Đông Nam bộ: Cần có những cơ chế, chính sách động lực mới

NGUYỄN VĂN HÙNG 29/02/2004 06:02 GMT+7

TTCN - Có thể nói một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy Đông Nam bộ (ĐNB) phát triển nhanh trong những năm qua là yếu tố cơ chế, chính sách (CCCS). ĐNB chính là nơi đã nảy sinh và thể nghiệm thành công nhiều CCCS mới, tiến bộ.

Đông Nam bộ: Cần có những cơ chế, chính sách động lực mới

Trong hàng loạt CCCS đặt ra đối với các cấp quản lý vĩ mô, có ba loại CCCS cơ bản là: những CCCS đổi mới quản lý; những CCCS tài chính và những CCCS khuyến khích đầu tư.

Cơ chế, chính sách đổi mới quản lý

Vùng kinh tế số một

Vùng kinh tế này có sáu tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh; chiếm 7,2% diện tích tự nhiên và 13,9% dân số cả nước.

2002: đóng góp 34,5% tổng sản phẩm quốc nội, 49,5% GDP công nghiệp, 31,5% GDP dịch vụ, 49% tổng thu ngân sách và khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

2003: đạt gần 70.000 tỉ đồng vốn đầu tư xã hội, khoảng 13 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, gần 90.000 tỉ đồng thu ngân sách, hơn 2 tỉ USD vốn FDI và hơn 390.000 chỗ làm mới (so với con số tương ứng của cả nước là 217.000 tỉ đồng đầu tư xã hội, 20 tỉ USD xuất khẩu, 138.000 tỉ đồng thu ngân sách, 3 tỉ USD FDI và 1,52 triệu chỗ làm mới)...

Nói một cách tổng quát, qui mô vùng kinh tế Đông Nam bộ luôn chiếm 1/3 cả nước về GDP và tổng vốn đầu tư xã hội; riêng thu ngân sách và xuất khẩu thì cao hơn, xấp xỉ 2/3.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm luôn cao hơn mức chung cả nước từ 1,5-2,5 lần, trong đó giai đoạn 1996-2002 đạt 11,6%, cao gấp 1,66 lần.

Cơ cấu kinh tế của vùng đã chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa và hướng đến xuất khẩu: so với 1995, tỉ trọng công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 46,2% lên 55%, nông nghiệp giảm từ 11,3% xuống còn 7%.

Đổi mới CCCS quản lý là nhằm tiếp tục tạo ra môi trường hành chính, xã hội thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn để nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế có thể hăng hái, an tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa, một dấu”, thúc đẩy chương trình “chính phủ điện tử”, Chính phủ cần kịp thời có những qui định mới bảo đảm mọi hoạt động hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân đều thật sự là dịch vụ công (chứ không phải chỉ có bộ phận thu tiền giá cao mới coi là dịch vụ công như đã làm).

Mặt khác, các cấp thẩm quyền cũng cần sớm nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền đô thị trung tâm công nghiệp - dịch vụ, không nên tồn tại tình trạng chung mô hình quản lý giữa các tỉnh nông nghiệp với thành phố công nghiệp như hiện nay.

Mặt khác, tuy còn đang tổng kết, nhưng các địa phương cũng đã kiến nghị “cơ chế phân cấp 93” mà Chính phủ ban hành cho TP.HCM nên được áp dụng mở rộng ra toàn vùng kinh tế ĐNB đặc thù này, nhằm tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Việc “nhất thể hóa” các cơ sở hạ tầng thiết yếu như cấp thoát nước, giao thông, xử lý chất thải rắn và nguy hại, giám sát môi trường nước và không khí... cũng như qui hoạch vùng cũng nên được xem xét sớm nhằm tăng cường sức mạnh.

Cơ chế chính sách tài chính

Vấn đề bức xúc mà các tỉnh trong vùng tha thiết đề nghị nhiều năm qua là cần có quan điểm “nuôi dưỡng nguồn thu”, thể hiện bằng tăng tỉ trọng điều tiết lại cho các địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương.

Vì, thực tế cơ chế hiện hành đã dẫn đến tình trạng các địa phương không thể chủ động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, vốn là nhu cầu cấp bách số một. Như TP.HCM chẳng hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách tập trung vào khoảng 10.000 tỉ đồng mỗi năm nhưng chỉ được cân đối 1/3!

Vì vậy, một CCCS tài chính đặc thù đối với các vùng kinh tế trọng điểm theo hướng khuyến khích tăng thu, tăng chi, thiết lập thị trường tài chính toàn vùng, thành lập các quĩ phát triển vùng... là rất cần thiết. Rất tiếc, một cơ chế theo hướng đó đã từng được Bộ Tài chính soạn thảo vài năm trước mà đến nay vẫn chưa thấy ban hành!

Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư

Thu ngân sách nhà nước (tỉ đồng)

Kết quả năm 2003

Dự toán 2004 (T.Ư giao)

TP.HCM

39.691

47.457

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

39.634

32.441

Tỉnh Đồng Nai

4.418

5.209

Tỉnh Bình Dương

3.078

3.103

Tỉnh Tây Ninh

715

802

Tỉnh Bình Phước

373,5

318,4

Cộng toàn vùng

87.909,5

89.330,4

Cả nước

138.000

152.920

Nhu cầu chung là Chính phủ cần sớm thống nhất CCCS ưu đãi, thu hút đầu tư cho tất cả các thành phần kinh tế và các địa phương trong vùng. Để khuyến khích phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế dân doanh, các cơ sở sản xuất có công nghệ cao, sử dụng lao động nữ, khuyết tật hoặc sau cai nghiện... cần thiết phải có những CCCS ưu đãi mạnh hơn trong việc vay vốn, ưu tiên cấp đất, đào tạo và cung ứng lao động kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cả “trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp”, hỗ trợ về thông tin thương mại...

Thực tế, nếu chỉ để các địa phương tự lo mà không có giúp sức của các bộ, ngành thì khó có thể thực hiện được “4 sẵn sàng” như TP.HCM từng đưa ra để đẩy mạnh thu hút đầu tư !

Lại nữa, vấn đề về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, giá đất đai và giá cước các loại hình dịch vụ cơ bản như viễn thông, điện... và hệ thống luật pháp về chống độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh... cũng đang là những đòi hỏi chính đáng và cấp bách của các nhà đầu tư trên địa bàn ĐNB, nhưng lại vượt quá thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Riêng trong việc thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân của các khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng các đô thị mới, phục vụ chủ trương giãn dân, di dời cơ sở sản xuất ra ngoại thành... cũng đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi hoặc ban hành một loạt CCCS liên quan, đặc biệt là những CCCS về đất đai, thuế.

Người ta vẫn thường nói ĐNB (và VKTTĐPN) là nơi “chỉ xin CCCS chứ không xin tiền”. Để ĐNB tiếp tục vai trò “đầu tàu kinh tế” của cả nước, Chính phủ cần sớm có những CCCS động lực mới, làm đòn bẩy thúc đẩy sự tăng tốc...

Riêng về cơ chế điều phối thống nhất hoạt động đối với ĐNB (cũng như VKTTĐPN), tuần qua Chính phủ đã có quyết định thành lập. Vấn đề là các bộ, ngành cần khẩn trương hình thành và đưa tổ chức đó vào hoạt động, sớm bảo đảm ĐNB thật sự có một vị “tư lệnh” để thống nhất chỉ huy phối hợp hành động, trước hết là trên lĩnh vực quy hoạch ngành và lãnh thổ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận