TTCT - Tha thứ không phải là im lặng, bỏ qua, hay biện hộ cho cái sai và cho phép hành vi gây hại tiếp tục. Tha thứ không phải là ra vẻ “mọi thứ đều ổn”, không có vấn đề gì, hoặc có nhưng “chỉ là chuyện nhỏ thôi”. Trong một năm qua, tác giả Đặng Hoàng Giang đã gặp bạn đọc TTCT qua nhiều bài viết về những cơn bão căm ghét trên mạng, làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây - những hiện tượng sinh ra trong một thời kỳ thừa mứa thông tin mà thiếu vắng gạn lọc và khả năng thấu hiểu. Trong bài viết cuối năm này, anh đề xuất con đường giã từ "văn hóa làm nhục" bằng thấu cảm, tha thứ và hòa giải.Cứu rỗi đến với ai?Dưới một bài báo về Đông Phương và Thiên Lý - hai bảo mẫu bị kết án ba năm tù vì tội bạo hành trẻ - bình luận này nhận được sự đồng tình từ 3,3 nghìn bạn đọc: “Tội này là không thể tha thứ được, không bao giờ được tha thứ!”.Dường như nguồn cơn của nhiều khổ đau và bạo lực trong xã hội là do chúng ta đang thiếu khả năng tha thứ. Trong quá trình viết về những cơn bão căm ghét, một người bạn hỏi tôi: “Làm sao anh có năng lượng để đi qua những dòng sông độc địa như thế?”.Quả thật, đọc, tìm hiểu và ghi chép về sự lăng nhục, giận dữ và căm ghét trong nhiều tháng không phải là một việc dễ dàng. Nhiều hôm tôi gặp khó khăn để mở bản thảo ra. Những lúc đó, tôi đọc về tha thứ để tìm lại sự cân bằng và vững vàng.Nhưng, tha thứ, về bản chất, là gì? Nó bao hàm cái gì? Tha thứ đem lại gì cho người tha thứ, cho người được tha thứ? Liệu có điều gì mãi mãi không thể tha thứ được? Tha thứ có thể trở thành một chiến lược đáp trả cái ác? Và có lẽ câu hỏi quan trọng nhất: Khi tha thứ, người ta có hi sinh công lý?Dường như đây cũng là nỗi lo ngại của hai vợ chồng Herzog ở Mỹ. Năm 1982, cậu thanh niên 17 tuổi Kevin Tunell lái xe trong lúc say rượu đã đâm chết Susan, cô con gái 18 tuổi của họ. Trước tòa, hai vợ chồng Herzog thắng kiện 1,5 triệu đôla. Nhưng họ cho Kevin một thỏa thuận khác.Họ giảm số tiền phạt xuống 936 đôla nếu mỗi thứ sáu hằng tuần trong vòng 18 năm tiếp theo, cậu ta gửi cho họ một cái séc trị giá 1 đôla, ghi tên người được hưởng là Susan. Cậu nhận lời một cách biết ơn.Mấy năm sau cậu ta bắt đầu lỡ hẹn. Khi bố mẹ cô gái kiện cậu ra tòa, cậu suy sụp. Mỗi lần cậu ghi tên Susan, cảm giác tội lỗi lại cắn xé cậu. “Tôi đau đớn kinh khủng” - cậu nói. Cậu đưa cho gia đình Herzog hai hộp đầy séc viết sẵn tới tận năm 2001, một năm lâu hơn thỏa thuận.Nhưng họ từ chối. Mỗi tuần, bố mẹ Susan lại xé miệng vết thương của Kevin Tunell bằng cách bắt cậu viết tấm séc; cũng mỗi tuần, họ tự xé miệng vết thương của chính mình. Vì sao họ lại lựa chọn đắm chìm trong địa ngục của đau khổ? Câu trả lời là vì họ không thể nào tha thứ.Những câu hỏi về bản chất của khái niệm tha thứ lại một lần nữa được đặt ra khi dư luận tranh cãi gay gắt về việc Bob Kerrey, một cựu binh Mỹ ở Việt Nam, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác của Trường đại học Fulbright, chính thức được thành lập trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào đầu năm 2016.47 năm trước, khi còn là một thượng úy 25 tuổi của lực lượng hải quân tinh nhuệ Navy Seals của Mỹ, trong một trận càn ở làng Thạnh Phong (Bến Tre), Bob Kerrey và đội đặc nhiệm của ông ta đã giết chết ít nhất 13 phụ nữ không vũ trang và trẻ em (một số nguồn khác cho rằng con số nạn nhân lên tới 21 người).Kerrey được trao tặng huy chương Ngôi sao hạng đồng sau khi báo cáo sai rằng họ đã diệt 21 quân du kích đối phương. Sự việc nằm trong bóng tối 30 năm cho tới khi được New York Times và kênh truyền hình CBS đưa ra ánh sáng.Sự bổ nhiệm phân rẽ dư luận Việt và cả giới trí thức Mỹ quan tâm tới câu chuyện. Ở bên này của lằn ranh là những người khẳng định họ không nuôi dưỡng hận thù, nhưng cho rằng quá khứ của Bob Kerrey khiến ông không thích hợp cho vị trí này.Bên kia là những người kêu gọi “khép lại quá khứ, sống với hiện tại” và “tha thứ nhưng không quên”.Tha thứ là gì?Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nói về tha thứ không phải là gì. Tha thứ không phải là im lặng trước điều sai trái. Nó không phải là bỏ qua, chấp nhận, dung túng hay biện hộ cho cái sai và cho phép hành vi gây hại tiếp tục. Tha thứ không phải là ra vẻ “mọi thứ đều ổn cả”, không có vấn đề gì, hoặc có nhưng “chỉ là chuyện nhỏ thôi”.Ngược lại, để hành vi tha thứ mang ý nghĩa thì người làm sai, cái sai và mức độ ảnh hưởng của nó cần được ý thức rõ ràng.Quá trình tha thứ chỉ có thể bắt đầu với nhận thức là có điều sai trái đã xảy ra. Không có cái sai thì cũng không có gì và không ai cần được tha thứ. Như phần lớn các ý kiến xung quanh vụ Bob Kerrey đã chỉ ra, tha thứ không phải là lãng quên. Nó không chối bỏ nỗi đau của nạn nhân hay bắt họ nhất thiết phải trở thành bạn tốt nhất của kẻ gây hại.Nó cũng không nhất thiết phải là ân xá và khoan hồng, không liên quan tới việc bỏ qua hình phạt với người gây lỗi, mặc dù người tha thứ có thể lựa chọn không thực hành quyền này.“Cái được hủy bỏ trong hành vi tha thứ không phải là cái sai - tác giả Joanna North viết - mà là cái tác động tiêu cực và méo mó của cái sai lên người bị hại, lên quan hệ của người này với người gây hại và những người khác”.Vậy tha thứ là gì? Tha thứ là giải phóng bản thân khỏi sự ám ảnh của cái bất công xảy ra với mình, và sống một cuộc sống độc lập, không bị bóng đen của kẻ gây hại phủ lên.Khi bị hại, những cảm xúc tiêu cực xuất hiện: giận dữ, tổn thương, thất vọng, đi kèm với những ám ảnh không nguôi về kẻ gây hại. Từ là bạn hoặc trung tính, hình ảnh của người đó chuyển sang thù địch. Mong muốn trả thù xuất hiện, nằm trong vô thức hoặc được thể hiện ra ngoài, khiến những cảm xúc tiêu cực hướng tới đối tượng không thể vơi đi được.Tha thứ vừa là một lựa chọn, vừa là một quá trình và một phản ứng nội tại để giải phóng những cảm xúc tiêu cực kia. Khi người bị hại tha thứ thành công, sự giận dữ và căm ghét dịu đi, những ám ảnh phục thù được buông bỏ, hình ảnh của kẻ gây hại mất đi tính đe dọa.Mặc dù những tổn thất có thể vẫn còn đó (vết sẹo trên cơ thể, con chó đã bị mất, người đã chết) nhưng năng lượng tiêu cực không còn được tập trung vào đối tượng, sự căng thẳng nội tâm giảm đi, nhường chỗ cho một trạng thái bình yên và khỏe mạnh hơn.Khi một phụ nữ tha thứ cho kẻ hiếp dâm cô, Joanna North đưa ra một ví dụ, cô khước từ tiếp tục là nạn nhân của tội ác này.“Cái sai này đã gây cho tôi nhiều đau đớn, nhưng nó đã qua rồi, tôi không cho phép nó làm tôi đau nữa - cô nói - Tôi để nó vào chỗ của nó, một điều đã xảy ra trong quá khứ, tôi tha thứ cho anh. Cái sai này không phải là toàn bộ cuộc sống của tôi”.Tha thứ có bản chất chủ động. Nó dùng ý chí để thay đổi con tim, nỗ lực thay thế những ý nghĩ tiêu cực bởi những ý nghĩ tích cực, thay thế giận dữ và căm ghét bởi thiện chí và sự thanh thản. Có lẽ chính vì thế mà người ta hay nói trả thù là dành cho kẻ yếu đuối, chỉ người mạnh mẽ mới có thể tha thứ.Mặt khác, tha thứ bồi đắp cho sự tự tin và lòng tự trọng của người bị tổn thương. Khi anh ta tha thứ, anh ta chứng minh được là hành vi gây hại đã không thể hủy hoại con người anh. Anh vượt qua được tổn thất.Một số nhà tâm lý học cho rằng tha thứ chỉ trọn vẹn khi nó không chỉ là vượt qua được giận dữ và căm ghét hướng tới người gây hại (và quên đi hay phớt lờ anh ta đi), mà còn phải phát triển được một thái độ tích cực đối với con người này.Những người khác lại cho rằng như thế là đòi hỏi quá nhiều từ người tha thứ. Nhưng có một điều họ thống nhất: tha thứ không chỉ tốt cho người tha thứ, mà còn cho tất cả những người xung quanh. Một người phụ nữ ngừng giận dữ và tha thứ cho người bố đã xâm hại mình trong quá khứ không những chữa lành tâm lý cho bản thân, mà còn đem lại bình yên cho chồng con và những người khác trong cuộc sống của chị.Cần gì để tha thứ?Tha thứ cần gì từ người gây hại? Câu trả lời là không cần gì cả. Tha thứ không cần sự hối lỗi hay sửa sai của người kia làm điều kiện, bởi nếu vậy anh ta có thể chặn quá trình tha thứ lại và giam người bị hại như một con tin.Người gây hại có thể không biết gì tới sự tha thứ, không xin xỏ nó, không cần nó, thậm chí có thể ném trả nó lại. Nhưng anh ta không ngăn chặn được nó. Điều này cho phép một nạn nhân khủng bố tha thứ cho kẻ đánh bom tự sát đã chết.Nhưng không dễ để tha thứ, quá trình này là một con đường chông gai. Bản năng của cái tôi là muốn tấn công kẻ gây hại, tự vệ trước trải nghiệm bị tổn thương và thiết lập lại cảm giác an toàn. Vết thương càng đau thì mong muốn trả thù càng dữ dội.Tha thứ làm lòng vị kỷ bị thương, nó bắt cái tôi phải buông thả sự kiểm soát. Chỉ hình dung ra quyết định tha thứ thôi đã có thể khiến người ta cảm thấy bị đe dọa, lo ngại bị coi là yếu đuối hay hèn nhát.Trong Sách tha thứ: con đường bốn khúc chữa lành chúng ta và thế giới, tổng giám mục Desmond Tutu, người được coi là “lương tâm đạo đức” trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, kể lại câu chuyện về Ben Bosinger - một người đàn ông trung niên căm ghét bố từ 30 năm nay.Lúc nhỏ, Bosinger và các anh em mình bị người bố, “con người giận dữ nhất và tàn bạo nhất” mà anh từng gặp, làm nhục, đánh đập và tra tấn tàn nhẫn. Anh không biết vì sao mình lại được sinh ra.Lớn lên, anh căm ghét người bố và căm ghét bản thân. Anh không coi ông ta là người, không coi ông ấy tồn tại. Người bố không bao giờ xin lỗi, không bao giờ giải thích vì sao ông ta lại hung hãn như vậy. Nhưng rồi, nỗi đau bên trong Bosinger trở nên quá lớn để mang nó đi tiếp trong cuộc đời. Anh kể lại điều đã xảy ra:“Có một điều gì đó lớn lao hơn chính mình đã khiến tôi tha thứ cho ông ấy. Một hôm tôi lái xe tới trước nhà ông ấy, ông ra ngoài nhà và chúng tôi bắt đầu nói chuyện về xe môtô. Cả hai chúng tôi đều rất thích xe môtô. Khoảnh khắc đó, khi chúng tôi cùng cúi xuống xem xét cái động cơ đầy dầu mỡ, bên cạnh nhau, tôi tha thứ cho ông ấy. Tôi nhìn mớ tóc bạc và dài của ông ấy, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, ông đã suy yếu bởi cuộc sống vật lộn và tuổi già. Ông ấy là con người. Ông ấy mới nhiều khiếm khuyết làm sao. Ông ấy yêu thích xe môtô, giống hệt tôi, và đâu đó khi tôi nhìn thấy tất cả những điều đó, tôi đơn giản tha thứ cho ông ấy. Dường như một tảng đá khổng lồ được nhấc khỏi ngực tôi, cuối cùng tôi đã có thể thở bình thường. Ông ấy không xin tôi tha thứ. Ông ấy không hối lỗi hay cảm thấy ăn năn. Nhưng tôi vẫn tha thứ. Chúng tôi không khoác vai nhau cùng đi tới hoàng hôn”.Ben Bosinger tha thứ cho bố, mặc dù hai người không thành bạn tốt khoác vai nhau. Nhưng trải nghiệm của anh không kết thúc ở đó, những gì anh cảm nhận ở những năm tháng tiếp theo mới giúp chúng ta đi sâu vào trái tim của tha thứ và thực sự hiểu được bản chất của nó.“Nhiều năm sau, tôi gặp lại ông ấy, ông ta nói điều gì đó rất gây tổn thương, và trong một khoảnh khắc tôi tự hỏi liệu có phải sự tha thứ đã phai mòn. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng tôi đã kỳ vọng là sự tha thứ của tôi sẽ một cách thần kỳ nào đó biến ông ta thành một người khác, dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn. Với kỳ vọng đó, tôi lại một lần nữa biến mình thành nạn nhân của ông ta. Sự kỳ diệu không xảy ra với ông ta. Sự kỳ diệu xảy ra với tôi. Tôi thấy nhẹ nhõm. Thế giới trở nên một nơi chốn có nhiều hi vọng hơn.Tôi hiểu rằng mình là người duy nhất chịu trách nhiệm trong việc tôi làm bố như thế nào với các con tôi. Tôi đã mất nhiều thập kỷ của cuộc đời để tái diễn sự hành hạ mà tôi phải chịu đựng khi còn nhỏ. Khi tôi tha thứ cho bố tôi, tất cả tan chảy như băng. Tôi được tự do. Tha thứ không cứu rỗi ông ta hay không xóa lỗi của ông ấy. Nó cứu rỗi tôi”.Ben Bosinger bắt đầu được hành trình tha thứ của mình khi anh “đổi kính nhìn” (reframing). Qua việc đổi kính nhìn, người bị hại cố gắng xây dựng một bức tranh đầy đủ hơn về con người của kẻ gây hại và đặt hành vi của anh ta vào trong bối cảnh.Quá khứ của anh ta ra sao, những trải nghiệm đời nào đã tạo nên tính cách bây giờ của anh ấy? Có thể bố của Bosinger cũng có một tuổi thơ bị đánh đập và hắt hủi, đã chịu nhiều thất vọng, trải qua những tổn thương lớn không được chữa chạy. Chắc là ông ôm một khối giận dữ khổng lồ trong lòng...Hiểu biết không dẫn tới bao biện tội lỗi hay chối bỏ những tổn hại mà ông ta gây ra, nhưng nó giúp người con xây dựng tình cảm trắc ẩn và thấu cảm đối với người cha, và qua đó tha thứ được cho ông ta.“Nhìn bằng con mắt khác” cũng tách con người gây hại ra khỏi hành vi gây hại, một quá trình ngược với nghi lễ hạ nhục và dán nhãn mà chúng ta từng nói tới. Nó cho phép ta nhìn anh ta với sự phức tạp và đa chiều.Người bố bạo lực đã từng là người con, học trò, người lính hay người thợ. Không chỉ là người bố đánh con, ông ta còn có một lịch sử, một số phận, những câu chuyện. Những hành vi của ông ta là kết quả của những trải nghiệm và hoàn cảnh quá khứ của ông. Chúng ta lên án hành vi sai, nhưng không căm ghét người làm sai.Khi tha thứ, người bị tổn thương hóa giải nỗi đau trong mình, giải độc nó, chứ không ném trả nó cho người gây hại, hoặc chuyển nó cho người khác bằng cách gây tổn thương cho họ. Vòng xoáy trả thù và gây đau đớn được dừng lại. Tha thứ là một món quà người ta tự tặng bản thân mà cũng tặng cho những người xung quanh mình.Từ tha thứ tới hòa giảiTuy nhiên, tha thứ thành công không có nghĩa là quan hệ của người bị hại và kẻ gây hại nhất thiết phải trở lại như trước khi cái sai xảy ra. Để phục hồi quan hệ và niềm tin, cần thêm một bước nữa. Đó là hòa giải.Nếu như tha thứ là buông bỏ ý muốn trả thù và sự cay đắng, thấu cảm với những đau đớn và u mê của họ, mong muốn họ được cải hóa và gặp những điều tốt lành, thì hòa giải đi xa thêm nữa. Hòa giải hàn gắn, phục hồi quan hệ giữa hai người. Tha thứ thay đổi thái độ của ta với kẻ gây hại. Hòa giải khôi phục quan hệ của ta với họ.Tha thứ có thể không đi kèm với hòa giải. Một người vợ có thể tha thứ cho người chồng bạo lực, hiểu vì sao anh ta hành xử vậy, thậm chí giúp đỡ khi anh ta gặp khó khăn, nhưng nếu anh ta không cải thiện được các hành vi của mình thì hòa giải và tiếp tục quan hệ hôn nhân là một điều nguy hiểm.Trong trường hợp đó, người vợ nên từ chối tiếp tục là nạn nhân. Cô nên xây dựng cuộc sống riêng của mình mà không có người chồng, mặc dù không mang theo sự oán trách và giận dữ, bởi cô đã tha thứ.Ngược lại, một người nhẫn nhục tự nguyện chịu đựng cái sai trái của người khác không phải là người có trái tim tha thứ, mà là một người không phân biệt được đúng - sai.Cũng theo tinh thần này, khi nạn nhân của những kẻ đánh bom khủng bố tha thứ, họ từ chối để căm ghét ăn mòn tâm hồn mình, nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên sẽ hòa giải với nhau, sẽ chia sẻ niềm tin và quan điểm của nhau.Hòa giải cần sự tha thứ của người bị hại làm tiền đề, nhưng không chỉ vậy. Nếu như tha thứ không cần tới sự ăn năn, hối lỗi của kẻ gây hại thì hòa giải lại chỉ có thể xảy ra khi người làm sai nhìn ra lỗi lầm, bày tỏ hối hận, có hành vi chuộc lỗi và sửa sai. Chúng ta cần học cách đánh giá người khác không phải thông qua cái họ làm hay cái họ bỏ sót không làm, mà qua những khổ đau họ đã trải qua.Dietrich BonhoefferDường như đây cũng là nguồn cơn của các tranh cãi xung quanh câu chuyện của Bob Kerrey và Đại học Fulbright. Không liên quan tới tha thứ nữa (cả hai bên đều nhấn mạnh mình không còn thù hận), quan điểm về hòa giải chính là điều gây ra sự bất đồng, mặc dù chữ này ít xuất hiện.Nhiều người mong muốn nhìn thấy những hành động khác nữa của Kerrey để có thể xây dựng một niềm tin và tương lai chung mà biểu tượng của nó là chức vụ chủ tịch kia. Những người Thạnh Phong muốn ông ta tới thắp hương tại bia tưởng niệm.“Hơn 40 năm, nhóm lính Mỹ năm xưa có người còn, người mất, thế nhưng chưa từng có một ai đến hối lỗi như họ nói”. Tác giả Nguyễn Thanh Việt, người được giải Pulitzer 2016, có ý kiến tương tự. Ông cho rằng để Bob Kerrey có thể ở vị trí này, ông ta cần có một loạt hành động sửa sai mang tính biểu tượng cũng như vật chất, như thăm làng Thạnh Phong và trực tiếp xin lỗi gia đình các nạn nhân.Trường Fulbright có thể thiết lập một chương trình giáo dục hỗ trợ thanh thiếu niên của làng để họ có thể tham gia học ở Fulbright trong tương lai... Đây là những cử chỉ chuộc lỗi để quá trình hòa giải có thể xảy ra.Khi một số nhà nghiên cứu phát hiện ra Trường đại học Brown danh tiếng của Mỹ, được thành lập năm 1764, từng liên quan tới buôn bán nô lệ trong lịch sử của mình, trường đã nhanh chóng có một loạt hành động chuộc lỗi và sửa sai.Trường mở rộng khoa Phi học của mình, thiết lập một chương trình học bổng về lĩnh vực buôn bán nô lệ, mời đại văn hào Nigeria Chinua Achebe tới thỉnh giảng, ủy nhiệm nhà sử học Jane Lancaster viết lại lịch sử của trường, và lên kế hoạch dựng một đài tưởng niệm trong khuôn viên trường.Một sức mạnh khổng lồCó người so sánh tha thứ với một sự kiện quan trọng với sức mạnh khổng lồ, giải phóng người ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ, nghi ngờ, đem lại sự giải tỏa về cảm xúc. Quá trình dẫn tới tha thứ được nhìn nhận là nhân đạo, dũng cảm, lành mạnh và mang tính phục hồi.Tha thứ cho kẻ làm hại ta, cũng như xin người bị ta hại tha thứ, có tác động trị liệu cho cả hai bên, giống như một khối u được khoét bỏ, rắc thuốc, phơi ra ánh nắng ấm áp và bắt đầu lên da non. Hãy hình dung sức mạnh hàn gắn và hồi phục mà tha thứ đem lại khi một người lần đầu tiên trong đời viết thư cho bố, khi một người khác kết bạn được với kẻ đã bắn mình tàn phế.Lạ lùng thay, cảm xúc mạnh mẽ trỗi dậy khi tha thứ khiến người ta rũ bỏ được cảm giác nạn nhân vốn ám ảnh lâu nay. “Tha thứ thôi” - ông Huỳnh Văn Nén, “người tù oan thế kỷ” đã phải ngồi 17 năm trong tù trước khi được minh oan, nói vậy sau buổi lễ do Viện kiểm sát nhân dân Bình Thuận tổ chức để xin lỗi ông.Nếu ông gặp lại nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng, người đã gây oan sai, thì sao? “Giả dụ có gặp lại ông Hùng thì mình cũng tay bắt mặt mừng thôi...” - ông nói.Nỗi đau càng lớn thì sự giải phóng tới từ hành vi tha thứ lại càng lớn. Nếu hai vợ chồng Herzog vẫn bị tai nạn của cô con gái Susan cầm tù trong nhiều năm sau, thì Mariette Jaeger, với một tổn thất cũng khủng khiếp như vậy, đã giải phóng được bản thân.Vào đêm cuối cùng của một kỳ nghỉ cắm trại trong rừng của gia đình, Susie, cô con gái 7 tuổi của bà, bị bắt cóc. Trong những tuần tiếp theo, người ta xới tung cả những cánh rừng lân cận, dùng tàu thủy quét lưới dọc dòng sông bên cạnh để tìm cô bé.Gia đình Jaeger kiệt quệ về sức lực và cảm xúc, bà thề rằng bà có thể vừa nhếch mép cười vừa giết chết kẻ bắt cóc bằng hai bàn tay trần của mình. Nhưng rồi bà quyết định tha thứ, bà biết rằng nếu để căm ghét xâm chiếm mình, nó sẽ hủy hoại cuộc đời bà.Đúng một năm sau, kẻ bắt cóc gọi điện thách thức Jaeger, nhưng sau một tiếng đồng hồ hắn suy sụp bên điện thoại khi cảm nhận được sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn của bà và thú nhận đã giết chết Susie.Theo luật pháp, mặc dù kẻ bắt cóc xứng đáng bị xử tử, bà xin chuyển án của hắn thành tù chung thân. Bà cho rằng giết hắn sẽ làm tổn hại tới vẻ đẹp và sự ngọt ngào của cuộc đời Susie và tầm thường hóa nó.Em xứng đáng được nhận một tưởng niệm cao quý và đẹp đẽ hơn là một hành động giết người lạnh lùng được nhà nước phê chuẩn. Bốn tiếng sau khi yêu cầu của bà được chấp thuận, kẻ bắt cóc tự vẫn trong trại giam.Trong 20 năm tiếp theo, Jaeger làm việc xã hội, hỗ trợ các gia đình nạn nhân tương tự. Trong cuốn Khám phá tha thứ, bà nhìn lại: “Trải nghiệm của tôi luôn được khẳng định. Những gia đình này có tất cả các quyền để căm tức và thịnh nộ, nhưng những ai vẫn giữ tư duy báo thù cuối cùng lại trao cho kẻ phạm tội một nạn nhân nữa. Cay đắng, bị hành hạ, cầm tù trong quá khứ, chất lượng cuộc sống của họ suy giảm. Căm ghét, giận dữ, phẫn uất, chua chát, thù hằn - chúng sẽ lấy đi cuộc đời của chúng ta như là cuộc đời của Susie đã bị lấy đi”.Mặc dù không bao giờ lựa chọn vậy, Jaeger cho rằng bà nhận được một món quà từ cái chết của con mình. Bà đã học được khả năng tha thứ. Jaeger cũng kết nối với mẹ của thủ phạm để làm dịu nỗi đau của người phụ nữ kia. Họ trở thành bạn. Từ đó tới giờ, hằng năm, hai người phụ nữ luôn đi cùng nhau khi thăm mộ con mình. Bạn biết là tha thứ đã bắt đầu khi bạn nhớ lại những kẻ đã làm bạn đau đớn và bạn cảm thấy sức mạnh để chúc họ mọi điều tốt đẹpLewis B. SmedesTha thứ: Chỉ con người có đượcĐã một lần cảm nhận được sự mạnh mẽ, khỏe mạnh của hành vi tha thứ và tác động tích cực của nó trong cuộc sống, người ta sẽ mong muốn lặp lại nó với những người khác, trong những hoàn cảnh khác. Người ta cũng ý thức tốt hơn về những cái sai mình đã gây ra cho người khác, những lúc mình đã cần xin tha thứ.Dần dần, phong cách và triết lý sống thay đổi, người ta dịch chuyển từ một con người giận dữ và hằn học sang một tính cách tha thứ và khoan dung.Chúng ta đã đi qua nhiều ví dụ của tha thứ ở mức độ cá nhân, giữa người và người. Thế còn ở bình diện xã hội thì sao, tha thứ có thể đóng vai trò gì?Sau khi chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bị lật đổ vào năm 1994, Nelson Mandela và tổng giám mục Desmond Tutu thiết lập Hội đồng sự thật và hòa giải với mục đích kiến tạo hòa bình, tha thứ và hòa giải.Triết lý của Mandela và Tutu và những cộng sự là để đi tới tương lai và vượt qua những chấn thương khổng lồ, đất nước của họ cần tìm ra sự thật về quá khứ và hàn gắn, chứ không thể rơi vào vòng xoáy trả thù những kẻ đã gây tội.Khi Mandela trở thành tổng thống, ông mời những cai ngục ở nhà tù Robben Island, nơi ông đã bị cầm tù trên 20 năm, làm công việc lái phà và hướng dẫn viên khi nhà tù này trở thành một bảo tàng. Chúng ta đã quen với việc những cựu tù nhân kể cho các thế hệ sau trải nghiệm của mình.Nhưng hãy dừng một giây để hình dung: ở đây, những người cai ngục chia sẻ với khách tham quan những bài học lịch sử. Có hình ảnh nào mạnh mẽ hơn cho sự chuyển hóa cái ác?Bản năng trả thù là một phần của con người, nhưng không phải chỉ của con người. Nhiều loài động vật khác cũng có nó. Một con chó đã từng bị con khác cướp thức ăn có thể vẫn nhe răng gầm gừ khi gặp lại con này sau một thời gian dài. Chúng không tha thứ, chúng chỉ có thể quên. Khả năng tha thứ và xin được tha thứ là một trong những điều duy nhất mà chỉ con người có được. Tags: Tha thứĐặng Hoàng GiangNói gì về tha thứKhi nói về tha thứ
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Làm gì để các cầu có thiết kế giống cầu Phong Châu được an toàn? TUẤN PHÙNG 14/09/2024 Sau vụ sập cầu Phong Châu, chuyên gia cho rằng ngoài kiểm tra, gia cố cầu yếu, phải chống khai thác cát bừa bãi.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Đề nghị Indonesia tạo thuận lợi cho sản phẩm Halal Việt Nam tiếp cận thị trường THANH HIỀN 14/09/2024 Sáng 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.