Di sản của ông Raisi

SÁNG ÁNH 25/05/2024 10:03 GMT+7

TTCT - Đâu là những mất mát đáng kể và khó thay thế được của chính quyền Iran sau khi ông Raisi tử nạn?

Chính sách đối ngoại của Iran có nhiều thay đổi dưới thời ông Raisi. Ảnh: Foreign Affairs

Chính sách đối ngoại của Iran có nhiều thay đổi dưới thời ông Raisi. Ảnh: Foreign Affairs

Ngày 19-5, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để khánh thành đập thủy điện Qiz Qalasi trên sông Aras ở ranh giới giữa hai nước. Con sông này chảy xuyên qua bốn quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Iran và Azerbaijan. 

Qiz Qalasi là đập thứ ba trên sông và Iran là cường quốc trong khu vực cũng như cường quốc từ 2.500 năm nay. Hiện GDP và dân số Iran (90 triệu) đều cao gấp 9 lần Azerbaijan. Trên đường trở về, chiếc máy bay trực thăng chở ông Raisi bị rơi.

Một tổng thống sốt sắng

Trong 33 tháng làm tổng thống, ông Raisi đã đi thăm tất cả 31 tỉnh của Iran ít nhất 2 lần, có tỉnh ông thăm tới 9 lần. Sau khi gặp Tổng thống Aliyev, ông lên đường đi Tabriz để khánh thành một nhà máy dầu. 

Như vậy ông không thuộc dạng ngồi trong dinh và ký công văn. Trực thăng chuyên chở ông là mẫu Bell 212 Iroquois ra đời năm 1971. Nó là hậu thân dân sự của chiếc UH-1 quen thuộc trong chiến tranh Việt Nam 60 năm về trước.

Chiếc Bell 212 này được nâng cấp các chức năng phi hành điện tử liên tục, nhưng năm 1979, tức 45 năm trước thì xảy ra cách mạng thần quyền và Hoa Kỳ cấm vận Iran cho đến nay. 

Iran làm cách nào bảo trì 10 chiếc Bell 212 từng mua của Mỹ này thì ta không biết và có bao nhiêu chiếc còn sử dụng được ta cũng không biết nốt. Trong thời gian 45 năm đó, tại Iran đã có 2.000 người tử nạn máy bay vì tình trạng bế quan, thiếu phụ tùng và thiếu bảo trì này.

Tổng thống tiền nhiệm của ông Raisi, Hassan Rouhani (2013-2021), khi chia buồn trước tin dữ, đã nói "(thôi thì) Iran lật qua một trang sử cay đắng cũ". 

Năm 2017, ông Rouhani từng đánh bại ông Raisi 59-39% với mức cử tri tham gia cao (73%). Sang 2021, ông Raisi thắng áp đảo 72% trước hai ứng viên vô danh trong một cuộc bầu cử chỉ có 48% cử tri đến hòm phiếu.

Từ "cay đắng" đây, vì vậy, có lẽ để chỉ quá khứ của đương sự. Năm 1988, giáo sĩ Montazeri, nhân vật số 2 của chế độ, chỉ định một ủy ban tư pháp đặc biệt để giải quyết vấn đề chống đối. 

Theo chính ông Montazeri thì số những người đủ các thành phần bị "Ủy ban Thần chết" này vỗ vai là 2.500-3.800, con số thật có thể lên đến hàng chục ngàn, chẳng ai biết được. 

Trong ủy ban 4 người này, có một thành viên hăng say lúc đó mới 28 tuổi và sau này đứng đầu ngành tư pháp cả nước: Ebrahim Raisi. Vì quá khứ đó, năm 2017, ông tranh cử thất bại khi cử tri Iran có vẻ còn tin tưởng vào một giải pháp hòa hoãn từ phía Hoa Kỳ sau hiệp ước về hạt nhân năm 2015.

Ông Amir-Abdollahian. Ảnh: nournews.ir

Ông Amir-Abdollahian. Ảnh: nournews.ir

Có thể lý do ông Raisi năng nổ như vậy là vì ông không có gì đặc biệt, không có lập trường hay viễn tượng, mà chỉ là một người bảo thủ bình thường sốt sắng trong nhiệm vụ. Năm 2022, ông là người siết chặt chuyện khăn cột tóc phụ nữ mà ông cho là lả lơi. 

Khi xảy ra chống đối dữ dội thì ông đình chỉ luôn cả lực lượng công an đạo đức. Việc ông Raisi lên làm tổng thống là phản ứng thậm thụt chờ thời của phe cứng rắn. 

Họ biết là sẽ có thay đổi, nhưng chưa biết phải làm gì trong khi phe cải cách đang mệt mỏi sau cao trào cải cách bất thành từ 2009. 

Hơn nữa, ông Raisi (64 tuổi) tử nạn khi nhiều người đang nghĩ ông sẽ thay thế lãnh tụ tối cao Khamenei (85 tuổi). Nhưng ứng viên ghế đó còn nhiều người khác, và chuyện thay thế Raisi trong bầu cử tổng thống 50 ngày tới cũng không khó.

Tổn thất lớn Amir-Abdollahian

Cùng đáp một chuyến trực thăng và tử nạn với tổng thống là Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian. Ông này tên khó đọc nhưng nhìn từ xa thì thấy ngay vì cao 1,97m. 

Trong thập niên 1980, khi thanh niên Iran ăn hơi độc của Saddam ngoài mặt trận thì Amir-Abdollahian miệt mài làm luận án ở Đại học Tehran. Đây cũng là điểm lạ trong lý lịch thành phần lãnh đạo. "Anh thuộc đơn vị nào của Vệ binh Cách mạng ở mặt trận miền Nam? Tôi lúc đó ở Đại học Ngoại giao!".

Ông về sau là chuyên gia khu vực Trung Đông và Ả Rập, được coi như bộ mặt ngoại giao của tướng Vệ binh Cách mạng đã bị ám sát Soleimani. Dưới thời Tổng thống Rouhani, ông thất sủng, bị đuổi khỏi bộ về làm cố vấn ngoại giao cho chủ tịch quốc hội. 

Ngoại trưởng lúc đó cùng tuổi với ông, Javad Zarif, là hình ảnh tương phản của Amir-Abdollahian. Ông Zarif là con nhà giàu, tốt nghiệp phổ thông trường tư thục ở... Mỹ! 

Chiến tranh với Iraq, ông Zarif cũng đang làm luận án, nhưng là ở Denver, chứ không phải trên gác trọ đơn côi, nên hai bạn đồng song này không hợp ý. Cái áo vest hay là cách mặc áo vest của họ cũng khác nhau!

Khi ông Raisi đắc cử và đến lượt Zarif ra đi thì Amir-Abdollahian trở về bộ nắm trọng quyền từ năm 2021. Ông trở thành khuôn mặt quen thuộc của khu vực, nếu không uống trà với Hezbollah (Lebanon) thì múa đao với Houthi (Yemen). 

Nói thế không phải ông là cực đoan đánh đấm. Ông là người nói chuyện thành công với Saudi, UAE là những quốc gia đồng minh của Mỹ, mở được lối mới cho ngoại giao Iran đang bị Hoa Kỳ cô lập. 

Nếu dùng tướng mệnh học thì Amir-Abdollahian... vắn số. Nhưng ta có thể đoán sự ranh mãnh trên nét mặt và nụ cười của ông qua những thước phim thời sự khi ông chắp hai tay trước bụng đứng lom khom cười ruồi. Đây mới là mất mát đáng kể và khó thay thế được của chính quyền Iran.

Ông Ali Bagheri. Ảnh: Amu TV

Ông Ali Bagheri. Ảnh: Amu TV

Ba năm qua, ông đã giúp củng cố và gia tăng ảnh hưởng của Iran ở Iraq, Syria, Lebanon, và Yemen. 

Thứ nhì, ông đã khiến Tehran thêm phần thân thiện với Qatar và Hamas. 

Thứ ba, ông mở ra quan hệ với Saudi và vùng Vịnh, UAE, Bahrain, Oman. Ngoài khu vực, Iran tìm cách phá vòng cương tỏa Mỹ bằng cách giao dịch với Nga và Trung Quốc. Tất cả đều là những việc mà người đi sau Amir-Abdollahian phải tiếp tục làm được.

Phe cải cách Iran, vốn từng trông chờ thay đổi đến từ Tây phương, nhưng phe bảo thủ cũng chẳng dễ dầu gì. 

Kinh tế Iran lạm phát đến 40% và nền chính trị đang ở tình thế bấp bênh và nguy hiểm khi khả năng chiến tranh trực tiếp với Israel và Mỹ có lẽ đang lớn nhất kể từ khi ông Raisi lên cầm quyền.■

Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri hiện được bổ nhiệm tạm thời nắm chức vụ này. Ông là gốc con ông cháu cha gia đình lãnh tụ giáo sĩ, từng thương thuyết với Hoa Kỳ và chỉ sợ bị Mỹ lừa, trong khi sếp ông mới qua đời là người chỉ chực lừa Mỹ. Cả hai đều bảo thủ, nhưng Amir-Abdollahian linh hoạt và lịch duyệt hơn nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận