Điều ấm áp còn lại

LINH THOẠI 14/09/2011 01:09 GMT+7

TTCT - 30 truyện ngắn được tuyển chọn từ gần trăm truyện ngắn đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần trong hai năm 2008-2009, nay có thêm độ lắng của thời gian - dù chỉ là 2-3 năm, bỗng trở nên hay hơn khi người đọc nhận ra những dư vị cũ không mất đi mà còn đậm đà hơn. Nỗi buồn vì vậy cũng ở lại lâu hơn.

Dù cái phong vị chung của tập sách cứ thấp thoáng những hài hước ý nhị, những giọng điệu ra chiều dửng dưng. Những giọng kể tự nhiên khiến các câu chuyện cứ tuôn chảy tự nhiên như đời sống - một đời sống rất gần, ở ngay đây, thời đại này, từ những làng quê tưởng chừng yên ả đến những công sở bao bọc bao nhiêu câu chuyện bi hài. Và đằng sau đó, muôn mặt con người.

Phóng to
Sách vừa được Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: N.C.T.

Đó là gương mặt buồn của người nữ, dù là người phụ nữ của “đất lề quê thói” hay người vợ hiện đại ở giữa đô thị văn minh. Những bất công vô lý mà vẫn cam chịu đến từng hơi thở khẽ. Những cái cười khan khi người bạn đời thờ - ơ - trong - vô - thức với mình, dù có thể chu đáo và lịch thiệp từng lời hỏi han với một cô gái sơ giao (Đất ải - Y Ban, Nỗi buồn thượng lưu - Đoàn Tú Anh).

Đó là gương mặt tối của công chức, từ lính đến sếp. Những công chức tranh thủ sự ưu ái của sếp không khác chi ruồi, đồng thanh với sếp không khác chi nhồng (Cái chết của ruồi - Lê Minh Nhựt, Cái chết của nhồng - Trần Hoàng). Những sếp mất ăn mất ngủ vì chuyện đề bạt bên cạnh anh công chức có thói quen ngậm tăm lẫn ngậm tâm - không thèm nói, tưởng là vô hại (Thói ngậm tăm - Khôi Vũ).

Những công chức bị cuốn đi trong nhịp sống bận rộn đến nỗi về quê trở thành nhiệm vụ khó khăn và sự hòa nhập với “người ở quê” ngày càng... bất khả (Món nợ truyền đời - Văn Giá). Những nữ công chức quá dư thời gian để “buôn chuyện” mọi lúc mọi nơi, khua môi lấy lòng sếp và tạo từng cơ hội vặt vãnh để trục lợi... (Những con chèo bẻo - Hà Dương).

Tuy nhiên, đó sẽ chỉ là một góc nhìn của người đọc trước những truyện ngắn dung nạp nhiều tầng nghĩa hơn thế, về mối quan hệ giữa người với người, về sự lây lan của cái xấu, cái ác, về cuộc sống đang bung nở chiều rộng mà thu ngắn chiều sâu, về những bi kịch tự thân và bi kịch xã hội được dựng nên từ sự xâu xé của vô vàn ham muốn cá nhân.

Các tác phẩm không chỉ hấp dẫn bởi tính đương đại của câu chuyện mà còn thu hút ở những lối kể - bút pháp văn chương khác nhau được thể hiện nhuần nhuyễn ở từng cây bút.

Giọng kể dung dị của Lê Văn Thảo, những ẩn dụ nhiều tầng của Nhật Chiêu, vị sâu cay của Ngô Phan Lưu, những bất ngờ đầy dư vị của Thái Bá Tân, cái duyên hóm hỉnh của Nguyễn Đông Thức, chất giễu nhại của Nguyễn Vĩnh Nguyên, tính triết lý của Phan Việt, sự thong dong của Trần Nhã Thụy... sẽ khiến độc giả muốn được “thưởng thức” thêm với những tác phẩm in trong tập này: Chuyến bay kinh hoàng, Rừng sim rực sáng, Con cá ước mơ, Làng quê yên ả, Tình, Dư chấn, Chúa ở đâu?, Băng đầu trọc...

Bên cạnh những tên tuổi đã đầy đặn với thời gian đó là sự góp mặt “chắc tay” của những cây bút mới như Nguyễn Bích Lan, Trâm Oanh, Trần Hoàng, Hà Dương... làm nên một cuộc hội tụ thú vị.

Đời sống đã làm nên văn chương, và hàng vạn chuyện đời không trốn đi đâu được dưới bàn tay người cầm bút. Không phải là vắng hẳn những con chữ nồng hậu, cảm thức chung mà tập truyện để lại vẫn là: không có nhiều niềm vui trong những câu chuyện hôm nay. Nhưng như một sự điều chỉnh để cuộc sống cân bằng, con người hôm nay cũng tỉnh táo hơn để nhìn ngắm những nỗi buồn bên trong hay vấn nạn xung quanh như nhìn ngắm gương mặt “là vậy” của cuộc đời.

Sự tỉnh táo đó phải chăng cũng là điều ấm áp còn lại dành cho người viết lẫn người đọc?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận