Di sản văn hóa: Làm sao để bảo tồn và phát huy?

NGUYỄN HỮU THÁI 03/09/2007 16:09 GMT+7

TTCT - Phát triển và hội nhập thời toàn cầu hóa phải chăng đang tác động từng ngày từng giờ đến di sản văn hóa (DSVH) đất nước, đã gây không ít bức xúc cho giới làm lịch sử, văn hóa. TP.HCM là một “điểm nóng” của hiện tượng đó.

Phóng to
Chùa Cầu, Hội An Ảnh: Đào Trung Phụng

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong tuần qua đã diễn ra đến ba cuộc thảo luận về bảo tồn di sản (*). Trong suốt các cuộc thảo luận sôi nổi đó, những câu hỏi sau đây luôn được đặt ra: Phải chăng bảo tồn và phát triển luôn mâu thuẫn nhau? Có chăng kinh nghiệm, cơ sở khoa học và pháp lý cho bảo tồn và phát huy DSVH theo thông lệ quốc tế?

Nhân vụ tranh luận về ý đồ xây dựng khách sạn tại đồi Vọng Cảnh (Huế) cách đây mấy năm, tôi nghe không ít nhà quản lý đô thị và phụ trách kinh tế than vãn: các nhà văn hóa các ông thì nhìn đâu cũng thấy vốn quí di sản cần bảo tồn, vậy còn đâu ra chỗ để xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế đất nước! Đến các khu trung tâm Hà Nội hoặc TP.HCM ta cũng nghe không ít các lời trách cứ tương tự của các nhà đầu tư địa ốc nóng lòng muốn xây dựng nhà cao tầng khi họ gặp phải phản ứng của các nhà bảo tồn di sản kiến trúc.

Mâu thuẫn bảo tồn và phát triển

Vấn đề bảo tồn và trùng tu dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập nay nên được xác định chức năng chính của mình là một di tích - bảo tàng, phục vụ tham quan du lịch. Việc đưa dinh Độc Lập vào các hoạt động kinh tế là cần thiết một khi Nhà nước chưa thể bảo đảm kinh phí bảo tồn và trùng tu công trình.

Tuy vậy, việc tu sửa cần tôn trọng tối đa tính nguyên bản nhằm tránh làm sai lệch giá trị lịch sử và khoa học cũng như tuân theo luật pháp nước ta và thông lệ quốc tế. Nếu đòi hỏi phải sử dụng công nghệ mới để trùng tu phải ghi rõ trong hồ sơ và nhật ký bảo tồn công trình. Cần cơi nới để phục vụ hoạt động tạm thời hoặc thời vụ thì nên sử dụng cấu tạo tháo lắp được.

Qua mấy ngày hội thảo về DSVH, tôi lại nghe không ít lời than vãn phát xuất từ những nhà nghiên cứu lịch sử và bảo tồn khắp nước tụ về. Mũi dùi phê phán không chỉ nhắm vào các nhà quản lý đô thị và kinh tế mà nhắm cả vào chính những người đang đảm nhiệm công tác bảo tồn di sản thiếu hiểu biết và ý thức ở không ít địa phương.

Cụ thể như điều lưu ý của KTS Hoàng Đạo Kính về ba xu hướng sai lệch xuất hiện thường xuyên hiện nay trong lĩnh vực bảo tồn. Đó là đơn giản giao trách nhiệm bảo tồn cho ngành xây dựng (thường có hiểu biết rất hạn chế về DSVH), việc tôn tạo không đúng phương pháp và qui cách (tự ý thêm thắt, làm mới lung tung) và nhất là xu hướng rất đáng báo động hiện nay là “du lịch hóa” di sản (điển hình như kiểu du lịch Suối Tiên ở TP.HCM; ý đồ biến dạng hang Pắc Bó lịch sử, khu làng Kim Liên của Bác Hồ nhằm phục vụ du lịch ở phía Bắc).

Trường hợp các ngôi đình nổi tiếng ở miền Bắc như Tây Đằng, Mông Phụ... đang trở thành phế tích hoặc xây tường vây kín (trái với ý niệm không gian mở vốn có của công trình đình làng truyền thống). GS Phan Huy Lê gây kinh ngạc khi kể lại câu chuyện hướng dẫn vị đại sứ Nhật Bản tham quan chùa Tây Phương đã phát hiện người ta đem sơn mới phết lên các pho tượng gỗ La Hán nổi tiếng, gọi là để bảo quản chúng. Việc đó lại do Hội chùa thiếu kiến thức bảo tồn tiến hành. Điều này nói lên việc giao khoán công tác bảo tồn DSVH cho các hội quần chúng địa phương mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia văn hóa, vào thời xã hội hóa sinh hoạt văn hóa ở các địa phương khắp nước!

Tuy vậy, trước những báo động nguy cơ hủy hoại DSVH có thật đó, những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa vẫn không bi quan cho rằng luôn có mâu thuẫn giữa bảo tồn DSVH và phát triển kinh tế. Trái lại, kinh nghiệm cho thấy chúng ta có thể dung hòa được bảo tồn và phát triển, nếu ta biết hỗ trợ, bổ sung nhau, đào sâu nhận thức, tìm ra giải pháp thỏa đáng thì ta có thể biến DSVH thành tài nguyên quí phục vụ phát triển. Điển hình là địa chỉ văn hóa du lịch nổi tiếng Hội An, nơi mà các công tác nghiên cứu cơ bản, giám sát, phản biện, phổ cập ý thức trong nhân dân về DSVH được những nhà quản lý đô thị và kinh tế địa phương tiến hành khá tốt ngay từ đầu.

Cơ sở khoa học và pháp lý của bảo tồn di sản văn hóa

Bảo tồn mà giữ nguyên trạng cứng nhắc chỉ có tác dụng làm đóng băng di sản và về lâu dài sẽ đưa đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng. Quan niệm bảo tồn DSVH trên thế giới ngày nay mang tính khoa học và thực tế hơn. Vì vậy trong vài thập niên gần đây, bảo tồn DSVH đã trở thành một ngành nghiên cứu và thực hành mang tính chuyên môn cao, tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt theo thông lệ được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Ở nước ta từ năm 2001 đã có luật về DSVH để làm cơ sở pháp lý, ngoài ra chúng ta cũng đang tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Theo TS Trần Văn Khải, các thông lệ quốc tế thường dựa vào văn kiện tiêu biểu là hiến chương Venice 1964 với sự xác nhận của công ước về DSVH thế giới của UNESCO 1972, sau này được bổ sung văn kiện Nara 1994.

Hiến chương Venice đòi hỏi việc gìn giữ tính nguyên gốc của di sản nhằm tránh làm sai lạc các chứng cứ lịch sử và khoa học. Sở dĩ hiến chương nhấn mạnh điều đó là do phương Tây đã trải qua kinh nghiệm phục hồi chua xót di sản vào thời Phục Hưng, đã từng tùy tiện nâng cấp cải tạo hoặc trùng tu thêm thắt theo phong cách mới của thời đại hoặc thị hiếu cá nhân.

Tuy nhiên, gần đây nhiều hội nghị quốc tế đã chỉ ra rằng hiến chương Venice nay đã phần nào lỗi thời trong quan niệm “giữ gìn nguyên gốc” và hướng sang đề cao văn kiện Nara.

Nhật Bản từng có thông lệ từ thế kỷ thứ 7 là cứ 20 năm họ tiến hành trùng tu các công trình tôn giáo Thần đạo tại khu Ise truyền thống. Điều này rõ ràng là không phù hợp với tinh thần châu Âu của hiến chương Venice. Vì vậy mà vào năm 1994, các chuyên gia đầu ngành bảo tồn di sản của các tổ chức quốc tế và 25 nước đại diện các châu lục đã họp tại Nara đề ra các điều bổ sung mới về tính nguyên bản của di sản. Nghĩa là phải tính đến các yếu tố phi vật thể, phù hợp với thực tế của thời đại như các yếu tố chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm...

Hiện nay, thông lệ quốc tế khuyến khích giữ gìn nguyên trạng di sản nhưng cũng uyển chuyển áp dụng các qui định mới, nhằm biến DSVH sinh động hơn và không “đóng băng” chúng trong thời kinh tế thị trường.

Thủ Thiêm như một điểm nhấn văn hóa Sài Gòn - TP.HCM

Phóng to
TP.HCM nhìn từ Thủ Thiêm
Hiện nay có không ít người quan niệm khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một Phố Đông (Thượng Hải) hoặc khu phố hiện đại La Défense (Paris) cho TP.HCM. Các khu phố mới đó rõ ràng là rất hiện đại nhưng nặng về chức năng kinh tế. Có tham quan thực tế Phố Đông, mới thấy thành phố mang tính thuần kinh tế, phát triển theo hướng hậu hiện đại phương Tây, mà rõ ràng đã tách rời thành phố Thượng Hải cũ, sinh hoạt khá lạnh lẽo và hầu như bị cô lập khỏi dòng chảy phát triển đô thị châu Á. Khu La Défense (với các công trình kiến trúc hiện đại nhất nước Pháp) sau mấy mươi năm hình thành vẫn không khá hơn, chưa tạo được sinh khí mới, còn xa lạ đối với cư dân Paris và chưa hấp dẫn khách quốc tế tham quan thủ đô nước Pháp.

Làm sao xây dựng được Thủ Thiêm như một điểm nhấn của văn hóa Sài Gòn - TP.HCM? Muốn được như vậy phải xây dựng từ đầu Thủ Thiêm như một đô thị có hồn, được xem như một chuyển tiếp không gian của Sài Gòn - TP.HCM, nối kết được với thành phố cũ, nghiêng về tính cách sinh thái, sông nước, bảo tồn được thiên nhiên và di sản. Phải sáng tạo lại theo hướng mới và triển khai các loại hình sinh hoạt truyền thống như lễ hội, nghệ thuật dân gian, tạo thêm các không gian tâm linh, sinh hoạt chợ đêm, chợ trên sông nước kiểu Nam bộ...

-------------------

(*) Các cuộc hội thảo:

- 22-8: Sử học Việt Nam trước nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức

- 24-8: Dinh Độc Lập - những vấn đề lịch sử, văn hóa. Ban quản lý dinh Độc Lập thực hiện

- 25-8: Xây dựng Thủ Thiêm như một điểm nhấn của văn hóa Sài Gòn - TP.HCM, tọa đàm khoa học của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận