Diều trong thành phố

L.P. 26/06/2010 14:06 GMT+7

TTCT - Nhật ký của tôi, Hôm nọ anh họa sĩ bạn tôi hớn hở khoe bức tranh vẽ cậu con trai. Mấy con diều bay trên đầu thằng nhỏ béo mũm mĩm. Mặt cậu bé buồn buồn. Tôi hỏi anh: “Sao có diều mà nhóc nhà anh buồn?”.

Anh ngập ngừng rồi bảo: “Từ bé đến giờ cậu chưa chơi diều bao giờ. Có lần ra Vũng Tàu thả diều, gió mạnh diều bay mất, gào khóc um sùm”. Tôi buột miệng: “Thì chủ nhật anh dắt cậu ra quận 6 thả diều, có bãi, có cả một đám trẻ con thả diều đông vui ngoài đó”.

Phóng to
Ảnh: peoplevoiceonline.com

Anh hớn hở ra mặt: “Ừ nhỉ, thế mà anh không nghĩ ra”. Anh quyết sẽ dẫn thằng bé ra bãi chơi diều, quyết phải chụp hình thằng bé chạy thả diều. Thể nào bức tranh lúc nào đó anh vẽ thằng nhỏ sẽ có diều và hi vọng là mặt nó hớn hở...

Trẻ con thành phố, để hớn hở với một con diều, hóa ra cũng là một điều không đơn giản...

Bà cụ bán hoa nhài

Những bông hoa nhài trắng tinh, còn thoảng hương thơm được một bà cụ mang ra bán trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Người mua ít mặc cả và thích ngửi hương trong gió mai nắng sớm trước khi trả tiền nhận hoa. Nhiều khách quen sau khi đã hoàn thành các bài tập thể dục nhịp điệu buổi sáng ở hồ Gươm hay các công viên nhỏ trong phố, ghé đến gánh hàng có bán hoa nhài, đưa chút hương từ chợ vào nhà. Khách lạ thì tò mò hỏi cho được tên tuổi của người bán, hỏi về kỹ thuật chăm bón và cách thu hái để lưu giữ được thứ hương hoa vốn đi vào nét đẹp thanh lịch Tràng An.

Bà cụ bán hoa nhài đon đả chào mời khách. Những nếp nhăn quanh khóe mắt của bà cứ dồn lại mỗi khi bà cười hoặc nhai trầu. Một khuôn mặt đôn hậu bên nhan sắc hoa nhài. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người cứ nhẹ lòng mua thêm mấy đồng, mấy chục.

Cậu bé theo chân mẹ đi chợ, tinh nghịch bẻ đôi cánh hoa nhài đưa lên mũi ngửi. Bà bảo: “Ấy, cháu đừng làm thế! Hoa thơm là bởi mũi sạch!”.

Cô gái trẻ lộc cộc guốc cao đến hỏi bà cách ngâm hoa nhài trong nước ấm, bà trả lời: “Cô này tinh quá, không ưa sữa tắm có chiết xuất từ hoa nhài!”.

Rồi bao người có thú ướp hoa lưu hương với trà, với bột sắn dây làm món ngon đãi bạn bè ghé thăm.

Mỗi ngày, bà chọn một niềm vui để ngồi chợ ngắm phố, nghe chuyện dân gian. Rồi mùa tiếp mùa, bà gom sức già để vun cho từng gốc nhài trong mảnh đất đã bị xén bán dần vì đó là của cải đến lúc chia phần cho anh em, con cháu. Nhật ký à, con phố ấy đã quen thuộc một hình ảnh bình dị và thơm tho, có phải không?

Nước mía guitar

Quán bên đường. Một xe nước mía, đôi vợ chồng già, dăm bảy cây đàn guitar, lỉnh kỉnh những bàn ghế... hợp thành quán nước mía - guitar.

Đàn guitar hiền hòa, giọng hát êm ả, nước mía ngọt ngào, người chơi nhạc và người nghe thả lòng theo những điệu nhạc, lời ca.

Sinh viên làng đại học Thủ Đức xem những quán nước “hai trong một” này là chốn dừng chân của tâm hồn. Vì quán không chỉ thanh lọc một ngày nắng oi ả, khói bụi, ồn ào của Sài Gòn mà còn mang đến một ít phong vị quê nhà. Hình ảnh quê hương được mang đến từ đôi vợ chồng già sống tha hương đang chật vật mưu sinh, ky cóp từng đồng cho những đứa con theo nghiệp học hành; từ những sinh viên khắc khoải mong nhớ quê nhà và những tiếng đàn mang một miền quê từ trong ký ức của một ai đó vụt hiện về. Chúng tôi ngồi lại với nhau không chỉ bằng âm nhạc mà còn để hiểu nỗi lòng của nhau.

Nhật ký thân mến, chúng tôi gọi đó là tình quê xa.

Chuyện qua đường

Con đường thật lớn, xe cộ nườm nượp, có cả cảnh sát giao thông mà cũng không khả quan hơn. Mọi người ai cũng sốt ruột, vẻ mặt ai cũng mệt mỏi.

Chờ đợi mãi cho xe ngớt để qua đường, thấy một cụ già tóc đã bạc, lưng cũng không thẳng nữa, đang đứng bên cạnh chờ đợi như tôi.

Tôi lễ phép nói: “Để cháu dẫn ông qua đường nhé! Xe cộ đông lắm”. Rồi tôi ra hiệu vì sợ ông cụ lảng tai không nghe rõ. Thấy ông cụ gật gù, chắc là ông hiểu điều tôi muốn nói.

Xe ngớt, tôi vội vàng định dẫn ông cụ thì ông đã cầm tay tôi... dắt qua đường. Cụ còn nói to: “Đi qua nào con, cứ đi theo ông”.

Bất ngờ và sửng sốt, tôi lật đật bước theo, còn ông thoăn thoắt dù dáng người nhỏ xíu.

Hai ông cháu còn đi thêm quãng đường nữa, tôi vừa tủm tỉm cười vừa thấy hơi xấu hổ, ông thì dặn dò tôi phải tập đi qua đường một mình, tuy bé nhưng phải biết can đảm, biết qua ngã ba ngã tư thì mới có thể rèn luyện bản lĩnh được.

Tôi chợt thấy mình thật sự bé nhỏ trước một cụ già khả kính.

TTCT cảm ơn các bạn: Nguyễn Thế Hải, Nguyễn Thị Bạch Ngọc, Nguyễn Ngô Thùy Dương, Minh Lê, Nguyễn Thị Ngọc Châu, Thanh Bình... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận