Du lịch ở Phong Nha: Nỗi lo về một “cuộc chiến” mới

QUỐC NAM 03/06/2019 19:06 GMT+7

TTCT - Sau khi TTCT đăng câu chuyện về cuộc đại hạ giá - thậm chí xuống chỉ còn hơn 1 USD - để triệt hạ nhau giữa hai nhóm homestay ở khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), cuộc chiến về giá ở đây đã “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy một “cuộc chiến” mới sắp bắt đầu.

Phong Nha những ngày này đông khách vì đã qua mùa thấp điểm. Nhưng điều mà những người làm du lịch ở đây thấy vui hơn là việc các khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên địa bàn đã chịu ngồi lại với nhau, chấm dứt “cơn bão” hạ giá để triệt hạ đối thủ.

Những người làm quản lý du lịch ở Phong Nha cho biết ngay sau khi câu chuyện này đăng trên TTCT, những chủ khách sạn, nhà nghỉ, homestay này đã cùng thống nhất đưa mức giá lưu trú trở lại như trước khi cuộc chiến về giá xảy ra.

Lướt một vòng trên ứng dụng đặt phòng lưu trú Booking, không cơ sở lưu trú nào còn để mức giá vài chục ngàn đồng/đêm như một tuần trước đó. Nhiều nơi trong số đó đã niêm yết mức giá lên 300.000-500.000 đồng như trước.

Những chủ homestay nhỏ ở Phong Nha vui vì không còn phải chật vật hạ giá dưới mức chi phí theo các “ông lớn” để nuôi hi vọng có khách. Những nhà quản lý du lịch cũng vui không kém vì nghĩ rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, các đại gia đã chịu ngồi lại để đoàn kết cùng nhau làm ăn. Tuy nhiên, thật sự đó chỉ là sự bình yên tạm thời, như dấu hiệu trước một “cơn bão” mới sắp đổ bộ!

 

Cơn bão mới là gì?

Một số công ty chuyên tổ chức tour ở Phong Nha cho biết vài ngày trước đã nhận được một số tin nhắn. Người gửi là chủ của một homestay khá lớn ở Phong Nha và tự xưng là đại diện cho một nhóm nhiều homestay.

Qua tin nhắn, người này thông báo thiết lập một “luật chơi” mới giữa những người là chủ của các homestay và các công ty tổ chức tour. Nếu không theo “luật chơi” mới này, nhóm những chủ homestay sẽ “cô lập” những đơn vị tổ chức tour. Nhóm này “gợi ý” một “luật chơi” ngược đời: những công ty tổ chức tour sẽ phải trả phí cho nơi khách đến lưu trú, ngay cả khi khách đó đã đặt tour với phía công ty tổ chức tour từ trước khi đến ở cơ sở lưu trú đó.

“Nếu khách đến những cơ sở lưu trú đó trước rồi những cơ sở đó làm cầu nối cho công ty tổ chức tour thì đương nhiên công ty này sẽ chi trả hoa hồng. Nhưng đằng này khách đã đặt tour riêng với công ty tổ chức tour từ trước đó, mà phía nhóm chủ homestay này vẫn yêu cầu phía công ty tổ chức tour phải chia hoa hồng thì vô lý quá. Đó là kiểu không làm gì mà vẫn đòi chia phần” - ông T., chủ một đơn vị tổ chức tour tại Phong Nha, nói.

Ông Đặng Đông Hà, phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, cũng ngạc nhiên về câu chuyện các chủ homestay đòi đưa ra “luật chơi” mới ở Phong Nha. Ông Hà nói sẽ cho kiểm tra ngay để có phương án ngăn chặn. “Việc tạo ra một môi trường lành mạnh là yêu cầu bắt buộc.

Tình trạng này nếu có sẽ bắt đầu một cuộc chiến mới giữa những người làm homestay và những người tổ chức tour. Và khi đó bên thiệt hại nhiều nhất vẫn là khu du lịch Phong Nha. Một thương hiệu du lịch lớn như Phong Nha không thể để xảy ra những cuộc “nội chiến” như thế được” - ông Hà nói.

Ông Trần Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh đã có chủ trương thành lập hiệp hội homestay ở Phong Nha. Việc lập hội là để điều hành cùng nhau, không thể để một nhóm nào đó tự làm theo cách riêng. Người được cử quản lý hội sẽ có trách nhiệm để tất cả cùng phát triển. "Các homestay phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không bằng giá cả" - ông Dũng nói.

 

Nhưng những cuộc cạnh tranh không lành mạnh, thiếu đoàn kết... là chuyện thường ngày ở VN, không chỉ trong du lịch mà ở nhiều ngành nghề khác. Sau câu chuyện đại hạ giá ở Phong Nha, TTCT ghi nhận một số ý kiến:

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting (nghiên cứu và tư vấn giải pháp quản lý điểm đến du lịch): Cần làm rõ động cơ giảm giá

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy giảm giá phòng thường mang tính kỹ thuật, chiến lược rất cao. Nhiều nơi dùng giá phòng để điều tiết lượng khách như kích thích khách từ nơi đông đúc, quá tải đến nơi đang có nhiều phòng trống, thu hút điểm đến mới.

Chẳng hạn, để hút khách đến Quảng Bình trong khi Huế hay Quảng Trị đang bị quá tải khách, các cơ sở lưu trú Quảng Bình có thể liên kết, bắt tay giảm giá phòng. Tuy nhiên, nhìn lại việc giảm giá phòng một cách đột ngột, không khỏi đặt câu hỏi: có hay không một chính sách cạnh tranh không lành mạnh. Đó là chiêu thức quen thuộc “cá lớn nuốt cá bé”, khi những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực sẵn sàng đạp giá sàn để loại bỏ những cơ sở nhỏ, lẻ yếu thế ngay trong mùa cao điểm du lịch.

Việc giảm giá phòng diễn ra ngay trong mùa hè, mùa cao điểm của du lịch miền Trung bắt buộc các nhà quản lý du lịch tỉnh Quảng Bình phải tìm hiểu rõ động cơ của giảm giá này là gì? Ở góc độ quản lý thị trường, có thể nhà quản lý cho rằng giảm giá thì người tiêu dùng sẽ có lợi, nhưng cần thấy hậu quả lớn hơn là sẽ có những thiệt hại cho môi trường kinh doanh.

Với cách thức cạnh tranh này, ngay trong mùa làm ăn lớn nhất trong năm, sẽ có doanh nghiệp nhỏ không trụ nổi, bắt buộc đóng cửa, bị loại bỏ dần sau mỗi năm. Kết quả, sau cuộc chiến này, thị trường lưu trú ở Phong Nha chỉ còn một vài cái tên, khách du lịch sẽ không còn lựa chọn nếu đến đây du lịch. Việc tăng giảm giá do các cơ sở lưu trú quyết định. Kịch bản cuối cùng của cuộc chiến giá này là hiện tượng độc quyền sẽ xuất hiện, các mức giá phòng mới này không ai kiểm soát được. Hiệp hội du lịch hay sở du lịch địa phương cần có biện pháp để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, đa dạng trong lựa chọn cho du khách đến đây.

Bà Nguyễn Thanh Bình, phó vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch: Sở du lịch địa phương chịu trách nhiệm quản lý homestay

Hiện nay trong quản lý giá khách sạn, cơ sở lưu trú, quyền định giá thuộc về chủ các cơ sở miễn sao doanh nghiệp phải niêm yết giá công khai và bán cho khách đúng giá niêm yết. Việc tăng hay giảm giá là do chủ khách sạn, cơ sở lưu trú quyết định tùy vào chính sách, chiến lược. Khách sạn không phải là ngành quản lý giá nên chủ cơ sở lưu trú có thể khuyến mãi, ưu đãi cho khách miễn không tăng giá đột ngột, chặt chém. Tuy nhiên, với các mô hình homestay, hiện nay quản lý homestay là trách nhiệm của sở du lịch địa phương, một số nơi phân cấp về huyện, xã. Thực tế việc kiểm soát dịch vụ homestay ở nhiều địa phương hiện gặp nhiều lúng túng, trước các biến động giá, cơ quan địa phương là người cần nắm rõ và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ông Trần Thế Dũng, Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ: Thiếu đoàn kết

Đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện các cơ sở lưu trú lại đòi các đơn vị tổ chức tour phải trả phí, hoa hồng! Bởi, thông thường thì chuyện xảy ra ở chiều ngược lại, đó là các cơ sở lưu trú “trải thảm” với người tổ chức tour để có khách. Chuyện ở Phong Nha tuy lạ thường, nhưng cái gốc là bệnh chung của ngành du lịch Việt, đó là thiếu hẳn sự đoàn kết. Nói đâu xa, chuyện các tour 0 đồng với khách Trung Quốc cũng là hệ quả của các doanh nghiệp du lịch Việt đấu nhau, triệt hạ nhau mà ra.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty Lửa Việt: Kiểu làm ăn ngắn hạn sẽ phá hoại điểm đến

Dịch vụ homestay ở Việt Nam trong những năm gần đây được phát triển với nhiều mô hình sáng tạo, gắn với nông thôn, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng. Tuy vậy, để dung hòa quyền lợi, quản lý mô hình này trong phát triển sản phẩm du lịch không hề đơn giản.

Với du lịch Việt Nam, tình trạng hành xử “độc quyền” diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực, từ vé máy bay đến nhà hàng, giờ là câu chuyện lưu trú. Khách muốn đi Côn Đảo phải mua vé “chợ đen” kèm phụ phí, công ty lữ hành muốn có nhà hàng tốt cho khách đoàn cũng phải “lót” thêm phí... Tất cả những nhập nhằng này làm cho môi trường du lịch không thể phát triển mạnh và bền vững, mà chịu thiệt thòi sau cùng chính là điểm đến du lịch mà chúng ta đã dày công xây dựng, quảng bá trước đó.

N.Bình ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận