Điện Biên Phủ & Hoa Kỳ

VÕ VĂN TẠO 21/03/2004 04:03 GMT+7

TTCN - Hoa Kỳ ở đâu trong chiến tranh Đông Dương lần 1, đặc biệt trong thời điểm trận chiến Điện Biên Phủ, để rồi sau đó từ việc đổ cố vấn vào miền Nam Việt Nam, đổ quân vào, đến can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2?



Lính Pháp dọn dẹp chiến trường sau đợt oanh kích bằng bom napalmMáy bay C-47 tại căn cứ không quân Đồ Sơn

Tướng Pháp Ély bay sang Washington

Chỉ vài ngày sau khi trận Điện Biên Phủ bùng nổ với trận đánh chiếm căn cứ Béatrice (đồi Him Lam) đêm 13-3-1954, rồi sau đó là căn cứ hỏa lực Gabrielle..., với tốc độ trung bình 1 vị trí/ngày đêm, tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Paul Ély vội vã bay sang Washington cầu cứu Hoa Kỳ.

Sự cầu cứu này là có cơ sở của nó. Lúc đó, Hoa Kỳ đang là “nhà tài trợ chính” của Pháp trong chiến tranh Đông Dương, nếu không muốn nói là “chủ đầu tư” với một ngân sách lên đến 400 triệu USD cho tài khóa 1954 được Quốc hội Mỹ phê duyệt, cộng với 385 triệu USD quân viện bổ sung cho kế hoạch Navarre của Pháp theo đề nghị mới của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (nguồn: U. S. Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954”, Boston: Beacon Press, 1971).

Qui đổi theo trị giá ngày nay, số viện trợ này tương đương 2,75 tỉ USD và 2,65 tỉ USD quân viện bổ sung, tổng cộng lên đến 5,4 tỉ USD (tính theo bảng qui đổi của American Institute for Economic Research, 1 USD năm 1954 tương đương 6,88476 USD năm 2004). Nếu so sánh với số viện trợ của Mỹ đang dành cho Israel hiện nay, 2,4 tỉ USD (nguồn: Haaretz 17-3-2004), sẽ thấy số viện trợ của Mỹ cho Pháp tại Đông Dương năm 1954 là hơn gấp đôi!

Tướng Ély đến Washington gặp đô đốc Arthur Radford, chủ tịch ủy ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ, liên tiếp từ ngày 20 đến 24-3 để “yêu cầu Hoa Kỳ hành động khẩn cấp nhằm sớm cung cấp quân trang, quân dụng đã từng yêu cầu qua phái bộ cố vấn Mỹ MAAG tại Đông Dương”. 

Đáp ứng của Mỹ được thể hiện trong báo cáo gửi tổng thống Eisenhower của đô đốc Radford đề ngày 29-3-1954: “Các yêu cầu này đã được thỏa mãn, ngoại trừ yêu cầu cung cấp thêm 14 máy bay vận tải C-47 và 20 chiếc trực thăng cùng 80 nhân viên bảo trì Hoa Kỳ bổ sung. Cần thiết song không khẩn cấp, Pháp cũng yêu cầu cung cấp thêm 26 oanh tạc cơ B-26 để thành lập một phi đoàn thứ ba.

Không nghi ngờ gì rằng Pháp sẽ khó lòng bảo trì và sử dụng một cách lâu dài các máy bay này cho đúng chuẩn, cũng như các máy bay này không phải là lời giải cho bài toán không quân ở Đông Dương. Song yêu cầu này đã được thỏa mãn để củng cố tinh thần (quân đội Pháp) vào thời điểm sinh tử ở Điện Biên Phủ hiện nay. Một số yêu cầu đã được đặt ra và tướng Ély đã đồng ý.

... Tướng Ély nêu vấn đề xin được phép sử dụng máy bay vận tải C-119 để thả bom xăng đặc (napalm) xuống Điện Biên Phủ. Cho dù không trông mong có những kết quả ngoạn mục, song chúng ta cũng đã chấp thuận với điều kiện: không có phi hành đoàn Mỹ nào dính líu và rằng tình hình ở Điện Biên Phủ phải là khẩn cấp.

... Tướng Ély cho biết tình hình Điện Biên Phủ là “5 ăn- 5 thua”. Ély thừa nhận rằng kết cuộc của Điện Biên Phủ sẽ là tối quan trọng về mặt chính trị và tâm lý cả tại Đông Dương lẫn tại Pháp, song Ély cho rằng ngay cả khi mất Điện Biên Phủ, thì đó cũng sẽ là một thắng lợi quân sự cho Pháp do lẽ Việt Minh sẽ tổn thất rất lớn.

...Tướng Ély đưa ra một số nhận xét “thẳng thắn” về các hành động của phía Mỹ chúng ta đã dẫn đến những xung đột, đặc biệt là: người Mỹ hành động như thể Hoa Kỳ muốn kiểm soát mọi thứ... người Mỹ thiếu tin tưởng nơi người Pháp... ”. (nguồn: CM-74-54-29 March 1954)

Những tính toán của Washington

Một toán công tác đặc biệt do tướng G. B. Erskine cầm đầu với sự tham gia của đại diện bộ ngoại giao, bộ quốc phòng, bộ tổng tham mưu liên quân và CIA đã đúc kết từ đầu năm 1954 một bản báo cáo mang tên “Bản báo cáo Erskine” đề ngày 6-2-1954, nội dung như sau: “Tại Đông Dương hiện có hay theo như đã dự trù, đủ số quân trang quân dụng và nhân lực cần thiết để đánh bại quân cộng sản một cách dứt khoát nếu như được sử dụng một cách thích đáng và có hiệu quả...

 Đọc lại Paris Match

Cầu hàng không cứu thương Hà Nội - Điện Biên dưới lửaHàng nghìn thùng napalm được thả xuống để tạo vành đai lưa ngăn bước tiến của Việt Minh


Trong tuần đầu giao chiến bị bao vây bốn mặt, quân Pháp chỉ còn một lối tiếp viện duy nhất là đường hàng không. Pháo binh Việt Nam cày nát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, gây nhiều thương vong tổn thất cho quân Pháp. Các đường hào của Việt Minh cứ lấn dần về phía các cứ điểm quân Pháp. Điện Biên Phủ là cuộc chiến của các đường hào. Các trạm quân y dưới lòng đất của quân Pháp quá tải, phải lập cầu hàng không cứu thương Hà Nội - Điện Biên Phủ.

 Phải:... 3/ Nâng nhóm cố vấn quân viện (MAAG) của Hoa Kỳ lên thành phái bộ quân sự, với số nhân viên đông hơn và có thẩm quyền trong công tác huấn luyện và lên kế hoạch - 4/ Bổ nhiệm thêm nhân viên Hoa Kỳ vào phái bộ này cả trong công tác huấn luyện lẫn vào những vị trí then chốt trong lực lượng Pháp”.

Có thể thấy qua đoạn trên Mỹ đánh giá Pháp là đánh đấm không ra gì trong khi vẫn đang có trong tay đủ súng đạn. Từ đánh giá đó, Mỹ đòi “nâng cấp” sự hiện diện và qui chế của mình tại Đông Dương. 

“Huấn luyện” ở đây tức là huấn luyện quân đội “quốc gia”, một vai trò vốn của Pháp, đương kim “chủ nhân” ở Đông Dương.

Nói cách khác, qua thay thế Pháp “làm thầy” hôm nay cho “quân đội quốc gia”, Mỹ chuẩn bị cho tương lai “làm chủ”. “Lên kế hoạch” tức là trở thành “bộ tổng tham mưu” cho quân viễn chinh Pháp. Những đòi hỏi trên là của “người chủ” bỏ vốn đầu tư mà Pháp, nay khi ngửa tay nhận vốn, sẽ phải nhận vai trò “thừa hành”.

Ngày 17-3-1954, tức bốn ngày sau khi trận đánh Điện Biên Phủ mở màn với những tổn thất không ngờ từ phía Pháp, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ họp đặt vấn đề chọn lựa: chấp nhận (Pháp) mất Đông Dương, để từ đó Mỹ sẽ tung nỗ lực nhằm ngăn chặn mọi suy thoái tình hình an ninh tại Đông Nam Á hơn nữa; hoặc trực tiếp hành động quân sự để cứu Đông Dương, (nguồn: văn kiện mang số “phụ lục NSC 177”).

Tư lệnh lục quân Hoa Kỳ, tướng Mathew B. Ridgway, đã phúc đáp văn kiện này của Hội đồng An ninh quốc gia bằng những luận cứ sau:

- Không nên can thiệp bằng lực lượng chiến đấu vào Đông Dương. - Không thể thắng lợi nếu chỉ can thiệp bằng không quân và hải quân mà thôi.- Cho dù có sử dụng bom nguyên tử cũng sẽ không giảm số bộ binh cần thiết để chiến thắng. - Sẽ cần đến 7-12 sư đoàn bộ binh Hoa Kỳ hoặc tương đương, cùng với sự yểm trợ thích hợp của không và hải quân để chiến thắng nếu như Pháp rút quân. - Để yểm trợ cho bộ binh, sẽ cần đến 500 phi vụ oanh kích mỗi ngày, một khả năng không vận đáp ứng cho một sư đoàn lính dù, một lực lượng giang vận (hạm) tương đương một sư đoàn. - Trong 30 ngày đầu có thể đưa vào Đông Dương hai sư đoàn bộ binh Mỹ, trong 120 ngày kế tiếp có thể đưa thêm năm sư đoàn nữa. Thời gian cần thiết để đưa 12 sư đoàn bộ binh Mỹ vào Đông Dương tùy thuộc các tiềm năng công nghiệp và nhân lực mà chính phủ có thể huy động được.

Có thể tóm tắt ý của tướng Ridgway: nhảy vào Đông Dương trong lúc này để cứu Pháp thì chớ nên, song một khi Pháp rút đi thì... sẵn sàng.

Cũng cùng những tính toán đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo: 1/ Mỹ không can thiệp quân sự vào lúc này, thậm chí cũng không hứa hẹn điều đó với Pháp - 2/ Tiếp tục lên kế hoạch can thiệp quân sự sau này- 3/ Thảo luận với các đồng minh tiêm năng về khả năng thành lập một tập hợp khu vực trong trường hợp hội nghị Geneva dẫn đến một giải pháp không thể chấp nhận được.

Từ những khuyến cáo đó, ngày 3-4-1954, tổng thống Eisenhower, sau cuộc họp với ngoại trưởng Dulles, đô đốc - chủ tịch ủy ban tham mưu liên quân Radford, chủ tịch thượng và hạ viện, đã quyết định Hoa Kỳ sẽ không một mình can thiệp. 

Biên bản của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc họp quyết định này có chi tiết đáng chú ý: “Đô đốc Radford trả lời câu hỏi “Không lực có cứu được Điện Biên Phủ hay không? ” rằng đã quá trễ rồi, song nếu sử dụng không lực cách đây ba tuần thì chắc chắn sẽ đánh bại đối phương”. Giả tỉ rằng nếu không quân Mỹ can thiệp trước đó ba tuần, tức ngay sau khi trận Điện Biên Phủ bắt đầu, Pháp sẽ không thua, như theo ý đô đốc Radford, thế tại sao không quân Mỹ lại không can thiệp để khỏi “quá trễ”? Câu trả lời là: đó chính là điều mà Mỹ hoàn toàn không muốn.

Bức điện lúc 1 giờ sáng

Trước tình hình ngày càng nguy ngập tại Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp cuống cuồng cầu cứu Mỹ. 11g tối chủ nhật 4-4-1954, đại sứ Mỹ tại Paris, Dillon, được bộ trưởng ngoại giao Pháp Georges Bidault triệu vào điện Matignon, dinh thủ tướng Pháp, nơi đang diễn ra một cuộc họp nội các Pháp “bỏ túi”. Từ điện Matignon trở về, đại sứ Dillon thức trắng đêm. Bức điện của Dillon gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, mang số 3710, được đánh đi lúc 1 giờ sáng 5-4-1954, (trích đoạn):

Tướng Ély thuật lại rằng tại Washington, đô đốc Radford đã đưa ra bảo đảm cá nhân (tôi nhắc lại “cá nhân”) rằng nếu tình hình đòi hỏi không lực của hải quân Mỹ yểm trợ từ ngoài biển vào, đô đốc sẽ cố thuyết phục Chính phủ Hoa Kỳ ra tay giúp đỡ Pháp. 

Từ báo cáo đó của tướng Ély về lời hứa của đô đốc Radford, nay Chính phủ Pháp xin Hoa Kỳ yểm trợ bằng hàng không mẫu hạm vào Điện Biên Phủ. Tướng Navarre bảo ông có cảm giác rằng chỉ cần một chút cố gắng của Hoa Kỳ cũng đủ để lay chuyển tình thế, song ông vẫn mong Hoa Kỳ giúp nhiều hơn càng tốt.

Bộ trưởng Bidault nói lời cuối: Nay số phận Đông Nam Á tốt xấu thế nào là tùy thuộc nơi Điện Biên Phủ, rằng thắng hay thua ở hội nghị Geneva cũng tùy thuộc kết cuộc của Điện Biên Phủ, và rằng đó là lý do mà Pháp giờ đây mong đợi một hành động tối quan trọng từ phía chúng ta”.

Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đáp trả lời yêu cầu này của Chính phủ Pháp trong cuộc họp báo của tổng thống Eisenhower hai ngày sau, ngày 7-4-1954 ra sao”?

(còn tiếp)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận