Emoji, đâu chỉ là vui - buồn

TRƯỜNG SƠN 28/11/2018 17:29 GMT+7

TTCT - Dù xem trên thiết bị nào thì emoji cũng nhỏ như cái móng tay theo đúng nghĩa đen. Thoạt tiên, chỉ là công cụ giúp “mua vui cho thiên hạ” trên thế giới mạng, ấy vậy mà vô số chuyện rắc rối đã xảy ra, từ bình đẳng giới đến... phân biệt chủng tộc

Emoji, đâu chỉ là vui - buồn - Ảnh 1.

Một số emoji phổ biến.

Emoji, tức những biểu tượng dùng khi nhắn tin hay chat trên mạng mỗi ngày giờ đã là một phần không thể thiếu của người dùng di động. Trên bàn phím của iOS hay Android đều có chế độ chuyển sang bàn phím chuyên gõ emoji. Rủ bạn đi cà phê, ta sẽ nhắn "☕️ nhé", trước trận bóng đá ở AFF Cup, ta đăng Facebook "🇻🇳 vô địch". "Còm" (bình luận) dưới bức ảnh báo tin vui gì đó của bạn bè trên Instagram, ta sẽ viết "Chúc mừng nha 🎉"... 

Emoji thêm màu sắc cho các câu chuyện trên không gian ảo, và người dùng không cần gõ quá nhiều từ ngữ mà vẫn chuyển tải được thông điệp. Nhưng đằng sau những biểu tượng đại diện cho gần như mọi mặt của đời sống là những chuyện "hậu trường", tranh cãi, và có cả đấu tranh, y như đời sống thật. Emoji không chỉ đơn giản là gương mặt cười toe toét.

Quyền lực "xét duyệt"

Người dùng Internet luôn đòi hỏi các emoji mới để thể hiện nhu cầu của họ. Và, các hãng công nghệ như Apple, Google và Samsung ra sức chiều chuộng bằng cách thiết kế và chọn lọc các mẫu emoji mới được cung cấp trong sản phẩm của mình.

Nhưng không phải người dùng "muốn gì được đó" và Apple hay Google không phải muốn thêm emoji gì thì thêm. Tất cả đều phải thông qua Unicode Consortium, tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò "tối cao", quyết định các mẫu emoji mới nào được duyệt bổ sung vào Unicode Standard (Tiêu chuẩn Unicode), tức bộ mã chuẩn quốc tế dùng làm bộ mã duy nhất cho tất cả các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

Unicode Consortium, bao gồm 5 ủy ban và nhiều tiểu ban, sẽ nhận đề xuất các mẫu emoji mới, sau tiến hành biểu quyết nội bộ để chọn ra các mẫu được mã hóa và bổ sung vào Unicode Standard. Roozbeh Pournader, thành viên Ủy ban kỹ thuật của Unicode Consortium, giải thích với trang Artsy quy trình xét duyệt các emoji mới do ủy ban này và một tiểu ban đảm trách, "giống như tòa sơ thẩm và thượng phẩm trong hệ thống tư pháp".

Unicode Consortium nhận được đề xuất mẫu emoji mới suốt quanh năm, và tiểu ban phụ trách sẽ nhóm họp mỗi tuần để xem xét các đề xuất này. Với mỗi đề xuất, tiểu ban này có thể góp ý cho bên đề xuất cũng như "tham mưu" cho ủy ban kỹ thuật. Bản thân ủy ban kỹ thuật sẽ họp hằng tháng, mỗi lần kéo dài 1 tuần (kỳ họp gần nhất là hồi tháng 9) để thảo luận chi tiết và biểu quyết các mẫu emoji được chọn. Các mẫu emoji mới sẽ được phân theo phiên bản, chẳng hạn phiên bản 11.0 phát hành hồi tháng 6, còn phiên bản 12.0 dự kiến ra mắt tháng 3-2019.

Artsy cũng tiết lộ chi tiết thú vị: thành viên của Unicode Consortium gồm các chuyên gia trong ngành, đại diện các hãng công nghệ (Apple, Facebook, Google, Microsoft và Huawei), và cả sinh viên. Tất cả đều phải đóng phí thành viên, các công ty đóng 18.000 USD, chuyên gia 75 USD và sinh viên 35 USD.

Và không phải cứ đề xuất emoji mới của các ông lớn như Apple thì dễ được duyệt hơn. Pournader dẫn chứng các emoji sắp bổ sung vào tháng 3 năm tới như con rái cá, đền Hindu hay bánh waffle đều là do "đại chúng" đề xuất. Năm 2017, emoji người mẹ cho con bú được đưa vào chuẩn Unicode, và đây là ý tưởng của một y tá người Anh.

Emoji, đâu chỉ là vui - buồn - Ảnh 2.

Việc mỗi hãng mỗi thiết kế emoji riêng, tức gương mặt cười trên iPhone không giống trên Android, cũng phát sinh nhiều chuyện. Năm 2016, Apple "đơn phương" sửa emoji khẩu súng thành súng nước đồ chơi, nhưng hành động này không có ý nghĩa lắm vì người dùng Android khi nhận được emoji này vẫn sẽ thấy hình ảnh khẩu súng thật. Hiện tại thì các hãng đều đã dùng ảnh súng nước 🔫 cho emoji vũ khí này.

Các đại gia công nghệ cũng bắt đầu phát triển hình thức khác để thay emoji. Apple có Memoji, Samsung có AR Emoji và Google có Minis cho phép tạo hình nhân vật chi tiết, theo ý người dùng thay vì dùng các mẫu cố định của Unicode. Tuy nhiên chỉ áp dụng cho người dùng cùng hệ, và không chèn trực tiếp vào văn bản (tin nhắn, email) mà gửi đi như dạng một bức ảnh. Đây cũng là lý do emoji vẫn đang "thống trị".

Gắn với đời thực

Các đề xuất emoji mới có thể dựa trên nhu cầu, sở thích của cá nhân người dùng, theo phong trào đang nổi, hoặc đôi khi cũng vì các mục đích nhân văn, nhân đạo. Chẳng hạn, emoji con muỗi được thêm vào phiên bản Emoji 11.0 để hưởng ứng phong trào chống sốt rét, trong khi Tổ chức Plan International đề xuất có emoji hình giọt máu trong Emoji 12.0 để chống lại quan điểm kỳ thị chuyện "đèn đỏ" của phụ nữ.

Và chuyện nên thêm emoji nào ngày càng diễn biến theo kiểu "bám sát" đời sống hết mức có thể. Trong cuộc sống thực tại, vấn đề mọi thứ phải "bao trùm", tức không chỉ có đàn ông - da trắng làm đại diện cho mọi thứ, mà còn phải có phụ nữ, người da màu, người khuyết tật, ngày càng được nhấn mạnh. Và vì thế, các thiết kế emoji cũng phải chú ý để "không ai bị bỏ lại phía sau", cũng phải đa dạng, muôn màu như cuộc sống thực.

Điều này có nghĩa emoji chỉ người đàn ông phải có các phiên bản phái sinh theo màu da, thậm chí những người tóc đỏ, tóc xoăn cũng "đấu tranh" để có emoji đại diện cho mình. Kể từ Emoji 8.0 năm 2015, các emoji bắt đầu có thêm màu da để người dùng tùy chọn. Cũng trong phiên bản này, vấn đề "bao trùm" bắt đầu được quan tâm, với sự bổ sung các emoji như cặp đôi đồng tính, nữ giáo sư, người lớn tuổi, cũng như nhiều biểu tượng văn hóa và tôn giáo hơn các phiên bản trước, theo Artsy.

Emoji 12.0 vào tháng 3-2019 sẽ còn "bao trùm" hơn bao giờ hết với emoji dành riêng cho người khuyết tật, chẳng hạn người phải đeo tay chân giả, ngồi xe lăn hay có chó dẫn đường. Văn hóa Ấn Độ cũng được "emoji hóa" với biểu tượng đền Hindu, váy sari, đèn diya.

Dĩ nhiên đòi hỏi emoji cũng phải đại diện cho các nhóm đối tượng trên là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nó làm dẫn đến một vấn đề đau đầu: quá nhiều phiên bản phái sinh thì sẽ làm bùng nổ lượng emoji. Vì không gian hiển thị của bàn phím emoji trên màn hình không đổi, số lượng emoji tăng lên đồng nghĩa danh sách phải "dài ra đến vô tận", và có thể người dùng sẽ phải "dành cả tuổi thanh xuân" để cuộn màn hình mới thấy emoji mình cần.

Viết trên Medium ngày 13-11, tác giả Jeremy Burge đưa ra những con số đủ để hình dung vì sao thế giới đang chia làm hai phe - phe ủng hộ emoji bao trùm, và phe "thôi đừng thêm emoji nữa". Bàn phím emoji trên iPhone hiện nay không khác gì (tức không to hơn rộng hơn hay được thiết kế khác đi) so với cách đây tròn 10 năm, nhưng số emoji mà nó bày ra là 2.776 so với chỉ 471 cách nay 10 năm. 

Dù đã được sắp xếp theo thứ tự logic và cẩn thận nhất có thể, rõ ràng không thể nào tìm là thấy ngay biểu tượng mình cần trong một rừng hàng ngàn icon như vậy. Ta có thể cuộn đến khu vực thức ăn để tìm biểu tượng bánh sandwich, nhưng đố bạn tìm được "emoji áo khoác mặc trong phòng thí nghiệm, cuộn len hay bàn tính gẩy của Trung Hoa" - Burge "thách thức".

Chính độc giả cũng có thể tìm thấy ví dụ thực tế. Giả sử bạn muốn gửi tin nhắn chúc mừng sinh nhật bạn và dùng emoji hộp quà 🎁 Bạn sẽ mất bao lâu cuộn và căng mắt nhìn hàng loạt emoji để tìm thấy thứ mình cần? Và ngạc nhiên thay, với iPhone, bóng bay nằm trong nhóm emoji có biểu tượng đại diện là... cái bóng đèn.

Emoji, đâu chỉ là vui - buồn - Ảnh 4.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi các nhóm thiểu số muốn có emoji đại diện cho mình, khi đã được đáp ứng lại tiếp tục đòi hỏi các biểu tượng đó cũng phải đa dạng thêm một bậc nữa. Chẳng hạn, theo Burge, những người tóc đỏ (có trong Emoji 12.0 vào năm sau) không muốn chỉ có emoji nam và nữ tóc đỏ kèm các màu da khác nhau. Họ đòi emoji cô dâu cũng phải có phiên bản tóc đỏ, vì đã có cô dâu tóc vàng và tóc nâu!

Và hãy tưởng tượng nếu người dùng đòi có thêm emoji thể hiện gia đình đa sắc tộc, cha da trắng, mẹ da màu thì sao? Hiện tại không có hệ điều hành nào cho phép chọn màu da của các emoji có nhiều hơn hai người. Giả sử cho phép chọn màu da cho toàn bộ thành viên trong gia đình, thì số lượng emoji gia đình sẽ tăng lên 125. Nếu cho phép chọn màu da của từng thành viên khác nhau, con số cuối cùng là... 4.225 phiên bản gia đình.

Và khi "nghiêm túc" quá trong chuyện đảm bảo tính đa sắc tộc cho emoji cũng gây chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn Apple từng bị chọc quê vì cẩn thận tạo hẳn 6 phiên bản màu xám đậm nhạt khác nhau cho emoji ma cà rồng. "Tôi cá là ma cà rồng chẳng phàn nàn gì nếu emoji của ổng chỉ có một màu xám thôi đâu" - một người chọc trên Twitter.■

Cõi mạng đã chứng kiến nhiều trận đại chiến quanh cách vẽ emoji mà người ngoài nhìn vào có thể lắc đầu ngao ngán, kiểu chuyện vậy mà cũng chí chóe cho được.

Hồi tháng 10 năm ngoái, dân mạng "ném đá" Google vì vẽ emoji bánh hamburger với miếng phô mai nằm dưới cùng. Vấn đề này buộc cả CEO Google phải lên tiếng hứa "khắc phục sự cố", và gã khổng lồ Internet cuối cùng đã sửa lại emoji này trong phiên bản Android 8.1. Còn emoji chiếc bánh vòng bagel của Apple cũng bị chỉ trích là kém ngon và không chuẩn vì thiếu lớp kem. Đương nhiên "Quả táo cắn dở" cũng không dám coi thường dư luận mà sửa ngay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận