ cũng là vai diễn duy nhất trong điện ảnh của ông mà ông mãi mãi không biết được số phận của vai diễn ra sao.

Phóng to
Một cảnh trong phim Đất khổ
TTCT - Đất khổ là bộ phim có số phận hẩm hiu với hơn 35 năm nằm trong kho sau khi chỉ công chiếu được hai suất rồi bị cấm. Với Trịnh Công Sơn, vai diễn trong Đất khổ cũng là vai diễn duy nhất trong điện ảnh của ông mà ông mãi mãi không biết được số phận của vai diễn ra sao.

Đất khổ khởi quay năm 1971, mở đầu bằng hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Quân ôm đàn guitar trở về đất Huế quê hương trên con đường cái quan đầy khói lửa. Từ đó, thân phận đất nước trong một giai đoạn chiến tranh được phản ánh qua nhân vật Trịnh Quân và gia đình anh. Trịnh Công Sơn đóng vai Trịnh Quân, nhân vật dường như là chân dung thật của ông vào thời gian đó. Nhạc sĩ họ Trịnh được miêu tả qua nhân vật Trịnh Quân hết xuống đường rồi viết nhạc tranh đấu, sáng tác những bài hát về ước mơ hòa bình và thân phận người dân trong chiến tranh.

Đạo diễn Hà Thúc Cần mời Trịnh Công Sơn vào vai chính trong Đất khổ cũng là để anh không cần hóa thân mà thể hiện chính mình, tái hiện một phần đời của mình, đồng thời thông qua một vai diễn đặc biệt của một nhạc sĩ đặc biệt để phát đi thông điệp phản chiến và mong mỏi hòa bình.

Trong phim, gia đình Trịnh Quân là hình ảnh thu nhỏ của đất nước thời ấy với người mẹ góa lo toan cho cả gia đình, gắn chặt những đứa con lại với nhau, dù mỗi đứa theo mỗi con đường khác nhau.

Đất khổ tràn ngập không khí phản chiến, từ lúc mở đầu phim với phong trào đấu tranh của Phật giáo, phong trào xuống đường của sinh viên, phim phơi bày những mất mát, khổ đau mà người dân phải gánh chịu. Nhà văn Sơn Nam, nghệ sĩ Kim Cương, mỗi người một vai rất ngắn trong phim nhưng thể hiện rõ thân phận khổ đau của người dân thời chiến: một nhà báo chán ghét chiến tranh, một người mẹ có con thơ chết vì đạn lạc.

Tính phản chiến càng thể hiện rõ qua nhân vật Tim (do Jerry Liles đóng) - một người lính Mỹ rời hàng ngũ vì thấy mình cầm súng vô nghĩa. Đất khổ là tiếng thở dài của giới trẻ cũng như người dân yêu nước, như Trịnh Quân nói với Diễm: “Chúng ta đang sống trong chiến tranh. Chiến tranh ảnh hưởng đến đời sống của mọi người”. Và Trịnh Quân đã chọn con đường dấn thân. Đất khổ dựng lại một hoạt động dấn thân thời ấy của Trịnh Công Sơn là xuống đường cùng thanh niên - sinh viên hát nhạc phản chiến.

Cũng chính vì tính phản chiến nên Đất khổ đã có một số phận không suôn sẻ. Chính quyền Sài Gòn lúc đó đã cấm chiếu Đất khổ khi bộ phim chỉ mới chiếu ra mắt được hai suất.

Đất khổ gần như bị quên lãng trong xó hầm nhà của ông George Washnis, một nhà đầu tư Mỹ của phim. Sau đó, George Washnis rời Việt Nam với một ấn bản của phim. Vào năm 1996, George Washnis liên lạc với Viện Phim ảnh Mỹ ở Washington nhờ phổ biến bộ phim này. Đất khổ được chiếu lại lần đầu tiên ở rạp của Viện Phim ảnh Mỹ sau 23 năm nằm trong hộp đựng phim có niêm dán kín, nhưng chỉ với rất ít khán giả tham dự.

Đến tháng 11-1996, bộ phim được xem là chính thức ra mắt khán giả Việt Nam ở vùng Washington trong chương trình phim Việt Nam của Liên hoan phim Mỹ - Á năm thứ 15 tại Trường đại học George Mason và Trường đại học Maryland. Sau đó phim được đi trình chiếu ở một số nơi tại Mỹ. Từ đó, Đất khổ bắt đầu được nhiều người Việt tại Mỹ biết tới.

Vào tháng 5-2007, George Washnis, qua Công ty phát hành Remis, đã cho ra mắt Đất khổ dưới dạng DVD, thêm tựa đề tiếng Anh Land of sorrows và làm phụ đề tiếng Anh cho phim. Khi DVD Đất khổ được phát hành trên mạng Amazon và Customflix cũng là lúc số phận hẩm hiu của phim được mọi người biết tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận