Giá trị lịch sử của bản đồ Sinae Propriae

PHẠM HOÀNG QUÂN 13/04/2014 00:04 GMT+7

TTCT - Những ngày vừa qua, truyền thông đưa nhiều tin về món quà “bản đồ Sinae” do thủ tướng Đức tặng nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình, thể hiện rõ phạm vi cương vực Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam và hoàn toàn không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Bản số hóa một phiên bản của bản đồ Sinae

Ngoài những phân tích đã có xoay quanh động thái ngoại giao, chúng ta cũng có thể nhìn sự vụ theo một hướng nữa: người đương thời của nhiều quốc gia đang xích lại gần nhau bằng cách dùng các giá trị lịch sử để giao lưu thúc đẩy nghiên cứu học thuật.

Thông tin mở rộng

Hiện có hai mẫu bản đồ dùng để minh họa cho luồng tin này, cả hai rất giống nhau và đều mờ nhạt không đọc được (gọi là bản đồ nhóm A). Để đọc được nội dung trong tấm bản đồ Sinae này xem ra lại khó, truy cập từ khóa theo tên J.B.B. D’Anville (hoặc theo tên Đường Duy Nhĩ như Trung Quốc phiên âm và dùng phổ biến) chỉ gặp hai bản đồ cùng nội dung mà hình thức khác xa (nhóm B).

Truy cập theo tên J.B. Du Halde (Đỗ Hách Đức) - người từng hợp tác với D’Anville trong vài công trình nghiên cứu địa lý, chúng ta có thể đến địa chỉ https://www.raremaps.com/gallery/enlarge/2188 để xem bản số hóa một phiên bản của bản đồ Sinae, mang tiêu đề “REGNI SINAE vel SINAE PROPRIAE” (tạm hiểu: Vương quốc Trung Hoa và Trung Hoa riêng biệt) (bản đồ A.bis).

Phiên bản A.bis này có kích thước 20x23 inches do Johann Matthaus Haas vẽ lại (copy) tại Nuremberg năm 1740, thông tin (chữ Latin) ở dưới góc phải cho biết rằng bản đồ gốc do nhà địa lý học Du Halde biên tập và nhà bản đồ học D’Anville soạn vẽ, việc soạn vẽ đã tham khảo/căn cứ theo tập bản đồ địa lý Trung Hoa do hoàng đế CANGHI (Khang Hi) chủ trì thực hiện.

Địa danh các tỉnh/địa phương biên giới phía đông bắc, bắc, tây, tây nam và nam bao gồm: QVAN TONG (Quan Đông), LIAO TONG (Liêu Đông), CHEN LI (Trực Lệ), CHAN SI (Sơn Tây), CHEN SI (Thiểm Tây), SE TCHUEN (Tứ Xuyên), YUN NAN (Vân Nam), QUANG SI (Quảng Tây), HAI NAN (Hải Nam).

Tập bản đồ địa lý Trung Hoa mà thông tin trên cho biết là để chỉ bộ “Hoàng dư toàn lãm đồ” (Địa đồ để xem toàn thể đất đai của hoàng đế) hay còn gọi “Khang Hi hoàng dư toàn lãm đồ” khắc bản in tại Trung Hoa lần đầu vào năm 1719 và lần hai vào năm 1721. Khang Hi ở ngôi từ năm 1662 đến năm 1722, từ năm 1708 khởi sự thực hiện địa đồ toàn quốc. Nhiều nhà truyền giáo, nhà khoa học phương Tây được mời đảm nhiệm các việc tư vấn, điều tra quan trắc thực địa và tổ chức soạn vẽ, in ấn công trình.

Cũng qua các nhân viên này mà một số bản in rất hạn chế được đưa sang phương Tây, từ bộ địa đồ “Hoàng dư toàn lãm”, các nhà địa lý, địa đồ học phương Tây có thể nắm rõ các địa danh, vị trí thành trấn, hệ thống sông ngòi mạch núi và phạm vi cương vực Trung Hoa. Họ gia công nghiên cứu điều chỉnh, áp dụng khoa học chính xác về địa hình, hệ thống kinh vĩ độ, kỹ thuật vẽ bản đồ tiên tiến vào thời đó và hệ thẩm mỹ riêng để cho ra nhiều bản đồ có chất lượng cao hơn các bản in của Trung Hoa.

Tiêu biểu cho những thành tựu của người phương Tây liên quan đến lĩnh vực này là Du Halde với công trình Description géographique, historique, chronologique, politique, et physique de l’empire de la Chine (Ghi chép về địa lý, lịch sử, niên đại, chính trị, và địa văn đế quốc Trung Hoa), xuất bản tại Paris năm 1735. 

Trong sách, tấm bản đồ của D’Anville “REGNI SINAE vel SINAE PROPRIAE” được dùng làm phụ bản; và D’Anville với công trình Nouvel atlas de la Chine (Tập bản đồ Trung Hoa mới), xuất bản năm 1737.

Đóng góp của D’Anville (Đường Duy Nhĩ)

Vương Dung - nhà địa lý học và cũng là người phụ trách việc thống kê kho bản đồ cổ Trung Hoa thuộc Thư viện Quốc gia Bắc Kinh - trong “Trung Quốc địa đồ sử cương” (Thương vụ ấn thư quán, 1959) đánh giá rất cao thành tựu của các nhà truyền giáo và nhà khoa học phương Tây trong việc đổi mới nhãn quan và kỹ thuật địa đồ của giới học thuật Trung Hoa.

Đối với D’Anville, Vương Dung đặc biệt lưu ý về thành quả nghiên cứu khảo sát vùng Tây Tạng. Trước D’Anville, các nhà địa lý học Trung Hoa rất mù mờ về vùng này, kể cả các phái viên phương Tây được Khang Hi mời làm việc cũng bỏ ngỏ địa bàn này. D’Anville có kiến thức sâu rộng về địa lý Tây Á và Ấn Độ, lấy đó làm điểm tựa để điều nghiên Tây Tạng, tiếp xúc và nghe các Lạt Ma mô tả, sau lại mở rộng khảo sát sang Tân Cương, Mông Cổ.

Ngoài tập bản đồ Trung Hoa với bản đồ toàn quốc và bản đồ từng tỉnh, D’Anville còn thực hiện nhiều bản đồ riêng biệt về Tây Tạng, Mông Cổ và Tân Cương. Vương Dung nhận xét rằng các địa đồ soạn vẽ tại Trung Hoa từ thời Càn Long (1736-1795) về sau, đối với kiến thức địa lý vùng Tây Tạng chịu ảnh hưởng hoàn toàn từ D’Anville.

Trong Tập bản đồ Trung Hoa mới của D’Anville, ngoài bản đồ toàn Trung Hoa có giới hạn cực nam đến đảo Hải Nam, còn có thể xem thêm bản đồ tỉnh Quảng Đông theo địa chỉ www.raremaps.com/gallery/enlarge/34701. Bản đồ này mang tiêu đề “PROVINCE de QUANG TONG”, kích thước 20x16,5 inches, trong đó cho thấy rõ giới hạn cực nam của tỉnh chỉ đến hết đảo Hải Nam, rất phù hợp với bản đồ toàn Trung Hoa.

Giá trị các bản đồ

Trong lĩnh vực nghiên cứu địa đồ cổ, bản đồ “REGNI SINAE vel SINAE PROPRIAE” và những bản đồ đồng dạng góp thêm một loạt tài liệu liên quan đáng kể, nguồn tài liệu phong phú này tạo sự thuận tiện trong việc đối chiếu, so sánh, chúng cũng góp phần phục vụ nghiên cứu lịch sử địa lý khu vực.

Cho dù có nhiều phiên bản thuộc nhóm A, các bản đồ gần giống thuộc nhóm B, cho dù bằng ngôn ngữ Latin hay Pháp, hay những bản đồ sau này do tác giả khác soạn vẽ như bản đồ “China” trong The Imperial Atlas of Modern Geography do Blackie & Son xuất bản năm 1860 (Anh văn), hay bản đồ Trung Hoa của S. Couvreur do nhà thờ Thiên Chúa Phủ Hà Gian (Bắc Kinh) xuất bản năm 1914 (Hán văn)... chúng đều cho thấy sự thống nhất trong cách nhìn nhận về cương vực Trung Hoa.

Bất chấp những chối bỏ từ phía Trung Quốc về những bản đồ thuộc loại này, điều quan trọng rõ ràng là hầu hết bản đồ thuộc giai đoạn này được thực hiện dựa trên cơ sở của bộ bản đồ do chính hoàng đế Trung Hoa chỉ đạo thực hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận