TTCT - Phú Quốc muốn đạt tới “Du lịch xanh” thì mọi người, từ quan chức đến dân thường đều phải ứng xử với nhau, với du khách sao cho lịch thiệp, văn minh, phù hợp với môi trường du lịch. Phú Quốc quyền rũ nhìn từ trên cao -Thuận Thắng Tại buổi giao lưu với người dân và giáo viên, học sinh Trường THPT An Thới trong khuôn khổ chương trình Du lịch xanh 2016, ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - bất ngờ mời tất cả mọi người đứng dậy. “Mời quý vị lặp lại theo tôi ba lần bằng tiếng Việt “Tôi yêu Phú Quốc” và ba lần bằng tiếng Anh “I love Phu Quoc” - ông Thọ đề nghị. Một chút ngượng nghịu ban đầu nhưng rồi gần 500 người cũng làm theo. Sau khi cảm ơn và mời mọi người ngồi xuống, ông Thọ mới giải thích: “Tôi muốn các bạn làm quen với cách thể hiện tình yêu của mình đối với Phú Quốc. Cứ nói ra cho mọi người biết, đừng mắc cỡ. Nói ra cũng là cách để nhắc mình, tự hình thành cho bản thân một tình yêu thật sự với Phú Quốc”. Biển Phú Quốc là tài sản quý giá Bắt đầu từ thói quen Tất nhiên, đã yêu thì không thể ép buộc theo kiểu hô khẩu hiệu, nhưng thông điệp của vị chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam là khá rõ, rằng hãy hình thành một thói quen và thói quen đó là hành động chứ không phải lời nói suông. Nhiều năm sống và làm việc ở Việt Nam, tiến sĩ Ando Katsuhiro (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) và ông Rohan Barker (người Úc, giám đốc Công ty Phú Quốc Visit) có chung quan điểm là phải tập cho trẻ em tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn hình thành ý thức. Ông Ando Katsuhiro kể ở Nhật Bản từ giai đoạn tiểu học, các em đã được tham gia các chương trình ngoại khóa tìm hiểu thiên nhiên, nhặt rác ở nơi công cộng với những giảng giải rất dễ hiểu rằng sở dĩ phải nhặt rác là để môi trường sạch hơn, cảnh quan đẹp hơn. Ở lứa tuổi này, các em rất hiếu động, thích khám phá và sẽ nhớ rất lâu những gì mình thích. Một đứa trẻ biết yêu thiên nhiên, biết giữ sạch không gian sống của mình thì chắc chắn lớn lên sẽ luôn biết bảo vệ môi trường. “Ở Nhật, người lớn đã rèn được thói quen này nên họ rất hào hứng cho con cái tham gia các chương trình ngoại khóa ở trường, thậm chí nhiều người còn muốn chơi cùng các em” - ông Ando Katsuhiro nói. Có vợ là người Việt và hơn 10 năm qua sống ở Phú Quốc, ông Rohan Barker chọn cách “nói là làm”, bằng việc quy tụ cùng thanh niên địa phương đi nhặt rác định kỳ ở các bãi biển. Nhiều người bàng quan cho là “dã tràng xe cát” nhưng ông vẫn không nản. Hôm khai mạc chương trình Du lịch xanh Phú Quốc 2016 (do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức với sự đồng hành của Vinpearl Phú Quốc), ông đưa cả gia đình lên tận Vườn quốc gia Phú Quốc tham gia trồng cây, dạy cho hai con gái biết yêu thiên nhiên, cây cỏ. Gia đình ông Rohan Barker tham gia trồng cây, thêm mảng xanh cho đảo ngọc - Thuận Thắng “Lựa lời mà nói” Ở một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Phú Quốc muốn đạt tới “Du lịch xanh” thì mọi người, từ quan chức đến dân thường đều phải ứng xử với nhau, với du khách sao cho lịch thiệp, văn minh, phù hợp với môi trường du lịch. “Cái chuyện nhỏ xíu” được ông Thọ dẫn chứng là khẩu hiệu “Hãy bỏ rác vào thùng”. Theo ông Thọ, đây là một câu rất dở. “Nói như vậy là mệnh lệnh, mà người Việt Nam rất ghét ai ra lệnh cho mình. Ra lệnh bỏ rác vô thùng thì họ vứt ra ngoài cho bỏ ghét” - ông Thọ phân tích. Thay vào đó, ông Thọ đề nghị sử dụng khẩu hiệu “Hãy cho tôi rác!” và ông lý giải: “Chúng ta ai cũng vậy thôi, nghe tiếng xin là thấy mát lòng, tiền còn muốn cho chứ nói gì là cho rác. Cái thùng nó xin mình rác, mình không cho thì hóa ra mình cũng giống như cọng rác thôi”. Ông Thọ cũng khuyên Sở Du lịch Kiên Giang và UBND huyện Phú Quốc tìm người giỏi tiếng Anh hướng dẫn tiểu thương, nhân viên bán hàng ở chợ kỹ năng giao tiếp với khách nước ngoài. “Mình ra nước ngoài, gặp ai nói được vài chữ tiếng Việt là mừng dữ lắm. Người nước ngoài tới với ta cũng vậy thôi, chỉ cần nói vài chữ tiếng Anh với họ là họ thích liền, không cảm thấy lạc lõng ở xứ người. Làm du lịch, tiếng Anh quan trọng lắm, biết thêm một vài thứ tiếng nữa càng tốt!” - ông Thọ chia sẻ. Ông Thọ kể ở TP.HCM có những người bán hàng ngoài chợ biết giao tiếp đến 10 thứ tiếng nên lúc nào cũng tấp nập khách nước ngoài. Các bạn trẻ vẽ tranh trên cát để cổ động cho Phú Quốc xanh Ông Nguyễn Văn Sáu - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho rằng những “chuyện nhỏ” mà các chuyên gia chia sẻ thật ra là chuyện không hề nhỏ với ngành du lịch của tỉnh, nhất là với Phú Quốc. Theo ông Sáu, sự phát triển du lịch của Phú Quốc chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nên những góp ý cụ thể như vậy là hết sức cần thiết, không chỉ với người dân mà cả với những người làm công tác lãnh đạo. Ông Sáu nhìn nhận để hình thành một nhận thức, thay đổi một thói quen không phải nói là làm được ngay mà sẽ phải cần một khoảng thời gian nhất định. Ông Sáu cho hay ông tin rằng với tình yêu dành cho đảo ngọc và sự mến khách vốn có, người dân Phú Quốc sẽ làm được. Với nhiều du khách nước ngoài, Phú Quốc là điểm đến được chọn khi ở Việt Nam - Ảnh: Hữu Khoa Tags: Phú QuốcDu lịch xanhDu lịch xanh Phú QuốcDu lịch xanh Phú Quốc 2016
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm ngã đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Quảng Ninh: 3 người chết, 6 người mất tích do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Đến 16h chiều 7-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu mất tích.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.