TTCT - Để chống săn bắt trộm và tránh nạn khai thác theo kiểu tận diệt, người dân Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) đã thành lập tổ bắt cua đá, nộp “thuế” trên số cua bắt được và mỗi chú cua muốn ra chợ bắt buộc phải cõng một con tem nhận diện trên lưng. Cua đá lúc lên bàn ăn vẫn còn tem để theo dõi, kiểm soát.-Ảnh: T.B.D. Một đêm giữa tháng 7-2018, đảo Cù Lao Chàm (CLC) vẫn đông nghịt khách du lịch. Mùa cao điểm này ước tính mỗi ngày có khoảng 4.000 khách ra đảo để nghỉ ngơi, tận hưởng gió biển. Nhưng còn lý do khác khiến khách ra đảo muốn ở lại nhiều hơn: đang mùa bắt cua đá. Lên bàn nhậu còn đeo tem Nhóm khách du lịch ghé vào một nhà hàng nhỏ nằm ở trung tâm xã đảo Tân Hiệp và gọi 1kg cua đá. “2,2 triệu đồng/kg”, nhân viên quán đưa ra bảng giá. Nhiều vị khách “há miệng” nhưng sau khi được chủ quán giải thích thì mọi người đồng ý chi tiền để thưởng thức. Điều đặc biệt ở cua đá CLC không nằm ở mức giá mà là ở... lưng cua. Bất kỳ một chú cua nào cho tới khi đặt lên đĩa, bưng ra trên bàn phục vụ du khách cũng cõng một con tem to tướng. Việc cõng tem là bắt buộc và cua không có tem tức là cua bất hợp pháp. Hành trình cho ra đời con tem khá đặc biệt này là câu chuyện làm kinh tế, kết hợp du lịch bảo tồn bền vững của người dân ở CLC. Ngư dân Trần Công, tổ trưởng tổ quản lý khai thác cua đá CLC, cười khi chúng tôi cắc cớ: cua thì ai sợ giả bao giờ? “Cua không sợ giả, mà sợ người đi khai thác giả mạo, tìm cách tuồn cua thật ở đảo CLC về bán trong đất liền. Nếu không dán tem thì sao biết cua nào hợp pháp, cua nào bất hợp pháp?” - ông Công nói. CLC hiện có dân số gần 3.000 người. Hơn bất cứ nơi nào, người dân ở đây biết kiếm tiền từ hoạt động du lịch, họ biến cua, tôm, cá, mực ở đảo trở nên có giá trị hơn, khai thác đánh bắt sinh thái bền vững và có chọn lọc. Cua đá là một trong những ví dụ như thế. Chuyện đeo tem cho cua bắt đầu từ sự sụt giảm về số lượng cua đá tới mức báo động khi bị con người khai thác thái quá. Trước năm 2009, cua sống ở CLC nhiều đến nỗi người dân bắt không xuể, bà con trồng được khoảnh rau ở đám vườn cũng bị cua vào hái trộm, cắn nát khi đêm xuống. Ông Trần Công lấy hình ảnh một thước phim trong chương trình thế giới động vật mà ông hay xem trên tivi để miêu tả về mức độ tràn ngập của cua đá CLC: mùa đẻ trứng, cua kéo nhau ra từ các cánh rừng, trong các hốc đá, khe suối rồi bò xuống các bãi cát. Cua nhiều đến nỗi xếp thành từng tấm thảm nhung khổng lồ, di chuyển trên bãi biển. Đo bề dọc lưng cua đủ 7cm thì mới dán tem để đưa cua ra thị trường. Ảnh: T.B.D. Chứng nhận nguồn gốc: Đủ kích cỡ, đủ tuổi Nhưng khi người dân ở CLC dựng nhà, sinh sống nhiều lên, họ vào rừng bắt cua hàng đêm. Rồi du lịch ập đến, dân làm dịch vụ hái ra tiền, du khách thì luôn muốn thưởng thức của ngon vật lạ. Từ tôm hùm, hải sâm, nhum biển, tới lượt những con cua đá. Chúng trở thành đặc sản, được lùng sục, đào bới cả ngày lẫn đêm. Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ - trưởng phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, Ban quản lý khu bảo tồn biển CLC - khẳng định chính vì bị săn bắt vô tội vạ, cùng áp lực môi trường sống bị thu hẹp lại, sự suy giảm của loài cua đá CLC “lên vạch đỏ” vào những năm 2005-2009. Ngư dân từ các nơi đổ về đánh bắt theo kiểu tận diệt khiến không chỉ cua mà nguồn lợi thủy hải sản có nguy cơ bị cào sạch. Năm 2010, UBND TP Hội An ban hành một loạt quy chế nhằm siết chặt lại hoạt động đánh bắt khai thác các giá trị tự nhiên, trong đó đáng chú ý là chỉ thị số 04. Theo đó, yêu cầu bảo vệ tuyệt đối nguồn lợi thủy hải sản, cua đá nằm trong diện cấm đánh bắt, khai thác bất kể kích cỡ, tuổi tác nào. Từ việc quá nhiều tới bội thực, cua đá được báo động đỏ và đưa vào lệnh “giới nghiêm”, kéo dài tới năm 2013. Số lượng cua đá từ chỗ bị tận diệt đã dần được tái tạo đàn, phục hồi nguồn giống. Cua đá được bán tại các quầy hải sản với giá từ 1,2 triệu đồng/kg trở lên. Ảnh: T.B.D. Một buổi sáng, lối đi nhỏ dẫn vào nhà của tổ trưởng tổ quản lý khai thác cua đá CLC xuất hiện mấy người nông dân dáng vẻ lam lũ. Nhiều người tay chân còn tím tái vì lạnh sau một đêm đội đèn pin lội rừng bắt cua. Họ mang trên tay từng đùm, từng bị nhỏ chứa những chú cua mới bắt được từ hốc đá đến nhà tổ trưởng để làm thủ tục dán tem, truy xuất nguồn gốc. Nhóm khoảng chục người, đều là thành viên của tổ quản lý khai thác cua đá được lập ra nhiều năm nay. Ban đêm họ lên rừng bắt cua, sáng tới nhà tổ trưởng để dán tem, vào sổ để làm thủ tục bán cua cho nhà hàng. Tổ trưởng Trần Công cầm trên tay cuốn sổ, đặt cua lên chiếc cân, bỏ từng con một vào. Nếu cua đủ cân thì ông phết vào lưng một con tem, trên tem có ghi dấu hiệu nhận diện của tổ quản lý khai thác cua đá CLC. “Mỗi sáng tôi dán khoảng 50-70 con tem, mỗi con tem cho một con cua” - ông Công nói. Nhưng không phải chú cua nào được bắt về cũng được dán tem. Để được dán tem, cua phải đủ tuổi, đủ kích cỡ, cân nặng. Cua đưa ra dán tem được đặt lên, ông Công cầm cây thước loại thước chữ U, hai đầu có điểm kẹp. Ông mở vòng thước ra, con nào có thể lọt vào khung 7cm bề dọc lưng cua mà không hở ra hoặc lớn hơn 7cm mới được dán tem. Những chú cua nhỏ, bụng đang có dấu hiệu mang thai lập tức bị loại, chủ cua không những phải đem về đúng chỗ đã đánh bắt để thả lại tự nhiên mà còn phải đối diện với một khoản tiền phạt tương đương giá trị con cua đã bắt về, nếu vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị tước quyền khai thác. Riêng với các nhà hàng, các điểm bán cua bất hợp pháp tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt và cấm đón khách trong thời gian nhất định. Những người trong tổ quản lý khai thác cua đá cho biết những quy định về khai thác, đánh bắt cua đá này được áp dụng từ năm 2013, khi lệnh cấm đánh bắt cua đá của TP Hội An được gỡ bỏ. Nhận thấy nguồn cua đá có thể bị kiệt quệ, chính quyền tập hợp dân lại và thống nhất sẽ có bộ quy chế dành riêng cho hoạt động săn bắt, quản lý khai thác cua đá. Người dân cùng chính quyền ngồi soạn thảo ra các quy định, thống nhất và bắt tay thực hiện. Sau khi có bộ quy chế, tổ quản lý khai thác cua đá được bầu ra. Người dân có nhu cầu bắt cua, tuân thủ các quy định chung của tổ, chưa có công ăn việc làm ổn định đều được xem xét và gia nhập vào tổ này. Ông Trần Công cho biết trách nhiệm của ông là cầm toàn bộ tem cua và kiểm định cân nặng, kích cỡ rồi dán lên “chứng nhận” cho cua do các thành viên mang tới. Cua bán tại chỗ giá 800.000-1 triệu đồng/kg. Để duy trì nguồn quỹ cho tổ khai thác hoạt động, cứ mỗi ký cua bắt được người chủ có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền. Cua sau khi được bán ra cho các nhà hàng thì sẽ có các lực lượng chuyên trách đi kiểm tra, nhà hàng nào phục vụ cua không có tem sẽ bị phạt nặng. “Điều thú vị là ở CLC, các nhà hàng, quầy bán hải sản chỉ thu mua loại cua có tem. Bởi thế nên bất kỳ ai tự ý đi lên rừng bắt trộm cua rồi bán thì thông tin cũng sẽ tới chính quyền, và người bắt trộm sẽ bị phạt” - ông Trần Công nói. ■ Khai thác thời điểm cua không sinh sản Quy chế cũng yêu cầu mỗi năm chỉ được bắt cua từ ngày 1-3 đến 25-7. Ngoài thời gian này, cua được bán ra thị trường, cung cấp tại các nhà hàng ở CLC đều là bất hợp pháp và bị xử phạt rất nặng bởi lực lượng kiểm tra của UBND xã và Ban quản lý khu bảo tồn biển CLC. Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cho biết cua đạt kích cỡ bề dọc lưng trên 7cm là cua đã đạt độ tuổi trưởng thành, đã sinh sản được nhiều lứa và đạt chất lượng thịt tốt nhất. Riêng thời gian bốn tháng từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm cua không sinh sản, việc đánh bắt vào lúc này sẽ không làm triệt tiêu nguồn cua con tái sinh, gây tạo bầy đàn kế tiếp. Ngư dân sống được nhờ đánh bắt sinh thái Toàn bộ số cua đá đánh bắt từ ngày thành lập tổ quản lý khai thác cua đá CLC được ông Trần Công ghi chép thành cuốn sổ: Từ 2013-2017 tổng cộng 23.870 con cua được bắt về, trong đó 8.028 con cua cái, 15.842 con cua đực. Theo ông Công, nhờ đánh bắt có chọn lọc nên số lượng cua đá ở CLC hiện đang duy trì ổn định. Năm 2017 số cua toàn đảo khai thác được là 770kg, tương đương khoảng 192kg/tháng. Số thành viên tổ khai thác cua đá hiện nay là 37. Bình quân bốn tháng đánh bắt cua mỗi người dân thu về từ 40-60 triệu đồng. Tags: Cù Lao ChàmĐeo tem cho cuaDán tem cua
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.