TTCT - Có lẽ chữ “địa chủ” mới trở thành xấu xí trong vòng hơn nửa thế kỷ nay. Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần Trước đó, nó thậm chí còn là niềm tự hào của người nông dân cần mẫn tích cóp nhiều đời để có được sản nghiệp mà cũng là phương tiện sản xuất quan trọng nhất: ruộng đất. Thế nên “địa chủ” là một khái niệm hết sức tương đối. Nó đã xa rời định nghĩa nguyên thủy khá lâu rồi. Có bao nhiêu ruộng đất thì được coi là địa chủ cũng tùy nơi, tùy lúc. Ngày mới hòa bình ở miền Bắc có vài sào ruộng đã được coi hoặc bị quy là địa chủ. Ngần ấy ruộng đất ở miền Nam lại là hạng bần cùng nghèo khổ, cứ phải có ruộng đồng hàng nghìn mẫu, phải mua máy bay để đi thăm lúa mới được gọi là địa chủ. Nếu cứ chiếu theo Luật đất đai hiện hành thì Việt Nam bây giờ còn không có cả danh từ “địa chủ”. Hoặc hiểu theo nghĩa giáo khoa về sở hữu toàn dân thì mỗi người Việt hiện nay đều là một đại địa chủ. Sở hữu đất đai của người Việt tính đơn vị là bờ cõi quốc gia chứ không còn là đơn vị đo lường diện tích nữa. Nhưng cái tâm lý khát khao trở thành “địa chủ” của người Việt thì từ ngàn xưa và rất có thể cho đến ngàn sau vẫn vậy. Một trong những thước đo sự thành đạt cả về kinh doanh lẫn hoạt động chính trường vẫn là đất đai, nhà cửa có trong tay. Người Việt bây giờ trầm trồ thán phục những ai có nhiều bất động sản, chứ không mấy người lấy việc thật lòng ca ngợi một ai đấy làm toán giỏi, viết văn hay làm đầu câu chuyện. Mà có khen văn hay toán giỏi rồi thì câu chuyện cũng lòng vòng trở lại “thế bác giờ ở khu nào, có căn nào tại khu đô thị mới đó không...”. Căn hộ chót vót trên tầng cao của một ông giáo sư chẳng đáng gì so với cơ ngơi của một quan huyện làng nhàng. Cứ ngỡ như đất đai là một hằng số bất biến thì sẽ chẳng có một thay đổi nào đáng phải quan tâm nữa. Nhưng khát vọng muôn đời có tính chu kỳ về sở hữu vẫn làm cho đất đai có những thay đổi bất ngờ. Đời ông tích cóp để trở thành địa chủ bỗng một hôm lại là mối tai họa với đời bố. Phải bán đi hoặc dâng hiến khi không còn đủ sức cai quản. Trang trại, thái ấp, phủ đường san phẳng không còn hình tích. Đời con thành đạt loay hoay tích cóp mua lại số ruộng đất của cha ông mình. Vài anh còn cố gắng đến tuyệt vọng tái tạo khung cảnh kiến trúc cổ xưa nhằm tưởng nhớ đến công lao tiền nhân. Cái chu kỳ luẩn quẩn ấy xuất hiện khá thường xuyên trong gia đình Việt. Và nét văn hóa địa chủ trọc phú dù không ai muốn tồn tại thì cũng không có cách nào hạn chế được. Với 80% dân số làm nông nghiệp, ước mơ trở thành địa chủ hình như mang tầm vóc quốc gia chứ không còn là của một bộ phận dân chúng nữa. Nhưng chắc chắn không có đến 20% người Việt đạt được ước mơ ấy. Số phần trăm địa chủ cả nước sẽ ngày càng suy giảm cũng là điều hiển nhiên. Kể từ triều Nguyễn đến giờ hơn 200 năm, nước mình không có thêm một mét vuông đất nào cả nhưng dân số đã tăng gấp hơn năm lần. Bây giờ đi về các vùng quê Bắc bộ không ai còn lạ lẫm với những trang trại mới toanh được xây dựng nghênh ngang như phủ đường xa xưa. Cũng hàng rào đá chạm rồng bay phượng múa. Cũng cổng vòm cao cánh gỗ tán đinh và đôi nghê đá chầu hai bên trụ. Cũng nhà thờ tổ khói hương nghi ngút suốt đêm ngày. Trong sân thể nào cũng có muôn vàn cây thế cổ thụ và các bể non bộ tiểu cảnh với tượng gốm tiều phu gánh củi, Lý Bạch say rượu nằm hở rốn ngắm trăng hoặc Bát tiên quá hải. Dưới gốc bụi chuối góc vườn dĩ nhiên tượng gốm Chí Phèo - Thị Nở khoác vai nhau cười ngô nghê hoan lạc. Lại còn hồ bán nguyệt xây lan can đá thả bèo tổ ong và lầu bát giác ngồi uống bia Heineken dưới ánh đèn cao áp sáng hơn trăng rằm. Chủ nhân của nó thể nào cũng là một quan chức cỡ lớn hoặc doanh nhân thành đạt. Đôi khi cũng có cả những đại ca giang hồ buôn lậu đâm chém và chỉ có mặt khi tụ hội bạn bè chiến hữu làm ăn. Phần lớn thời gian còn lại dành cho những người lao công hưởng thụ và chăm sóc. Chẳng còn biết ai mới là “địa chủ” thật sự nữa. Nhưng bởi cái ký ức nhọc nhằn về địa chủ một thời, nhất là vì ngày trước, trừ một vài địa chủ đi theo kháng chiến, số còn lại được cho là người xấu với muôn vàn thói hư, hợm hĩnh, tham lam và tàn ác, nên bây giờ nếu có trang trại thẳng cánh cò bay cũng chẳng ai dại gì tự nhận mình là địa chủ. Quan chức dù thanh bạch suốt đời khi về hưu vẫn xây biệt thự khổng lồ trên đất của con mua và bằng tiền em nuôi tặng! Thế nên những thói hư và thẩm mỹ trọc phú vẫn còn nguyên và hình như có chiều hướng phát triển. Kệ thôi. Cái “bạo phát” có cái “bạo tàn” đứng kề sau, chu kỳ ấy vẫn mặc nhiên đúng với mọi thời. Tags: Nông dân
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Tin tức sáng 12-12: Sabeco rút hẳn khỏi một công ty; OceanBank đổi tên, người của MBBank lãnh đạo TUỔI TRẺ ONLINE 12/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Sabeco rút khỏi một công ty sau khi mất hết vốn; Vận chuyển vàng trái phép qua biên giới có dấu hiệu gia tăng; Vinpearl sẽ huy động hơn 5.000 tỉ đồng trước niêm yết...
Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính sau sắp xếp dự kiến không còn tổng cục NGỌC AN 11/12/2024 Chiều 11-12, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính, sắp xếp lại còn 35 đầu mối từ 56 đầu mối hiện hành.
Đường chật xe đông, hễ va chạm là đánh người, bị bắt lại ăn năn hối hận TRIỆU VÂN 12/12/2024 Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc không hay chẳng đáng giữa người dân chỉ vì va chạm nhỏ khi đi xe. Phải chăng nếu viện lý do "động tay động chân" đánh người, thậm chí là đánh phụ nữ vì áp lực cuộc sống, nóng nảy thì có đáng?
Dạo một vòng Đà Nẵng, tìm những điểm chụp ảnh Noel lung linh THANH NGUYÊN 12/12/2024 Mùa Giáng sinh đã về, Đà Nẵng nổi bật với nhiều địa điểm được trang hoàng rực rỡ, tạo nên không gian check-in lý tưởng cho người dân và du khách.