Dòng chữ

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 22/06/2011 06:06 GMT+7

TTCT - Phượng quen Hải hồi năm ngoái, lúc nhập cùng một hội “phượt” thành lập qua mạng để đi Campuchia. Một hội chục đứa toàn chưa có gia đình nhưng chẳng có ý tưởng gì về hôn nhân.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Đúng là đến lúc ấy Phượng cũng chưa hình dung ra mình sẽ lập gia đình kiểu gì. Phượng chắc Hải cũng vậy. Thoạt đầu hai đứa nhìn nhau khá thờ ơ. Rồi vài cái gật gù kiểu “à hóa ra bọn mình có sở thích giống nhau thế”. Rồi chia nhau chai nước, suất ăn, dõi mắt tìm xem có rớt lại cuối đoàn không...

Sau đấy thì chuyện xảy ra nhanh hơn cả hình dung ban đầu của Phượng. Phượng thấy Hải trắng trẻo, vai rộng, mắt tròn, cái răng cửa hơi mẻ trông lại có duyên. Người Hải cũng manh mảnh như bọn con trai Hà Nội, những ngón tay dài bấm phím điện thoại điệu nghệ. Phượng cũng không ngờ Hải hưởng ứng tín hiệu của mình nhanh vậy.

Có lúc cô vẫn băn khoăn sao hai đứa yêu nhau dễ nhỉ? Đầu tiên là xem phim, rồi mỗi tuần ăn tối hai lần, cuối tuần chở nhau đi vòng vèo đâu đấy. Khi ổ cứng máy tính dần đầy chặt ảnh của những chuyến đi cũng là lúc Phượng đồng ý cưới Hải. Bạn bè ai cũng ghen tỵ với thành quả nhãn tiền là hai đứa có một căn hộ mới.

Loại căn hộ tái định cư phổ biến bây giờ, hoàn thiện qua quýt, cửa nẻo cong vênh, vừa nhìn Phượng đã thấy ngay điều đầu tiên phải làm là sơn lại tường. Phượng mừng nhất là Hải dễ tính và có gu khá hợp với cô. Hai người đã chọn được tấm ảnh chụp cả đôi hồi đi Angkor sẽ treo trên tường nhà sau khi sơn thay vì mấy bức ảnh cưới mặt mũi cứng đơ đơ.

Sau hôm chọn được màu, Phượng cẩn thận mua một hộp sơn 0,4l và một cái chổi quét sơn để về thử. Khu chung cư này mới xây, chắc chưa bán được hết nên hẵng còn ít người ở.

Lúc bước từ thang máy ra, Phượng đã nghĩ màu sơn này có khi hơi nhạt nhòa. Phải đậm hơn. Đang nghĩ như thế, khi mở khóa, Phượng đã dợm bước vào thì thấy trên cửa có cái gì lạ lạ.

Một dòng chữ viết bằng bút dạ.

“Hải, em hận anh”.

Phản ứng đầu tiên của Phượng là nhíu mày rồi bật cười. Cô không xem phim bộ Hong Kong nhưng đủ biết cái câu ngớ ngẩn này y như thoại của loại phim ấy. Kiểu các đả nữ nói trước khi ra tay giết kẻ bạc tình đến khi mồm kẻ đó ộc máu. Khiếp.

Cái cửa màu ghi mới tinh có dòng chữ màu đen nguệch ngoạc, như thể có đứa trẻ con nào ngứa tay nghịch. Phượng đoán. Loại bút dạ bảy nghìn một cây. Chắc nó hay xem phim bộ Hong Kong. Chắc nó quanh quất khu này thôi thì mới biết tên Hải. Khu này lại chưa hoàn thiện, chủ đầu tư chưa lắp camera nên có hỏi bảo vệ chắc gì đã biết. Với lại Phượng nghĩ chưa đến mức phải đi hỏi.

Phượng vào nhà, lấy cái giẻ ướt ra lau dòng chữ. Nhưng nó chỉ bị nhòe đi tí chứ không hết. Hóa ra là bút dạ dầu mười nghìn một cây, chỉ xóa được bằng xăng. Lấy đâu ra xăng bây giờ. Xuống hầm để xe mở van xăng á? Bảo vệ tưởng cô định đốt chung cư ấy chứ. Cây xăng thì lại xa.

Phượng nghĩ đằng nào cũng sẽ sơn lại nhà, thôi dùng sơn mang về sơn đè lên vậy. Cô lấy con dao cạo cạo đi rồi mở hộp sơn, nhúng chổi cẩn thận quét đè lên dòng chữ. Hai màu ghi cũng hơi từa tựa nhau, tuy lớp đè lên đậm hơn. Cái cửa này giờ lem nhem tí, mấy hôm nữa lại đẹp ngay.

...

- Anh nhớ thằng Nam không? Nó với cái Hương bỏ nhau rồi.

- Sao thế?

- Thì cái Hương chắc kiểu con nhà công chức, mà nhà thằng Nam buôn bán ở phố cổ quen kiểu bỗ bã thoải mái rồi. Không hợp. Nhưng em đoán lý do khác. Yêu nhau lâu quá giờ lại ngãng ra.

- Thế tự nhiên nó kể với em à?

- Thì... chiều nay chat em hỏi thăm vậy. Chứ em biết hỏi nó chuyện gì nữa?

-...

- Em có hỏi là thế chuyện ấy thì thế nào?... Nó bảo hai đứa hợp nhau... Em bảo nó...

- Cái gì? Em có làm sao không? Tự nhiên hỏi nó?

- ...Thì em muốn khuyên nó, nếu hợp nhau chuyện ấy thì những chuyện kia có thể níu kéo.

- Chỉ hỏi han qua loa thôi, chứ ai lại tọc mạch đến thế.

- Thì em thích thế!

- ...

Đến đoạn đó, Phượng tự nhiên thấy mình xếp cái đĩa có phần mạnh tay. Cô thở dài.

Đánh răng xong, Phượng leo lên giường. Vừa nằm xuống, Hải gác chân quặp lấy chân cô.

- Đồ con vợ dở hơi.

- Này, dở hơi nhưng nó biết đi chợ, nấu ăn, phơi quần áo, sơn nhà cũng nó làm. Bắc điện nữa là đủ nhỉ.

- Ở đâu ra cái đồ vợ cứ cãi chồng nhem nhẻm nhỉ.

- Bỏ tay ra.

- Sao? Người ta ôm tí.

- Tí nào ở đấy?

- Thế ôm eo vậy. Mình không thích à?

- Hmm. Đàn ông mà đặt tay lên bụng đàn bà thì chỉ để xem có bầu không hoặc muốn bảo là nó béo.

- Mình béo đẹp.

- Điêu.

...

- À hôm nay...

- Ừ?

- ...Thôi, ngủ đi, em lại quên mất định nói gì rồi.

Hôm sau, Phượng quên thật. Lúc cô đi ra khỏi thang máy có mấy đứa trẻ con chạy ùa vào làm cô suýt đánh rơi chìa khóa. Đến cửa, định tra chìa vào ổ thì đập vào mắt cô là một thứ như phục sẵn. Lại một dòng chữ. Vẫn nội dung ấy.

“Hải, em hận anh”.

Lần này là màu nâu đỏ sơn chống gỉ. Nó ở chiều cao ngang mặt cô. Nghĩa là trẻ con muốn nghịch thì phải bắc ghế. Phượng nhớ tối hôm ấy cô không xóa đi và quyết đợi Hải về. Phượng nhớ là mình không cáu giận, thậm chí trong bụng lại hơi khấp khởi, kiểu ta có quả tang rồi. Cô muốn thử phản ứng của Hải ra sao.

Lúc Hải về, Phượng mở cửa, khuỳnh chân khoanh tay nhếch miệng cười, nhìn lên dòng chữ rồi quay vào.

- Hì hì. Như phim ấy nhỉ. Ai thế?

- Làm sao biết được. Nhỡ bọn rỗi hơi nào trêu. Hay bọn trẻ con nghịch?

- Thì mình cứ khai đi, người ta cũng biết là mình có người yêu cũ.

- Chả liên quan.

- Xinh không?

- Vớ vẩn.

- Cá tính?

- Anh nói thật lòng là đến bọn bạn thân còn chưa biết nhà mới đấy.

- Thế nếu có đứa nào nó mê mình, nó bám về tận nhà thì sao?

- Nhảm nhí.

- Thôi đúng rồi...

- Mình bỏ cái kiểu đùa dai ấy đi!

- Ơ...

Hải cáu kỉnh vơ lấy cái lọ sơn trong khi Phượng cười ngặt nghẽo. Hải cố xóa dòng chữ nhưng phần vì sơn của dòng chữ còn ướt, phần vì bực dọc, nên rốt cục mảng sơn ngoài cửa nhem nhuốc thành một vệt nâu hồng nhờ nhờ. Tối hôm ấy, Phượng cố khiêu khích, cấu véo, ôm ấp nhưng Hải nằm co người, quay lưng lại với cô. Phượng buông ra, tủm tỉm trong bóng tối, nghĩ để mai xem sao.

Mai xem sao tức chính là lúc này, khi Phượng đang hồi tưởng lại. Buổi chiều hôm nay, Phượng tìm cách về nhà sớm. Trong thâm tâm cô cũng không ngờ lại có một khung cảnh tức cười và điên rồ như thế. Bước vào hành lang trước cửa nhà, cô sững sờ. Cả khoảng tường và cả cửa ra vào kín đặc những dòng chữ “Hải, em hận anh” như thể một trò nghịch quái đản của bọn vẽ bậy ngoài đường.

Phượng đã cầm cây lăn sơn lăn lên mảng tường, nhưng được vài nhát thì cô thấy kiệt sức. Phải có thang mới lăn được phần bên trên. Cô ngồi phịch xuống, vừa nghĩ hàng xóm mà đi qua thì chắc nghĩ cô bị tâm thần. Mà giờ ai nghĩ gì chẳng quan trọng, vấn đề là xử trí thế nào với Hải. Nếu Hải vẫn chối không biết? Chẳng lẽ nghỉ làm một ngày để rình?

Cô bấm số gọi Hải. Phải ba hồi chuông mới nghe Hải trả lời:

- Gì thế? Đang họp. Tí gọi lại được không?

Phượng nhớ ra hôm nay thứ sáu, mới bốn giờ chiều, các cơ quan họp giao ban trước khi nghỉ cuối tuần.

Cô biết làm gì trong hai tiếng cho đến khi Hải về? Nhỡ đây là trò đùa dai của bọn vô công rồi nghề nào đấy thì sao. Nhỡ đâu cái tên Hải vốn rất phổ biến được bọn này tiện tay thì viết ra, chẳng may trùng với tên chồng cô.

Phượng thay quần áo, khóa cửa rồi đi xuống dưới đường. Cô muốn rủ ai đó đi uống nước. Cô lướt qua danh bạ trong điện thoại mà chưa biết nên gọi ai. Thôi cứ ngồi một chỗ nào đã cho bình tâm. Giờ gọi ai ra, phải kể lại một câu chuyện vớ vẩn, nghĩ đã thấy nản.

Phượng vào quán cà phê quen, chọn một chỗ trong góc. Cô nhắn tin cho đứa bạn nghĩ tới đầu tiên. Rồi gọi nước chanh. Đúng lúc ấy tim cô thắt lại. Cô nhìn thấy Hải đi vào cùng một người phụ nữ.

Theo bản năng, Phượng quay người đi để tránh mặt. Nhưng rồi cô làm mặt vui vẻ, khoanh tay nhìn Hải. Nhận thấy có người nhìn, Hải quay về phía Phượng. Mặt Hải ngẩn ra vì bất ngờ. Người phụ nữ mặc áo hai dây đang ngồi quay lưng lại với Phượng cũng ngoái đầu nhìn. Phượng mỉm cười, giơ tay vẫy Hải. Cô đứng dậy, rút tiền đặt dưới cốc nước rồi bước đi ra khỏi quán. Phượng thấy buồn cười vì mình hành động cứ như phim tâm lý Mỹ. Nhưng Phượng thấy khoái trá.

Về đến nhà, Phượng cứ tự tấm tắc khen mình vừa ghi điểm. Cô nấu cơm rất nhanh, tắm rửa rồi ngồi xem tivi. Nhưng cô xem mà không cái gì vào đầu. Thật lạ, cái gì đó không ổn đang len lỏi trong cô dần thế chỗ cảm giác vui vừa nãy. Hải lâu về quá.

Một tiếng. Rồi hai tiếng trôi qua.

Nhỡ Hải không về nữa thì sao? Nhỡ cô mất Hải thật thì sao? Lẽ ra lúc ấy cô phải nổi cơn lôi đình, chứ không phải xử sự như một con ấm đầu bắt chước phim Mỹ! Chắc Hải nghĩ vợ mình khùng mất. Phượng không nhớ nổi khuôn mặt người phụ nữ kia, chỉ nhớ hai dây áo hờ hững trên tấm lưng cô ta. Bỗng nhiên Phượng điểm lại tất cả những gì mình biết về Hải. Lần đầu tiên cô hoang mang không hiểu có đúng là Hải yêu cô không?

Chín giờ tối, Hải vẫn chưa về. Phượng lấy hết can đảm bấm số của Hải nhưng không có tín hiệu trả lời. Trong đầu Phượng vẽ ra năm bảy kịch bản ứng phó với Hải.

Khi Phượng đang bấm số một lần nữa thì Hải về.

- Anh xin lỗi, điện thoại hết pin.

- Đi tắm đi, em cho mấy thứ vào lò vi sóng.

- Ừ.

...

Hai người im lặng ăn. Phượng lầm lì khó chịu.

- Anh xin mình. Có gì thì nói ra.

- Sao em lại phải nói? Anh mới là người cần nói ấy!

- Nói cái gì?

- Mấy cái chữ ấy là thế nào?

- Chịu.

- Nó là đứa nào?

- Ai?

- Tại sao anh lại làm thế?

- Làm cái gì hả giời?

- Anh hèn lắm.

- Cái gì?

- Anh không dám nói thẳng.

- Tôi giấu cái gì nào?

- Anh giấu gì thì tự biết.

***

Ba hôm sau. Căn hộ vẫn ngổn ngang chưa hoàn thiện được chút nào. Phượng không nấu cơm. Hai người ăn mì gói. Phượng ăn xong trước, ngồi ở xalông xỉa răng. Hải vẫn vừa xì xụp ăn vừa đọc báo. Bình thường thì Phượng đã có thể bắt Hải bỏ tờ báo xuống để ăn cho xong. Bây giờ chuyện ấy tuy vẫn gai mắt nhưng Phượng nghĩ mình phải học cách rình như mèo.

Phượng vớ lấy cuốn truyện. Để xem Hải thi gan được với cô đến đâu. Màn chiến tranh lạnh diễn ra mấy hôm nay dĩ nhiên sẽ phải đến lúc kết thúc. Điểm tốt hiện tại là Hải cũng chấp nhận cuộc chơi. Phượng đang có cơ sở để thực thi kế hoạch buộc Hải lên tiếng. Như thế tốt hơn nhiều là Hải tránh mặt cô, hoặc hơn thế nữa, Hải đóng một vai khó đoán đầy nguy hiểm.

Hải ăn xong, buông đũa xuống. Trên bàn chỏng chơ hai cái bát ôtô chỉ còn ít nước màu vàng váng mỡ. Không cần nhìn Phượng cũng biết Hải có liếc nhìn cô. Hải thở dài bực dọc rồi thu bát đũa bê ra chậu rửa trong bếp. Phượng mỉm cười đắc ý.

Bỗng trong bếp có tiếng bát vỡ choang. Rồi tiếng Hải kêu “oái!”. Phượng lập tức nhổm dậy. Theo phản xạ cô định hỏi có chuyện gì thế. Nhưng Hải đã lên tiếng trước.

- Giúp người ta cái!

Phượng chạy vào bếp. Hải bị mảnh bát vỡ cứa vào tay khá sâu. Phượng lấy giẻ lau chỗ nước mì ăn liền dây ra rồi băng lại cho Hải, trong bụng nửa nghĩ may quá hắn đã chịu mở miệng, nửa nghĩ mình tự nhiên dịu dàng thế này, biết tra hỏi chuyện kia kiểu gì. Hải nhăn nhó, vẩy vẩy cái tay.

- Đau phải không?

- Bình thường!

- Đau thì cứ nói. Đau mà còn phải giấu thì bồ làm sao mà hở ra được.

- Đừng có kiếm chuyện!

- Thôi người ta bảo thật, mình trót nhỡ nhàng với đứa nào thì dẫn về cho gặp chị gặp em.

- Im đi! Đừng để đến lúc người ta điên lên đấy!

- Làm sao mà điên được. Người ta đang nói hết sức nhẹ nhàng đấy chứ.

- Đã nói rồi. Cơ quan mất điện, người ta ra quán ngồi với khách.

- Ơ, quán đó có gần cơ quan mình đâu nhỉ.

- Đừng có áp đặt suy diễn.

- Thế sao mình lại không trả lời được là ai viết dòng chữ đó?

- Mệt lắm. Đi mà hỏi bảo vệ.

Hải bỏ ra xalông, nằm xuống. Phượng để ý thấy Hải với tay lấy điện thoại bấm bấm gì đó. Nửa phút sau có tin nhắn đến. Hải lại nhắn tiếp. Rồi tin nhắn trả lời tiếp. Phượng tò mò muốn chết đi được. Nhưng cô phải để Hải tự nói ra.

Hải nhổm dậy, đi ra mắc quần áo, xỏ chân vào quần.

- Đi đâu đấy?

- Hỏi làm gì?

- Trả lời đi. Ai?

Hải không trả lời. Phượng đứng chắn cửa, đặt tay lên khóa. Hải nhếch mép, rút điện thoại, mở ra rồi gí vào mặt cô. Phượng bị bất ngờ, chỉ đơ ra nhìn những mẩu tin nhắn hẹn hò gì đó. Hải đóng sập điện thoại rồi nhét vào túi.

- Được chưa?

- Thế là xong?

- Thế thôi. Tôi đi để bảo con bồ đừng viết lăng nhăng nữa. Rõ rồi nhỉ?

Hải gạt Phượng ra khỏi cửa rồi bước ra ngoài. Còn lại một mình, Phượng như tê liệt trong cảm giác hẫng hụt. Rõ ràng là cô muốn Hải thừa nhận, nhưng không phải kiểu này!

***

Bạn bè của Phượng và Hải cố gắng khuyên nhủ hai người nhưng vô hiệu. Cuộc ly hôn hóa ra chóng vánh hơn là Phượng vẫn nghĩ. Lý do khai: mâu thuẫn trong quan hệ. Người hòa giải cứ hỏi đi hỏi lại mâu thuẫn là sao, có bạo hành không, có ngoại tình không nhưng Phượng chỉ lắc đầu, bọn cháu không hợp.

Hôm ra tòa, ngoài một vài người bạn đến an ủi, Phượng không muốn ai chứng kiến. Bạn Phượng nhận xét cuộc ly hôn này êm ả đến mức như đùa.

Lúc từ tòa về, Phượng bảo mấy người bạn là cô muốn đi một mình. Hà Nội hôm nay trời mát mẻ, Phượng đi xe chậm. Đến một ngã tư đèn đỏ, Phượng dừng lại nhìn ngắm đường phố. Cô ngước lên nhìn những tán phượng nở hoa đỏ rực. Bỗng cô nhìn thấy ở một cánh cửa nhà nào đó có dòng chữ:

“Bình, em hận anh”.

Đèn đã xanh, dòng người đằng sau Phượng bị dồn ứ bực bội chửi rủa nhưng cô vẫn không hay biết gì.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận