Đóng cửa chính phủ Mỹ: vở kịch chính trị đặc sắc

TTCT - Sáng sớm 1-10-2013, ngày đầu tiên chính phủ Barack Obama đóng cửa, những dòng đầu tiên của bài này được viết tại một quán cà phê nổi tiếng trên đại lộ Pennsylvania cách Nhà Trắng chỉ vài phút đi bộ.

Phóng to
Tượng Nữ thần Tự do không đón tiếp du khách tham quan vì ảnh hưởng bởi tình trạng chính quyền liên bang Mỹ đóng cửa từ 1-10

Là thủ đô hành chính với dân số chỉ khoảng 630.000 người, dân số DC tăng lên hơn 1 triệu người trong ngày làm việc. Các dịp cuối tuần và nghỉ lễ nhiều khu phố của thành phố nơi đặt các công sở trở nên rất vắng vẻ do nhân viên chính phủ không phải đi làm.

Điều đáng ngạc nhiên là sáng nay giao thông vào thành phố vẫn rất nhộn nhịp với cảnh xe cộ đi lại nối đuôi nhau nhích từng chút một trên những cây cầu của quận Columbia đưa người làm việc vào thành phố từ hai bang lân cận Maryland và Virginia. Tình trạng tắc nghẽn giao thông chỉ đỡ hơn chút ít so với những ngày chính phủ mở cửa.

Một người quan sát đi bộ vòng quanh khu vực Nhà Trắng, dù cố gắng cũng không thể tìm ra sự khác biệt nào so với những ngày khác. Bên cạnh những đoàn khách du lịch nước ngoài, người ta vẫn thấy các nhân viên chính phủ ăn mặc trịnh trọng và mang các thẻ điện tử ở quanh cổ hay thắt lưng.

Tối thiểu là ở quanh khu vực Nhà Trắng, tâm điểm của Chính phủ Hoa Kỳ, mọi việc vẫn diễn ra như bình thường.

Nền chính trị... “không giống ai”

Cơ chế về việc thông qua ngân sách của Hoa Kỳ đòi hỏi lưỡng viện phải cùng đạt được thỏa thuận trước khi trình dự luật ngân sách lên cho tổng thống phê chuẩn. Việc ký phê chuẩn của tổng thống phần lớn mang tính hình thức, nhưng trong trường hợp vì lý do nào đó vào phút cuối tổng thống sử dụng quyền phủ quyết thì dự luật được chuyển về cho quốc hội.

Quốc hội có thể áp đảo phủ quyết của tổng thống bằng đa số hai phần ba. Dự thảo sẽ không thể được thông qua trong các tình huống ví dụ tổng thống phủ quyết mà quốc hội không đạt được đa số cần thiết hay khi lưỡng viện không đạt được đồng thuận trước khi trình dự luật lên tổng thống, như lần này!

Việc Chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa do quốc hội không thông qua ngân sách một lần nữa cung cấp cho thế giới bằng chứng về tính “không giống ai” của nền chính trị Hoa Kỳ. Để hiểu được lý do của lần đóng cửa này, có ba điều người ta phải lưu tâm đến.

Điều đầu tiên và căn bản nhất có vai trò như tấm phông cho cả sân khấu chính trị là mâu thuẫn dài lâu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về vai trò, kích cỡ và tầm ảnh hưởng của chính phủ trong đời sống Mỹ. Đảng Cộng hòa thường chủ trương đời sống kinh tế - xã hội tự do ít chịu sự can thiệp của chính phủ vào các mặt như doanh thương, phúc lợi hay cả đạo đức.

Đảng Dân chủ ngược lại đề cao phúc lợi cho người lao động, tăng cường sự can thiệp và giám sát của chính phủ lên đời sống kinh tế - xã hội. Đây tuy thế chỉ là những miêu tả rất sơ sài về sự khác biệt căn bản giữa hai đảng chính trị chính của Hoa Kỳ. Có những lúc Đảng Cộng hòa lại là phe đòi tăng cường sự kiểm soát của chính phủ lên nền kinh tế và ngược lại phe Dân chủ cũng có lúc đòi giảm bớt các quy định, tăng tính tự do và sự linh hoạt của nền kinh tế.

Điều thứ hai cần lưu tâm là sự trỗi dậy của các xu hướng chính trị bảo thủ cực đoan thường được gọi với cái tên Tea Party, là các nhóm có gốc rễ Cộng hòa không có lịch trình chính trị thống nhất nhưng chủ trương cắt giảm ngân sách và chi tiêu chính phủ thông qua giảm thuế, tức là đòi hỏi cắt giảm hơn nữa sự can thiệp của chính phủ vào đời sống kinh tế - xã hội.

Phong trào Tea Party đang ngày càng phát triển và bắt đầu thu hút được các đại diện trong số các nghị sĩ Cộng hòa trong quốc hội, đơn cử là thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas.

Điều thứ ba và là sự kiện có tầm quan trọng nhất nhì ở Hoa Kỳ gần đây là việc chính quyền của Tổng thống Obama đã thành công trong việc thông qua Đạo luật về chăm sóc y tế vừa túi tiền (Affordable Care Act). Đạo luật này là một nỗ lực cách mạng về cải cách y tế thông qua việc áp dụng một chế độ bảo hiểm y tế bắt buộc cho người dân Hoa Kỳ.

Theo đạo luật mới này, các bang sẽ thiết lập các “sàn” mà qua đó những nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế và người có nhu cầu mua bảo hiểm y tế có thể giao dịch với nhau. Hình thức sàn giao dịch này được lựa chọn nhằm giúp tạo ra một cơ chế cạnh tranh để đẩy giá dịch vụ bảo hiểm xuống gần với chi phí thực của bảo hiểm. Người dân có một lộ trình nhất định để mua bảo hiểm và những ai không có bảo hiểm sẽ phải trả tiền phạt thông qua đánh thuế bắt đầu từ năm 2014.

Đạo luật này có gốc từ những sáng kiến lâu năm do các nhân vật của cả hai đảng đưa ra, nhưng nhiều năm nay đã gặp phải rất nhiều kháng cự nên chưa bao giờ được hiện thực hóa thành luật. Những ý kiến phản bác thông thường là bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, gây ra tâm lý phụ thuộc, ăn bám, người ít dùng bảo hiểm phải trả tiền cho người lạm dụng bảo hiểm..., nhưng chủ yếu vẫn có hai lý do chính.

Lý do thứ nhất là vì chủ doanh nghiệp không muốn tăng chi phí sản xuất và bị giảm lợi nhuận nếu bị bắt buộc trả chi phí bảo hiểm cho người lao động. Lý do thứ hai là sự kháng cự truyền thống đối với bất kỳ sự can thiệp tăng cường nào vào đời sống kinh tế - xã hội. Lần này sự kháng cự tuy rất mạnh mẽ nhưng do các yếu tố thiên thời địa lợi mà cuối cùng chính quyền Tổng thống Obama cũng đã luật hóa được những nội dung chính yếu.

Tuy nhiên, phe bảo thủ vẫn tiếp tục kháng cự bằng cách trì hoãn việc áp dụng đạo luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10. Phe phản đối đạo luật đã trì hoãn việc thỏa thuận dự luật ngân sách chính phủ nhằm gây sức ép lên phe ủng hộ đạo luật để đòi hỏi có những nhượng bộ về việc thực thi đạo luật. Kết quả, hai phe đã không đạt được thỏa thuận về dự luật ngân sách trước thời hạn nửa đêm 30-9, dẫn đến việc đóng cửa chính phủ lần đầu tiên sau 18 năm.

Dịch vụ công, hộ chiếu bị ảnh hưởng đầu tiên

Quy trình đóng cửa chính phủ được Văn phòng Quản trị và ngân sách của chính phủ đưa ra. Thông thường nó sẽ là một quá trình mà qua đó các dịch vụ công ít quan trọng sẽ bị cắt đầu tiên. Các dịch vụ này bao gồm các công viên quốc gia hay dịch vụ hộ chiếu.

Ngày hôm nay các điểm du lịch nổi tiếng ở Washington DC do chính phủ quản lý như Đài tưởng niệm tổng thống Lincoln hay Viện Bảo tàng Smithsonian đều đã bị đóng cửa như một phần quy trình đóng cửa của chính phủ. Các dịch vụ chính yếu và quan trọng như quốc phòng hay tự hạch toán như bưu chính đều tiếp tục hoạt động. Tổng thống và các nghị sĩ quốc hội vẫn được nhận lương nhưng đa số nhân viên không trọng yếu của chính phủ sẽ bị nghỉ không lương từ hôm nay.

Khó mà nói được lần đóng cửa chính phủ này sẽ kéo dài bao lâu. Nếu sử dụng thời lượng trung bình của các lần đóng cửa trước làm dự báo thì lần đóng cửa này có xác suất cao nhất sẽ kéo dài 6,5 ngày, nếu chỉ dùng những lần một chính phủ của Đảng Dân chủ bị đóng cửa thì con số này là khoảng 12 ngày.

Sử dụng những tính toán kinh tế của lần đóng cửa trước, người ta tính toán rằng mỗi ngày đóng cửa sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 300 triệu USD - một con số không nhỏ. Các cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đa số quá bán người dân Mỹ quy trách nhiệm về việc đóng cửa chính phủ cho Đảng Cộng hòa.

Ở các bang ủng hộ Đảng Dân chủ, hôm nay nhiều người dân Mỹ trước đây chưa có hay không có đủ bảo hiểm y tế đã bắt đầu có được những lựa chọn bảo hiểm rẻ hơn và tốt hơn.

Khoảng 10g sáng 1-10 theo giờ bờ Đông Hoa Kỳ, bên ngoài tòa nhà chính phủ mang tên tổng thống Eisenhower, người ta có thể thấy một nhóm thợ đang làm những việc sửa sang vặt vãnh ngoại cảnh tòa nhà - một bằng chứng cho thấy dù bị đóng cửa thì chính phủ vẫn còn người làm việc và như thế tức là vẫn có tiền để trả lương.

Rất khó nói cách người Mỹ giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích và lý tưởng như thế này là nhược điểm hay ưu điểm của hệ thống chính trị của họ. Việc đóng cửa Chính phủ Mỹ mang nặng tính hình thức - chắc chắn không ai dám cá cược vào khả năng nó không bao giờ được mở cửa trở lại nữa - và chúng ta nên theo dõi thật kỹ diễn biến của nó như một vở kịch chính trị đặc sắc và thú vị không diễn thường xuyên.

PHẠM TUẤN ANH (viết từ Washington DC)

Từng “đóng cửa” 17 lần trong 19 năm

Trong các năm từ 1976-1995 tình trạng chính phủ bị đóng cửa xảy ra tương đối đều đặn với 17 lần trong 19 năm với tổng thời gian 111 ngày. Lần đóng cửa này là lần đầu tiên sau 18 năm. Thời lượng của mỗi kỳ kéo dài có lúc chỉ một ngày nhưng có lúc dài nhất là 21 ngày như lần năm 1995-1996 dưới thời tổng thống Clinton (Dân chủ).

Năm 1977 thời tổng thống Carter (Dân chủ), chính phủ bị đóng cửa số lần kỷ lục là ba lần, tổng cộng 28 ngày. Trong thập niên 1980 là thời thịnh trị của tổng thống Reagan (Cộng hòa), chính phủ bị đóng cửa tám lần nhưng tổng cộng chỉ có 14 ngày với hai lần dài nhất mỗi lần 3 ngày.

Về phân bổ quyền lực, trong 17 lần trước có 10 lần chính phủ của một tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa chiếm 59% nhưng với tỉ lệ thời lượng chỉ 27% (30 ngày). Về quyền kiểm soát đa số trong lưỡng viện thì có tám lần Đảng Dân chủ nắm đa số ở cả thượng viện và hạ viện so với chỉ hai lần Đảng Cộng hòa nắm đa số ở cả hai viện.

Đặc biệt là dưới thời tổng thống Carter cuối những năm 1970, cả năm lần chính phủ bị đóng cửa Đảng Dân chủ đều nắm đa số ở cả hai viện, một bằng chứng cho thấy có lẽ đảng cầm quyền lúc đó vì lý do nào đó đã bị phân hóa và mất đoàn kết nội bộ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hệ thống y tế Mỹ lãng phí 750 tỉ USD mỗi năm
Không thống nhất ngân sách, chính quyền Mỹ đóng cửa
Nước Mỹ ra sao khi chính quyền đóng cửa?
Tổng thống Mỹ khẳng định quân đội vẫn có lương

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận