TTCT - Vì sao có động vật sống được trong đô thị, có loài thì không? Có phải "ăn bất cứ thứ gì" và "ngủ ở bất cứ đâu" là cách duy nhất để động vật sống sót nơi đô thị? Một cặp cò chăm sóc con non trong chiếc tổ nằm trên tháp truyền tải điện ở thành phố Hoài An, Trung Quốc vào ngày 17-4-2022. Ảnh: Costfoto/Future PublishingKhông ít loài động vật hoang dã đang tất tả ngược xuôi trong các thành phố lớn nhỏ, vừa tự tin, vừa bối rối chẳng khác gì con người. Tại sao? Câu trả lời sẽ góp phần thúc đẩy tính đa dạng sinh học đô thị, cùng với đó là thế giới thị thành khỏe mạnh cho tất cả."Urban wildlife", động vật hoang dã đô thị, là thuật ngữ mô tả các loài động vật đã thay đổi lối sống của chúng để thích nghi với các điều kiện sống của thành phố và vùng ngoại ô.Buổi sáng, lũ chim bồ câu lắc lư cái đầu chào đón người đi chợ tấp nập. Buổi tối, những con chuột độc hành qua con hẻm sâu tìm kiếm những mảnh thức ăn rơi vãi. Ai ở Sài Gòn hẳn từng thấy sóc chạy trên dây điện, băng ngang trên đầu dòng người xe kẹt cứng. Tới Bedok North hay Punggol của Singapore, sẽ nghe người dân ở đây kể về những con kỳ đà dài cả thước đi lại thong dong trong các khu nhà HDB, và lũ gà tre ở đâu ra tung hoành khắp các công viên bãi cỏ.Vì sao có động vật sống được trong đô thị, có loài thì không? Có phải "ăn bất cứ thứ gì" và "ngủ ở bất cứ đâu" là cách duy nhất để động vật sống sót nơi đô thị? Một nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí Nature Communications, đã có lời giải.4 kế sinh tồn…Amy Hahs (ĐH Melbourne, Úc) và cộng sự đã xem xét bốn đặc điểm của động vật: chế độ ăn, kích thước cơ thể, khả năng di chuyển và chiến lược sinh sản - những tính trạng có thể thay đổi tùy theo điều kiện sống của thành phố và mức độ linh hoạt của loài đó. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một cơ sở dữ liệu để so sánh bốn đặc điểm này của hơn 5.300 loài được tìm thấy ở 379 thành phố thuộc 48 quốc gia trên khắp thế giới.Đầu tiên, ta có nhóm "dễ ăn và di động", gồm các loài như dơi và bọ cánh cứng. Chúng có khả năng di chuyển khắp các khu vực rộng lớn, ăn uống đa dạng loại thực phẩm và có quan điểm cởi mở về nơi làm tổ cũng như nghỉ ngơi. Ngược lại, các loài chim và ong ở thành thị thường thành công với chiến lược "kiếm ăn quanh một trung tâm". Những sinh vật này có một nơi cố định để làm tổ và nghỉ ngơi, nhưng đổi lại cho lòng trung thành đó, chúng phải mở rộng địa bàn tìm kiếm thức ăn.Trong khi đó, bò sát và lưỡng cư thường là những kẻ "kén ăn và nhát di chuyển". Đối mặt với nguồn thức ăn khan hiếm hơn, dễ bị tổn thương hơn trước những kẻ săn mồi, tai nạn đường bộ và ô nhiễm môi trường, chúng chọn cách thu hẹp chế độ ăn uống, di chuyển quanh các khu vực nhỏ hơn và giảm kích thước bầy đàn. Chiến lược khá hợp lý: việc chỉ ăn một loại thức ăn sẽ làm giảm sự cạnh tranh với các loài khác; sinh ít con hơn tức là sẽ đủ thức ăn để tất cả chúng phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, những loài này có nguy cơ bị "mắc kẹt". Bởi vì chúng không đi xa, nên nếu thức ăn hoặc môi trường sống của chúng biến mất thì chúng cũng vậy.Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng có thể có loại thứ tư: "kén ăn và di động" - động vật ăn một chế độ ăn rất cụ thể và có thể dễ dàng di chuyển đến bất cứ nơi nào chúng cần. Họ đã nhìn thấy những động vật như vậy ở những địa điểm khác, chẳng hạn các loài chim nước, nhưng trong nghiên cứu lần này không ghi nhận được trường hợp nào.… và hơn thế nữaTình trạng đô thị hóa đang lan rộng trên toàn thế giới, các nghiên cứu trong lĩnh vực sinh thái học đô thị (urban ecology) cũng tăng dần. Mục đích là làm cho các thành phố bền vững hơn và nhằm bảo tồn đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo tồn."Trong một số trường hợp, các hệ sinh thái hoàn toàn mới được tạo ra ở các thành phố, và mỗi thành phố có lịch sử riêng, điều kiện khí hậu, cảnh quan và văn hóa riêng. Nên có thể nói, ở mỗi thành phố, một thí nghiệm về tiến hóa và sinh thái riêng biệt đang diễn ra" - tiến sĩ Sophie Lokatis giải thích trong một bài viết của Hiệp hội nghiên cứu Berlin e.V. (FVB). Theo bà, việc kết hợp các phát hiện và giả thuyết khác nhau cũng như tìm hiểu xem chúng có thể chuyển đổi cho nhau như thế nào là một thách thức lớn.Nhóm của Lokatis (Viện Sinh thái nước ngọt & thủy sản nội địa Leibniz - IGB và ĐH Tự do Berlin của Đức) đã tạo ra một mạng lưới gồm 62 giả thuyết nghiên cứu tầm quan trọng về sinh thái học đô thị. Mạng lưới này, công khai trên Wikidata, được liên kết với các nghiên cứu thực nghiệm. Qua đó, họ muốn làm cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này hiệu quả hơn: dễ dàng tìm kiếm các nghiên cứu hiện có và cơ hội hợp tác, các dự án nghiên cứu được kết nối tốt hơn.Sau đây là 4 trong nhiều giả thuyết hấp dẫn về sinh thái học đô thị."Cư dân đô thị lý tưởng". Một số loài thích nghi nhanh hơn và tốt hơn với điều kiện thành phố so với những loài khác, vì chúng có những đặc điểm nhất định. Các nghiên cứu như của Amy Hahs dự đoán và giải thích những tính trạng đặc trưng và chiến lược sinh tồn của các "cư dân đô thị lý tưởng", ví dụ thông qua khả năng học hỏi nhanh, khả năng di chuyển hoặc chế độ ăn uống linh hoạt.Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con chuột chân trắng ở New York (Mỹ) đã tiến hóa về mặt di truyền để tiêu hóa tốt hơn những món ăn làm riêng cho con người, như pizza và thức ăn nhanh. Ở Edmonton (Canada), chó sói đồng cỏ ở thành thị thường tránh con người (và đặc biệt là ô tô) bằng cách hoạt động tích cực hơn vào ban đêm. Hay người ta đã ghi nhận chuyện chim chóc lợi dụng thông hơi của điều hòa để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng."Cư dân đô thị táo bạo". Người ta phát hiện ra rằng một số động vật sống ở thành phố trở nên táo bạo hơn so với họ hàng "ngoài quê" của chúng. Giả thuyết này đã được chứng minh ở loài sóc và chim."Nghịch lý mật độ - đa dạng ở các thành phố". Trong các quần xã sinh vật, số lượng loài thường tăng theo số lượng cá thể. Tuy nhiên, tính đa dạng sinh học của các thành phố lại thường thấp hơn các khu vực tự nhiên, mặc dù đô thị thường có số lượng cá thể cao hơn."Sự đồng hóa sinh học của các thành phố". Do quá trình toàn cầu hóa, không chỉ các cửa hàng sẽ trông giống nhau ở các thành phố, mà các loài động vật sống ở các thành phố khác nhau trên toàn cầu cũng ngày càng trở nên giống nhau!Vì sao phải quan tâm?Dựa vào những đặc điểm mà động vật đang áp dụng để tồn tại trong môi trường đô thị, có thể tìm ra cách thức để biến các thành phố trở nên thích hợp hơn cho nhiều loài động vật đa dạng.Chẳng hạn, để khuyến khích nhiều loài chim và ong bay đến, ta có thể tạo ra nhiều địa điểm tiềm năng cho chúng làm tổ. Hay nhằm giúp các loài bò sát và lưỡng cư tránh khỏi bẫy sinh thái, những nhà quy hoạch thành phố có thể tạo ra nhiều sự kết nối giữa các con sông, kênh đào, rãnh nước… để chúng có thể di chuyển đến các khu vực rộng lớn hơn. Ta sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định những thay đổi cụ thể nào là cần thiết cho một số loài nhất định.Nhưng liệu tất cả nỗ lực này có đáng không? Việc có đa dạng các loài động vật hoang dã ở đô thị, trái ngược với tình trạng nghèo nàn về loài hiện nay, có thực sự tạo ra sự khác biệt? Câu trả lời, theo các nhà sinh thái học mà tạp chí WIRED đã phỏng vấn, là CÓ. "Động vật hoang dã có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các thành phố" - theo Nathalie Pettorelli (Hiệp hội Động vật học London, Anh). Tính đa dạng sinh học lớn hơn sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người, được gọi là "dịch vụ hệ sinh thái".Pedro Pinho ở ĐH Lisbon (Bồ Đào Nha) cho biết: "Các loài động vật không xương sống cỡ lớn hiện đang bò trong đất sẽ giữ cho đất luôn khỏe và sống". Khi đó, đất hấp thụ rất nhiều nước - một tin quan trọng cho các thành phố. Điều này có thể giúp tránh ngập lụt và lũ quét khi mưa lớn, và bảo vệ thành phố khỏi hạn hán.Ảnh đoạt giải Động vật đô thị năm 2022 của Nicolas Bamberski.Một hệ sinh thái đô thị sôi động hơn cũng giúp đời sống thực vật phát triển mạnh và hút nhiều CO2 hơn từ khí quyển. Oswald Schmitz, giáo sư về dân số và sinh thái cộng đồng (Trường Môi trường Yale, Mỹ), cho biết: "Chúng ta có thể thu được nhiều carbon lưu trữ trong đất hơn nếu có côn trùng và thiên địch của chúng hiện diện, so với khi chúng vắng mặt".Động vật đô thị cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người bằng cách kiểm soát côn trùng mang bệnh, theo Pinho. Loren Byrne, giáo sư tại ĐH Roger Williams ở Rhode Island (Mỹ), góp thêm một lý do: "Rất nhiều sinh vật trong thành phố rất đáng để chiêm ngưỡng, như chim và bướm… Con người nhận được giá trị giáo dục, giá trị tâm lý và tinh thần từ việc sống cùng với các sinh vật khác".Còn có một thực tế quan trọng khác: hơn 2/3 dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050, theo Liên Hiệp Quốc. Sự suy giảm đa dạng sinh học là một vấn đề toàn cầu và các thành phố rất cần đáp lại lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc "trở thành một phần của giải pháp", bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh như công viên, vành đai xanh, rừng đô thị...Kiến thức từ những nghiên cứu như trên có thể giúp những khoản đầu tư đạt hiệu quả cao trong việc cải thiện đa dạng sinh học đô thị trong tương lai, và khiến cư dân hoang dã trong thành phố không chỉ loanh quanh ở chuột, gián và chim sẻ. Theo một nghiên cứu năm 2015, có nhiều loài sinh vật bị đe dọa được tìm thấy ở thành phố hơn ở khu vực nông thôn trên mỗi km vuông. Hóa ra thành phố cung cấp một môi trường lý tưởng và thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển vì có nguồn thức ăn và nơi trú ẩn dồi dào giúp tránh được những kẻ săn mồi lớn hơn.Người ta cũng thấy rằng quá trình tiến hóa có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn đối với những động vật có kích thước cơ thể nhỏ. Tuổi thọ của chúng ngắn hơn và số lượng con cái nhiều hơn trong mỗi lần mang thai cho phép biến dị gene xảy ra nhanh hơn. Ví dụ, loài bọ chét nước ở thành thị phát triển và trưởng thành nhanh hơn và có thể chịu được nhiệt độ cao hơn bọ chét nước ở nông thôn. Thằn lằn Anolis ở Puerto Rico, khi sống ở đô thị, đã tiến hóa để các chi dài hơn và tăng số vảy mịn ở lòng bàn chân - những đặc điểm cho phép chúng bám tốt hơn vào các bề mặt nhẵn như kính hay kim loại. Tags: Động vật hoang dã
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.