Đèn trung thu cổ truyền Việt Nam: Tìm lại vẻ đẹp trăm năm

BÀI VÀ ẢNH TRỊNH BÁCH 29/09/2023 18:11 GMT+7

TTCT - Những loại đèn trung thu cao cấp từng nổi tiếng trên thế giới của Việt Nam từ hơn trăm năm trước, có những chiếc vẫn được trưng bày tại các bảo tàng Âu, Mỹ, thì không còn mấy người Việt biết tới nữa.

Một quầy bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội. Ảnh tư liệu của Trịnh Bách

Một quầy bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội. Ảnh tư liệu của Trịnh Bách

Ông Phan Kế Bính, trong cuốn Việt Nam phong tục, có biên "Tục treo đèn bày cỗ, chắc do ở điển vua Đường Minh Hoàng. Hôm ấy là ngày sinh nhật vua Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục. Tục rước đèn thì do tự đời nhà Tống. Vì tục truyền rằng: trong đời vua Nhân Tôn, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên là con gái mà đi hại người. Bấy giờ ông Bao Công mới sức cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem rong chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người nữa. Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật".

Đã là chuyện tương truyền, lại nói về một hoàng triều tồn tại cách đây trên dưới 1.500 năm (nhà Đường 618 - 907) bên Trung Hoa, ắt có những điểm khó mà xác minh. Nhưng có lẽ khi thấy dân chúng đồn đại chuyện đêm rằm tháng tám, có con tinh cá chép xuất hiện trong kinh đô Tràng An (nay là Tây An) bắt người ăn thịt, lâu la của nó dần xuất hiện ở khắp nơi trong nước, thì triều đình cuối cùng cũng nghĩ ra một chước để khắc phục, an dân. 

Nhà vua ra lệnh cho mọi nhà làm đèn cá chép với khung bằng mây tre, phất lụa hay giấy. Đến đêm Trung thu thì đốt nến bên trong, treo trong nhà, để con tinh chép và bọn lâu la tưởng là đồng bọn đã đến trước hành sự ở các nơi rồi mà bỏ về hang động của chúng. Có thể coi đấy là sự ra đời của đèn trung thu.

Hình đèn cá chép phục dựng (trái) và hình đèn cá chép trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger, xuất bản năm 1909.

Hình đèn cá chép phục dựng (trái) và hình đèn cá chép trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger, xuất bản năm 1909.

Nước Việt ta lúc đó bị nội thuộc nước Tàu, nên chắc cũng theo lệnh đó. Sau này, nhà Nguyên khi chiếm được Trung Hoa đã phá bỏ nhiều tục cũ, trong đó có lệ làm đèn trung thu. Nước ta lúc đó đã tự chủ và không chịu lệ thuộc nhà Nguyên, đã giữ lại mỹ tục này. 

Với thời gian và óc sáng tạo phong phú, các cụ ta đã biến lệ chống tinh cá chép thành một thú vui dân gian. Hình ảnh các con vật khác liên quan đến cung trăng, như con thỏ ngọc của Hằng Nga, hay con thiềm thừ ba chân mà vua Lê Thánh Tông cho là đã sống trên cung trăng từ muôn vạn năm, cũng dần được đưa vào tạo hình đèn trung thu.

Trong ba nước Đồng văn dùng âm lịch còn lại, Trung Quốc lấy ngày này làm lễ hội Đoàn viên, Hàn Quốc và Nhật Bản xem đây là lễ hội Lúa mới. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới lấy rằm tháng tám làm Tết nhi đồng, có các trò vui cho riêng trẻ em trong dịp này như làm đèn hình con thú, hoa quả để các em đi rước; hay con giống bột và mâm cỗ (không phải là cỗ cúng) Trung thu để các em phá cỗ.

Đèn quả lựu phục dựng (trái) và hình ảnh chiếc đèn này trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger xuất bản năm 1909.

Đèn quả lựu phục dựng (trái) và hình ảnh chiếc đèn này trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger xuất bản năm 1909.

Vì các biến cố lịch sử và hoàn cảnh kinh tế - xã hội, các trò chơi Trung thu của thiếu nhi Việt, trong đó có đèn trung thu, đã bị thất truyền một thuở. Những loại đèn trung thu đơn giản vẫn xuất hiện đó đây trong dịp Trung thu mỗi năm, nhưng loại đèn trung thu cao cấp từng nổi tiếng trên thế giới của Việt Nam từ hơn trăm năm trước, có những chiếc vẫn được trưng bày tại các bảo tàng Âu, Mỹ, thì không còn mấy người Việt biết tới nữa. 

Đèn con cua sống phục chế (trái) và mẫu đèn này trong ảnh tư liệu.

Đèn con cua sống phục chế (trái) và mẫu đèn này trong ảnh tư liệu.

Chỉ đến khi người ta nhận thấy thị trường tràn ngập những thứ đèn nhựa rẻ tiền của Trung Quốc, niềm ao ước khôi phục các đèn trung thu Việt trở nên mãnh liệt hơn. Bắt đầu từ xóm Phú Bình ở quận Tân Phú (TP.HCM - hậu thân của làng đèn trung thu huyền thoại Báo Đáp, Nam Định) khi xưa. Và dần dà, các loại đèn trung thu truyền thống tinh tế hơn của Việt Nam bắt đầu hồi sinh khá ngoạn mục. 

Ở khắp nơi trong nước, đèn trung thu cổ truyền Việt Nam đã dần đánh bại đèn nhựa Trung Quốc. Ở một xưởng làm đèn, năm nay có gần 5.000 đèn lồng trung thu phất giấy cổ truyền của Việt Nam được khách hàng Singapore đặt hàng. 

Đèn quả đào phục chế (trái) và hình ảnh chiếc đèn này trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger, xuất bản năm 1909.

Đèn quả đào phục chế (trái) và hình ảnh chiếc đèn này trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger, xuất bản năm 1909.

Những loại lồng đèn trung thu Việt truyền thống cũng đang được mua số lượng lớn để đưa sang thị trường Trung Quốc. Tôi có niềm tin rằng đèn lồng trung thu truyền thống Việt Nam sẽ lấy lại được vị thế huy hoàng trăm năm trước.

Tết Trung thu - rằm tháng 8 là Tết Trung thu. Tết này ta thường gọi là Tết trẻ con, nhưng có nhà tốn phí nhiều lắm.

Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp.

Đồ trẻ con chơi trong tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ... Có nhà một vụ tết, bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Mười năm nay họ lại chế ra đồ chơi bằng sắt tây cũng tranh được mối lợi của trẻ con ít nhiều.

Trẻ con tối hôm ấy dắt díu nhau từng đàn từng lũ đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh váng cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ.

Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là cách Trung thu thưởng nguyệt.

(Trích Việt Nam phong tục - Thiên thứ nhất: Nói về phong tục trong gia tộc, mục XII Tứ thời tiết lập, tác giả Phan Kế Bính)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận