Đâu cần phải đọc chép!

PHÚC ĐIỀN 24/08/2009 16:08 GMT+7

TTCT - Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là những lý thuyết kinh điển xa xôi. Đơn giản, chỉ là thầy cô biết cách đời thường hóa, đơn giản hóa những khái niệm, kiến thức, câu chữ mênh mông trong sách giáo khoa, khơi gợi sự sáng tạo, khiến HS yêu thích, say mê môn học của mình.

Phóng to
Giờ thực hành môn hóa của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Trong giờ học sóng, thủy triều, dòng biển (địa lý lớp 10) ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM). Cả lớp được xem một đoạn phim về sóng thần hung dữ nuốt chửng con người, cuốn trôi nhà cửa; một đoạn phim về cảnh ngập úng những ngày triều cường, đường phố biến thành sông. Cô giáo đặt câu hỏi: vì sao đường ngập? Học sinh trả lời đúng có sai có, cô gút ý thành nội dung bài học thủy triều. Giờ học địa lý được lồng ghép thêm phần giáo dục thiên tai khi cô nói cách phát hiện sóng thần, làm sao đến trường những ngày triều cường...

Ở bài học về đất đai, học sinh không chỉ được xem mẫu vật mà có cả hình ảnh các loại cây trồng ứng với từng loại đất được chiếu lên màn hình. Những biểu đồ, số liệu với giáo án điện tử rèn kỹ năng phân tích số liệu trong từng giờ học môn địa lý.

Với môn giáo dục công dân, ở những bài học về pháp luật, học sinh được xem một đoạn phim về hành vi vi phạm luật giao thông, cảnh cưỡng chế khu nhà xây dựng trái phép. Những căn nhà xây kiên cố đổ sập xuống và nhiều tình huống pháp luật được đặt ra, thầy trò cùng thảo luận: cưỡng chế đúng hay sai, vì sao phải cưỡng chế?

Một giờ học khác, khi giới thiệu với học sinh một đoạn phim cùng nhiều hình ảnh tự mình chụp về công trình thủy điện sông Đà, cô giáo Vũ Thị Bích Thúy kể cho học trò nghe về những cái chết, những tai nạn ở công trình này. Đó là minh họa đầy cảm xúc cho bài giảng triết học nội dung “con người có khả năng cải tạo thế giới”.

Trên đây là những ví dụ cho hàng ngàn tiết giảng trực quan sinh động với giáo án điện tử tại Trường THPT Bùi Thị Xuân từ năm 2001 đến nay. Nhiều giáo viên trường này từ lúc chưa rành công nghệ thông tin nay đã thành “chuyên gia’’ trong khâu xử lý phim, ảnh, số liệu với máy tính. Tư liệu giảng dạy của mỗi giáo viên được góp dần vào kho tư liệu chung của bộ môn đang cập nhật từng ngày.

Ở đó, những hình ảnh sinh động từ cuộc sống giúp học sinh nhớ nhiều hơn những chữ nghĩa khô khan trong sách giáo khoa. Giáo án mỗi năm chỉn chu hơn, ít chữ, hình ảnh chọn lọc, phim ngắn hơn, chất lượng hơn. Ngoài ra còn có những bài tập trắc nghiệm, trò chơi ô chữ để gút bài.

Chỉ có 4,7% học sinh muốn đọc chép

Tuổi Trẻ Cuối Tuần thực hiện cuộc khảo sát với 664 học sinh hai bậc THCS và THPT tại TP.HCM, với câu hỏi: “Bạn thích giáo viên sử dụng phương pháp nào trong bài giảng?”: chỉ có 4,7% học sinh hài lòng với phương pháp giáo viên đọc - học sinh chép trong khi 67,5% học sinh thích bài giảng có minh họa bằng hình ảnh; 66,3% thích được đi thực tế; 48,5% thích trao đổi, thảo luận nhóm; 8,6% học sinh thích thầy cô ra nhiều bài tập, 30,6% thích phương pháp thuyết trình, sắm vai...

Với câu hỏi “Cần đổi mới những gì để học sinh hứng thú hơn trong học tập?”, 54,7% học sinh cho rằng thầy cô cần gần gũi học sinh hơn, 49,5% học sinh cho rằng cần đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, 43% cho rằng cần thay đổi chương trình, 32,2% cho rằng cần thay đổi sách giáo khoa.

Dạy học đúng đối tượng

Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong một lần đến thăm một lớp học ở vùng sâu Trung Sơn, Phú Thọ, chứng kiến cảnh giáo viên vật vã với chương trình - sách giáo khoa mới trong khi học sinh không thể nào tiếp thu kiến thức trong thời gian quy định. Bà Mai đã chỉ đạo: “Giáo viên có thể linh hoạt chọn lọc kiến thức trong chương trình phù hợp với học sinh để dạy”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, dạy học ở Trung Sơn, nói: “Chỉ đạo của bà Mai là một cách đổi mới dạy học cho giáo viên. Vì nếu chỉ chạy theo chương trình, thậm chí áp dụng các phương pháp hiện đại theo chủ trương chung thì quả là bất khả thi do trình độ học sinh miền núi Trung Sơn quá thấp. Vậy không thể có những phương pháp dạy học chung cho tất cả đối tượng học sinh mà phải tùy từng đối tượng học sinh để chọn lựa hay kết hợp các cách dạy học, cách giáo dục khác nhau”.

Cô giáo Nguyễn Hoài Anh - dạy văn tại Hà Nội - chia sẻ quan điểm: mỗi cách dạy học đều có lý do để tồn tại và đều có mặt tích cực. Không nên đề cao phương pháp này, chấm dứt, đoạn tuyệt với phương pháp kia. Dạy học hiệu quả hay không tùy thuộc nghệ thuật của người thầy biết cách kết hợp các cách dạy học để áp dụng với từng đối tượng học sinh và môn học.

______________

Chúng tôi có ý kiến

Giảm sĩ số, tăng chất lượng

Tôi là một giáo viên mới ra trường cách đây hơn một năm. Qua quá trình dạy tại trường và kèm học sinh tại nhà, tôi nhận ra rằng với một học sinh trung bình mức độ tiếp thu tại nhà đến 80%, ngược lại ở trường chỉ tối đa là 30%, thậm chí không tới. Không phải ở nhà giáo viên dạy kỹ hơn ở trường, cũng không phải ở trường điều kiện vật chất thua thiếu so với ở nhà.

Tôi muốn nói đến sĩ số học sinh các lớp. Trung bình một lớp có đến 50 học sinh, trong khi một tiết dạy chỉ 45 phút cho một bài học vừa giảng hết lý thuyết vừa cho ví dụ minh chứng, số ít bài tập kèm theo, liệu rằng có bao nhiêu học sinh trong lớp nắm hết kiến thức bài học?

Giáo dục các cấp hiện nay đang bị đè nặng bởi chương trình học tương đối nặng, sĩ số học sinh cao dẫn đến kiến thức giảng dạy của giáo viên dễ bị loãng. Theo tôi, khi nào sĩ số lớp xuống thật thấp khoảng 20-30 học sinh, giáo viên mới có thể đưa ra những cách dạy thiết thực, hiệu quả nhất. Các trường cần có sự phân loại học sinh ở những cấp độ khác nhau để giáo viên có cách dạy phù hợp, truyền đạt những kiến thức khả thi nhất nhằm giúp học sinh nhanh chóng hiểu được vấn đề trong bài giảng.

Theo tôi, để đổi mới phương pháp giảng dạy ở giáo viên, trước hết Bộ GD-ĐT và các trường học phải có cách phân bổ phù hợp nhất về thời gian, tầm kiến thức, lượng học sinh trong một lớp, cần tăng số tiết học thực hành, thí nghiệm, hình tượng hơn là lý thuyết suông.

Muốn đổi mới phải đủ cơ sở vật chất

Những năm gần đây, trong các cuộc họp chuyên môn và các cuộc họp hội đồng ở các trường học, chúng ta thường được nghe cụm từ “đổi mới phương pháp giảng dạy”. Nhưng theo tôi, cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng cho việc đổi mới dạy và học.

Mục tiêu của chúng ta hiện nay là giảm nhẹ lý thuyết và tăng cường kỹ năng thực hành, giúp học sinh tiếp cận thực tế nhưng các trang thiết bị của các trường hiện nay đang thiếu một cách trầm trọng và chưa có chất lượng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Học sinh chỉ được lĩnh hội lý thuyết suông mà thôi, điều này làm các em ngày càng thêm chán nản. Ngành giáo dục đang khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin (tin học) vào giảng dạy. Nhưng thực tế chuyện này rất khó thực hiện vì hiện nay các trường chưa được trang bị thiết bị, và khả năng sử dụng trang thiết bị của giáo viên vẫn chưa đảm bảo, rất dễ bị động trong tiết dạy nếu có sự cố.

Để việc đổi mới phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả, cần phải trang bị cơ sở vật chất một cách đầy đủ và chất lượng. Đồng thời có kế hoạch trang bị thêm cho giáo viên khả năng sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận