Đỗ Chu, từ Chuyện mùa hạ tới Lão Mai

NGUYỄN VĂN THỌ 08/01/2011 10:01 GMT+7

TT - Chuyện mùa hạ và Lão Mai - tập tuyển truyện hai cuốn vừa xuất bản của nhà văn Đỗ Chu - là hành trình viết 48 năm, để từ cây cỏ mật hiện ra một bóng mai già ngạo nghễ. Hai tập sách cả ngàn trang nặng trĩu gồm 35 truyện ngắn, gói ghém một đời văn.

Phóng to
Nhà văn Đỗ Chu bên tuyển tập mới xuất bản - Ảnh: N.V.T.

Chuyện mùa hạ - tập 1, bắt đầu từ truyện ngắn đầu tay: Hương cỏ mật. Truyện ngắn này, theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, khi xuất hiện đã gây xôn xao trong tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội năm 1963. Nhiều người bấy giờ đọc Hương cỏ mật không tưởng tượng nổi đây là tác phẩm viết trong một làng nhỏ nằm trên vùng Kinh Bắc của cậu học trò từ khi 18 tuổi, đang dang dở lớp 10. Ngay sau đó Thung lũng cỏ rồi Mùa cá bột... một vệt dài nữa ở đầu tập 1 này là bước khởi đầu đã tỏ ra khá trường sức của một cây bút từ tấm bé chỉ ao ước, tâm niệm trở thành nhà văn...

Những sáng tác ban đầu ấy đã góp ngay trên văn đàn Việt Nam một giọng điệu riêng, khá chững chạc, đầy tự tin, có trách nhiệm, đối thoại trực diện với đời sống thực tại của các giai tầng, những vấn đề nóng hổi của thời đại, kể cả các mối quan hệ phức tạp trong đời sống lẫn sự tế nhị ở tình yêu, mấu chốt cốt tử của con người. 18 truyện ngắn trong Chuyện mùa hạ in từ năm 1963-1972, giai đoạn Ðỗ Chu vừa rời trường cấp III đã tham gia ngay vào quân đội, đối diện trực tiếp với chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Hầu hết những câu chuyện trong tập 1 xoay quanh đề tài về người lính, bối cảnh đa dạng, có cái ở hậu phương, cái nơi mặt trận. Viết về lính, thời chiến tranh giặc giã, song 18 truyện ngắn của ông lại rất ít "tiếng đùng đoàng mặt trận". Có đâu đó thấp thoáng, nhoáng qua vài chi tiết, tiếng bom đạn, tiếng mìn... ở trận địa phòng không hay trên những nẻo đường Trường Sơn... tựa như tiếng vọng chiến tranh bên ngoài lùa lọt vào "gian nhà văn" của Ðỗ Chu. Chuyện của Ðỗ Chu kể ở giai đoạn này mang giọng điệu nhẹ nhàng, đậm sắc các chi tiết ấm áp diệu kỳ, nhiều truyện kết có hậu, đầy tính lãng mạn.

Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Đình. Bút danh Đỗ Chu lấy họ mẹ và họ cha ghép thành. Ông sinh năm 1943 tại Bắc Giang chứ không phải 1944 như ghi trong lý lịch và nhiều tài liệu khác. Hai tập tuyển truyện ngắn Chuyện mùa hạ và Lão Mai do Nhà xuất bản Văn Học xuất bản phát hành cuối tháng 11-2010.

Lão Mai, tuyển tập 2, tập hợp 17 truyện ngắn. Ngọn lửa, truyện ngắn đầu ở tập sinh ra ngay khi chiến thắng 1975, một Việt Nam thống nhất. Ðây là một thời đoạn hết sức quan trọng trong những sáng tác của Ðỗ Chu, mang theo hơi thở chủ yếu của thời kỳ chiến tranh không còn nữa, xã hội bước vào một thời kỳ hậu chiến đầy cam go và đang lần mò tìm con đường phát triển mới.

Lão Mai là tập hợp những sáng tác của một con người đã chẳng còn trẻ, đầy trải nghiệm cuộc sống và trải nghiệm văn hóa, để nhìn rõ thêm cuộc đời bằng con mắt minh triết phương Ðông, chín chắn và tỉnh táo. Không phải là vẻ đẹp dịu dàng, văn phong như Hương cỏ mật, con mắt của nhà văn đã mở rộng biên độ ra nhiều giai tầng trong xã hội, ở hậu phương, bấy nay vì chiến cuộc chưa có điều kiện xem xét kỹ lưỡng, nay được ông mổ xẻ, phân tích một cách tế nhị, song có trách nhiệm, dù không khoan nhượng.

Cũng trong đó, những tâm sự đa chiều của nhiều tầng lớp, nhiều phía được ông rọi chiếu, chứ không bó hẹp ở phạm vi người lính, kể cả những người do thời cuộc chính trị mà phiêu lạc. Chính vì thế Lão Mai làm rõ hơn một Ðỗ Chu so với tập 1: thuần Việt, sâu sắc, đằm thắm và thâm trầm, thậm chí có chỗ chua chát. Nhiều truyện ở tập 2 có dung lượng và cấu trúc như truyện vừa, khá đa tuyến. Thi pháp cũng thay đổi, nhiều truyện không có chuyện, người đọc xong có nhớ đấy, thấy hay mà khó kể lại...

Nếu ví Lão Mai như một "ngôi nhà văn thứ hai" thì những truyện khá dày dặn và sâu sắc như Mảnh vườn xưa hoang vắng, Cánh đồng không có chân trời, Một loài chim trên sóng... tựa những cây cột cái vạm vỡ giúp ngôi nhà đứng vững ngạo nghễ.

Nói chung, văn Ðỗ Chu mang dáng dấp tự sự. Bất luận tác phẩm viết ở ngôi nào, các nhân vật khác nhau ra sao, cũng gửi gắm vào đó cái nhìn và thái độ dứt khoát của Ðỗ Chu với thời cuộc, với dân tộc, và sau cùng là những vấn đề thuộc tính của con người. Hai tập truyện vẽ ra chân dung đủ tầm của một nhà văn vừa hiện thực vừa lãng mạn (dù đời viết của ông còn mảng xuất sắc nữa ở rất nhiều trang tùy bút và bút ký, dự kiến được xuất bản trong một tuyển tập sắp tới).

NGUYỄN VĂN THỌ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận