TTCT - Hôm qua họ còn là y tá, nhân viên thu ngân, thầy thuốc, bỗng dưng họ trở thành anh hùng. Điều này thực ra nói về mặc cảm của xã hội nhiều hơn là về chính những con người này. Ngay cả một nền y tế hàng đầu thế giới như Đức cũng chật vật vì đại dịch. Ảnh: br.de Vấn đề không hề mới: năm 2018, sau hàng loạt nỗ lực ít kết quả và chắc chắn không thể có kết quả sớm để kiếm nguồn điều dưỡng viên từ Mông Cổ, Trung Quốc và Việt Nam, Chính phủ Đức quyết định ban hành luật củng cố nhân lực điều dưỡng PpSG, nhằm cấp tốc tuyển thêm 13.000 y tá và điều dưỡng viên cũng như về lâu dài ngăn các bệnh viện tiết kiệm bằng cách giảm chi phí điều dưỡng.Chuyện mới mà cũTháng 11-2020, nhật báo Augsburger Allgemeine trích báo cáo của một nghị sĩ Đảng Xanh về tình hình nhân sự y tế: cả nước Đức có chừng 25.000 y tá trong lĩnh vực điều trị tích cực với 28.000 giường cấp cứu, đồng nghĩa với chưa đầy một nhân viên chuyên ngành cho một giường cấp cứu. Nếu đại dịch đạt giới hạn tiếp nhận của các bệnh viện thì mỗi y tá phụ trách 5 giường bệnh cần chăm sóc 24/7.Đó là lúc nổ ra làn sóng COVID-19 thứ hai ở Đức, khi con số bệnh nhân cấp cứu tăng gấp 10 so với một tháng trước đó và đỉnh điểm được dự tính vào tháng 12.Song dữ liệu trong đại dịch corona chỉ là phần nổi của tảng băng: ở một nước có mức sống cao và hệ thống y tế khá phát triển, tuổi thọ con người ngày một cao và các nhà dưỡng lão cũng mọc lên như nấm sau mưa. Và ở đây, nước Đức đứng trước một nguy cơ mới: tuần báo Stern số 9-4-2011 cho biết các nhà dưỡng lão Đức thiếu 120.000 điều dưỡng viên.Ai thông thạo cuộc sống ở Đức cũng biết: các ngành đào tạo hàn lâm nói chung được trả lương cao, trong khi công việc vất vả và đầy trách nhiệm nhưng “nặng về chân tay” thì không có thu nhập tốt. Đó là thợ cắt tóc, thợ làm bánh mì, nhân viên siêu thị, y tá, hộ lý... Đây là nguyên nhân chính khiến ít người thấy hấp dẫn đi chăm sóc bệnh nhân. Song phải một đại dịch như lần này mới khiến những người có trách nhiệm thức tỉnh.Lương bổngFranz Wagner, chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng Đức, đòi một lộ trình nhằm tăng lương khởi điểm cho y tá lên 4.000 euro trước thuế. Mức thu nhập hằng tháng hiện tại của một nhân viên toàn thời gian ở nhà dưỡng lão trung bình là 2.950 euro, phụ việc kiếm chừng 1.600 - 2.085 euro tùy nơi làm việc, 58% trong số họ thu nhập dưới mức được coi là thấp theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).Ở đây có một nghịch lý là ngành y từ xưa đến nay luôn tỏa hào quang trong mắt dân Đức. Mỗi năm Viện Dân số Allensbach có một điều tra về nghề nghiệp, và năm nào nghề bác sĩ cũng đứng đầu danh sách được nể trọng. 76% dân Đức coi nghề bác sĩ là một trong 5 nghề được ưa thích nhất. Vị trí thứ hai cũng rơi vào lĩnh vực y tế: 63% chọn nghề y tá.Xin lấy một con số đội sổ để so sánh: nhân viên ngân hàng Đức chỉ có vị thế tốt đẹp trong mắt 3% người Đức.Tuy nhiên, 5 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, lương tháng ngất ngưởng ở nhà băng lại là ngoại lệ vô cùng hiếm hoi trong ngành y. Khỏi phải là nhà tiên tri để luận ra: chừng nào thu nhập ở đây chưa được tăng lên rõ rệt, nước Đức còn nhiều vấn đề nan giải nữa.Như sau Thế chiến II, khi kinh tế Đức tăng trưởng thần kỳ nhờ mở cửa đón hàng triệu công nhân nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp, Nam Tư... hôm nay họ cấp tốc ký các hiệp định với Ba Lan, Ukraine, Việt Nam để trám lỗ hổng nhân lực. Đó là cách xử lý vấn đề của người giàu, nhưng người giàu thường không để ý đến các bi kịch nhân văn của làn sóng nhập cư ồ ạt.Vài giọt nước cứu hỏaNhìn qua nước Pháp láng giềng, nơi đội ngũ y tá cũng lên tiếng chỉ trích điều kiện làm việc tồi tệ, đặc biệt trong lĩnh vực cấp cứu: sau 8 tháng phản đối từ các bệnh viện công ở Pháp, chính quyền Paris vội phản hồi bằng một kế hoạch khẩn cấp, hứa với các y tá và hộ lý phụ việc ở Paris và khu vực lân cận mức phí bảo hiểm 800 euro một năm để bồi thường vì chi phí sinh hoạt tương đối cao của họ. Theo ước tính của Bộ trưởng Bộ Y tế, chi phí cho Nhà nước Pháp lên tới 1,3 tỉ euro. Nhưng dù điều này được coi là “thành công lịch sử” của công đoàn thì nó cũng chỉ bù cho lạm phát, sau khi cả chục năm liền lương bổng giậm chân tại chỗ ở mức 300 euro, thấp hơn lương trung bình trong EU.Sau làn sóng corona thứ nhất, Paris thưởng cho các “người hùng thời khủng hoảng” 1.000 - 1.500 euro.Nước Đức cũng có mức thưởng một lần cho 26.000 bác sĩ và 95.000 nhân viên bệnh viện, kể cả 68.000 điều dưỡng viên ở các cơ sở nội trú. Chuyện tăng lương thì... còn phải cân nhắc đã. Đang trong giai đoạn tranh cử quyết liệt không chính đảng nào dám mó vào đề tài nóng này. Trong một phòng cấp cứu bệnh nhân Covid ở Belgamo (Ý). Ảnh: SPIEGELĐỪNG GỌI HỌ LÀ NGƯỜI HÙNGAlice Bota (báo ZEIT online 3-4-2020)Hôm qua họ còn là y tá, nhân viên thu ngân, thầy thuốc, bỗng dưng họ trở thành anh hùng. Điều này ít tiết lộ gì về chính họ hơn là về mặc cảm tội lỗi của xã hội. Ra ngõ gặp anh hùng? Đột nhiên nước Đức chết ngập ngụa trong biển anh hùng. Ai trước đây mấy tuần còn là một trợ lý bác sĩ làm việc kiệt sức ở bệnh viện rồi cố cày thêm ca đêm, nay là người hùng. Chị thu ngân trong giờ làm việc không dám uống nhiều nước vì sợ bị khiển trách do hay phải đi tiểu: chị cũng là người hùng. Anh lái xe tải mọi khi bị mọi người chửi vì kềnh càng lấn chỗ trên đường cao tốc: người hùng cung cấp hàng hóa cho chúng ta. Hay cô điều dưỡng viên làm việc 15 ngày không nghỉ vì một cô bạn đồng nghiệp bị thoát vị đĩa đệm và cô khác kiệt sức: cũng lại là một người hùng không hề biết mình là người hùng. Kỳ quặc ở chỗ những người hùng mới này dường như không phấn khởi gì cho lắm, khi được cả xã hội tung hô chỉ vì họ làm công việc của mình – trước cuộc khủng hoảng, sau cuộc khủng hoảng, và lúc này là giữa cuộc khủng hoảng. Một cuộc thăm dò ý kiến rất cá nhân và không mang tính đại diện ở mấy người hùng mới - điều dưỡng viên, bác sĩ, y tá: Anh, chị nghĩ gì khi lúc này được tung hô thành anh hùng? Bác sĩ cấp cứu: “Tôi thấy ngớ ngẩn. Không hợp. Một dạng hô hào thời chiến mà tôi không ưa nổi. Ở đây, tôi hiểu là nhiều người sung sướng khi được vỗ tay. Nhưng gọi tất cả là anh hùng thì chẳng tốn xu nào và chẳng đem lại gì cả.” Y tá cấp cứu: “Một mặt tôi vui, mặt khác thì bao năm nay nghề chăm sóc bệnh nhân có được ủng hộ và coi trọng đâu.”Hộ lý chăm sóc người già: “Khi toàn bộ vụ này qua đi, chúng tôi lại là bọn mạt hạng ở đây thôi. Thực ra những gì đang diễn ra là một sự sỉ nhục và một trò hề. Sau cuộc khủng hoảng này lương bổng vẫn không tăng và sự tôn vinh đối với nghề này sẽ lại biến mất thôi.”Nữ bác sĩ: “Khi làm cái công việc như người ta được đào tạo, chuyện đó ít liên quan đến anh hùng. Trong công việc này có nguy cơ bị phơi nhiễm, và rủi thay, đôi khi cũng phải làm việc đến bất tỉnh. Thật tiếc là phải có một đại dịch để được thấy thái độ tôn vinh, đặc biệt là từ phía nhà nước và chính trị gia.” Họ không thích làm người hùngTất cả những người lên tiếng đều đã chọn nghề mình vì họ thích nghề ấy ở một phương diện nào đó - vì họ không có lựa chọn khác, vì công việc ấy làm họ vui thích hoặc thậm chí hạnh phúc. Lúc này, nghề ấy đã trở nên căng thẳng hơn, nguy hiểm hơn và bất an hơn. Nhưng khi chính những con người mà ta đang nói đến lại thấy lạ lẫm với sự tôn vinh đó, khi danh hiệu người hùng được khoác lên họ như một chiếc áo xấu xí, thùng thình, ngứa ngáy, thì cớ gì phải cần thứ danh hiệu ấy? Có thể sự tung hô người hùng đột xuất ấy ít liên quan đến người hùng hơn là với chính những người tung hô họ thành người hùng. Có thể qua đó người ta toan che giấu sự cắn rứt lương tâm được tặc lưỡi chấp nhận nhiều năm nay, rằng có những người bị làm việc trong những điều kiện mà không chỉ gần đây mới lộ ra là bất cập, bóc lột và thậm chí nguy hiểm. Hơn 60 bác sĩ ở Ý chết vì nhiễm Corona – liệu tất cả họ cũng lây bệnh, khi có đủ đồ bảo hộ cần thiết? Không lấy tràng pháo tay trả tiền nhà được đâuĐiều dưỡng viên, y tá và bác sĩ khắp nơi thế giới giờ đây tung lên mạng hình ảnh của mình trong bộ blue tự chế, kính chắn giọt bắn ứng biến và khẩu trang dùng đi dùng lại. Họ là người hùng chăng? Hay đúng hơn, chúng ta mới là những kẻ bất lực, vì chúng ta thậm chí không trang bị cho họ những thứ cần thiết tối thiểu? Vì bao lâu nay bàng quan khi thấy họ bị trả lương thấp và kiệt quệ, thấy quyền của người lao động và cả nhu cầu của họ bị coi nhẹ? Thấy họ có thể hằng ngày đến nơi làm việc với cảm giác run rẩy trong bụng. Thấy họ hiện tại có thể vẫn tiếp tục làm việc mặc dù không muốn – chính vì họ không chỉ sợ bệnh tật, mà còn sợ mất việc. Thời buổi này ai dám bỏ việc, khi ba đứa con ngồi ngóng ở nhà? Chớ hiểu sai ý tôi: ta vẫn được phép vỗ tay tiếp. Vỗ tay to vào, nhiều vào. Nhưng vỗ xong thì xin mọi người đừng quên rằng chỉ có tràng pháo tay thì không tạo ra quyền lợi đâu. Và không lấy pháo tay trả tiền nhà được đâu. Tags: Nhân viên y tế ĐứcĐừng gọi họ là người hùngBác sĩ trong đại dịch Covid - 19Thiếu điều dưỡng viênNhân viên y tế kiệt sức
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôi ĐAN THUẦN 26/11/2024 'Thậm chí cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình, vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc', bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.