Dạy học online trong đại dịch: Hiện hình bất bình đẳng và nợ câu hỏi về hiệu quả

VĨNH HÀ 08/05/2020 21:05 GMT+7

TTCT - Nếu coi thực tiễn giáo dục là một căn cứ quan trọng để điều chỉnh chính sách, thì cuộc “thử lửa” dạy và học online vừa qua cung cấp rất nhiều điều đáng bàn.

Ảnh: Truthout
Ảnh: Truthout

Dịch COVID-19 để lại hệ lụy đáng kể với các nhà trường khi học sinh phải nghỉ học dài ngày, nhiều kế hoạch dạy học, thi cử thay đổi, xáo trộn. Trong phần ồn ào của dòng thời sự ấy, những thứ trước đây vẫn khuất lấp nay hiện lên rõ hơn, cho thấy một bức tranh giáo dục còn có nhiều vấn đề hơn ta tưởng.

Những đứa trẻ ngồi học lưng chừng núi

Hơn một tháng trước, câu chuyện về Lầu Mí Xá - cậu sinh viên người Mông ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, Hà Giang - dựng lán cheo leo bên vệ đường giữa sương mù để kết nối Internet học trực tuyến được nhiều người chú ý.

Đó cũng là thời điểm Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị khuyến khích dạy học qua Internet và truyền hình khi học sinh, sinh viên chưa thể trở lại trường học. Lầu Mí Xá được bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi thư khen. Và điều được nhiều người nhớ là một tấm gương hiếu học.

Có thể sự khen ngợi cũng mang đến một hiệu ứng tích cực khi nhiều hình ảnh học sinh, có em mới học tiểu học cũng ngồi trên đỉnh núi, giữa nương rẫy hay ngay bên quốc lộ để học. Có học sinh dựng lán, rủ nhau học trực tuyến theo nhóm, có em mặc áo mưa ngồi đọc sách cùng chiếc điện thoại kết nối Internet giữa trời mưa mù mịt…

Tinh thần hiếu học bao giờ cũng đáng ghi nhận, nhất là giữa khó khăn chồng chất thời gian qua. Nhưng một lớp học không chỉ có 2-3 học sinh “lên núi học”, còn là hàng chục em khác. Và các điều kiện để đảm bảo sự học thông suốt cho các em vẫn cực kỳ khó khăn: không Internet, không có máy tính, điện thoại thông minh, tivi, nhiều nơi không có cả điện. Và tất cả xảy ra ở những nơi mà ta còn nhớ chỉ sau một dịp nghỉ lễ tết, việc vận động học sinh quay lại trường đã rất cực khổ đối với giáo viên cắm bản.

Nhiều giám đốc sở GD-ĐT trong cuộc họp 19 tỉnh khó khăn với Bộ GD-ĐT mới đây cho biết tỉ lệ học sinh đủ điều kiện tối thiểu học trực tuyến chỉ có thể duy trì ở “mức tương đối” với bậc THPT, “rất ít” ở các bậc tiểu học và THCS. Ở cấp độ địa phương, tỉ lệ học trực tuyến cao chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã, trung tâm huyện lỵ.

Nghệ An là địa phương được Bộ GD-ĐT đánh giá dạy trực tuyến tốt, với gần 80% học sinh THPT và gần 70% học sinh THCS được học, nhưng theo ông Thái Văn Thành - giám đốc Sở GD-ĐT, có nhiều nơi vô cùng khó khăn, không thể triển khai dạy học trực tuyến cũng như qua truyền hình. Cách thức duy trì sự học ở những nơi này là “phụ huynh đến trường lấy bài về cho học sinh làm, rồi lại mang bài đến nộp cho giáo viên”.

Yên Bái cũng là địa phương được đánh giá triển khai dạy học online tốt hơn một số tỉnh khó khăn khác. Nhưng theo số liệu đầu tháng 4-2020, chỉ có 16,5% học sinh THCS được học trực tuyến, tỉ lệ này ở tiểu học còn ít hơn nữa.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, cho biết chỉ khoảng 40% học sinh ở tỉnh này có phương tiện để học online, học qua truyền hình. Nhưng ngay cả với những học sinh này, rắc rối lại tới kiểu khác: có điện thoại nhưng không có Internet hoặc sóng 3G kém, hoặc không có điện.

Ở một số khu vực phải vận động những nhà có tivi tạo điều kiện cho học sinh trong thôn, bản đến học chung nhưng cũng trong tình trạng điện phập phù, tivi nhiễu sóng, chập chờn.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, giáo viên nhiều trường trong thời gian qua đã phải đi 10-20km để “mang bài đến nhà cho học sinh” do các ứng dụng công nghệ dạy học không triển khai được.

“Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin - truyền thông phủ sóng đến các trường vùng khó để hỗ trợ. Nhưng chỉ trường kết nối Internet cũng không giải quyết được việc gì khi các gia đình học sinh không thể” - một hiệu trưởng ở Sơn La chia sẻ.

Dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình tưởng là giải pháp cứu tinh khi dịch bệnh ngăn đường đến trường của thầy trò, nhưng đã trở thành thứ “thuốc hiện” cho thấy bức tranh giáo dục bất bình đẳng rõ hơn lúc nào hết.

Điều đó cũng cho thấy những chính sách hay một cuộc triển khai mang tính đồng loạt, dựa trên một thước đo sẽ tiếp tục gây nên sự bất công bằng cho học sinh ở những vùng miền khác nhau.

Ứng dụng công nghệ: Thực tế khác xa bảng thành tích

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT trong cả thập kỷ qua. Con số 100% phủ sóng Internet, 90-100% nhà trường trang bị phòng máy tính, ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường, trong thiết kế kế hoạch, đổi mới phương pháp dạy học nằm trong bảng báo cáo thành tích của nhiều địa phương, nhiều nhà trường.

Tại Hà Nội - một trong những địa phương được xem là có đầu tư ứng dụng CNTT trong các nhà trường tốt nhất, nhiều trường đã đầu tư mua phần mềm ứng dụng quản lý, dạy học, kiểm soát việc dạy học… Song trong bối cảnh ứng dụng mới, rất ít trường thực sự triển khai tốt việc dạy học online.

Trong vòng ba tháng, hàng loạt kiểu “dạy học trực tuyến” ra đời, “vàng thau lẫn lộn”. “Dạy trực tuyến” hoành tráng bằng những phần mềm mua bằng tiền học phí của phụ huynh đóng góp ở các trường chất lượng cao cũng có, dạy trực tuyến kiểu “chỉ giao bài, cung cấp video bài giảng nguội” cũng có.

Dạy trực tuyến kiểu “một chiều”, lớp có vài học sinh tham gia hay nhiều học sinh “bật máy rồi bỏ ra ngoài” cũng không ít. Rất ít trường dạy học theo đúng thời khóa biểu bình thường bằng hình thức lớp học trực tuyến có sự kiểm soát chặt chẽ, có tương tác hai chiều, đảm bảo chất lượng tối thiểu bằng 50% so với dạy trực tiếp.

“Đầu tư cho công nghệ dù tốn kém nhưng không quá khó. Cái khó là giáo viên, học sinh phải làm quen với học trực tuyến. Khó hơn nữa là kiểm soát được chất lượng dạy và học, là luôn điều chỉnh, khắc phục kịp các khó khăn phát sinh để duy trì ổn định việc dạy học” - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ.

Đây là một trong những trường công lập đang triển khai dạy học trực tuyến theo đúng thời khóa biểu bình thường. “Trong hơn 100 tiết học được ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn thay phiên dự giờ, số tiết được đánh giá tốt chỉ đạt trên 40%, 10% số tiết ở mức trung bình, dưới trung bình. Ngay cả các tiết được đánh giá tốt cũng không thể bằng với dạy trực tiếp” - hiệu trưởng trường cho biết.

Ở nhiều trường công lập khác tại Hà Nội, dù nền tảng công nghệ đã có, họ vẫn gặp đủ thứ khó khăn do trình độ quản lý, trình độ ứng dụng để dạy học, để kiểm soát và lôi cuốn được học sinh. “Học sinh có tín hiệu online nhưng khi gọi thì không đáp, lúc đó tôi mới biết học sinh không nghe giảng, thậm chí bỏ ra ngoài” - một giáo viên THPT ở Hà Nội thú nhận.

Nhiều giáo viên khác nói về việc họ không biết cách để học sinh hợp tác, họ không thành thạo những thao tác kỹ thuật tối thiểu khiến buổi học bị kéo dài gấp rưỡi tiết học thông thường. Ứng dụng CNTT với nhiều giáo viên chỉ mới gói gọn trong việc soạn giáo án điện tử và trình chiếu cho học sinh trên lớp.

Thế nào là dạy trực tuyến hiệu quả?

Với tỉnh Điện Biên, câu trả lời là “có dạy”. Địa phương này có khoảng 73% học sinh bậc THPT được học từ xa qua Internet và truyền hình hoặc giao bài tập trực tiếp (theo Sở GĐ-ĐT). Và đây là nơi có tới 40% số học sinh thuộc hộ nghèo, ở nhiều bản làng vùng sâu vùng xa chưa có Internet, sóng điện thoại tới nơi.

Ông Cù Huy Hoàng, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, cho biết hiệu quả việc dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình chưa có đánh giá cụ thể, mới dừng lại ở việc xác thực “có dạy học”. Tại những địa bàn khó khăn, họ chỉ đảm bảo ở mức “không buông hoàn toàn” học sinh bằng cách cử giáo viên liên hệ với phụ huynh để gửi tài liệu học tập, phiếu bài tập.

Trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, Quảng Nam nói rằng tỉnh này có “100% trường học triển khai dạy trực tuyến, trong đó vùng thuận lợi bình quân có 80% học sinh tham gia học trực tuyến”. Nhưng ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Hiệu quả ở mức độ nào còn lệ thuộc vào mỗi nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Dĩ nhiên là có rất nhiều khó khăn”.

Có dạy vẫn hơn không dạy, dạy được ít còn hơn không có gì, đó cũng là quan điểm của nhiều địa phương khác. Và cho đến giờ, ngành GD-ĐT vẫn chưa có những đánh giá định tính về hiệu quả dạy học qua Internet và truyền hình ở những vùng miền khác nhau.

Thiếu những đánh giá này, rất khó xây dựng một kế hoạch bù đắp phần thiếu hụt sau khi học sinh trở lại trường học, khó đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để ngăn dòng học sinh bỏ học, ngồi nhầm lớp vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận