TTCT - * Vừa rồi tôi có đọc thông tin Bệnh viện 103 ở Hà Nội ghép tụy thành công, mong Lá thư bác sĩ cho biết ghép như vậy giúp gì cho bệnh nhân tiểu đường? Hoàng Tuấn (Bạc Liêu) Cấu trúc giải phẫu của tụy và tế bào tiểu đảo - Ảnh: health.rush.edu - Trả lời: Những biện pháp điều trị hiện tại không hoàn toàn kiểm soát đường huyết lý tưởng như kỳ vọng. Dù có nhiều nhóm thuốc viên hạ đường huyết uống, đa số bệnh nhân (BN) vẫn bị những biến chứng trầm trọng. Sử dụng insulin giúp đạt được kiểm soát đường hợp lý nhưng cần phải điều chỉnh liều khá phức tạp và tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nhưng những cách này đều không thể chữa khỏi bệnh. Trong 10 năm gần đây, hai phương pháp mới tạo ra hi vọng là phẫu thuật ghép tụy và phẫu thuật dạ dày (cách này áp dụng cho BN béo phì). Ghép tụy toàn bộ Phẫu thuật ghép tụy toàn bộ ngày càng cải thiện, kết quả thành công ngày càng nhiều: giảm nguy cơ thải ghép trong giai đoạn sớm hậu phẫu, giảm thải ghép do miễn dịch về sau. Dù tỉ lệ thải ghép cao nhưng nhờ liệu pháp ức chế miễn dịch tiên tiến đã mang lại kết cục tốt đẹp cho những tụy ghép. Có vẻ như vẫn hợp lý cho việc ghép toàn bộ tụy tạng cho cả hai thể đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng ghép tụy toàn bộ chỉ được chấp nhận là cách điều trị cho người ĐTĐ type 1 (thường là trẻ em). Ghép tụy ở đây là ghép toàn bộ tụy với hệ mạch máu phức tạp, đồng thời tụy được ghép với một phần ruột non nên đây là một cuộc đại phẫu không thể làm đại trà. Vì vậy mổ ghép tụy toàn bộ hiện chỉ thực hiện cùng lúc cho những người ĐTĐ bị suy thận và cần phải ghép thận. Trên thực tế vẫn có nhiều BN được ghép thận hơn là ghép thận - tụy. Ghép thận người cho còn sống đủ đạt hiệu quả tốt nên không có thêm lợi ích sống còn nếu phải chờ để được ghép tụy - thận cùng lúc. Ghép thận sống sớm vẫn là ưu tiên vì giảm lọc máu là nhu cầu hàng đầu, chỉ rất ít BN không thể ghép thận sống hoặc nếu phù hợp với phẫu thuật thận - tụy họ mới phải chờ để ghép thận - tụy cùng lúc. Việc ghép đôi như vậy giúp bảo vệ thận ghép khỏi bị tác động xấu từ chính bệnh ĐTĐ vốn có của bệnh nhân. Nhiều người lo ngại chức năng lâu dài của tụy ghép. Thật ra tụy ghép sống rất lâu được đến 10 năm. Trong những nghiên cứu 80% tụy ghép vẫn duy trì chức năng sau ba năm. Người ĐTĐ type 1 bất trị và hoặc thường bị hạ đường huyết là người được lợi nhiều nhất đối với liệu pháp này. Ngoài ra, người ĐTĐ type 1 có chỉ định ghép thận là ứng viên phù hợp cho ghép tụy để tránh cuộc mổ lớn lần hai. Trung tâm ghép tạng chuyên sâu sẽ có tư vấn đúng và thích hợp cho từng người bệnh cụ thể. Ghép tế bào đảo tụy Tế bào tiểu đảo tụy chỉ là một phần của tụy, nhưng là phần tụy nội tiết có chức năng tiết insulin. Ghép tế bào tiểu đảo tụy vẫn còn đang được nghiên cứu tại Hoa Kỳ và nhiều nước tiên tiến như một phương pháp ít xâm lấn thay cho ghép toàn bộ tụy. Tế bào tiểu đảo tụy được đưa vào tĩnh mạch dẫn máu từ ruột về gan (được gọi là tĩnh mạch cửa). Mổ bụng để bộc lộ tĩnh mạch cửa hoặc đặt kim luồn qua da vào gan đến tĩnh mạch cửa rồi truyền tế bào tiểu đảo tinh khiết vào. Chúng sẽ theo dòng máu đến nằm trong các xoang tĩnh mạch gan, phát tán khắp gan và thực hiện chức năng. Có rất nhiều trường hợp không phù hợp để được ghép tụy toàn bộ, khi đó các bác sĩ phải lấy tế bào tiểu đảo từ tụy người cho để ghép. Hoặc những người đã ghép thận có biến chứng hạ đường huyết cũng được nghiên cứu tiến hành ghép tiểu đảo. Cả hai đối tượng trên có thể được ghép tụy sau ghép thận hoặc chỉ ghép tụy để giải quyết chứng hạ đường huyết nặng ở ĐTĐ type 1. Thường việc ghép tế bào tiểu đảo đòi hỏi phải ghép số lượng lớn tế bào tiểu đảo từ hai người cho trở lên. Thực tế luôn thiếu người cho tiểu đảo tụy thích hợp. Vì vậy gần đây các nhà khoa học cố gắng tìm tế bào đảo tụy từ những nguồn cung phong phú hơn như các tế bào gốc và tế bào tiểu đảo tụy của lợn sơ sinh. Các phương pháp này đã tiến đến giai đoạn thử trên người nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thải ghép Điểm quan trọng nhất của ghép toàn bộ tụy hay chỉ những tế bào tiểu đảo ở người bệnh ĐTĐ type 1 là thải phần tụy ghép. Vẫn phải dùng ức chế miễn dịch như trong ghép tạng khác. Tuy nhiên khó chồng thêm khó khi ghép tụy cho người ĐTĐ type 1 (là ĐTĐ tự miễn). Chính cơ chế bất thường tự miễn vốn sẵn có ở người bệnh type 1 sẽ tiếp tục gây hại cho tụy mới ghép, khiến bệnh ĐTĐ type 1 tái phát. Vì vậy thuốc ức chế miễn dịch còn nhằm ngăn chặn phản ứng tự miễn để tránh tái diễn quá trình tự miễn này. Tags: Đái tháo đường
Chủ tịch nước dự kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Phước A LỘC 23/03/2025 Chủ tịch nước Lương Cường cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Phước.
Đánh nhau ở ga metro số 1: Bảo vệ nhắc nhở, tài xế xe ôm nói 'hút kệ tôi, mắc mớ gì đến ông' MINH HÒA 23/03/2025 Liên quan vụ tài xế xe ôm công nghệ và bảo vệ ga Thủ Đức (tuyến metro số 1, TP.HCM) đánh nhau, ngày 23-3, Công an phường Bình Thọ đã chuyển hồ sơ lên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để củng cố, xử lý theo quy định.
Biểu tình chống ông Musk lan ra ngoài Mỹ DUY LINH 23/03/2025 Biểu tình trước các đại lý của hãng xe Tesla mà ông Musk làm chủ có dấu hiệu lan rộng, xuất hiện ở cả nước láng giềng Canada.
Chuyên gia hiến kế để bánh mì Việt 'cưa đổ' cả thế giới NHẬT XUÂN 23/03/2025 Để bánh mì Việt Nam vươn tầm mạnh mẽ hơn, cần có chiến lược bài bản từ nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm tới mở rộng thị trường một cách bền vững.