“Du mục" giữa ... Sài Gòn 

SƠN BÌNH 21/12/2015 23:12 GMT+7

TTCT - Kiểu chăn gia súc du mục tưởng chừng chỉ xuất hiện nơi vùng đất hoang vu theo văn hóa của một số tộc người, nay ngay tại Sài Gòn cũng đang có những gia đình sống kiểu “du mục”, rày đây mai đó cùng đàn gia súc...

Trâu bò của dân “du mục” trú nắng dưới gầm cầu                     -SƠN BÌNH
Trâu bò của dân “du mục” trú nắng dưới gầm cầu -SƠN BÌNH

Mười lăm năm trước, từ quê nghèo Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, vợ chồng ông Lê Văn Phùng (65 tuổi) và bà Lê Thị Tư (60 tuổi) đến Sài Gòn tìm những vùng đất hoang dựng chòi chăn nuôi gia súc. Khi đất bị lấy lại, họ lại dắt díu nhau phiêu bạt tìm miền đất mới...

Một ngày trên đồng cỏ

Buổi sáng cuối tháng 11, đứng trên đường cao tốc thuộc P.An Phú (Q.2, TP.HCM) nhìn sang bên kia là đồng cỏ xanh trải dài ngút ngàn, từng đàn trâu, bò, dê nhởn nhơ gặm cỏ. Xa xa là căn chòi lá nằm trơ trọi giữa ốc đảo, kênh rạch bao bọc xung quanh.

Thấy bóng người tiến đến cổng rào chằng chịt dây bầu, dây mướp trổ hoa vàng rực, một chú chó săn xồ ra sủa inh ỏi. Từ trong chòi, một lão nông quàng khăn rằn, râu tóc phong trần bước ra mỉm cười chào khách. Dù tuổi ngoài lục tuần nhưng nước da ông rắn rỏi, bắp thịt chắc nịch, tay chân chi chít sẹo.

Sau vài câu chào hỏi, ông chẻ củi nhóm lửa nấu nước sôi, pha trà mời khách. Từ trong bếp, vợ ông trong bộ bà ba cũ sờn dọn ra một chảo cơm chiên. Ăn vội vài miếng, ông đội nón lá, lùa đàn bò, đàn dê ra đồng cỏ trước nhà.

Tiếng “be be, um mo” của ông khỏe khoắn ngân theo gió. Ngồi một lúc, ông trở lại căn chòi lấy cây liềm, xuống xuồng chèo đi. Ông nói: “Chiếc xuồng này theo tôi cắt cỏ khắp sông rạch Sài Gòn”. Hai bên bờ, nơi nào có cỏ xanh tốt, ông quơ liềm cắt thuần thục quăng lên xuồng.

Cứ thế, chiếc xuồng xuôi theo con rạch, đến trưa khẳm cỏ, ông lại bơi ngược dòng trở về. Vừa ôm cỏ lên bờ, ông giải thích mặc dù ăn cả ngày đủ no nhưng phải cho ăn giặm vào buổi tối bò, dê mới mập.

Ông Phùng kéo lưới bắt cá nấu canh chua bần-SƠN BÌNH
Ông Phùng kéo lưới bắt cá nấu canh chua bần-SƠN BÌNH

Xong việc, ông đi một vòng quanh ốc đảo điểm danh đàn gia súc đang thả rong. Chỉ tay lưới, bẫy thú treo trên vách, ông nói: “Muốn lấy công làm lời tôi phải tự săn bắt, trồng rau quả, chỉ tốn tiền mua gạo, mắm, muối...”. Trong gian bếp, đủ loại khô cá trê, lóc, sặc... xỏ xâu treo lủng lẳng.

Vợ ông cười hồn hậu: “Ở đây chỉ cần một tay lưới là cá ăn mệt nghỉ, số thì phơi khô để dành ăn mùa mưa, số “rộng” (nhốt) dưới ao trữ ăn dần”. Quanh chòi là một “trang trại” môn ngọt, dền, đậu rồng, bầu, mướp, đu đủ... xanh tốt, trĩu quả.

Sau bữa cơm trưa đạm bạc, ông múc một ca nước mưa ngửa cổ uống ừng ực rồi dong bộ ra hướng đường cao tốc cách nhà hơn 1km. Dưới dạ cầu, hàng trăm con bò, dê (của nhiều gia đình “du mục” khác) thong thả đứng trú nắng. Gần đó, từng đàn trâu dầm mình dưới vũng sình, ló những cặp sừng đen nhánh. Ông tách đàn bò nhà lùa về đồng cỏ gần nhà. Ngang qua ao nước nhỏ cạnh đường cao tốc, ông lấy rổ xúc một mớ tép để dành chiều xào mỡ.

Mặt trời còn hơn cây sào, ông tranh thủ tạt về chòi kéo cá. Chỉ cần một mẻ lưới nhỏ, ông cất được hơn chục con cá các loại. Ông lựa mấy con bự dặn vợ hái mấy trái bần nấu canh chua, rồi tiện tay ra lặt mớ rau muống đặng luộc chấm kho quẹt. Từ gian bếp, từng sợi khói bay lên, phảng phất hồn quê da diết. Ông chợt buông mấy câu vọng cổ như đượm buồn cho cảnh tha hương.

Ông Phùng đang huấn luyện chó săn những kỹ năng chăn bò - Ảnh: Sơn Bình
Ông Phùng đang huấn luyện chó săn những kỹ năng chăn bò - Ảnh: Sơn Bình

Chiều tắt nắng, ông cùng chú chó ra đồng lùa đàn gia súc về chuồng. Nghe tiếng sủa inh ỏi sau bụi sậy, ông nói: “Chắc đánh hơi chuột cống nhum đó mà, mai đi bẫy đổi gạo cũng kha khá”. Màn đêm buông dần. Ánh đèn từ những tòa nhà cao tầng lấp lánh hắt qua cửa sổ. Ông khẽ khàng châm cây đèn dầu đặt giữa bàn. Ngọn đèn leo lét giữa trời đêm Sài Gòn. “Mười lăm năm qua, vợ chồng chỉ thắp đèn dầu, đêm lạnh thì đốt thêm củi giữ ấm” - ông nói.

Chinh phục đất hoang

Trước đây ông Phùng từng là lính đặc công vào sinh ra tử. Sau giải phóng, ông giải ngũ về làm cho hợp tác xã, lập gia đình rồi sinh liền tù tì sáu người con.

Năm 1986, ông xin nghỉ việc ở hợp tác xã đi khắp miền Tây nuôi vịt chạy đồng. Năm 1995, một trận dịch bệnh khiến đàn vịt hàng ngàn con của ông chỉ còn vài con sống sót. Cụt vốn, ông về lại quê với hai bàn tay trắng. Nợ nần chồng chất, đồ đạc, đất đai bán sạch. Đầu năm 2000, vợ chồng ông dắt nhau lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai.

Ông Phùng chăn bò ngoài đồng cỏ xanh  - Ảnh: Sơn Bình
Ông Phùng chăn bò ngoài đồng cỏ xanh - Ảnh: Sơn Bình

Một ngày nọ, vợ chồng ông dừng chân tại “miền đất hứa” thuộc P.Cát Lái, Q.2, nơi vẫn còn bạt ngàn đồng hoang, cỏ dại um tùm, kênh rạch chằng chịt. Lúc đó nơi này không người sinh sống, mồ mả tứ phía. Khi nghe ông trình bày nguyện vọng muốn cải tạo vùng đất hoang thành đồng cỏ để chăn nuôi gia súc, chủ đất mừng rỡ đồng ý ngay.

Thấy ông che chòi, một người dân đi ngang nói: “Nơi này ban ngày còn không ai dám đến, chủ đất không ai chịu ở, không làm ăn được gì đâu”. Ông cười hiền nói “kệ” rồi cùng vợ phát hoang lau sậy, đắp đê mở nước, đem cỏ về trồng, đào ao cá. “Đào đất lên thấy nhiều xương cốt, tôi rửa sạch, chôn cất lại cẩn thận. Ngán nhất khi đụng phải bom mìn nhưng từng là lính đặc công nên tôi xử lý được” - ông kể.

Thấy ông không có vốn liếng mua con giống, một người bạn bỏ tiền mua bò giao ông nuôi, lời lãi chia đôi. Sau ba năm, từ hai con bò cái, ông cho phối giống gầy dựng thành một đàn mấy chục con. “Hiện tại tôi đã bán lai rai, gửi tiền cho các con ăn học, dựng vợ gả chồng cho tụi nhỏ. Nhớ lúc mới đến, vợ chồng tôi phải ăn cá, ăn rau trừ cơm” - ông kể.

Mỗi chiều về ông Phùng kiểm tra từng con bò mới yên tâm đi làm việc khác - Ảnh: Sơn Bình
Mỗi chiều về ông Phùng kiểm tra từng con bò mới yên tâm đi làm việc khác - Ảnh: Sơn Bình

Năm 2005, người ta lấy lại đất làm dự án, vợ chồng ông lại khăn gói tìm vùng đất mới. May mắn, ông được một chủ đất gần đó giao trông coi, cải tạo khu đất rộng gần chục hecta.

Sau một năm lao động cật lực, vùng đất hoang um tùm lau sậy ngày nào giờ biến thành đồng cỏ xanh tốt. Ngoài chăn nuôi gia súc, ông còn nuôi gà, trồng lúa, trồng rau quả để bán. Cuối năm 2013, ông lại nhận được tin phải trả lại đất. Dẫu biết sẽ có ngày này nhưng lòng ông trĩu nặng khi phải chia tay mảnh đất đã gắn bó bằng mồ hôi và nước mắt suốt tám năm ròng.

“Sống không hẹn ngày đi, mỗi lần bị đuổi là vợ chồng tôi buồn lắm bởi đất mình khai hoang, đào ao thả cá, cây cối hoa màu bỏ hết” - ông tâm sự.

Lần này ông được người bạn giới thiệu có miếng đất hoang hơn chục hecta của một công ty gần đường cao tốc, muốn ông chuyển qua sinh sống, giữ đất giùm. Ông kể: “Hồi mới dọn tới vùng đất này toàn lau sậy, bồn bồn, gai góc mọc um tùm, nước rạch lên xuống thất thường. Sợ sức tôi không kham nổi nên vợ khuyên về quê, nhưng tôi biết mình vẫn mần được”. Ông lựa mô đất cao chặt cây dựng chòi, bắt tay khai hoang ròng rã nửa năm trời mới có được “cơ ngơi” như ngày nay.

Ông Phùng có biệt tài huấn luyện đàn bò của mình sau mỗi buổi chiều ăn no tự động xếp hàng về chuồng - Ảnh: Sơn Bình
Ông Phùng có biệt tài huấn luyện đàn bò của mình sau mỗi buổi chiều ăn no tự động xếp hàng về chuồng - Ảnh: Sơn Bình

Tình người “du mục”

Đang nghỉ trưa thì có tiếng điện thoại reo. Ông Phùng với tay lấy chiếc điện thoại cũ kỹ trong hộp mang theo hằng ngày. Giọng bên kia vang lên: “Anh Hai thấy con bò của em hông?”. Ông nhìn ra cánh đồng nói: “Nó bên đây mầy ơi, để tao dẫn về cho”. Đoạn ông dụi mắt, đội nón ra đồng lùa con bò lạc trả về cho người bạn cách chòi hơn 1km. “Bò tụi nó cứ theo về đây hoài. Chắc do cỏ ở đây tốt hơn, ngon hơn” - ông dí dỏm nói.

Trong giới “du mục” ai cũng nể tài thuần dưỡng bò “khôn như người” của ông. Những lúc ông bận việc, cả đàn bò ăn no, tự xếp hàng về chuồng. Ông còn nhiệt tình truyền kinh nghiệm về chăn nuôi, đỡ đẻ, bắt bệnh gia súc cho anh em “du mục” trên những cánh đồng lân cận.

Gia súc của người khác bị mất trộm liên tục nhưng ông thì chưa. Ông giải thích: “Người ta nhiều tiền mua trâu, bò thuê người chăn để kiếm lời. Còn tôi nuôi để kiếm sống, lo cho con ăn học nên cẩn thận mọi thứ”.

Ông sẵn sàng “rút ruột” chia sẻ với anh em chăn nuôi những kinh nghiệm, chiêu thức phòng tránh trộm. Năm ngoái một đàn trâu mấy chục con thả đồng, chiều về bị mất một con. Chủ đàn trâu tìm đến nhờ ông tư vấn. Sau khi đi thực tế, ông nói biết rõ người lấy nhưng không nêu tên, ngại làm căng “nó đi tù tội nghiệp”.

Vài hôm sau con trâu đột nhiên xuất hiện trên đồng cỏ. “Một người trong nhóm du mục tham lam bắt trộm đem bán. Tôi nói phải quấy đủ điều nó mới nhận. Đích thân tôi dẫn nó đi chuộc lại trâu mang về trả cho người ta” - ông kể. Từ trong bếp, vợ ông góp chuyện: “Tụi thả trâu bò thương ông lắm. Hồi ông bị phát bệnh tim, không tiền chữa trị, tụi nó hùn tiền mang tới lo cho ông tai qua nạn khỏi”.

Ngọn đèn dầu leo lét trong chòi lá, cách đó không xa là những tòa nhà cao tầng, phố xá sáng trưng ánh điện              -SƠN BÌNH
Ngọn đèn dầu leo lét trong chòi lá, cách đó không xa là những tòa nhà cao tầng, phố xá sáng trưng ánh điện -SƠN BÌNH

Hỏi ông sẽ đi đâu nếu bị lấy lại đất?

Ông nhìn ra đồng cỏ xanh, nói khu vực Q.12, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh nghe đâu còn nhiều đất hoang. Nếu còn khỏe, ông sẽ “du mục” lần nữa để kiếm chút tiền về quê sống những ngày tháng cuối đời...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận