Đối mặt tổ tiên

ĐỖ TRÍ VƯƠNG 10/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT - Katrin Himmler dành gần trọn một thập niên để viết về gia đình người ông họ của mình, Heinrich Himmler, còn được biết đến trong vai trò nổi tiếng hơn cả: thống chế SS của nước Đức quốc xã kiêm cánh tay mặt của Adolf Hitler.

Bìa Anh em nhà Himmler
Bìa Anh em nhà Himmler


Vấn đề nan giải nhất cho mỗi thế hệ con người, ngoài sự éo le và trớ trêu của việc không chọn được cha mẹ cho mình (hay đúng hơn, chúng ta đều bị tước đoạt quyền lựa chọn cho câu hỏi “có muốn được sinh ra hay không?”), còn là di sản để lại bởi tiền nhân - “món quà” rạch giời rơi xuống, mà dù muốn hay không chúng ta vẫn phải sống chung với nó cả đời.

Dẫu xa vời và vô thưởng vô phạt với đại chúng, đây lại là vấn đề nghiêm túc và bức bối nơi Katrin Himmler, cháu gái của Earnst Himmler (1905-1945), cái tên đôi chút xa lạ với giới hậu thế, do ông luôn bị che lấp bởi cái bóng khổng lồ của người anh trai ruột Heinrich Himmler, được Katrin gọi là ông họ.

Với một triều đại, 12 năm là con số quá khiêm tốn (không bằng cả vòng đời của hệ điều hành cổ lỗ sĩ Windows XP của Microsoft và đương nhiên chỉ là “muỗi” so với tuổi thọ 70 năm của Liên bang Xô viết), song chấn tâm ngay giữa Tây Âu của chế độ quốc xã Đức đã tạo ra những ảnh hưởng trên phương diện địa chính trị lẫn lịch sử có độ lớn vượt xa mọi giới tuyến về thời gian.

Đến nỗi, sau đó tận 60 năm, dân tộc Đức vẫn vật lộn về khái niệm Vergangenheitsbewältigung, hay “quá trình đối mặt quá khứ”.

Nỗi đau về quá khứ tội ác của nước Đức là nỗi đau chung mang tầm quốc gia, được tổng hợp từ những nỗi đau riêng của từng cá nhân, vốn bền bỉ và dai dẳng đến nỗi gọi nó là thứ nỗi đau ăn vào gen cũng chẳng có gì là thậm xưng.

Suy cho cùng, ai chẳng từng là con cháu của một quân nhân hay thủ lĩnh quân sự nào đó của đệ tam đế chế?

Và thứ mặc cảm tội lỗi này, dẫu gần như không hiển lộ trên vẻ ngoài lạnh lùng mang thương hiệu Đức, vẫn đủ giằng xé và oan ngược để khiến lãnh đạo quốc gia “hùng mạnh nhất châu Âu” tìm cách “nhận lỗi” bất cứ khi nào có thể.

Người ta vẫn chưa quên vào tháng 10-2015, sau lời buộc tội kỳ quặc của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dành cho cố thủ lĩnh Hồi giáo - Đại giáo sĩ Amin al-Husseini (1895-1974) rằng ông này đã thuyết phục Adolf Hitler tàn sát dân Do Thái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vội vàng đăng đàn đính chính, bảo rằng nói thế là sai, là không ổn, vì chúng tôi, toàn thể dân Đức người thật việc thật đây, chứ không phải ai khác, mới “đủ tư cách” để chịu trọn vẹn và đầy đủ trách nhiệm cho cuộc đại đồ sát người Do Thái (Holocaust).

Song đó mới là thái độ chung của một nước Đức tập thể, vậy từng cá nhân người Đức thì sao?

Katrine trải nghiệm câu hỏi này từ rất sớm, khi vào năm 15 tuổi, trong giờ học sử, một bạn học bất ngờ hỏi cô có liên quan gì đến “nhà Himmler” không, và được nhận lại câu đáp lúng búng “có” từ cô.

Theo Katrine, dẫu khi đó bầu không khí đã tồn tại một “khoảng lặng chết người bao trùm lớp học, ai nấy đều cảnh giác và căng thẳng” song vị giáo viên chỉ lẳng lặng “tiếp tục bài giảng như thể chẳng có gì xảy ra”, một hành vi mà theo Katrine, đã “bỏ lỡ cơ hội cho chúng tôi tìm hiểu xem liệu có còn mối liên hệ nào đó, nếu có, nối giữa thế hệ trẻ chúng tôi với “những chuyện cũ” hay không”.

Trong Anh em nhà Himmler (*), Katrine đã đối mặt trực diện với lịch sử gia đình mình. Cô không đào xới tội ác của Heinrich (chủ đề có thể được tìm thấy rất nhiều ở những nơi khác), mà tập trung tìm câu trả lời cho lý do tại sao trong gia đình cô luôn tồn tại một “màn sương mù dày đặc gồm những sự việc mơ hồ chỉ được hiểu nửa vời, bị che giấu, bị lý giải lại hay thậm chí bị làm cho sai lệch”.

Suốt thời thơ ấu, Katrine lớn lên trong niềm tin rằng hai người ông của cô là hai mặt của một đồng xu: Nếu Heinrich là “tên sát nhân tàn ác nhất thế kỷ” thì người còn lại, Earnst hoàn toàn vô tội và không dây máu ăn phần đến danh trạng tội ác của anh trai mình.

Ngoài ra, như cô vẫn được kể, những thành viên còn lại trong gia đình Himmler chẳng mấy quan tâm đến chính trị, và họ “chỉ gia nhập Đảng Quốc xã khi bị ép buộc về sau”.

Dẫu vậy, chỉ khi đào xới vào kho dữ liệu của gia đình cùng nhiều nguồn chính thống khác của chính phủ, Katrine mới bắt đầu nhận ra rất nhiều, nếu không muốn nói phần lớn, những gì cô từng nghe kể là sai trái.

Không những không “xa cách và bàng quan” với Heinrich, mà gia đình vị thống chế ngược lại còn tỏ ra khá tự hào về ông. Quan trọng nhất, tất cả họ đều đồng thuận với Heinrich - từ lý tưởng, chính sách cho đến triết lý thực thi nghĩa vụ với quốc gia.

Cả gia đình Himmler đã là đảng viên quốc xã từ hơn một năm trước khi đảng này thâu tóm quyền lực trên toàn nước Đức.

Dẫu phải thừa nhận tác phẩm sẽ trọn vẹn và ngay ngắn hơn nếu Katrine biết tiết chế kể lể những chi tiết tủn mủn như đời sống hằng ngày của từng thành viên gia đình Himmler, như Heinrch thích cắm hoa, Ernst thích món ăn vùng Bavarian... như một nỗ lực ngầm nhằm khẳng định gia đình sản sinh ra một ác nhân khét tiếng thật ra cũng bình thường như bao gia đình khác.

“Họ đã làm những việc tàn ác, nhưng họ không phải là ác quỷ” - Katrine có lý của mình, dẫu không phải là cái lý dễ thoát khỏi những tranh cãi về logic và luân lý.

Khi gấp lại cuốn sách, người đọc sẽ nhận ra Katrine, suy cho cùng, không muốn nói về quá khứ (nhiều công trình học thuật và hàn lâm làm tốt điều này hơn cô), mà cô muốn nói về hiện tại. Sau tất cả, cô và người chồng Do Thái đã có một đứa con chung.

Còn hiện thân sống nào phù hợp hơn thế của khao khát Vergangenheitsbewältigung để giúp người ta, bất chấp những bất đồng và định kiến, đối mặt với quá khứ một cách bao dung, điềm đạm và dũng cảm nhất nhất có thể?■

(*): Lý Thế Dân dịch, Alphabooks & NXB Thế Giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận