Duyên quê giữa phố

ĐẶNG TRUNG THÀNH 03/06/2011 05:06 GMT+7

TTCT - Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp tận hưởng mùi hương nhè nhẹ thoảng ngạt ngào của hoa khế giữa lòng phố thị.

Ông chủ nhà không biết mang từ đâu về một cây khế to trồng trước sân. Cây khế chẳng choán chỗ bao nhiêu, ngược lại còn tỏa bóng mát cả một góc sân. Ông kêu người đào một cái hố to, rồi ông tự tay trồng cây, bón phân, tưới nước. Những ngày tiếp theo ông lại cho người xây hồ trồng sen, thả rong, nuôi cá cảnh.

Ông còn mua thêm nhiều lồng chim, thả những chú sáo lắm lời vào đó, đặt san sát nhau ở mép hàng rào. Bên dưới, các hạt dây leo như mồng tơi, bầu, mướp, khổ qua... được ông gieo tỉ mẩn và làm những chiếc giàn tre để chúng leo lên.

Phóng to

Ảnh: vnphoto.net

Từ ngày có hồn quê giữa phố, các loại chim, bướm kéo nhau về nhà ông. Chúng vờn hoa, hút mật, vui đùa như là cách ăn mừng đại tiệc khi đã tìm ra được một thế giới yên bình. Lũ sáo trong lồng mới bập bẹ nói cũng hưởng ứng theo, cố rướn giọng lên hót chào mừng những vị khách dễ thương đến thăm. Hoa nở ngày càng nhiều, đẹp và tỏa hương thơm ngát. Những dây leo thì ra sức vươn mình thật dài, thật cao trườn trên giàn tre dày đặc...

Ông bà chủ chăm chỉ thay phiên nhau chăm sóc khu vườn mộc mạc. Và để bù đắp sự cần cù đó, các loại rau quả bắt đầu đơm hoa, chuẩn bị cho trái.

Một hôm rảnh rỗi, người bạn cùng phòng tôi bày tỏ thắc mắc của lũ sinh viên với ông chủ về sự xuất hiện của chim, hoa, cá cảnh ở sân nhà. Ông không ngần ngại tâm sự. Hóa ra cha mẹ ông chủ nhà ở California (Mỹ) sắp về Việt Nam thăm con cháu. Vốn lúc ở quê nhà ông bà tay lấm chân bùn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nên khao khát nhìn ngắm cảnh vật nhà cho thỏa niềm thương nhớ.

Cũng chính vì điều đó mà ông chủ nhà đã chuẩn bị, tính toán thời gian ngày cây ra trái sao cho ông bà được dịp chiêm ngưỡng phong cảnh mộc mạc của quê hương giữa lòng phố thị nhộn nhịp.

Kịch bản của vợ chồng ông chủ nhà dàn dựng thật công phu và hoàn hảo. Nhưng không biết khu vườn dễ thương ấy sẽ bị “khai tử” lúc nào khi hai cụ trở về Mỹ. Chỉ mong nó sẽ được lưu lại lâu hơn ở phố thị thiếu nhiều “duyên quê” này...

Tiếc nuối

Vậy là hàng cây sao dầu ở trường làng có từ thời mẹ tôi đi học đã bị người ta đốn sạch, những gốc cây trơ ra rỉ nhựa như rơi nước mắt. Tôi thấy những đôi mắt tròn xoe của các em học sinh ngơ ngác: “Chị ơi, sao người ta chặt cái cây, giờ ra chơi nắng quá sao chơi được chị?”.

Trường làng nhỏ xíu, sân trường là khoảng đất trống bốn bề phông phênh không rào chắn, rồi đùng cái có người về tranh chấp đất, giành lấy cái sân. Và để khẳng định quyền sở hữu đất đó, dù đã có nhà đất xông xênh ở Sài thành, người ta chặt cây, rào lại thô bạo, dây kẽm gai như vết xước trong những tâm hồn thơ trẻ kia.

Trước đó, khoảnh đất rộng thênh thang mà chúng tôi chiều chiều hay ra thả diều đã bị người ta đổ đất xây nhà cao tầng, những cột thép vươn lên và những con diều rớt xuống, nằm buồn thiu trong mùa gió này. Thấy thương mấy đứa nhỏ chiều nào cũng chạy loanh quanh trước nhà, bước chân không đủ dài để diều bay lên...

Sẽ không có ở đâu mà người ta lại chứng kiến cảnh đô thị hóa rõ ràng và vội vã như ở vùng ngoại ô thành phố như chúng tôi. Nhiều đến mức thấy quen với những tấm biển “Tại đây có bán đất”, quen tiếng còi xe inh ỏi thay tiếng loa phát thanh hiền hòa mỗi chiều, quen luôn với cả tường gạch lởm chởm miểng chai thay cho đồng ruộng rộng mở.

Quen nhưng lòng vẫn đau, vẫn thấy như bước hụt chông chênh trước những mất mát không gì có thể bù đắp được, đó là ký ức, là những khoảng xanh và gió nắng rơm rạ.

Vẫn biết ai không mơ, không khao khát một đô thành phồn hoa, hiện đại nhưng ở bên này của nỗi nhớ, người ta vẫn còn thương lắm đồng quê và tiếc nuối vô cùng cho những đứa trẻ đã không được như mình ngày xưa...

TTCT cảm ơn các bạn: Giao Linh, Hoàng Minh Sơn, Vy Mân, Vòng Sau Bình, Lê Mai Phương,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận