Du lịch 2025: Ngán đi nhóm, chuộng một mình

NGỌC KHANH 10/01/2025 10:17 GMT+7

TTCT - Vì sao người ta ngán du lịch nhóm? Và vạn lý độc hành thì có gì vui?

Du lịch 2025: ngán đi nhóm, chuộng một mình - Ảnh 1.

Ảnh: Unsplash

Du lịch một mình được dự báo là xu hướng nổi trội trong năm 2025, mà xông pha nhất là phụ nữ từ trẻ đến ngấp nghé trung niên. Vì sao người ta ngán du lịch nhóm? Và vạn lý độc hành thì có gì vui?

Trang Business Today (Ấn Độ) ngày 20-12 dẫn dữ liệu từ một nền tảng xử lý thị thực cho biết một trong những xu hướng nổi bật nhất của năm 2025 là số phụ nữ du lịch một mình sẽ gia tăng mạnh mẽ. Năm 2024, 30% đơn xin visa cá nhân là từ phụ nữ, con số này dự kiến sẽ tăng lên 37% vào năm tới. 

"Dẫn đầu phong trào là phụ nữ thế hệ Millennial và Gen Z. Họ tìm kiếm sự tự do và những cuộc phiêu lưu tại các điểm đến như Bali, Thái Lan và Nhật Bản, những nơi được đánh giá cao về sự an toàn và phong phú văn hóa" - Business Today viết.

Mặc dù những du khách cá nhân thường theo đuổi một hành trình rất riêng tư, họ không bao giờ thực sự cô đơn, bởi họ chia sẻ một hệ sinh thái độc đáo với những người cũng đang tìm kiếm những trải nghiệm tương tự.

Melissa Krueger (CEO hãng du lịch Classic Vacations)

Một khảo sát năm 2024 của Ngân hàng American Express nhận định du lịch cá nhân là xu hướng lớn trong giới trẻ, vì "những chuyến đi cá nhân dễ dàng lên kế hoạch hơn và cho phép du khách theo đuổi sở thích riêng mà không phải thỏa hiệp với nhóm". 

Theo Tim Hentschel, CEO của dịch vụ đặt chỗ HotelPlanner, ngày càng nhiều người chọn chu du một mình, một phần là hệ quả của đại dịch. "Chúng ta học cách quản lý thời gian rảnh của mình (vốn rất nhiều trong thời gian đó) theo cách riêng, đặt lợi ích và tham vọng cá nhân lên trên thay vì cố gắng hòa hợp với lịch trình và mong muốn của nhóm" - ông nói với Forbes.

Đa số nhận định của người trong ngành đều nhấn mạnh yếu tố không muốn phụ thuộc vào cả nhóm. Quả vậy, các chuyến du lịch nhóm - dù bắt đầu với tinh thần hừng hực khí thế kèm kế hoạch lý tưởng có sự đồng thuận gần như tuyệt đối từ các thành viên - lại thường có "tính năng tặng kèm" mà không ai muốn nhận: chuyến đi kết thúc là tình bạn cũng chấm dứt.

Hồi tháng 8-2024, trang thông tin du lịch Thrillist còn có bài hùng hồn "Vì sao đã đến lúc cho du lịch nhóm "lên đường"".

Đi chơi rồi về nghỉ chơi

Xác định nơi sẽ ở, danh sách điểm tham quan, các ưu tiên của chuyến đi, ngân sách dự kiến là những thách thức cơ bản của bất kỳ chuyến đi nào. Khi thực hiện cùng nhóm bạn, mọi thứ trở nên phức tạp hơn nữa.

Trang Anh, một người ưa đi đây đi đó và có kinh nghiệm lên kế hoạch du lịch nhóm, nhớ lại chuyến đi với các đồng nghiệp mà cô đã sắp xếp dạo trước. Ban đầu cô chỉ định rủ vài đồng nghiệp thân thiết, nhưng rồi số lượng người được "cắp nách" theo vượt ngoài tầm kiểm soát của cô. Chuyến đi kéo dài 2 ngày, có nhóm chat để trao đổi thông tin và cập nhật kế hoạch liên tục. Mọi người đều háo hức chuẩn bị, cho đến khi nhận phòng ở và chọn thực đơn ăn uống. 

"Nhiều khi chạy deadline sếp giao còn không nhức đầu bằng ngồi tính toán cân bằng giữa sở thích của một tá người, kẻ thích ăn thịt người mê ăn cá, người thích rau người lại không ăn được hành ngò, người muốn thử đặc sản độc lạ địa phương nhưng vài người khác thì e ngại đồ lạ" - chuyên viên truyền thông 30 tuổi này nói.

Áp lực và sự mệt mỏi của Trang Anh lên đến đỉnh điểm khi một người trong nhóm hậm hực buông đũa vì món nào cũng có hành, có đậu phộng, có ớt. Những người khác cũng sượng sùng theo. Chưa kể sáng hôm sau nhiều người mắt thâm quầng uể oải do cả đêm không ngủ được, hết than phiền vì chỗ ở nhiều côn trùng đến việc người trong nhóm… ngáy như cưa gỗ.

Rosemary, một y tá bị cuốn vào chuyến du lịch nhóm với một người bạn mà cô không có ý định tham gia từ đầu, kể với Thrillist về sự "banh chành" của chuyến đi. Bạn của Rosemary rủ thêm 3 người khác nữa, một người trong số đó nổi máu lãnh đạo nên thay đổi hết lịch trình ban đầu và còn ra lệnh cho cô. 

Kết quả là tác nhân kia không làm hỏng tình bạn của cô, nhưng "tôi đã không lập bất kỳ kế hoạch lớn nào với người này nữa". Không nghỉ chơi nhưng đi đâu thì xin chừa không rủ, Rosemary cho hay.

Chuyên gia trị liệu chuyên về các mối quan hệ Layne Baker giải thích với Thrillist: "Du lịch nhóm là trải nghiệm thực sự mãnh liệt, có giới hạn thời gian, nằm ngoài môi trường quen thuộc thường ngày của một ai đó. Mọi người xử lý trải nghiệm đó rất khác nhau, phần tốt nhất cũng như phần xấu xí nhất đều có thể xuất hiện".

Đối với biên tập viên Savannah (không tiết lộ họ), trải nghiệm du lịch nhóm thất bại lại ở khía cạnh khác. Chuyến khám phá châu Âu của cô và những người bạn trúc trắc bởi sự khác biệt về túi tiền. 

Trong khi Savannah chỉ cần ngủ toa bình thường trên chuyến tàu từ London qua Brussels rồi đến Đức, thì bạn cô đòi ngủ trong toa giường nằm đắt tiền hơn, vượt ngoài ngân sách của cô.

Về đến nhà, cả bọn ngồi lại lý giải xem sao chuyến đi lại trở thành thảm họa, nhiều người bảo do sở thích ăn uống, tiệc tùng, nhu cầu ngủ nghỉ khác nhau. Tuy vậy, chung quy lại thì tiền là nguyên nhân được viện dẫn nhiều nhất.

Đi du lịch cùng bạn bè theo nhóm hoặc theo tour ghép đoàn sẽ rất khác so với đi cùng gia đình hay người yêu, bởi người thân từng chứng kiến ta ở thời điểm tệ nhất trong đời, hoặc chí ít thì cũng dành nhiều ngày liên tiếp bên cạnh để hiểu ta. 

Nhưng khi đi với bạn bè, "mọi người sẽ mang toàn bộ cuộc sống của họ vào trải nghiệm của chuyến đi với bạn bè. Người ta không thể cắt đứt bất cứ điều gì đang diễn ra ở nhà, mà chỉ khuếch đại nó", theo chuyên gia Baker.

Làm sao để vui đều

Dù du lịch solo lên ngôi và các chuyến đi nhóm dễ "drama", cũng đâu thể nói nên dẹp luôn các chuyến đi chơi nhóm, cứ thế xách balô lên mà đi một mình hay chỉ với người yêu, một đứa bạn thân cho rồi? Chưa đến nỗi phải vậy, vì vẫn còn cách để chuyến du lịch nhóm không trở thành câu chuyện "nổi tiếng" trên mạng, theo Thrillist.

Baker khuyên nên dốc toàn lực vào việc lập kế hoạch ban đầu. Trang Anh hoàn toàn tán thành đề xuất này. Rút kinh nghiệm từ vài cuộc du lịch nhóm, Trang Anh đều tỉ mỉ trao đổi trước với mọi người về nơi ăn chốn ở, điểm đến, cách di chuyển, số tiền chi tiêu để đảm bảo mọi người đều cùng quan điểm trước khi khởi hành.

Du lịch 2025: ngán đi nhóm, chuộng một mình - Ảnh 2.

Ảnh: Ngọc Khanh

Câu hỏi chìa khóa cho một kế hoạch phù hợp, như Nicole Martinez, đồng sáng lập kiêm giám đốc thiết kế của ứng dụng lập kế hoạch du lịch theo nhóm Let's Jetty bày với trang Vox, có lẽ là "mọi người có ý định gì cho chuyến đi này?". Điều này giúp các thành viên trong nhóm nói rõ loại hình du lịch mà họ hướng tới, nghỉ dưỡng sang chảnh, cắm trại "chill chill" hay đi bộ xuyên rừng.

Sau đó có thể khai thác sâu hơn về chi tiết để ra được lịch trình cho từng ngày từng hoạt động, chọn địa điểm có nhiều dịch vụ có thể đáp ứng tối đa nhu cầu khác nhau của từng người trong nhóm. Có thể có một người đóng vai trò như trưởng nhóm, nhưng đảm bảo rằng những thành viên còn lại đều có góp ý về hành trình. Còn nếu lỡ mọi thứ không diễn ra răm rắp theo kế hoạch thì đừng nổi cáu, bí quyết của chuyên gia du lịch Erionne Thompson là "hãy linh hoạt".

Dẫu vậy, khó nói nhất vẫn là tiền. Chuyên gia tài chính Amanda Clayman chia sẻ với Vox rằng mọi người thường quanh co thay vì nói thẳng ranh giới cụ thể mà họ có thể chi trả cho chuyến đi. Để xử lý nhẹ nhàng vấn đề này, Clayman gợi ý câu hỏi "mọi người cảm thấy thoải mái khi chi bao nhiêu cho bữa tối?", rồi làm rõ cách chúng ta chia chi phí trên đầu người. Minh bạch sẽ giúp chuyến đi không tạch.

Kịch bản tốt nhất cho bất kỳ chuyến đi nhóm nào là mọi người đều tận hưởng bản thân - và vẫn là bạn bè khi trở về nhà. Ngay cả khi kỳ nghỉ chung có nhiều phát sinh khác thường thì "một lời nói ra như cởi tấm lòng", giao tiếp và giữ đầu óc cởi mở sẽ giúp cả nhóm có một chuyến đi đáng nhớ, theo nghĩa tốt đẹp.

Theo hãng du lịch Travelocity, ba lý do lớn nhất khiến mọi người ngại đi du lịch một mình là vấn đề an toàn, cảm giác cô đơn và chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, Jen Murphy, người đã có hơn hai thập kỷ chu du khắp nơi một mình, cho rằng du lịch một mình thực sự mang lại tự do.

"Tôi có thể du lịch theo tốc độ của riêng mình và phù hợp với ngân sách cá nhân. Tôi dễ dàng tìm được một bàn cho một người - thậm chí tại những nhà hàng hàng đầu thường yêu cầu đặt trước nhiều tuần. Và tôi cũng kết nối với người dân địa phương dễ dàng hơn" - Murphy chia sẻ với tạp chí du lịch Outside. Bà cũng đưa ra một số mẹo hữu ích cho những ai đang lên kế hoạch du lịch solo trong năm nay.

An toàn chắc chắn là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, dù vạn lý độc hành, trước khi đi đâu cũng nên chia sẻ kế hoạch (lịch trình sơ lược, thông tin liên hệ của các khách sạn đã đặt trước...), cập nhật tình hình (đã tới nơi an toàn và sắp đi đâu) với ít nhất một ai đó.

Một mẹo khác là ăn tại quầy bar của nhà hàng để giảm cảm giác cô đơn và dễ bắt chuyện với mọi người xung quanh. Ngoài ra, đừng quên mang theo thuốc dự phòng và luôn tin vào bản năng của mình. "Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không an toàn, rất có thể nó thực sự không an toàn" - Murphy khẳng định.

Đây là bài học thực tế: những lần hiếm hoi Murphy bị ngộ độc thực phẩm đều là khi bà hành động trái với linh cảm của mình.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận