Doanh nghiệp mong vốn

LÊ NGUYÊN MINH 12/02/2011 13:02 GMT+7

TTCT - Có vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất là mong ước của rất nhiều doanh nghiệp trong những ngày đầu năm mới này.

Vẫn khát Vốn

Đọc được thông tin về một quỹ đầu tư của Mỹ hoạt động tại VN có thể cho doanh nghiệp (DN) vay mà không cần thế chấp, ông Lê Thanh Hùng, chủ một DN nhỏ ở TP.HCM, như tìm thấy chiếc phao cứu sinh.

Công ty của ông đang có kế hoạch mở rộng hoạt động trong năm nay theo đơn đặt hàng mới nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng quá khó khăn, chưa kể lãi suất cho vay lại cao. Dù lãi suất vay từ quỹ đầu tư này cao hơn ngân hàng nhưng điều kiện cho vay không quá khó, lại có những hỗ trợ kỹ thuật khác nên đấy vẫn là “lựa chọn tốt hơn” - theo ông Hùng, ít nhất không làm DN bỏ lỡ cơ hội phát triển đúng thời điểm.

Khảo sát quốc tế mới được Ngân hàng Hong Kong - Thượng Hải (HSBC) công bố cho thấy khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là một trong ba mối bận tâm nhất của các DN trong năm nay. Điều này cũng trùng hợp với nghiên cứu của Công ty tư vấn Grant Thornton VN công bố hồi quý 4-2010 về triển vọng kinh tế, đầu tư trong vòng 12 tháng tới.

Grant Thornton nhận xét: “Mức độ sẵn sàng của những nguồn vốn vay tại VN vẫn là một rào cản cho các giao dịch đầu tư vào DN tư nhân. Những ý kiến khảo sát cho thấy nguồn vốn vay vẫn khó tiếp cận và là một yếu tố cản trở đầu tư”. So sánh với cuộc khảo sát trước đó, theo Grant Thornton, mặc dù mức độ sẵn sàng của nguồn vốn vay cho các giao dịch đầu tư vào DN tư nhân thật sự được cải thiện so với đợt khảo sát trước, nhưng vẫn còn 71% ý kiến cho rằng nguồn vốn này có phần khó hoặc rất khó vay.

Các cuộc khảo sát này đều đưa ra nhận xét DN vẫn lạc quan vào sự tăng trưởng kinh tế và có kế hoạch mở rộng sản xuất. Nhưng vốn tiếp tục là vấn đề làm bó tay bó chân. “Nhà nước kêu gọi cải tiến năng suất, đầu tư vào công nghệ mới, nhưng lấy đâu ra vốn mà đầu tư? Khuyến khích cần phải kèm theo biện pháp như hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế như thế nào DN mới dám làm chứ” - giám đốc một DN tư nhân đặt câu hỏi.

Tính lại cách phân bổ

Vấn đề không dừng lại ở câu chuyện lãi suất cao, DN khó vay. Nhiều DN cho rằng Nhà nước cần xem xét chính sách phân bổ nguồn lực hiện nay cho hợp lý hơn. Ông Tôn Thạnh Nghĩa, chủ DN sản xuất nút áo bằng vỏ trai xuất khẩu Tôn Văn (Bình Dương), băn khoăn: “Nhiều DN đổ xô vào địa ốc, chứng khoán bởi họ kiếm lời từ đó quá dễ. Trong khi đó, ở khu vực sản xuất, DN cực kỳ khó khăn để tìm kiếm được 1-2% lợi nhuận”.

Câu chuyện các DN VN chạy sang Trung Quốc đặt hàng làm gia công rồi về VN gắn thương hiệu Việt hoặc đa quốc gia vào bán là minh chứng khác cho chính sách không khuyến khích sản xuất này. Là người trải qua nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, giám đốc một công ty phân phối kể: “Ý tưởng đầu tiên của tôi sau khi nghỉ làm ở một công ty đa quốc gia là góp vốn với bạn bè xây dựng một công ty sản xuất hàng điện tử gia dụng.

Nhưng ý tưởng kinh doanh này gặp quá nhiều lực cản, mà lớn nhất và chưa có lời giải vẫn là làm sao cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Đem kế hoạch kinh doanh của mình thuyết trình, chẳng ngân hàng nào hồi âm. Biết là khó nhưng lẽ ra chúng tôi phải được hỗ trợ chứ, đằng này nhìn trước nhìn sau chẳng thấy điểm tựa nào”.

Và thế là DN này trở thành nhà phân phối cho một nhãn hàng điện gia dụng của Trung Quốc. “Họ bắt chúng tôi phải mua số lượng lớn, nhưng ngược lại cho trả chậm và một số điều kiện khác về tài chính rất thuận lợi, tính ra còn lợi hơn đi vay ngân hàng” - doanh nhân này kể.

Câu trả lời của nhiều doanh nhân là “chưa biết” hoặc “để chờ xem” khi được hỏi về kế hoạch năm nay, bởi họ còn ngóng xem chính sách của Nhà nước có mở đường cho lãi suất giảm hay không. Một số DN cho biết vẫn duy trì sản xuất để giữ chân công nhân và chờ thời cơ, song việc kiếm lợi nhuận phải xoay sang lĩnh vực khác. Khảo sát của Grant Thornton cũng phản ánh một bức tranh rất thực tế: lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm nhất vẫn là bất động sản, dịch vụ y tế, giáo dục và bán lẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, ước đến ngày cuối cùng của năm 2010, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228.000 tỉ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức này, theo Ngân hàng Nhà nước, là “chấp nhận được”, nhưng nhiều chuyên gia lại cho là cao trong bối cảnh DN sản xuất cần nhiều vốn hơn.

Vẫn thấy hiện diện câu chuyện cũ nhiều năm: Ngân sách của Nhà nước hạn hẹp nhưng các chương trình hỗ trợ lại phân tán cho quá nhiều ngành, nghề. Quỹ tín dụng địa phương để hỗ trợ vốn cho DN nhỏ thực chất vẫn đang nằm trên giấy bởi theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, từ năm 2001 đến nay cũng chỉ thành lập được 13 quỹ (kế hoạch là mỗi tỉnh, thành phố đều phải xây dựng một quỹ). Hiệp hội doanh nghiệp theo ngành nghề cũng ra đời như nấm mọc sau mưa, nhưng trên thực tế chỉ là sân chơi mang tính phong trào.

Khi đề cập tới khó khăn của hội viên, bài đồng ca vẫn là vốn, lao động, công nghệ một cách chung chung mà chưa có hiệp hội nào thực hiện những khảo sát đúng nghĩa về thực trạng khó khăn của hội viên mình để có tiếng nói và giải pháp hỗ trợ cụ thể. Đây chính là điểm khó cộng thêm cho cơ quan quản lý nhà nước khi muốn triển khai một chính sách thật sự mang lại hiệu quả cho DN, bởi không có cơ sở thực tiễn từ chính cộng đồng DN.

60% số DN VN tham gia một khảo sát toàn cầu về DN vừa và nhỏ (SMEs) của HSBC (công bố vào tháng 1) đã lạc quan cho rằng nền kinh tế VN sẽ tiếp tục tăng trưởng trong sáu tháng tới. Các DN này cho hay nguồn vốn (49%) và những hiểu biết về các vấn đề liên quan tới giao dịch bằng ngoại tệ (48%) luôn là những quan tâm hàng đầu của họ.

Ba mối quan tâm hàng đầu của các DN VN trong sáu tháng tới là lạm phát (62%), các điều kiện tăng trưởng kinh tế (52%) và các khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn (52%).

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy các biện pháp của Chính phủ như chính sách tiền tệ, các gói kích cầu kinh tế... đóng một vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng, khi 53% số DN cho biết các chính sách này hỗ trợ rất nhiều công việc kinh doanh của họ. Khoảng 28% số DN tham gia khảo sát cho biết chính nhu cầu nội địa đã giúp nền kinh tế tăng trưởng thời gian qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận