Doanh nghiệp Nhà nước: Chưa thích minh bạch?

LÊ THANH 27/07/2017 20:07 GMT+7

TTCT - 730 doanh nghiệp (DN) nhà nước đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chậm lên sàn chứng khoán sẽ được (hoặc bị) công khai tên trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài chính.

Theo văn bản gửi về Bộ Tài chính, Tập đoàn xăng dầu VN cho biết chưa có kế hoạch đăng ký giao dịch, niêm yết ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex trên thị trường chứng khoán. -Ảnh: Nguyễn Khánh
Theo văn bản gửi về Bộ Tài chính, Tập đoàn xăng dầu VN cho biết chưa có kế hoạch đăng ký giao dịch, niêm yết ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex trên thị trường chứng khoán. -Ảnh: Nguyễn Khánh

 Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Vì sao phải dùng đến biện pháp “bêu tên” để buộc các đơn vị này phải nâng chất qua việc công khai minh bạch hoạt động kinh doanh của mình?

Trao đổi với TTCT, ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết để khắc phục tình trạng rất nhiều DN đã CPH nhiều năm nhưng không đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch trong hoạt động của DN, gây bức xúc cho các cổ đông.

Đây là lần thứ hai tên của các DN chậm lên sàn sẽ bị “bêu” trước bàn dân thiên hạ. Lần đầu là cuối tháng 4 với 528 DN, nay tăng thêm khoảng 200 DN. Thực tế có những DN nhà nước đã CPH mà chậm tới ba năm vẫn chưa chịu đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sợ công khai thông tin

Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính, một số công ty giải thích lý do: cổ đông dưới 100, hoặc do vốn điều lệ dưới 10 tỉ đồng nên không đủ điều kiện niêm yết trên sàn Upcom. Nguyên nhân một số DN nêu trên đây để giải thích việc chậm lên sàn, theo cơ quan quản lý, là rất ít.

“Nguyên nhân cơ bản là do chủ quan của DN cố tình chưa lên sàn dù đã đủ điều kiện” - một quan chức bộ nhận xét.

Theo quyết định 51 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH (vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên, có ít nhất 100 cổ đông) phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định của Luật chứng khoán.

Trường hợp DN CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, sau khi thực hiện các thủ tục để đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định, trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán.

Trường hợp DN đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc DN hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm.

Trao đổi với TTCT, lãnh đạo Công ty CP Thăng Long GTC cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để niêm yết. Nhưng qua đánh giá thị trường, việc lên sàn không thuận lợi trong thời gian qua do cầu thị trường còn yếu.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, việc chậm trễ lên sàn của đa số DN không có lý do gì chính đáng cả. “Chả nhẽ cả một năm thị trường èo uột hết? Họ nói như vậy chỉ là ngụy biện. Tốt hay xấu, sôi động hay không, thị trường sẽ là kênh thẩm định tốt nhất.

DN xem lại tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đã tự tin chuẩn bị các bước để lên sàn hay chưa, đừng đổ cho thị trường!

Vấn đề DN cần phải xem xét là công khai thông tin như thế nào, cáo bạch thông tin về tài chính, quản trị DN ra sao... Nếu tăng trưởng tốt 25-30% mà nhà đầu tư không mặn mà thì phải xem lại việc công bố thông tin, định hướng kinh doanh của DN...” - ông Tiến thẳng thắn.

Đem câu hỏi DN sợ gì nhất khi lên sàn, các chuyên gia phân tích nhiều, nhưng vấn đề mấu chốt là việc duy trì nguyên tắc thị trường, trong đó có chuyện công khai minh bạch. Lên sàn rồi thì phải công khai ông giám đốc giữ nhiệm vụ gì, nói cách khác là được làm gì.

Khi có giao dịch lớn mang tính trọng yếu đối với DN như khoản đầu tư lớn, phải công khai thông tin cho thị trường. Và cả những khó khăn như tai nạn trong hoạt động kinh doanh cũng phải công khai chứ không thể “ỉm” đi được.

“Tất cả những biến động gì DN lên sàn rồi là phải công khai, còn không thì định kỳ là phải công bố báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo quản trị DN... để nhà đầu tư biết. DN hãi nhất điều này” - ông Tiến nhận định.

Ngoài ra, DN phải chấp nhận kỷ luật của thị trường theo quy định của Luật chứng khoán là phải tiến hành báo cáo quản trị DN, báo cáo sáu tháng, báo cáo về các thay đổi lớn của DN như về nhân sự, về mua sắm tài sản có giá trị...

Sẽ gây sức ép lên lãnh đạo doanh nghiệp

Theo ông Tiến, sau khi Bộ Tài chính công khai danh sách 730 DN chưa chịu lên sàn, thanh tra Ủy ban Chứng khoán sẽ thanh tra, kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện sai phạm. Mức phạt tiền cao nhất là trên 500 triệu đồng đối với việc chây ỳ lên sàn chứng khoán.

Vì việc lên sàn cần có ý kiến của cổ đông, nên cùng với theo dõi các DN có trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay thông qua phương án lên sàn hay không, nếu cổ đông thông qua, mà DN vẫn chây ỳ lên sàn thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước áp dụng các chế tài mới tại nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung nghị định 108/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, để xử phạt các DN vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn.

Trong đó, mức phạt cao nhất sẽ được áp dụng từ 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.

Ngoài áp dụng chế tài xử phạt tiền như quy định, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính sẽ tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét trách nhiệm lãnh đạo DN không tích cực triển khai các thủ tục đưa cổ phiếu lên niêm yết, đăng ký giao dịch theo các hướng: thuyên chuyển vị trí làm việc; bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ khi tổng kết công tác thi đua, khen thưởng cuối năm; hạ bậc lương và không loại trừ các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn...

Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho biết kể cả các DN yếu kém về quản trị DN thì cũng phải niêm yết.

Niêm yết để tạo ra sự minh bạch và để thoái vốn nhà nước. “Nếu không niêm yết là không muốn minh bạch, vì lợi ích riêng chăng?” - ông Hải đặt vấn đề.

Một chuyên gia đầu tư không muốn nêu tên cho rằng khi còn là DN nhà nước người ta muốn trục lợi, biến tài sản nhà nước thành của tư không dễ vì có những quy định ràng buộc chặt chẽ. Nhưng khi đã là công ty cổ phần nhưng chưa niêm yết, nghĩa là thông tin chưa minh bạch, chưa bị “soi” kỹ từ các phía, việc trục lợi dễ hơn.

Phải làm rõ vì đây là tài sản của Nhà nước chứ không phải là của cá nhân hay một nhóm cá nhân. Do đó, theo chuyên gia này, “ngoài việc “bêu tên” những DN đã CPH mà vẫn dùng dằng không lên sàn, cổ đông nhà nước trong DN đó phải mạnh tay buộc lãnh đạo DN phải rời cái ghế họ đang được giao. Nhà nước không thể hiền quá như lâu nay được!”.

Đồng quan điểm này, ông Hải cho rằng: “Lãnh đạo DN là người được Nhà nước giao đại diện để quản lý vốn nhà nước tại DN. Theo Luật công chức, vị đại diện vốn nhà nước tại DN là công chức. Do đó, công chức lại không thực hiện thoái vốn, CPH - các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước - thì ắt phải bị kỷ luật”.

Tìm hiểu vấn đề này ở Ủy ban Chứng khoán nhà nước, chúng tôi được biết cơ quan này cũng đã liên tục có công văn nhắc nhở DN CPH phải đăng ký giao dịch.

Tuy nhiên, số lượng DN thực hiện rất thấp. Ủy ban Chứng khoán nhà nước muốn DN có thời gian chuẩn bị để công bố thông tin, chọn thời điểm để lên sàn thích hợp nhất.

Ông Vũ Bằng, nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhận định khả năng lãnh đạo do không có năng lực tốt trong quản trị DN, không có sự chuẩn bị cho việc DN đăng ký giao dịch.

Do đó, trong nhiều biện pháp để buộc DN phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán, cần phải gây sức ép đối với việc xử lý cán bộ là các lãnh đạo của DN. Ngoài ra, theo ông Vũ Bằng, cũng cần xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ quản trong việc đốc thúc DN thực hiện hoạt động sau CPH. ■

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tổng công ty phát điện 1, 2, 3 (Genco 1, 2, 3) nằm trong kế hoạch CPH, thoái vốn.

Ông Đặng Hoàng An, tổng giám đốc EVN, cho biết việc xác định giá trị DN đang là khó khăn với các đơn vị này. Genco 3 hiện vẫn đang làm việc với Kiểm toán Nhà nước để xác định giá trị DN, trong khi Genco 1 phải lùi thời điểm xác định giá trị DN đến ngày 1-1-2018.

Với Genco 3, Chính phủ đã phải chấp nhận đề xuất của EVN trong việc gia hạn thời hạn công bố giá trị DN sau kiểm toán và xử lý các vấn đề tài chính, cũng như gia hạn thời gian thực hiện tổ chức cổ phần lần đầu (IPO).

 

Không muốn lên sàn vì chưa có nhu cầu tăng vốn

Trong số tám DN là công ty con của Tập đoàn Xăng dầu VN bị “bêu tên” chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết lần này thì có những DN không đủ điều kiện hoặc không cần phải niêm yết.

Đơn cử như tại Công ty cổ phần (CP) Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, Công ty CP tư vấn xây dựng Petrolimex có vốn điều lệ chưa đủ 10 tỉ đồng đảm bảo điều kiện niêm yết.

Còn Công ty CP Đầu tư và dịch vụ hạ tầng xăng dầu kinh doanh lỗ nên đang thực hiện thoái vốn. Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex thì không đủ số lượng cổ đông để trở thành công ty đại chúng và cũng không có nhu cầu niêm yết.

Về nguyên tắc những công ty CP phải thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch hóa hoạt động.

Tuy nhiên, có những DN CP được sinh ra từ quá trình CPH, đang nắm giữ 100% vốn nhà nước, tiến hành CPH và thực hiện niêm yết để đảm bảo công khai, minh bạch khi thoái vốn. Còn với những DN cũng là công ty CP, nhưng không phải được thành lập ra từ quá trình CPH mà DN thành lập ra công ty CP để hoạt động, nhưng chỉ có vài cổ đông nên vừa không đủ điều kiện lên sàn, vừa không có nhu cầu lên sàn vì không có mục tiêu huy động vốn.

Đơn cử như Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex, đây là công ty hoạt động rất tốt và hiệu quả, có quy mô lớn nhưng chỉ có bốn cổ đông, không có nhu cầu bán vốn, không có nhu cầu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Do đó, chủ trương CPH, thoái vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán là đúng, nhưng phải nhất quán, thực hiện với DN CP được hình thành từ quá trình CPH. Chưa kể việc lên sàn “vô cùng tốn kém”, nếu năng lực quản trị không đủ, không đảm bảo kịp thời báo cáo, bộ máy quản trị chưa hiệu quả thì việc lên sàn cũng không mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, có tình trạng một số đơn vị không muốn lên sàn dù đủ điều kiện. Chính phủ thúc đẩy việc DN lên sàn để công khai minh bạch các hoạt động. Nhưng để công khai minh bạch không phải cứ lên sàn là giải quyết được hết bởi có thể dùng biện pháp khác như thay thế chủ sở hữu. Việc lên sàn phải tùy vào từng DN, từng điều kiện cụ thể.

(Ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu VN)

Ngọc An ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận