Gallery Việt đến với chợ tranh quốc tế

Q.THI 09/07/2014 02:07 GMT+7

TTCT - Mỹ thuật đang là lĩnh vực văn hóa sinh ra lợi nhuận quan trọng thông qua những hội chợ đa dạng như Art Fair, Art Expo, Affordable Art... ở các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia...

Art Basel Hongkong 2014, sự kiện có sự tham dự của Cúc Gallery của Việt Nam - Ảnh: SOI

Ngày càng nhiều gallery Việt Nam tìm đến những hội chợ tranh quốc tế như Singapore Affordable Art 2013 - Ảnh: Q.T

Và các gallery Việt không đứng bên lề những hội chợ này.

Ngày nay, việc bán tranh không đơn thuần là ngồi ở gallery, bán tranh qua điện thoại hoặc Internet một cách truyền thống. Từ năm 1967, khi sự kiện Art Cologne được xem là hình thức hội chợ tranh quốc tế đầu tiên của Đức ra đời nhằm phục hồi thị trường nghệ thuật hiện đại và đương đại, nay có đến hàng trăm hội chợ tranh quốc tế được tổ chức hằng năm với doanh thu ngày càng tăng. Chẳng hạn Singapore Affordable Art năm 2012 đem về doanh thu trên 3 triệu USD.

Hữu xạ tự nhiên hương, các gallery tận dụng cơ hội này để bán tranh và tạo quan hệ với các đối tác. Theo một thống kê, doanh thu ở các hội chợ như vậy thường chiếm 60-90% doanh thu của các gallery. Tại Singapore Affordable Art năm 2013, số gallery đăng ký tham dự tăng vọt lên 197 hồ sơ, trong khi ban tổ chức chỉ có thể giải quyết cho 99 hồ sơ.

Một cách hiển nhiên, các gallery Việt Nam cũng không đứng bên lề. Trước năm 2010, Mai’s Gallery và Hanoi Studio là hai gương mặt quen thuộc của các hội chợ tranh tại Singapore, đến mức khách hàng đều nhắc đến họ khi hỏi về tranh Việt Nam. Gặp chị Dương Thu Hằng, chủ phòng tranh Hanoi Studio tại Singapore Affordable Art 2013, chị cho biết phòng tranh của chị vẫn hoạt động một cách truyền thống là phát hiện họa sĩ, triển lãm, tạo mối quan hệ bán tranh... nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội ở các hội chợ tranh quốc tế vốn mang lại doanh thu tốt. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa hơn cả là khả năng kết nối, quảng bá tên tuổi gallery với khách mua tranh quốc tế, giới thiệu họa sĩ Việt Nam...

Từ đầu năm nay, các gallery Việt Nam đến hội chợ tranh quốc tế càng thêm đông. Chẳng hạn Cúc Gallery (Hà Nội) liên tục dự Art Stage Singapore 2014 (tháng 1), Art Basel Hongkong 2014 (tháng 5), London Art Fair 2014 (tháng 6); Craig Thomas Gallery (TP.HCM) dự Hongkong Affordable Art 2014 (tháng 4)... Ông Craig Thomas, chủ phòng tranh cùng tên, cho biết: “Dĩ nhiên tôi thích bán tranh cho những nhà sưu tập mà tôi hiểu họ về mặt cá nhân, và làm công việc đó tại phòng tranh của tôi ở TP.HCM. Thế nhưng bấy nhiêu đó không đủ. Thị trường tranh ở Việt Nam còn rất nhỏ, rất ít, nên chúng tôi muốn tìm kiếm những khách hàng nhiều hơn bên ngoài thay vì những khách hàng hạn chế mà chúng tôi có thể mời gọi được ở các cuộc triển lãm”.

Qua các hội chợ, những họa sĩ Việt Nam được các gallery trong nước giới thiệu ra ngoài biên giới gồm có Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Sơn, Lý Trần Quỳnh Giang... (Cúc Gallery), Limkhim Katy, Trần Quốc Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lương Lưu Biên, Phạm Huy Thông... (Craig Thomas Gallery). Tuy nhiên, có không ít họa sĩ được chính các gallery ở Singapore giới thiệu như Trần Thanh Bình, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đình Hiền, Nguyễn Anh Đào... (Thanh Kiều Moeller Gallery), Nguyễn Lâm, Dương Sen, Phương Quốc Trí, Doãn Hoàng Lâm (Artblue Studio)... Điều này cho thấy hội họa Việt Nam đang ngày càng quen thuộc với giới thưởng ngoạn trong khu vực.

Dù chi phí tham dự các hội chợ tranh quốc tế rất tốn kém, nhưng các chủ phòng tranh như Cúc Gallery, Hanoi Studio, Craig Thomas đều hài lòng về những chuyến đi. Nếu như thấy được sự quan tâm của giới chức lãnh đạo đến hoạt động của hội chợ như sự xuất hiện của ông Mukhriz Mahathir - con trai của cựu thủ tướng Mahathir Mohamad - cùng đoàn tùy tùng tại Art Expo Malaysia, những chủ gallery và khách hàng sẽ hiểu rằng sự kiện này đã được nâng lên một tầm vóc mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận