Đế chế Disney thấm đòn đại dịch

CHÂU TRẦN-VI 26/04/2020 15:04 GMT+7

TTCT - Việc Walt Disney tuyên bố ngưng trả lương cho hơn 10 vạn nhân viên vì tác động của COVID-19 cho thấy ngay cả một đế chế khổng lồ có quyền lực trong ngành công nghiệp giải trí cũng phải lao đao vì đại dịch.

Các công viên chủ đề, khách sạn, sản phẩm ăn theo các bộ phim của hãng mang lại cho Disney 6,8 tỉ USD doanh thu vận hành trong năm 2019. Những con gà đẻ trứng vàng này trong năm nay đã bị virus corona đánh gục.

“Nồi cơm” sứt mẻ

Từ thứ hai tuần trước (20-4), Walt Disney bắt đầu cho hơn 100.000 nhân viên nghỉ việc không lương, một động thái không bất ngờ khi hãng đã phải chật vật với vấn đề tài chính vì phải đóng cửa các công viên giải trí vì dịch bệnh. Trước đó, Walt Disney thông báo chủ tịch Bob Iger sẽ tự cắt toàn bộ lương trong thời gian dịch bệnh, trong khi giám đốc điều hành Bob Chapek sẽ giảm 50% lương.

Theo Financial Times, việc ngưng trả lương cho số lượng nhân viên khổng lồ nói trên sẽ tiết kiệm cho Disney đến 500 triệu USD mỗi tháng. Công ty cho biết vẫn sẽ đáp ứng đầy đủ các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bị nghỉ không lương, đồng thời khuyến khích người lao động của mình đăng ký nhận gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ.

Hai công viên Disneyland Resort (California) và Walt Disney World Resort (Florida) đã đóng cửa từ ngày 12-3. Chuyên gia Michael Nathanson của Hãng phân tích MoffettNathanson ước tính toàn bộ các công viên chủ đề của Disney ở Mỹ sẽ mất 3,4 tỉ USD doanh thu trong năm nay vì phải đóng cửa và cả tác động của suy thoái kinh tế nếu được mở trở lại.

Ảnh: insidethemagic.com
Ảnh: insidethemagic.com

Niềm an ủi duy nhất của gã khổng lồ giải trí là dịch vụ chiếu phim trực tuyến Disney Plus vừa vượt mốc 50 triệu người dùng hồi đầu tháng 4, chưa đầy nửa năm sau khi ra mắt hồi tháng 11-2019.

Disney Plus không lao đao mà còn kiếm thêm nhờ đại dịch: khi hầu hết trường học tại Mỹ phải đóng cửa vì virus corona, hơn một nửa số hộ gia đình có con cái dưới 10 tuổi đã đăng ký Disney Plus với mức phí được trợ cấp như “phá giá”, theo tờ Variety.

Những nạn nhân của gã khổng lồ

Có lẽ Disney không ngờ năm 2020 lại chào đón họ bằng một cơn bão, sau tất cả những gì đã đạt được trong năm 2019, và trước đó là hành trình dựng xây một đế chế quyền lực trong ngành truyền thông giải trí.

Trong số 10 bộ phim ăn khách nhất năm 2019, Disney chiếm thế độc tôn với 7 vị trí. Có thể thấy từ tổng doanh thu phòng vé ở Mỹ trong suốt 30 năm qua rằng Disney đã tăng gấp đôi thị phần đáng kể chỉ trong vòng 5 năm, đạt đến một đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử.

Có rất nhiều “nạn nhân” của việc Disney nổi lên như một thế lực độc quyền trong ngành công nghiệp điện ảnh - từ phim độc lập, rạp chiếu trong việc tìm cách tiếp cận khán giả, duy trì hoạt động và có được suất chiếu rộng rãi, đến người làm trong ngành giải trí và khán giả.

Disney lợi dụng tối đa sự lỏng lẻo trong thực thi luật chống độc quyền ở Mỹ để gây áp lực tới các rạp chiếu nhỏ lẻ, đè bẹp các đối thủ cạnh tranh bằng cách sáp nhập hoặc mua lại, hạn chế sự đa dạng của phim, cung cấp các sản phẩm có chất lượng kém hơn, làm giảm giá trị văn hóa nói chung.

Thu nhập của người làm trong ngành giải trí phụ thuộc rất lớn vào tiền nhuận bút và bản quyền tác giả, sau khi mỗi chương trình tivi hoặc phim được tái phát hành. Giờ đây, nguồn thu nhập này đơn giản sẽ biến mất do lẽ Disney đang dần hoạt động theo mô hình hệ thống studio cũ của Hollywood thời hoàng kim trong những năm 30 và 50 của thế kỷ trước. Các diễn viên và những nhân tài hoạt động trong ngành được coi là tài sản thuộc toàn quyền sở hữu của hãng phim theo nghĩa đen. Họ bị trao đổi, mua bán hoặc cho thuê giữa hãng này với hãng khác.

Khi đã thiết lập và duy trì sự độc quyền trong mọi khía cạnh của mô hình giải trí tại gia cũng như phòng vé thương mại, Disney sẽ tồn tại ngoài quy luật của thị trường và được áp đặt luật chơi riêng: kiểm soát, “ra lệnh” và quyết định nội dung khán giả “được phép” xem và trải nghiệm.

Trong suốt 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Bob Iger (là chủ tịch và giám đốc điều hành, trước khi trao lại ghế CEO cho Bob Chapek hồi cuối tháng 2), Disney dần thoát khỏi vỏ bọc của một hãng làm phim hoạt hình và đồ chơi cho trẻ em để trở thành một tập đoàn tài chính khổng lồ có quy mô toàn cầu.

Nền tảng chiến lược dài hạn của Iger xem lợi nhuận và chiếm lĩnh thị trường là tôn chỉ tối cao. Khi Disney xem xét và quyết định dốc hầu bao đầu tư vào một ý tưởng nào đó, họ sẽ không thực hiện dựa trên chất lượng thực tế của bộ phim mà dựa trên lợi nhuận tiềm năng của nó theo hình thức một chuỗi cung ứng thương hiệu giải trí.

Với một hãng phim được mệnh danh là “vương quốc kỳ diệu”, ngôi nhà của trí tưởng tượng có vẻ đã cạn kiệt ý tưởng nguyên bản, khi tất cả các tựa phim ăn khách của hãng, như đã nói ở trên, đều là phim nhượng quyền thương mại, phần tiếp theo, phụ bản hoặc làm lại các tác phẩm kinh điển trong di sản của Disney.

Với quan điểm kịch bản gốc không phải là điều đáng khích lệ mà là một rủi ro cần tránh, Disney là kẻ tiên phong của nền công nghiệp điện ảnh trong việc tạo ra hàng loạt sản phẩm đơn điệu và đồng nhất hơn bao giờ hết.

Suy cho cùng, con virus vô hình corona mới làm lao đao mảng kinh doanh công viên của đế chế Disney. Có lẽ phải chờ thêm mới biết quyền lực của hãng trong ngành giải trí có bị lung lay hay không.■

Với việc nuốt chửng Hãng Fox trong thương vụ hơn 70 tỉ USD, giờ đây “tất cả” đã thuộc về Disney. “Ngôi nhà của chuột Mickey” sở hữu bản quyền các siêu anh hùng Marvel; các hoàng tử/công chúa cổ tích như Lọ Lem, Aladdin, Mulan; các nhân vật của Pixar; loạt phim Star Wars, The Simpson, X-Men; vô số kênh truyền hình có tỉ suất người xem lớn như ABC, ESPN, Fox Sports, National Geographic và Vice Media.

Ngoài ra, đế chế Disney còn nắm trong tay các công ty xây dựng và bất động sản, hãng thu âm, thư viện, công ty quảng cáo kỹ thuật số, studio nhiếp ảnh, công ty thiết kế trò chơi điện tử, công ty tài chính và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tổng cộng, giá trị tài sản ròng của Disney được ước tính lớn hơn các nền kinh tế của Ukraine hoặc Morocco.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận