Để bài toán "xã hội hóa giáo dục" có lời giải

TẠ QUANG SUM 16/07/2007 17:07 GMT+7

TTCT - Tính chất của hệ thống giáo dục hiện nay là hổ lốn, công không ra công mà tư cũng chẳng phải tư.

Khi sử dụng thuật ngữ “phi thương mại hóa”, có thể các nhà quản lý chỉ đơn giản gói ghém sự thể trong ý và nghĩa hẹp về thương mại. Bởi yêu cầu chống chỉ định những việc như: mua bán bằng cấp, chạy theo lợi nhuận và số lượng, tập trung vào hoạt động kinh doanh trong trường học... nên họ quên mất rằng trong mục tiêu lớn của giáo dục có thương mại.

Nó là nguồn gốc động lực để hệ thống giáo dục phát triển. Là điều kiện căn bản để mỗi đơn vị của sự nghiệp giáo dục tồn tại. Động lực từ thương mại làm cho hệ thống giáo dục quốc gia phải luôn vận động để đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội. Có nó, các tổ chức, cơ sở giáo dục và người trực tiếp làm công việc giảng dạy phải ra sức đầu tư trí lực - vật lực tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn người học, để tạo ra kết quả giáo dục hiện đại - hiệu dụng.

Động lực từ thương mại làm cho người đi học phải ra sức học tập để thu hồi và phát triển vốn đầu tư (chi phí học tập đã bỏ ra). Sự cộng tác mặc nhiên mang tính cộng hưởng cao giữa các nhà đầu tư ấy chính là chất và lượng cho sự phát triển tất yếu của một nền giáo dục tích cực - năng động - mạnh mẽ.

Như vậy, để hoàn thiện việc xã hội hóa giáo dục phải chống thương mại hóa sự nghiệp giáo dục. Nhưng phải chấp nhận - khuyến khích thương mại hóa việc tổ chức phục vụ các hoạt động giáo dục. Điều này có ý nghĩa nội hàm là: hoạt động giáo dục không tách rời hoạt động kinh tế của quốc gia.

Nếu không rõ ràng như thế, khẩu hiệu chung “phi thương mại hóa” sẽ là trở ngại lớn cho những dự án đầu tư giáo dục ngoài phạm vi ngân sách nhà nước. Giải pháp lâu dài có tính bền vững cao cho việc xã hội hóa giáo dục phải là một định chế, trong đó: Nhà nước chỉ tập trung kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - phương tiện dạy học cho các trường công lập. Đối tượng học sinh theo học các trường này phải được miễn phí toàn bộ.

Nhà nước đào tạo giáo viên - thiết kế mô hình và chương trình giáo dục các cấp nhằm cung ứng nhân sự - định hướng giáo dục cho hệ thống giáo dục nói chung. Mở rộng để phát triển bằng cách tạo điều kiện ưu đãi cho cá nhân - tổ chức hội đoàn - tổ chức kinh tế đầu tư mở các trường tư thục. Tỉ lệ giữa công lập và tư thục trước mắt nên là 1 - 1, vào các năm sau là 4 - 6 và ổn định ở mức 3 - 7. Tùy theo vùng kinh tế và xã hội mà các trường tư thục sẽ khác nhau về việc cung ứng các tiện nghi cho người đi học có nhu cầu. Nhưng nhất thiết phải thực hiện thống nhất chương trình và mục tiêu giáo dục quốc gia.

Xã hội hóa giáo dục trong điều kiện quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước ta hiện nay, chỉ có thể hiện thực và khả thi với chủ thể trường học là Nhà nước và tư nhân. Chính Nhà nước thông qua các bộ máy quản lý cơ sở, chủ trì - điều phối mọi hoạt động của tư nhân đầu tư vào giáo dục, với sự tuân thủ nghiêm ngặt qui luật đầu tư - kinh tế.

Điều quan trọng là phải giải thích - vận động rộng rãi, để nhân dân hiểu và thống nhất quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong sự nghiệp phát triển giáo dục quốc gia. Không nên kéo dài tình trạng độc quyền trong giáo dục. Nên sớm loại bỏ việc biến tướng các trường ngoài công lập thành các trường công lập tự chủ tài chính nhằm chiếm đất - lấn sân - ngăn cản tư nhân đầu tư vào giáo dục. Đặc biệt là không nên tăng học phí ở trường công vì làm như thế không khác gì tạo ra nền giáo dục quốc gia “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 27-07 (ra ngày 15-7-2007)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận