Dạy và học tích hợp: Nỗi lo “lẩu thập cẩm”

VĨNH HÀ 14/09/2015 19:09 GMT+7

TTCT- Dạy học tích hợp trong nội hàm một môn học, dạy tích hợp kiến thức liên môn trong các chủ đề giáo dục cụ thể, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn là định hướng được Bộ GD-ĐT đẩy mạnh trong năm học này nhằm tiệm cận chương trình sách giáo khoa phổ thông mới đang được xây dựng. Nhưng ai đã sẵn sàng cho điều này, ngoài Bộ GD-ĐT?

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Một môn học có khi phải lồng ghép năm, bảy chủ đề giáo dục là câu chuyện từng khiến nhiều giáo viên ngán sợ trong những năm qua... Nỗi sợ cũ chưa tan, nỗi lo mới hiện hình với cái đích trước mắt mà Bộ GD-ĐT hướng đến là dạy tích hợp liên môn, dạy chéo môn.

Chuyện “lồng ghép”

Giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên bậc trung học, trong một quãng thời gian dài thấm thía nỗi khổ của việc “dạy lồng ghép” khi cùng lúc có đến cả chục nội dung được đưa vào, từ giáo dục an toàn giao thông, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đến phòng chống ma túy hay giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên...

Có rất nhiều điều mà các nhà quản lý giáo dục thấy cần giáo dục học sinh, nhưng chương trình môn học đã quá tải cả về dung lượng kiến thức và số lượng môn học. Do vậy sáng kiến “lồng ghép”, giao giáo viên bộ môn “lồng ghép” là cách duy nhất.

Thực tế trả lời rằng việc lồng ghép những chủ đề giáo dục trên vào một môn học chính mà đạt được độ nhuần nhuyễn, có tác dụng giáo dục thật sự là việc hiếm có. Cô Kim Anh, giáo viên ở Hà Nội từng được giải thưởng về việc dạy lồng ghép, cho biết: “Giáo viên cần phải đọc rất nhiều tài liệu ngoài chương trình sách giáo khoa để suy nghĩ xem chọn lựa bài nào phù hợp để đưa nội dung lồng ghép vào. Kế đó là phải khéo léo kết hợp với phương pháp dạy học phù hợp để học sinh không thấy bị ép, hứng thú với bài học. Có như thế mới có tác dụng giáo dục”.

Tuy nhiên, việc tìm tòi nghiên cứu để xây dựng một giáo án và đầu tư cho tiết dạy như thế chủ yếu diễn ra trong trường hợp giáo viên... dự hội giảng. Bởi làm như thế mất thêm nhiều thời gian, công sức, chỉ những giáo viên thật sự có tâm huyết và năng lực mới làm được.

“Khó có thể duy trì kiểu lồng ghép đó suốt học kỳ, năm học vì chương trình đã quá tải, thầy trò chịu nhiều áp lực, trong đó có áp lực thi cử. Vì thế lồng ghép hầu như chỉ làm tốt ở những tiết dạy trình diễn, còn bình thường cả thầy và trò đều phải đối phó” - một giáo viên Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) nói thẳng. Nhiều giáo viên phổ thông khác thừa nhận hầu hết nội dung giáo dục lồng ghép đều được họ thực hiện theo cách: đọc cho học sinh chép hoặc phát cho học sinh tài liệu về tự nghiên cứu.

Ngay cả cách đối phó này không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều giáo viên Hà Nội than khổ khi rơi vào những tình thế dở khóc dở cười khi buộc phải ghép những nội dung khô khan, cứng nhắc vào các bài bình giảng văn học. Thậm chí phải suy diễn một nội dung trong tác phẩm văn học để gán cho nó một ý nghĩa giáo dục trong chủ đề lồng ghép.

chuyện “tích hợp”

Năm học này, bộ yêu cầu việc dạy học tích hợp không còn theo dạng đưa các chủ đề giáo dục lồng ghép vào các môn học có sẵn nữa, mà theo thiết kế của chương trình mới sẽ có những môn học mới được thiết lập trên nền các môn học truyền thống. Cụ thể: môn khoa học xã hội bao gồm kiến thức lịch sử, địa lý, giáo dục công dân...; khoa học tự nhiên gồm vật lý, hóa học, sinh học... Ở bậc THPT còn có nhiều chủ đề tự chọn nằm trong phạm vi kiến thức của nhiều môn học truyền thống.

Vậy ai sẽ dạy các môn học, chủ đề tích hợp này? Giáo viên phổ thông đang đảm nhiệm các môn học truyền thống sẽ làm gì?

Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định việc đảm nhiệm chương trình mới chủ yếu sẽ dựa vào đội ngũ giáo viên hiện có. “Giáo viên hiện nay được đào tạo đơn môn nhưng trong thiết kế chương trình của các trường sư phạm, sinh viên sư phạm được học nhiều môn học, nhiều kiến thức phong phú hơn. Vì vậy với yêu cầu tích hợp liên môn, giáo viên hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng. Dĩ nhiên họ cần được tập huấn và chỉ chú trọng tập huấn phương pháp dạy học” - ông Hiển cho biết.

Với nhiều giáo viên, nhận định trên của lãnh đạo Bộ GD-ĐT có phần lạc quan. Bởi lẽ trước khi đánh giá tính khả thi của việc thực hiện tích hợp kiểu mới, Bộ GD-ĐT cần khảo sát và tổng kết việc dạy lồng ghép trong các trường phổ thông nhiều năm qua và phân tích vì sao không đạt yêu cầu.

Căn cứ thực tế sinh động nhất mà Bộ GD-ĐT đang dựa vào để thiết kế chương trình theo hướng tích hợp liên môn là các cuộc thi thiết kế bài giảng tích hợp liên môn tổ chức hai năm qua. Đây là cuộc thi thu hút nhiều giáo viên, nhà trường tham gia. Theo ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Bộ GD-ĐT, qua hai năm tổ chức cuộc thi đã có “hàng ngàn bài thi, trong đó có những bài dự thi xuất sắc và điều này chứng tỏ giáo viên hoàn toàn có khả năng thực hiện các bài dạy tích hợp liên môn”.

Vấn đề là từ cuộc thi đến bục giảng xưa nay luôn là con đường rất dài.

Tại một tỉnh có sự chỉ đạo sát sao từ trên xuống về việc thực hiện dạy tích hợp liên môn là Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Nam, hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang 2, chia sẻ: “Với chương trình hiện hành, chúng tôi chỉ cho rà lại các môn học, những kiến thức trùng lặp ở nhiều môn sẽ được lược bớt để chỉ dạy ở một môn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hiểu với một chủ đề tích hợp liên môn thì sẽ phải tổ chức dạy thế nào, giáo viên bộ môn nào dạy hay tất cả giáo viên bộ môn có liên quan lần lượt đứng lớp trong tiết học đó?”.

Cùng băn khoăn tương tự, ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết chính ông cũng chưa hình dung sẽ tổ chức thực hiện thế nào.

“Nhìn vào bằng cấp giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn thì khó có thể đánh giá đúng khả năng tiếp nhận, thực thi chương trình mới. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, phương pháp giáo dục. Bên cạnh đó cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, điều chỉnh những bất cập trong cơ chế quản lý, các quy định về lao động của nhà giáo, quy định đãi ngộ đối với nhà giáo” - ông Lâm đề nghị.

Các nhà quản lý trường học băn khoăn, giáo viên còn lúng túng, lo lắng hơn. Đó không chỉ là nỗi lo dạy được tốt hay không việc tích hợp liên môn mà còn lo bị cắt giờ dạy, bị thất nghiệp khi môn học họ được đào tạo và đang giảng dạy sẽ không còn là môn học độc lập trong chương trình mới.

“Bộ GD-ĐT khẳng định không có chuyện này (cắt giảm giờ dạy, thất nghiệp) nhưng chúng tôi vẫn lo. Vì 2-3 môn học giờ chỉ còn một môn, trong đó có những nội dung tích hợp sâu từ nhiều lĩnh vực chỉ có một giáo viên đảm nhiệm, người đảm nhiệm lại do hiệu trưởng chỉ đạo. Như vậy, số phận của chúng tôi lệ thuộc vào sự công tâm hay không công tâm của hiệu trưởng” - một giáo viên THCS ở Hà Nội lên tiếng.

Bà Nguyễn Thị Hiên, hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, chia sẻ một nỗi lo khác: “Từ thực tế tập huấn giáo viên và quan sát ở các trường phổ thông, tôi thấy lo khi rất nhiều giáo viên đang không hiểu, hiểu sai về dạy tích hợp. Vì thế mà nhiều giáo viên văn đã biến giờ dạy văn thành giờ giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục dân số một cách sống sượng. Dựa vào kiến thức môn học này để nói đến một nội dung giáo dục khác cũng là cách hiểu tích hợp của nhiều giáo viên khiến nội dung kiến thức môn học bị suy diễn”.

Từ việc dạy lồng ghép đến dạy tích hợp liên môn không thể lạc quan tính toán trên cơ sở lý thuyết và “kinh nghiệm quốc tế”, mà phải đặt việc này vào thực tế dạy học trong các nhà trường phổ thông hiện nay với rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc đánh giá năng lực giáo viên ở diện đại trà, trong đó không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn là hiểu biết về những vấn đề còn mới như tích hợp liên môn, cần phải đánh giá những ưu - nhược điểm trong bộ máy quản lý, cơ chế sử dụng và đãi ngộ đối với giáo viên. Có câu “biết 10, dạy 1”, nhưng tình thế mới đang đặt giáo viên vào chuyện “học 1, dạy 2, 3”. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn nhấn mạnh vào việc “chỉ chú trọng tập huấn phương pháp dạy học chứ không phải bổ sung kiến thức cho giáo viên dạy tích hợp liên môn”. ■

Tích hợp thế nào?

Cấp tiểu học:

Môn Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2 và 3): được phát triển trên nền môn Tự nhiên và xã hội của chương trình hiện hành.

Môn Tìm hiểu tự nhiênTìm hiểu xã hội (lớp 4, 5): được phát triển từ các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý của chương trình hiện hành.

Cấp THCS:

Môn học mới “Khoa học tự nhiên”: có các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và những vấn đề về Trái đất (có các chủ đề: Nước trong môi trường tự nhiên, Năng lượng, Em chăm bón vườn cây, Bảo vệ sức khỏe để cuộc sống có ý nghĩa hơn…).

Môn học mới "Khoa học xã hội: có các phân môn Lịch sử, Địa lý và kiến thức về một số vấn đề xã hội (có các chủ đề: Tìm hiểu địa phương, Các nước Đông Nam Á - Thống nhất và đa dạng, Kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Liên minh châu Âu…).

Cấp THPT:

Có ba môn học tích hợp mới: Công dân với tổ quốc (hình thành chủ yếu từ môn Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng-an ninh, Lịch sử, Địa lý hiện hành)

Môn Khoa học tự nhiên và môn Khoa học xã hội: là môn học tự chọn cho học sinh lớp 10,11.

Ở THCS và THPT, giáo viên (hiện có) được đào tạo đơn môn sẽ vẫn dạy các phân môn tương ứng trong môn khoa học tự nhiên hoặc môn khoa học xã hội với tổng số giờ tương đương chương trình hiện hành.

(Theo dự thảo chương trình SGK phổ thông mới)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận