Đừng thách con

MINH HUỆ 23/01/2011 14:01 GMT+7

TTCT - Anh Vĩ ở quận 12 (TP.HCM) gọi tới tổng đài 1088 gặp chuyên viên tư vấn tâm lý hốt hoảng: “Con gái tôi là một đứa trẻ ham chơi, đua đòi. Nó đã bỏ nhà đi hai ngày cùng nhóm bạn. Tôi bắt nó về, dọa nó làm giấy “từ cha mẹ”. Vậy mà nó viết để trên bàn chờ tôi ký. Tôi phải làm gì đây?”.

Con gái anh năm nay 15 tuổi, mấy năm trước là một đứa con ngoan. Sáng bố đưa đi học, chiều mẹ đón về. Mẹ kinh doanh có tiền, hai mẹ con thường đi mua sắm. Năm nay cháu cao lớn, phổng phao và bắt đầu ăn diện. Cháu thích tự chọn quần áo và xài hàng “độc”. Lúc đầu thì mẹ chiều, nhất là khi con mình ăn mặc đẹp và mọi người khen “hai chị em giống nhau”. Dần dần bố mẹ nhận thấy con mình lơ là việc học và tất cả đều “quy ra quần áo”. “Mẹ không mua cho con đôi giày đó thì con sẽ không đi học thêm tiếng Anh”. Hôm thì nó bảo muốn mua cái áo “một mất một còn”: “Mấy đứa bạn bảo con có bờ vai đẹp, không để lộ ra thật phí...”. Bố mẹ bắt đầu lo lắng và khó chịu về những yêu sách của con. Nhưng nếu không đáp ứng yêu cầu thì con không chịu đi học. Vậy là tự nhiên con học không phải vì bố mẹ, không phải vì tương lai của mình, mà học vì để được ăn diện cho bằng người này người khác. Thấy con “được voi đòi tiên”, bố mẹ hốt hoảng và ra lệnh: “Không quần áo gì nữa hết, mới tí tuổi đã đua đòi”. Việc bố mẹ cấm nhưng không giải thích hết với con, không đàm phán trước và không cho con thời gian để thích nghi đã khiến con gái anh Vĩ phản ứng dữ dội. Cháu nổi loạn, phản đối bằng cách bỏ học và đòi đi kiếm tiền cùng nhóm bạn. Gia đình tìm cháu về, đánh cháu một trận và tuyên bố: “Nếu muốn đi làm thì hãy viết đơn xin từ cha mẹ”.

Khi anh Vĩ đưa cho con tờ giấy trắng, anh hi vọng con gái mình sẽ khóc lóc van xin bố mẹ và không đua đòi nữa. Nhưng mọi việc bất ngờ và ngược lại. Cô con gái 15 tuổi của anh với bộ mặt lạnh lùng và thách thức, cắm cúi viết một lèo và đưa cho bố: “Con làm như bố muốn. Bố ký tờ giấy này để con xếp quần áo và con đi”.

Tờ giấy “từ cha mẹ” của con gái như một mũi dao cắm vào trái tim của người làm cha mẹ. Nó thể hiện sự bất lực của bố mẹ và sự bồng bột của con. Anh Vĩ đã vô tình để con gái chứng minh rằng nó không cần đến một người sinh ra nó mà không hiểu nó. Tội lỗi không phải từ nó. Tính đua đòi còn do sự giáo dục của bố mẹ.

Cha mẹ có thể bị tước quyền làm cha làm mẹ khi vi phạm điều 41 Luật hôn nhân gia đình. Nhưng cha mẹ không có quyền bắt con phải từ chối quyền làm con khi chưa tròn 18 tuổi. Vì một sai lầm nào đó của con, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục, đừng nóng nảy và tự ái mà đẩy mình vào thế bị động. Tự mình tước quyền dạy dỗ con mình, ai sẽ là mẹ là bố của chúng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận