TTCT - Trả tiền một lần dùng cả đời nghe rõ là hời, nhưng các gói dịch vụ trọn đời không phải lúc nào cũng thế. Những gói dịch vụ kiểu "cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta" đang ngày càng phổ biến, từ bản quyền phần mềm đến gói sử dụng dịch vụ trực tuyến. Số tiền thanh toán "trọn đời" này thường được đặt ở mức bằng vài lần so với gói năm, tạo tâm lý có lời cho người dùng. Chẳng hạn, chương trình học ngôn ngữ Babbel chào gói sử dụng một năm với giá 119,4 USD, và trọn đời chỉ với 599 USD (tức trả tiền trước cho 5 năm nhưng được dùng cả đời). Đó là mức chưa giảm; "giá sale" tương ứng là 83,4 USD và 299,5 USD (3 năm bằng cả đời). Theo lý thuyết, chỉ cần bước sang năm thứ 4 là bắt đầu có thể sử dụng dịch vụ miễn phí mãi mãi. Chuyện không đơn giản thế.Ảnh: adbusters.orgKhoảng nửa cuối thập niên 2000, Nathan Cone tình cờ thấy quảng cáo gói "đặt báo trọn đời" của tạp chí Rolling Stone chỉ với 99 đô la. Vốn đằng nào cũng mất khoảng 19 đô mỗi năm để mua Rolling Stone, Cone đăng ký ngay. Dù "trọn đời", các số báo giao tới Cone kể từ đó đều ghi rõ kỳ hạn đặt báo sẽ kết thúc vào năm 2059. (Cone luôn đùa không biết đó là năm "hết đời" của ông hay tờ báo)Hiện 51 tuổi, Cone vẫn còn khỏe mạnh. Nhưng đầu tháng 5, ông nhận được email sét đánh từ Rolling Stone: "Chúng tôi đang chuyển đổi các gói đăng ký trọn đời sang phiên bản kỹ thuật số. Số báo in cuối cùng của quý vị sẽ là số tháng 6-2024". Là người mua tạp chí vì thích đọc và lưu giữ báo in, với Cone và nhiều "độc giả trọn đời" khác, Rolling Stone đã chơi không đẹp.Dù Rolling Stone khẳng định "phiên bản e-Edition là bản sao chính xác của tạp chí in, có thể đọc trên máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại", những người đặt báo trọn đời cho biết phiên bản số làm sao có giá bằng tờ báo hữu hình mà họ giữ gìn kỹ lưỡng. Jason Walker đã mua gói trọn đời của Rolling Stone vào năm 2004 với giá 99 USD khi mới 18 tuổi, và vẫn còn giữ phần lớn trong hơn 400 số báo nhận được từ đó đến nay. Không cần làm tính cũng biết Walker đã "lấy lại vốn" từ lâu, song anh vẫn bất bình vì mình muốn đặt báo in trọn đời chứ không phải "đổi format" giữa dòng, thay đổi khiến anh không còn thấy gói đặt báo trọn đời đáng giá nữa."Chắc tôi đã khiến họ tốn quá nhiều tiền" - một người viết trên Reddit nhân vụ Rolling Stone, nhận được 33.000 lượt đồng tình. Một người dùng trên X (Twitter) cho biết đang cân nhắc tổ chức một vụ kiện tập thể. Nhưng lợi thế không nằm ở phía họ. Theo The Wall Street Journal, điều khoản của Rolling Stone nêu rõ tạp chí có quyền thay đổi định dạng và số lượng số phát hành gửi đến người đăng ký. "Bên cạnh phép toán đơn giản về số năm cần thiết để khoản chi trả trở nên "có lời", còn có các dòng cài cắm trong hợp đồng có thể khiến giá trị nhận được ít hơn so với kỳ vọng" - The Wall Street Journal viết. Tất cả những người đăng ký đọc Rolling Stone trọn đời đều đã đồng ý với điều khoản thay đổi nói trên mà không mảy may để ý."Vấn đề với những lời chào mời dịch vụ trọn đời là ở các dòng chữ nhỏ. Hầu hết chúng ta đều hiểu "trọn đời" theo nghĩa đơn giản nhất" - Sally Greenberg, một nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng, cho biết.Những "dòng chữ nhỏ" trong điều khoản dịch vụ còn quyết định một thứ quan trọng hơn mà người dùng ít nghĩ tới: thế nào là trọn đời, và đời đây là đời ai, vòng đời sản phẩm dịch vụ hay hết đời người sử dụng? Đây là tâm điểm của một vụ kiện tập thể chống lại hãng radio vệ tinh SiriusXM hồi năm 2020. Công ty này lập luận rằng gói dịch vụ "trọn đời" có giá từ 357 đến 755 USD chỉ áp dụng cho vòng đời của thiết bị phát thanh gốc (đang dùng lúc đăng ký) chứ không phải cả đời người đăng ký. Nghĩa là nếu đổi máy thì hết "trọn đời". Sau khi dàn xếp tại tòa, khoảng 900.000 khách hàng được tiếp tục sử dụng dịch vụ vĩnh viễn, bất kể thiết bị, dù SiriusXM vẫn bắt họ trả phí 35 USD để chuyển tài khoản sang thiết bị mới. Ngày 22-11 vừa qua, SiriusXM (hiện đã ngưng chào bán các gói trọn đời) lại thua trên pháp đình: tòa án bang New York phán quyết hãng này vi phạm quy định không được làm khó người dùng khi muốn hủy dịch vụ (xem bài Thuê bao vô dễ khó về).Ngoài ra, chưa biết đời ai hết trước. Craig Walsh vẫn sống khỏe ở tuổi 75 nhưng hai "dịch vụ trọn đời" ông đã mua giờ chỉ còn là kỷ niệm. Một cái là của hãng hàng không Ansett Australia, đã ngừng hoạt động hơn hai thập kỷ trước; cái còn lại là vé tham dự sự kiện nông nghiệp Royal Show ở Anh, lần cuối diễn ra là năm 2009.Nhưng nếu ta thật lòng thật dạ muốn bên nhau trọn đời với sản phẩm, dịch vụ mà mình ưa thích thì sao? "Phải là người tiêu dùng cực kỳ thông thái nếu muốn đăng ký một dịch vụ trọn đời và mong nhận lại giá trị tương xứng" - Greenberg nói. Cứ phải xem kỹ đối phương có xứng đáng với chân tình của ta hay không đã. Đầu tiên là kiểm tra định nghĩa "trọn đời" trong điều khoản dịch vụ. Ví dụ, nhiều dịch vụ như Babbel không cho phép chuyển tài khoản cho người thừa kế, nên có lỡ cho vào di chúc thì phải xóa dòng đó đi. Tags: Thuê baoĐăng ký dịch vụĐặt báoĐăng ký trọn đời
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.