Dịch chuyển vốn đầu tư: Không còn là nguy cơ?

TRUNG TRẦN 27/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch lên nền sản xuất đã thể hiện rõ qua sự dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các nước khác, có thể là đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia, quay lại nhà cung cấp cũ Trung Quốc, hoặc thậm chí chuyển về chính những nơi có chi phí lao động rất cao như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Ví dụ điển hình là một công ty của Nhật Bản ở Bình Dương chuyên sản xuất cụm dây điện cho xe hơi mà tôi có biết. 

Khi Trung Quốc ở đỉnh đại dịch, khách hàng quyết định chuyển hết đơn hàng qua nhà cung cấp Việt Nam và công ty thuê thêm đất ở một tỉnh miền Tây để mở thêm nhà máy. 

Nhưng rồi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, công ty này vừa phải đóng cửa nhà máy hiện tại vì công nhân “3 tại chỗ” bị dương tính, vừa mất tiền cọc mua đất mở nhà máy mới vì khách hàng bỏ ý định đặt hàng ở Việt Nam. 

Dệt may là lĩnh vực mà các nhà sản xuất có thể cân nhắc chuyển địa điểm, sang những nơi cũng có lao động rẻ và không còn đóng cửa như Campuchia. Ảnh: Nikkei Asia Review

 

Với một công ty vừa và nhỏ, những rủi ro xảy ra đồng thời như thế là gần như ngoài tầm quản trị, công ty đứng trước nguy cơ phá sản.

Việc dịch chuyển đơn hàng do ảnh hưởng dịch là điều bất khả kháng, nó chưa phải là chỉ dấu đáng ngại nhất của mối lo liệu có nguy cơ doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi ngay cả sau khi “bình thường mới” đã được thiết lập, hoặc bỏ đi rồi không quay lại nữa, như một số lời cảnh báo. 

Có hai vấn đề liên quan tới câu hỏi lớn đó: Vì sao các doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi; và nếu bỏ đi thì họ đi đâu?

Vì sao và vì sao

Các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc rời Việt Nam có thể chia làm hai nhóm: Đã có nhà máy ở Việt Nam nay dự định chuyển đi; và vốn có dự định đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhưng giờ từ bỏ ý định đấy. Trường hợp một khó xảy ra hơn, khi xét tiếp câu hỏi là họ chuyển đi đâu? 

Nếu xét các địa điểm thay thế là các nước Đông Nam Á thì một môi trường vượt trội hơn hẳn Việt Nam để nhà đầu tư chuyển một nhà máy sẵn có qua đấy là không dễ tìm, bởi nhiều nước trong khu vực cũng gặp những vấn đề nội tại tương tự Việt Nam, bao gồm dịch COVID-19.

Nhưng trường hợp thứ hai, nhà đầu tư từ bỏ hay trì hoãn kế hoạch mở rộng, đầu tư mới... vào Việt Nam, là điều mà những người làm chính sách phải hết sức lưu ý. 

Tất nhiên, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới có thể chậm lại xuất phát từ cả những nguyên nhân khách quan, như tự thân giới đầu tư thấy cần thận trọng hơn với bất trắc và rủi ro, hay ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế thế giới nói chung. 

Với những vấn đề khách quan này, chúng ta không làm được gì nhiều.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị và sẵn sàng để nhà đầu tư vẫn giữ ý định sẽ đầu tư vào Việt Nam, bởi lẽ họ hoàn toàn có thể cân nhắc thay đổi địa điểm đầu tư, vì các lý do phát sinh của nước sở tại, trong chống dịch và sau khi phải sống chung với dịch.

Trong bối cảnh hiện giờ, điều quan trọng nhất là hiệu quả của các giải pháp đối phó với dịch bệnh, và thứ đến là các chính sách với nhà đầu tư trong thời kỳ tạm gọi là “sau dịch”. 

Hai vấn đề này cần được đặt trong tương quan so sánh với các nước là đối thủ cạnh tranh ở khu vực.

Về hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch, Việt Nam từ một ngôi sao trên cấp độ toàn cầu, đến nay đã trở thành một điểm nóng bùng phát dịch sau khi biến thể Delta xuất hiện. 

Ngoài sự nguy hiểm vượt mọi dự đoán của biến thể này, việc không ưu tiên mua vắc xin từ sớm, dẫn tới độ phủ vắc xin vào loại thấp nhất khu vực là điều Việt Nam hiện bị đánh giá thấp hơn so với các nước trong vùng.

Chính sự chậm trễ trong phủ kín vắc xin với các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất đã dẫn đến sự lúng túng, thiếu rõ ràng của các văn bản quy định các điều kiện để nhà máy được hoạt động. 

Chính quyền hầu hết các tỉnh Đông Nam Bộ ở thời điểm đầu tháng 8 đều đưa ra những quy định mơ hồ, khiến khó có nhà máy nào hiểu đúng và làm đủ để mở cửa lại khi giải pháp “3 tại chỗ” đã không còn phù hợp.

Thực tế này phản ánh khả năng ứng biến của các địa phương là không đủ tốt. Doanh nghiệp đầu tư muốn thấy những hướng dẫn, quy định rõ ràng, dễ thực hiện, thay vì các văn bản hành chính có quá nhiều cách hiểu và thực thi. 

Với nhà đầu tư, năng lực quản trị nhà nước của địa phương là một phần rất quan trọng của năng lực cạnh tranh quốc gia. Họ có quyền lựa chọn, và sẽ lựa chọn.

Đây là vấn đề không phải chỉ của Việt Nam. 

Tháng 8-2021, Nikkei Asian Review cho biết Hiệp hội Xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại nước ngoài (Jetro) và các hiệp hội đầu tư của Đức và Hà Lan đã đệ trình lên thủ tướng Malaysia một bản kiến nghị than phiền về hàng chục quy định của các thủ hiến bang, làm doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu ở nước này không biết phải làm gì để hoạt động trở lại sau phong tỏa, kèm lời đe dọa họ sẽ rút khỏi Malaysia.

Với vấn đề thứ hai, mức độ sẵn sàng để tái khởi động nền sản xuất, phụ thuộc vào tốc độ khôi phục chuỗi cung ứng. 

Một đơn hàng khi chuyển sang sản xuất ở một nước khác, như các doanh nghiệp làm cụm chi tiết xe hơi của Nhật Bản có nhà máy ở Việt Nam buộc phải làm hiện nay, cần ít nhất một năm để xem xét chuyển ngược lại.

Điều đó đồng nghĩa các doanh nghiệp trong nước, để chỉ mất một năm đơn hàng, phải chứng minh được rằng trong vòng 6 tháng, họ đủ sức khôi phục được 100% năng lực sản xuất. 

6 tháng cho lịch trình mở cửa dần dần, khôi phục nguồn nhân lực, xốc lại hệ thống nhà cung ứng, là rất gấp gáp, nhất là nếu còn vướng víu những quy định như ma trận của chính quyền như thời gian qua, bao gồm các vấn đề với hệ thống vận tải, giao nhận cảng biển, tốc độ và giá cả xét nghiệm cho công nhân, giấy phép đi đường và cơ man thứ khác.

Các doanh nghiệp sản xuất phải trả lời yêu cầu của khách hàng hằng tuần: Bao giờ thì quý vị khôi phục được 50%, 60%, rồi 100% năng lực sản xuất? 

Nguy cơ mất đơn hàng với một nền sản xuất sẽ thành sự thật nếu lĩnh vực công không cùng doanh nghiệp trả lời câu hỏi đấy; hoặc câu trả lời quá khác biệt so với mong muốn của khách hàng; hoặc dễ xảy ra nhất, là một câu trả lời ỡm ờ để không phải chịu trách nhiệm, kiểu như: “Chúng ta chắc chắn phải mở cửa, nhưng bao giờ mở thì tùy tình hình”.

Nhà đầu tư có thể đi đâu?

Với các ngành thâm dụng lao động như dệt may hay giày da, các đối thủ tiềm năng của Việt Nam là Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Campuchia. 

Các quốc gia này, trừ Campuchia, những chỉ số về số ca nhiễm, tử vong và mũi vắc xin đã tiêm đều xấp xỉ so với Việt Nam, số liệu đến giữa tháng 9 (trừ số tử vong đều cao hơn Việt Nam). 

Khả năng để nhà đầu tư từ bỏ Việt Nam và chuyển sang các nước đấy hiện chưa cao, và yếu tố quyết định nằm ở chúng ta, nếu các biện pháp phục hồi sau dịch được triển khai hiệu quả.

Với phân khúc cao cấp hơn như công nghiệp chế tạo hay lắp ráp điện tử, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là những tên tuổi đứng đầu. 

Nếu có sự dịch chuyển vì dịch bệnh, thì các điểm đến ngoài Việt Nam khả dĩ sẽ là Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Thái Lan đặc biệt nhiều ưu thế nhờ cơ sở hạ tầng, công nghệ và kỹ năng lao động. 

Malaysia có vấn đề về quản lý lao động nước ngoài nhập cư (2 - 3 triệu công nhân không được quản lý chính thức). Còn Indonesia ở mức tương đương Việt Nam.

Nguy cơ Việt Nam không còn là điểm đầu tư an toàn, ngoài hệ quả của công tác chống dịch, còn đến từ các chính sách hỗ trợ đầu tư mới sau dịch, thứ mà Malaysia luôn có sẵn, thông qua các công cụ ưu đãi thuế. 

Khả năng dịch chuyển nhà máy sang Trung Quốc là không đáng ngại bởi các lý do địa chính trị, xung đột văn hóa, và chính sách “Trung Quốc + 1” nay đã trở thành chiến lược lâu dài của nhiều công ty hàng đầu Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giới chức cấp cao Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc động viên, trấn an giới nhà đầu tư, nhưng như thế là chưa đủ, vì xét cho cùng, họ là doanh nhân, mọi việc sẽ được cân nhắc trên cơ sở nơi nào đem lại nhiều lợi ích lâu dài nhất cho việc làm ăn của họ.

Trong trường hợp một quốc gia mất đi ưu thế để tiếp nhận các dự án đầu tư mới, họ vẫn còn khả năng nhận được các dự án khác, chỉ có điều chất lượng sẽ thấp hơn, như các dự án có điểm thấp về tiêu chí bảo vệ môi trường, là điều Việt Nam chắc chắn không muốn vào lúc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận