Đi về đâu "giấc mơ đổi đời"?

HỮU NGHỊ 13/08/2013 09:08 GMT+7

TTCT - 1g15 (giờ địa phương) thứ tư 7-8, thông tấn xã Nga RIA-Novosti còn đưa lên những thông tin mới liên quan đến việc người di trú Việt Nam đang bị tạm giữ. Đây là một trong chuỗi bài viết về làn sóng lao động chui từ Việt Nam mà Chính phủ Nga nay ra tay dọn dẹp. Làn sóng đó từ đâu?

Phóng to
Khu lán trại tạm thời dành cho người di cư đang chờ bị trục xuất nếu không có giấy tờ hợp lệ - Ảnh: RIA-Novosti

RIA-Novosti cho biết “những nhà hoạt động nhân quyền (Nga) cùng một phái bộ ngoại giao của Việt Nam vừa bày tỏ những quan ngại về điều kiện sống của hàng trăm người di cư đang bị giữ trong trại lều bạt được dựng lên tuần rồi ở phía đông Matxcơva sau một chuỗi lùng bố của cảnh sát” (1). Những nhà hoạt động nhân quyền đó, trong đó có cả đại diện nhân quyền Liên bang Nga là ông Vladimir Lukin, đã phải can thiệp để cải thiện điều kiện sống của những người vi phạm luật di trú này.

Họ đã cho chở đến đây 2 tấn gạo nhằm thay thế hạt kiều mạch vốn xa lạ với người Việt, quạt máy, ra giường, thuốc tẩy rửa... Đại diện nhân quyền Lukin tuyên bố: “Điều tối quan trọng (cần ý thức) là những người này là những con người, và họ phải được có quyền con người trước khi rời đất nước chúng ta”. Được biết, trại này là nơi tạm giữ trong khi chờ đợi phán quyết trục xuất về nước của tòa án và đang do cảnh sát canh giữ, còn bếp ăn do Bộ Tình trạng khẩn cấp điều hành.

“Đổ vỏ”...

Theo RIA-Novosti 5-8, trưởng phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva Le Hong Truong đã phàn nàn “các điều kiện giam giữ là xấu. 40 người trong một lều bạt 50m2. Đó là những điều kiện vô nhân đạo”. Ông này cho biết sứ quán Việt Nam đã yêu cầu nhà chức trách Nga cung cấp thông tin chính xác về tình hình trong trại và con số công dân Việt Nam đang bị giữ.

Về phần mình, sứ quán đã cung cấp thông dịch viên trong các tiếp xúc với công dân Việt Nam đang bị giam giữ do lẽ họ không nói được tiếng Nga. Theo RIA-Novosti, hơn 600 người được ghi nhận đang trú trong các lều bạt với giường tầng vào cuối hôm chủ nhật vừa qua sau khi cảnh sát đã tạm giữ khoảng 1.400 người di cư, đa số đến từ Việt Nam, vì những vi phạm luật di trú.

“Không nên đánh tráo vấn đề: chúng ta đang khổ sở vì tham nhũng chứ không phải vì việc người dân tộc nào đang kinh doanh tại các chợ”.

Natalia Aphanasyeva
(Bình luận viên RIA-Novosti)

Theo TTXVN 5-8, cảnh sát Matxcơva ngày 4-8 cho biết tổng cộng 612 công dân nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị bắt giữ tại Nga đã được đưa tới khu lán trại tạm thời ở phía đông thủ đô, trong đó đa số là người Việt Nam. Những người không có giấy tờ hợp lệ thì Cơ quan di trú Liên bang Nga sẽ phối hợp với tòa án trục xuất về nước. Khu lán trại tạm thời trên gồm 200 lều bạt, 100 nhà vệ sinh, có sức chứa 900 người. Không xa khu lán trại này là 20 xưởng sản xuất mà trước đó những người Việt lưu trú bất hợp pháp bị tạm giữ đã làm việc.

Trước đó, cảnh sát Matxcơva trong một chiến dịch an ninh lớn ngày 31-7 đã bắt giữ hơn 1.000 người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai và trẻ em, là công dân các nước Việt Nam, Ai Cập, Morocco, Syria, Kyrgyzstan, Azerbaijan và Uzbekistan. Nga đã quyết định khởi tố tám đối tượng bóc lột lao động Việt Nam.

Cũng theo TTXVN 5-8, ngay hôm sau vụ bắt giữ, hôm 1-8 Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã cử đoàn công tác gồm cán bộ lãnh sự và đại diện Ban công tác cộng đồng trực tiếp đến địa bàn tìm hiểu vụ việc và làm việc với các cơ quan chức năng địa phương. Chính quyền địa phương cam kết bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, ăn ở cho công dân Việt Nam và sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam giải quyết vụ việc.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc và phối hợp chặt chẽ với phía chính quyền địa phương sở tại giải quyết vụ việc, bảo đảm công dân Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục sinh sống và lao động trên đất Nga.

Đến đây có thể tạm hiểu những gì mà sứ quán Việt Nam đang quan tâm và muốn giải quyết. Trước hết, đó là công dân Việt Nam và nhiệm vụ lãnh sự là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Trong trường hợp này là điều kiện giam giữ. Hỗ trợ đầu tiên và cũng cần kíp trong trường hợp giam giữ này là làm sao cho việc thẩm vấn các công dân Việt Nam của nhân viên công lực Nga được trơn tru, không bị méo mó vì bất cứ lý do gì nhờ sự có mặt của các thông dịch viên do sứ quán cung cấp.

Quan tâm tiếp theo là khả năng tiếp tục sinh sống và lao động trên đất Nga của những người có giấy tờ hợp pháp mà vì lý do nào đó bị bắt giữ trong những đợt bố ráp này. Có phải Đại sứ quán đang phải “đổ vỏ” cho những ai “ăn ốc” trong các phi vụ nhập cư lậu từ Việt Nam sang Nga, mà đau khổ hơn cả là chính nạn nhân của các phi vụ này!

...Cho ai “ăn ốc”?

Cũng theo RIA-Novosti, một quan chức Bộ Nội vụ Nga tên Anton Tsvetkov, sau khi đến trại này hôm thứ hai, cho biết cảm tưởng của mình về điều kiện sinh hoạt của những người di cư này là “tốt hơn khi họ còn làm lụng và sinh sống chui trong một cơ sở công nghiệp gần đó”.

Ông cho biết các nạn nhân khai rằng họ đã phải chi đến 2.000 USD để đến được Nga, và rằng phần lớn trong số họ nào có sẵn tiền để nộp nên họ đã phải vay nợ để ra đi, và rằng khi đến đây hộ chiếu của họ đã bị các chủ hãng bất hợp pháp tước lấy. Cảnh sát khu vực Matxcơva và Sở Di trú cho biết đã bố ráp một kho trữ rau quả ở thị trấn Dolgoprudny và bắt giữ tại đó đến 600 người nhập cư lậu, và rằng cơ sở này hoạt động như một thị trấn nhỏ, với nhà băng riêng, bệnh xá, quán cà phê và cả các nơi cầu nguyện...

Chi tiết của RIA-Novosti 2-8 về một “xưởng vắt mồ hôi người lao động” bị cảnh sát Nga phát hiện hồi đầu tháng tại thị trấn Podolsk ở ngoại ô Matxcơva như sau: “Hàng ngàn bộ quần áo “dỏm” đã bị tịch thu từ cơ sở này, sát bên nơi cư ngụ của những người lao động mà không một ai từng phiêu lưu ra khỏi khu vực nhà xưởng. Họ may các sản phẩm nhại thương hiệu của các hãng nổi tiếng” (2).

Rõ ràng, loại công việc mà những người “xuất khẩu lao động” sang Nga đang làm là những công việc phi pháp, không thể giúp họ củng cố được hồ sơ xin nhập cư. Có một tương quan hữu cơ giữa các “chủ hãng” và “công nhân”: anh muốn ở lại “chui” cho bằng được để trả nợ ra đi và gỡ vốn thì phải “cày chui” thôi, tất nhiên lương và điều kiện sống bèo bọt.

Vấn đề là mối liên hệ từ các đầu mối “xuất khẩu lao động” ở Việt Nam với các “xưởng vắt kiệt mồ hôi” này ở Nga: nếu có thì quan hệ cung/cầu đó làm thế nào mà tồn tại một cách “bền vững”, nhất là khi những nạn nhân này ra đi hợp pháp, có hộ chiếu và visa?!

Có lẽ cần nói thêm về nguyên nhân của đợt tổng đột kích lần này của cảnh sát Nga: mọi việc bắt đầu từ một xô xát giữa những người mang quốc tịch Nga gốc Daghestan buôn bán tại chợ Matveyevski với các nhân viên công lực Nga hôm 27-7 khiến một cảnh sát bị chấn thương đầu, tức chẳng liên quan gì tới người Việt. Nhưng như mọi khi, cứ có bất ổn tại các chợ thì các lao động di trú luôn là nạn nhân.

Trong một cuộc làm việc, Tổng thống Nga V. Putin đã chỉ ra nguyên nhân hoạt động thiếu hiệu quả của các cơ quan công lực, dẫn tới việc bất chấp luật pháp tại các chợ Nga này: “Đó là sự tiếp tay của các cơ quan chính quyền với việc mua bán, với những tay kinh doanh chứ chẳng liên quan gì tới gốc gác dân tộc của những người buôn bán ở chợ cả” (3). Ông vạch rõ chính tình trạng tham nhũng, bắt tay giữa cảnh sát với các tay đầu nậu các chợ đã dẫn đến hiện trạng này.

Có vẻ phía Nga đã chỉ ra cốt lõi của vấn đề: chính tham nhũng dẫn tới gia tăng di trú lậu ở phía “cầu”. Còn phía “cung” liệu sẽ chấm dứt tình trạng những dòng người lao động mơ “giấc mơ đổi đời” để rồi bị kẹt trong những phân xưởng ngầm tăm tối?

_____________

(1): http://en.rian.ru/russia/20130805/ 182595050/Rights-Workers-Vietnamese-Embassy-Concerned-About-Moscow-Migrant-Camp.html
(2):
http://en.rian.ru/russia/20130802/ 182553497/Sweatshop-With-200-Illegal-Migrants-Found-Near-Moscow.html
(3):
http://ria.ru/incidents/20130731/ 953374668.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận