Di dời các cơ sở nội thành: Chuyển động chậm

NGỌC ẨN - DƯƠNG NGỌC HÀ 24/09/2012 22:09 GMT+7

TTCT - Bảy năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về di dời hệ thống cảng biển ở TP.HCM (năm 2005) với hàng loạt yêu cầu “khẩn trương” đối với Bộ Tài chính và chính quyền TP.HCM, nay duy nhất Tân Cảng được di dời.

Tương tự, các quyết định về di dời bệnh viện, trường học gây quá tải cho giao thông đô thị cũng chuyển động rất chậm.

Phóng to
Cảng Bến Nghé sẽ được di dời về cảng Phú Hữu, Q.9, TP.HCM nhưng cảng Phú Hữu vẫn chưa hoạt động vì chưa có đường vào cảng - Ảnh: Minh Đức

Cảng không lối vào

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những cảng tại TP.HCM cần di dời ra ngoại thành trước năm 2010 (gia hạn đến cuối năm 2012) gồm năm cảng và nhà máy là Tân Cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, khu Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn), cảng Tân Thuận Đông và cảng rau quả. Ngoài Tân Cảng đã di dời xong vào năm 2008, cảng rau quả không di dời mà xin chuyển công năng tại chỗ thì việc di dời ba dự án còn lại hầu như chưa có nhiều tiến triển.

Ông Phạm Anh Tuấn - phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), thành viên tổ chỉ đạo của Chính phủ về di dời cảng biển - cho biết: “Nhà máy đóng tàu Ba Son đang triển khai thi công một số hạng mục thành phần tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn) đang triển khai xây dựng cảng Sài Gòn Hiệp Phước tại Hiệp Phước (TP.HCM) cho kế hoạch di dời”.

Theo ông Tuấn, quá trình thực hiện di dời bị chậm do nhiều nguyên nhân: chưa thu xếp được nguồn vốn để đầu tư cảng mới, vướng mắc trong đền bù giải tỏa, cơ sở hạ tầng ngoài cảng tại vị trí mới chưa được đầu tư... Song, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp phải di dời không thể huy động được đủ vốn để hoàn tất dự án, điển hình là dự án xây dựng cảng Sài Gòn Hiệp Phước của cảng Sài Gòn đã phải tạm dừng thi công (dù đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng).

Ngay cả khi các cảng mới đã hoàn thành cũng khó đưa vào khai thác, nếu có cũng rất hạn chế do cơ sở hạ tầng liên quan chưa được đầu tư kịp, như đoạn đường nối vào cảng Sài Gòn Hiệp Phước chỉ khoảng 1,8km nhưng nay vẫn chưa triển khai. Năm 2008, cảng Sài Gòn đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép chủ trì lập dự án chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng - Khánh Hội nhưng đã không thể triển khai lập quy hoạch và dự án chuyển đổi công năng vì vướng quy hoạch 1/2.000 toàn khu vực bờ tây sông Sài Gòn mà TP.HCM chưa phê duyệt.

Tại cuộc họp với Ban Kinh tế ngân sách (HĐND TP.HCM) mới đây, ông Nguyễn Hồng Anh - tổng giám đốc Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - cho biết Samco đã đầu tư 700 tỉ đồng để xây dựng cảng mới ở Phú Hữu (quận 9) để phục vụ di dời cảng Bến Nghé. Cảng đã xây xong giai đoạn 1 nhưng nay cũng không có đường vào. Kế hoạch di dời cảng Bến Nghé ra ngoại thành chịu chậm lại.

“Cái khó bó cái khôn”

Nghẽn mạch di dời, cũng theo ông Nguyễn Hồng Anh, xảy ra với hàng loạt cơ sở khác của ngành giao thông vận tải, nhất là việc di dời các bến xe ra ngoại thành kết hợp dời trạm đăng kiểm. Lúc đầu, bến xe miền Tây mới được quy hoạch tại xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh), nay lại có chủ trương di dời về xã Tân Túc cùng huyện, mọi thủ tục phải làm lại từ đầu. Samco vẫn đang chờ TP cho phép bán nửa diện tích bến xe miền Tây hiện tại làm kinh phí xây dựng bến xe mới. Bến xe miền Đông cũng không hơn gì, khi kế hoạch di dời từ quận Bình Thạnh về vị trí mới ở quận 9 rất chậm do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bên ngành giáo dục, mọi việc diễn ra y chang. Theo kế hoạch, đến năm 2015 TP.HCM sẽ di dời năm trường đại học (ĐH) ra ngoại thành mà theo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, hiện đã có bốn trường chắc chắn di dời là ĐH Kinh tế, ĐH Kiến trúc, ĐH dân lập Ngoại ngữ tin học và ĐH Sư phạm. Nhưng ông Trương Ngọc Ẩn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc, cho biết dù đã nhận được lệnh di dời, được bố trí quỹ đất để di dời, trường vẫn “chưa có nguồn tài chính để thực hiện”, cụ thể là khoảng 600 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng và gần 2.000 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất.

Mặc dù có “lệnh” phải di dời nhưng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang xin UBND TP cho xây dựng thêm một dãy văn phòng tại trụ sở A (159 Nguyễn Đình Chiểu). Theo kế hoạch di dời đã được Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM phê duyệt, trường được bán đấu giá bảy cơ sở (giữ lại cơ sở A ở đường Nguyễn Đình Chiểu và cơ sở B ở đường Nguyễn Tri Phương) để làm kinh phí di dời. ĐH Kinh tế đã mua 1,3ha đất tại quận 8 để xây dựng trụ sở làm cơ sở đào tạo trung gian trong thời gian chờ bán các cơ sở cũ để lấy tiền xây trường mới.

Tổng vốn cho cơ sở trung gian này khoảng 400 tỉ đồng nhưng hiện tại trường đang thiếu tiền. Trường đã “gõ cửa” nhiều nơi để xin được vay vốn kích cầu, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ... nhưng hiện vẫn chưa có thông tin khả quan. “Trong tình hình thắt chặt đầu tư công như hiện nay thì đề xuất xây dựng cơ sở của trường chắc còn lâu mới được ghi vốn” - ông Nguyễn Hữu Huy Nhựt, trưởng phòng tổ chức hành chính ĐH Kinh tế, nhận định.

Kế hoạch di dời các bệnh viện (BV) ra ngoại thành đã được đặt ra cách đây năm năm với mục đích tăng giường bệnh, giảm lượng xe của người dân từ các tỉnh về chữa bệnh phải đi vào nội thành cũng đang bị “kẹt” vì... chưa có tiền. Hiện TP đã thống nhất kế hoạch di dời BV Bệnh nhiệt đới và BV Phạm Ngọc Thạch ra ngoại thành để tránh lây nhiễm trong khu dân cư, giảm tải cho ba BV là Nhi Đồng 1, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình. Hiện phương án di dời khả quan nhất là BV Chấn thương chỉnh hình, bởi một bản ghi nhớ đã được UBND TP ký cho hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty cổ phần Đức Khải về việc xây dựng BV Chấn thương chỉnh hình tại khu Nam TP.

Đổi lại, công ty này được mua chỉ định khu đất của BV Chấn thương chỉnh hình hiện tại sau khi BV này dời đi. Theo thông tin từ Công ty Đức Khải, BV Chấn thương chỉnh hình mới sẽ được khởi công trong quý 4-2012 (sau nhiều lần hoãn vì thủ tục). Trong khi đó, ông Lê Văn Hai, trưởng phòng hành chính quản trị BV Bệnh nhiệt đới, lại cho biết hiện BV này chưa có kế hoạch di dời. Không những thế, BV chỉ được biết kế hoạch di dời qua... quy hoạch của UBND quận 5.

BV Nhi Đồng 1 cũng đã được bố trí một lô đất ở huyện Bình Chánh nhưng vẫn chưa thể lên phương án xây dựng cơ sở 2 để giảm tải vì “chưa có giải pháp tài chính”. Tương tự, kế hoạch xây dựng cơ sở 2 của BV Ung bướu cũng đang giậm chân tại chỗ vì phần đất bố trí cho BV này tại quận 9 chưa thể giải phóng mặt bằng cũng do thiếu tiền.

Ai chịu trách nhiệm về sự chậm trễ?

Phóng to
Ông Phạm Anh Tuấn - Ảnh: Minh Đức

“Các cơ chế, chính sách tạo vốn để xây dựng cơ sở tại vị trí mới cho các doanh nghiệp di dời đã được thể hiện rõ trong quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5. Theo đó, vốn đầu tư xây dựng cơ sở tại vị trí mới của các doanh nghiệp di dời được sử dụng từ nguồn vốn tự có, vốn vay, vốn được tạo thành từ chuyển quyền sử dụng đất tại vị trí cũ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn được các doanh nghiệp di dời trông chờ nhiều nhất - nguồn vốn chính - là vốn được tạo thành từ chuyển quyền sử dụng đất tại vị trí cũ.

Khu Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn) chưa thể thực hiện được phương án tạo vốn từ các nguồn nêu trên do quy hoạch 1/2.000 cho khu vực này chưa được phê duyệt để làm cơ sở lập phương án chuyển đổi công năng và qua đó tạo vốn từ vị trí cũ. Chỉ khi nào quy hoạch 1/2.000 khu bờ tây sông Sài Gòn được phê duyệt thì mới đủ cơ sở để các doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại vị trí cũ, làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia và qua đó mới có nguồn vốn giải quyết bài toán đầu tư cảng mới.

Trong khoảng ba năm qua, ít nhất đã bốn lần Chính phủ chỉ đạo UBND TP phải hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2.000 để thúc đẩy nhanh tiến độ di dời.

Song, cho đến cuộc họp ngày 24-8-2012 với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND TP.HCM mới cho biết quy hoạch điều chỉnh khu bờ tây sông Sài Gòn dù đã hoàn tất nhưng vẫn đang chờ ý kiến Bộ Xây dựng, dự kiến tháng 10-2012 mới có thể phê duyệt. Sự chậm trễ này một phần do quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần, trong đó có cả điều chỉnh do sự xung đột lợi ích quy hoạch chung TP và quy hoạch riêng các khu cảng cũ. Để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp di dời thì cần tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất khi quy hoạch các khu vực cảng cũ, mà điều này lại xung đột với quy hoạch cảnh quan bờ tây sông Sài Gòn.

Nhưng trong tình hình hiện nay, ngay cả khi quy hoạch 1/2.000 được duyệt, cả khi các doanh nghiệp có thể lập được dự án chuyển đổi công năng khu cảng cũ thì khả năng kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn cũng có thể sẽ rất khó khăn. Vì vậy, các cấp thẩm quyền nên có cơ chế hỗ trợ vốn trước cho các doanh nghiệp di dời hoặc bảo lãnh để các doanh nghiệp di dời có thể vay vốn từ các định chế tài chính nhằm hoàn tất việc xây dựng dự án ở những vị trí mới, lúc đó có thể đẩy nhanh được tiến độ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận