Gây nhau thuở bé, tổn thương cả đời

VĨNH ANH 06/06/2024 05:04 GMT+7

TTCT - Tình anh chị em máu mủ ruột rà thật ra là mối quan hệ lâu dài nhất trong cuộc đời chúng ta. Quan hệ đó khi lớn lên giống hay khác với lúc bé là chuyện mỗi nhà mỗi cảnh.

Gây nhau thuở bé, tổn thương cả đời- Ảnh 1.

Nhắc đến trị liệu tâm lý, thường chúng ta nghĩ ngay đến việc trị liệu cặp đôi, trị liệu cha mẹ - con cái. Tuy nhiên gần đây, những nghiên cứu về ảnh hưởng về mặt cảm xúc của anh chị em lên sự phát triển dài lâu của mỗi cá nhân cũng đang được quan tâm.

Tình anh chị em máu mủ ruột rà thật ra là mối quan hệ lâu dài nhất trong cuộc đời chúng ta. Quan hệ đó khi lớn lên giống hay khác với lúc bé là chuyện mỗi nhà mỗi cảnh.

Sống nửa đời người vẫn còn hục hặc

Sống trên đời nửa thế kỷ, mỗi người đều có gia đình riêng và con cái đề huề, nhưng hai anh em Brett, 52 tuổi và Mandie, 49 tuổi, vẫn cãi và giận nhau như khi còn nhỏ. Gần đây nhất, cả hai không nói chuyện trong gần một năm sau khi cãi nhau vào dịp Giáng sinh năm 2019.

Dù nội dung của cuộc tranh cãi vốn nhỏ nhặt và không mang tính công kích cá nhân, nhưng kể cả khi người anh - đang kinh doanh và sống ở California - gửi một email dài để đối thoại, Mandie - một bác sĩ cấp cứu ở Wisconsin - nói rằng cô thậm chí còn không thể đọc nổi bức thư.

Nhận thấy sự mất kết nối giữa hai anh em, Brett đề nghị Mandie cùng đi gặp chuyên viên tâm lý, và cô em gái đồng ý. Trải qua sáu buổi trị liệu cùng Karen Gail Lewis - chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu trị liệu anh chị em (sibling therapy) trong hàng chục năm, cả hai có cơ hội mở lòng về thời thơ ấu và nhận ra những gì xảy ra hiện tại đều là tiếp nối của quan hệ anh em khi sống chung một mái nhà từ thuở bé.

Lewis đã kể lại chuyện trị liệu cho anh em Brett - Mandie, cùng những vấn đề khác về trị liệu anh chị em cho NPR.

Dù gia đình đầm ấm, hạnh phúc và có một người mẹ tuyệt vời, nhưng Mandie cảm thấy bố mẹ mình đối xử khắt khe với mình hơn Brett. Người anh đã không để tâm đến điều này mãi đến khi họ đã bước qua độ tuổi trung niên.

Cuối cùng, ông chấp nhận cảm xúc của em gái, cùng Mandie sửa chữa những rạn nứt trong quá khứ và phát triển mối tương tác lành mạnh hơn. Điều này càng được củng cố hơn sau khi họ cùng có một kỳ nghỉ, và là chỗ dựa tinh thần của nhau khi mẹ họ bước vào giai đoạn cuối đời do căn bệnh ung thư phổi.

Dẫu chưa có nhiều nghiên cứu về tình trạng "chiến tranh lạnh" giữa anh chị em trong nhà, nhưng một nghiên cứu thực hiện ở Đức cho thấy 28% cặp anh chị em từng trải qua ít nhất một "giai đoạn" ghẻ lạnh (thiếu liên lạc hoặc thiếu gần gũi về mặt cảm xúc).

Nguyên nhân dẫn đến bất hòa giữa anh chị em thường khác nhau, song những lý do phổ biến bao gồm sự thiên vị của cha mẹ (trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành), những xung đột về việc chăm sóc và bạo hành trong giai đoạn thơ ấu, đến từ của cha mẹ hoặc chính anh chị em.

Trường hợp anh em Mandie và Brett rõ là minh chứng. Nhà trị liệu Kelly Scott, giám đốc huấn luyện trung tâm trị liệu Tribeca Therapy (New York), cho rằng việc hai anh em có trải nghiệm được nuôi dạy khác nhau đã có tác động quan trọng lên mối quan hệ của họ.

Khi thiên vị xuất hiện

Theo Geoffrey Greif, giáo sư công tác xã hội tại Đại học Maryland, tác giả quyển sách Adult Sibling Relationships (2015), mỗi đứa trẻ trong số các anh chị em đều nhận thức được họ được nuôi dạy khác nhau. 

"Cha mẹ không thể nuôi dạy tất cả những đứa con của mình giống hệt nhau. Họ không thể lúc nào cũng công bằng. Sẽ có một đứa trẻ cần nhiều sự quan tâm hơn đứa trẻ khác" - bà nói.

Katherine Conger, giáo sư nghiên cứu về gia đình tại UC Davis, đã phỏng vấn các cặp anh chị em sống cùng nhau và sống tách biệt, từ lúc học lớp 9 cho đến lúc trưởng thành.

Bà nhận ra rằng những đứa con trong gia đình cảm thấy không có vấn đề gì nếu họ được đối xử khác biệt do vấn đề sở thích hay nhu cầu về nhận thức, ví dụ có người cần được bố mẹ giúp đỡ nhiều hơn trong việc hoàn thành bài tập về nhà. Nhưng nếu cả hai cảm thấy bố hay mẹ, hoặc bố mẹ có xu hướng thiên vị người này hơn người kia, ắt sẽ có xung đột phát sinh.

Lũ trẻ nhà Hoppner (The Hoppner Children). Tranh sơn dầu năm 1791 của John Hoppner.

Lũ trẻ nhà Hoppner (The Hoppner Children). Tranh sơn dầu năm 1791 của John Hoppner.

Nicole Campione-Barr, nhà tâm lý học tại Đại học Missouri, cho rằng cảm giác oán giận của cá nhân do bị đối xử thiên vị có xu hướng lên đỉnh điểm trước khi đứa trẻ bước vào cấp III. 

Ở tuổi thiếu niên, khi những đứa con trở nên tự lập, ít bị cha mẹ giám sát và dành nhiều thời gian với bạn bè, bản chất tự nguyện của mối quan hệ anh chị em dần xuất hiện. Những đứa trẻ phải cùng nỗ lực để giữ gìn sự gắn kết trong mối quan hệ này.

Bên cạnh vấn đề đối xử thiên vị giữa cha mẹ với con cái, những cuộc chiến tranh lạnh có thể đến từ việc từ lâu vai trò người anh, chị và em bị đóng khung vai trò (crystallized role) từ lâu.

Karen Lewis cho biết những vai trò thời thơ ấu này có thể khác nhau, họ có thể bị dán nhãn là "kẻ rắc rối, người hài hước, người có trách nhiệm, kẻ vô trách nhiệm". 

Việc áp vai trò lên những đứa con trong gia đình về lâu dài có thể dẫn đến sự mệt mỏi và hiểu nhầm không đáng có giữa anh, chị em với nhau.

"Phòng thí nghiệm cho mọi mối quan hệ"

Trong quyển sách Sibling Therapy mới phát hành năm ngoái, Karen Lewis nhận định rằng nhiều vấn đề ở độ tuổi trưởng thành có thể bắt nguồn khi cá nhân chưa giải quyết vấn đề ổn thỏa với anh chị em. Mối quan hệ anh chị em thuở ban đầu là "phòng thí nghiệm cho mọi mối quan hệ sau này". Đó là lúc trẻ học cách kết bạn, hòa giải, tránh bất hòa.

Khi trưởng thành, trước những xung đột, cá nhân có thể lặp lại những khuôn mẫu mà họ có được với anh chị em thời thơ ấu. Karen ví von mối quan hệ anh chị em trong nhà giống như "cuộc hôn nhân đầu tiên" trong cuộc đời mỗi người.

Anh chị em mang lại trải nghiệm đầu tiên về việc sống chung với người cùng lứa, cùng thế hệ. Họ cũng có thể tái hiện lại cách cha mẹ đối xử với nhau trong gia đình. Và cũng như ảnh hưởng của cha mẹ lên con cái, mối quan hệ anh chị em có thể định hình cuộc sống - từ việc lựa chọn bạn đời, mối quan hệ với đồng nghiệp, lựa chọn chọn bạn bè.

Theo Shawn Whiteman, một chuyên gia về phát triển vị thành niên và là giáo sư tại Đại học bang Utah, trong những năm tháng vị thành niên, anh chị em có ảnh hưởng như bạn bè đồng trang lứa và hơn cả cha mẹ trong cả hành vi sử dụng rượu và ma túy.

Michel Van Volkom, nhà tâm lý học Monmouth, cho biết: "Tôi luôn nói với các sinh viên của mình điều này: Chỉ có một người đã ở đó sẵn ngay từ đầu cuộc đời chúng ta. Không phải bạn bè, không phải bạn đời, không một ai khác ngoài anh chị em mình".

Anh chị em là một phần sống động trong lịch sử của một cá nhân và là một dạng ký ức tồn tại bên ngoài chúng ta. Vì mọi mối quan hệ lâu dài đều có thể gây ra tuyệt vọng, hiểu lầm qua hàng thập niên, mỗi mối quan hệ anh chị em có sự phức tạp riêng.

Nhưng bản chất trường tồn và khả năng biến đổi của mối quan hệ mang đến cho những anh chị em những lựa chọn. Họ có thể để quá khứ đó tiếp tục định hình mối quan hệ, hoặc tận dụng quá khứ làm nền tảng để phát triển sợi dây liên kết mới tốt đẹp hơn.

Khi mọi thứ không ổn, trị liệu tâm lý là một giải pháp, nhưng các anh chị em cũng có thể cùng học cách tự nhìn nhận mối quan hệ và hàn gắn, làm ấm lại mối giao tình nguội lạnh.

Katherine Conger tin rằng chất xúc tác phổ biến cho việc "hâm nóng" lại mối quan hệ này là việc chia sẻ những trải nghiệm mới mẻ, ví dụ: những người anh chị em hỏi xin ý kiến và lời khuyên khi có đứa con đầu lòng.

Từ đầu những năm 1900, bác sĩ tâm thần người Áo Alfred Adler cho rằng thứ tự sinh của một đứa trẻ ảnh hưởng đáng kể đến tính cách và những thành tựu trong học tập, giáo dục của chúng.

Ví dụ con đầu lòng thường cầu toàn, kiểm soát, đáng tin cậy, hay "hội chứng con giữa" để nói về tính cách nổi loạn hay cạnh tranh, hoặc con út có tính cách cởi mở, thích được người khác chú ý...

Đã có nhiều nghiên cứu xác minh giá trị khoa học của thuyết "thứ tự sinh" này. Một nghiên cứu năm 2015 thực hiện trên 20.000 người ở Đức, Anh và Mỹ không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thứ tự sinh và đặc điểm tính cách - dù các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy trẻ lớn hơn có lợi thế chút đỉnh về chỉ số IQ.

Một nghiên cứu khác cũng năm 2015, với mẫu là 370.000 học sinh trung học ở Hoa Kỳ cho thấy giữa những đứa trẻ mang vai vế khác nhau có sự khác biệt rất nhỏ về tính cách và trí thông minh, vì thế không củng cố được cơ sở khoa học của thuyết thứ tự sinh.

Năm 2023, "hội chứng con gái đầu" (eldest daughter syndrome) trở thành xu hướng trên mạng xã hội và TikTok.

Một bài viết trên Business Insider đã liệt kê 8 dấu hiệu thường thấy ở người mắc "hội chứng" này: cảm thấy cần phải chịu trách nhiệm cho mọi người, có tính độc lập cao và gặp khó khăn khi cần nhận trợ giúp, khó khăn trong việc tìm thấy niềm vui, luôn cố tỏ ra làm vừa lòng người khác, cầu toàn, kiểm soát, hy sinh mù quáng trong mối quan hệ tình cảm, luôn là chỗ dựa cảm xúc cho người khác.

Paris Capleton, nhà trị liệu tâm lý từ NHS Foundation Trust ở Vương quốc Anh, nói rằng hội chứng con gái đầu không phải là thuật ngữ mang tính chẩn đoán, mà để nói về hành vi, tư duy xuất phát từ những đứa trẻ bị "phụ huynh hóa" khi còn bé.

Những người gặp phải hội chứng con gái đầu có xu hướng là nữ giới từ các gia đình có thu nhập thấp và các gia đình thuộc đại đa số trên toàn cầu, khi những kỳ vọng văn hóa về việc gánh vác gia đình phải do phụ nữ đảm nhiệm.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận