Giấc mơ truy tìm dấu vết dịch

NGUYỄN VŨ 18/08/2020 22:08 GMT+7

TTCT - Các ứng dụng truy vết tiếp xúc (contact tracing) ở nhiều nước không được phổ biến như mong đợi chủ yếu do bản thân nó còn nhiều điểm yếu, chưa đáp ứng nhu cầu và chưa giúp ích gì nhiều trong thực tế.

Ảnh: The Conversation
Ảnh: The Conversation

Ngay từ đầu dịch COVID-19, nhiều người đã mơ chuyện làm sao để bất kỳ ai cũng có thể ghi nhận họ từng tiếp xúc gần với những người nào trong vòng vài ba tuần trở lại đây. Nếu ai cũng có một cuốn sổ nhật ký tiếp xúc như vậy, giả thử sau này họ bị dương tính với COVID-19, người ta sẽ lấy sổ ra thông báo cho hết thảy những người từng tiếp xúc, rằng họ là F1 đấy, hãy tự cách ly và xét nghiệm đi.

Nhưng ghi sổ bằng tay như ghi nhật ký là không khả thi vì không ai đủ kiên nhẫn ngồi ghi chép như thế. Chỉ bằng con đường công nghệ, ghi nhận tự động, qua thiết bị duy nhất con người ngày nay luôn mang kè kè bên người chính là chiếc điện thoại di động.

Biên soạn một ứng dụng để điện thoại di động tự động ghi nhận đã từng tiếp xúc với một điện thoại di động khác với đầy đủ chi tiết như ngày giờ, địa điểm tiếp xúc rồi tự động gởi thông tin ấy về một máy chủ là điều dễ dàng nhưng không ai dám làm thế cả.

Không một người dùng điện thoại di động nào đồng ý cài một ứng dụng theo dõi từng bước chân, từng cuộc gặp gỡ của họ như thế. Vì thế, giai đoạn đầu, các cuộc bàn luận về một ứng dụng theo dõi dấu vết dịch bệnh rất sôi nổi nhưng không đi đến một giải pháp khả thi nào.

Nhiều cái khó

Vấn đề một ứng dụng theo vết COVID-19 cần giải quyết là bảo mật thông tin người dùng. Từ đó một số yêu cầu được đặt ra: không dùng sóng di động, không gởi thông tin về máy chủ, không dùng GPS định vị, không dùng WiFi hay 3G, 4G vì dễ mất kết nối khi ra ngoài vùng có WiFi hay sóng 3G, 4G.

Singapore giải quyết triệt để các yêu cầu này bằng cách phát cho người dân mỗi người một cái vòng có thể làm móc chìa khóa, đeo lên thắt lưng hay bỏ trong túi, chỉ phát sóng Bluetooth và khi gặp một thiết bị tương tự trên người khác chúng sẽ ghi nhận ngày giờ tiếp xúc.

Vậy là không còn tranh cãi, người nghèo đâu xài điện thoại di động, khỏi sợ lộ thông tin vì máy đâu có sóng di động để gởi thông tin, cũng chẳng có GPS để ghi nhận địa điểm lui tới.

Vậy thiết bị Singapore đó hoạt động như thế nào? Đến khi một người nào đó có triệu chứng rồi đi xét nghiệm và khẳng định có mắc COVID-19, họ sẽ nộp máy cho cơ quan y tế và nơi này sẽ trích xuất dữ liệu để biết chính xác trong vòng hai tuần trước đó họ đã tiếp xúc gần với ai.

Từ đó việc truy tìm nguồn lây lan sẽ được kiểm soát dễ dàng. Singapore làm được điều này vì họ giàu, dân số lại ít, chứ các nước nghèo đông dân ắt không làm nổi. Các nước khác cho đến nay vẫn dùng điện thoại di động là thiết bị hỗ trợ việc truy tìm dấu vết dịch.

Trong nhiều tháng liền, báo chí các nước vẫn ghi nhận những tranh luận không dứt về quyền riêng tư, về nỗi lo bị theo dõi lộ trình đi lại, bị tiết lộ đã gặp những ai, chưa kể quan ngại bị tin tặc đột nhập vào điện thoại di động đánh cắp thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng.

Từ đó mọi người thống nhất không thể biên soạn một ứng dụng dựa vào GPS hay WiFi được mà phải dùng tín hiệu Bluetooth. Hai ông lớn của làng công nghệ là Apple và Google - chủ nhân của hai hệ điều hành hiện đang dùng trên hầu như tất cả điện thoại di động trên thế giới - quyết định nhảy vào cuộc.

Họ công bố một API, tức một giao thức kết nối để các nhà lập trình có thể dựa vào đó biên soạn các ứng dụng gọi là “Thông báo phơi nhiễm”. Nói đơn giản, điện thoại nào chạy ứng dụng dựa vào API này sẽ dùng tín hiệu Bluetooth có sẵn trên máy phát ra liên tục; gặp máy khác chúng sẽ “bắt tay” ghi nhận lẫn nhau vào một “cuốn sổ” trên máy.

Để mọi người khỏi lo ngại chuyện bảo mật, máy sẽ được gán một mã định danh nhưng liên tục thay đổi; ứng dụng sử dụng API của Apple và Google sẽ không được truy cập hệ thống GPS của máy. Lúc Apple và Google công bố sáng kiến này, báo chí đưa tin rầm rộ và cứ tưởng một thời gian ngắn sau nhiều nước sẽ tung ra các ứng dụng sử dụng nền tảng này.

Thực tế ở Mỹ sau hai, ba tháng, chỉ có một số ít ứng dụng như thế được tung ra cho người dân và mức độ đón nhận của người dùng cũng rất thấp. Báo chí hầu như quên hết chuyện truy dấu vết bằng công nghệ.

Không như kỳ vọng

Mức độ thành công cũng khác nhau ở các nước khác, nhìn chung mức độ phổ biến và hiệu quả không như kỳ vọng ban đầu. Các nước áp dụng sớm và có thành công nhất định có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.

Số lượng người dân sử dụng ứng dụng cao nhất là Ấn Độ - chỉ trong vòng 41 ngày sau khi ứng dụng tung ra đã có hơn 100 triệu lượt tải về do Chính phủ Ấn Độ bắt buộc nhân viên muốn quay trở lại làm việc hay người sử dụng phương tiện công cộng phải cài. Ở châu Âu, nhiều nước biên soạn ứng dụng dựa vào API của Google, Apple như Thụy Sĩ, Đức, Ý nhưng tỉ lệ người dùng vẫn còn thấp…

Thật ra công nghệ được tung hô ầm ĩ nhiều năm nay nhưng khi đụng đến dịch bệnh hóa ra chẳng làm được gì nhiều. Các cụm từ thường được dùng như “trí tuệ nhân tạo”, “học máy”, “dữ liệu lớn”, hay kể cả cụm từ thời thượng nhất trước đó là “blockchain” hầu như biến mất. Lẽ ra blockchain nếu đúng như tiềm năng được ca tụng phải là nền tảng tốt nhất để ghi dấu truy tìm COVID-19 như một cơ sở dữ liệu không ai hack được, bảo mật 100%.

Cho nên ngoài nỗi lo ngại về khả năng tính riêng tư bị xâm phạm, các ứng dụng không được phổ biến như mong đợi chủ yếu do bản thân nó còn nhiều điểm yếu, chưa đáp ứng nhu cầu và chưa giúp ích gì nhiều trong thực tế.

Đến nay, ngay cả những nước giàu, công nghệ phát triển như ở Mỹ vẫn thấy con đường truy tìm dấu vết bằng phương thức cổ điển vẫn hiệu quả hơn cả. Đó là tổ chức một đội ngũ được huấn luyện để gọi điện hỏi F0 lộ trình di chuyển tiếp xúc của họ.

Sau đó gọi điện cho từng ca F1 để cảnh báo rủi ro lây nhiễm, đưa ra lời khuyên và hướng dẫn các biện pháp cần thiết như tự cách ly hay lấy mẫu xét nghiệm. Hóa ra cách làm này không dùng bất kỳ loại sóng nào mà vẫn lan tỏa thông tin ra đúng địa chỉ cần thông báo. ■

Góp ý cho Bluezone

Ứng dụng Bluezone là một nỗ lực của Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ vào phòng chống dịch bệnh, cần khuyến khích. Tuy nhiên ứng dụng này vẫn còn những thiếu sót cần được góp ý hoàn thiện.

Đầu tiên là vấn đề kỹ thuật. Bluezone dùng tín hiệu Bluetooth để ghi nhận các lần hay máy tiếp xúc gần, nhưng theo kinh nghiệm của Singapore, các máy điện thoại chạy hệ điều hành iOS lại tự động ngưng quét Bluetooth khi ứng dụng ở tình trạng chạy nền.

Nói cách khác, dù người dùng đã bật Bluetooth nhưng điện thoại của hai người tiếp xúc gần cũng chẳng ghi nhận gì nếu một trong hai điện thoại của họ là iPhone. Không biết Bluezone đã giải quyết được vấn đề mà Singapore gặp phải chưa? Bluezone có sử dụng API của Google và Apple hay không?

Thứ hai là chuyện giải thích cho người dùng. Thiết nghĩ hãy bỏ đi cái câu mỗi khi mở ứng dụng Bluezone ra đều thấy: “Chưa phát hiện F0 nào tiếp xúc gần với bạn”. Có thể các tác giả Bluezone có tham khảo các ứng dụng tương tự ở nước khác nên gộp cả hai đặc điểm vào chung: Bluezone giúp phát hiện người ĐÃ NHIỄM COVID-19 và Bluezone giúp ghi nhận người SẼ NHIỄM COVID-19.

Ở nước khác, một người dương tính, nhiễm COVID-19 vẫn có thể tự điều trị ở nhà nên mới có khả năng xảy ra chuyện người khác tình cờ tiếp xúc F0; lúc đó nếu cả hai đều cài ứng dụng và cơ quan y tế đã ghi nhận người bị dương tính, người tình cờ tiếp xúc có thể được báo ngay khi tiếp xúc với F0. Ở nước khác, F1 vẫn ở nhà chứ không cách ly tập trung nên ứng dụng kỳ vọng cảnh báo ngay cho bất kỳ ai tiếp xúc.

Tuy nhiên ở nước ta, F0 sẽ nhập viện, F1 được cách ly tập trung, lấy đâu ra ngoài xã hội mà người khác có thể tiếp xúc. Bluezone chỉ có một nhiệm vụ thôi: ghi nhận hết mọi tiếp xúc trong vài ba tuần và chờ; giả dụ một người có cài Bluezone mà dương tính, ngay lập tức cơ quan y tế sẽ hỏi và trích xuất thông tin tiếp xúc trên ứng dụng Bluezone của người này rồi dựa vào đó để thông tin đến những F1 có trong danh sách tiếp xúc. Phải làm rõ cơ chế này để thuyết phục người dân sử dụng Bluezone mà không có những kỳ vọng sai lệch.

Tại sao không dùng ngay menu của ứng dụng để thêm phần giải thích, hay thêm cả phần các câu hỏi thường gặp để bất kỳ ai dùng Bluezone đều có thể đọc được ngay trên máy? Đừng dùng các hình thức dễ bị hiểu nhầm như “tổng lượt tiếp xúc”, “lượt tiếp xúc gần” bởi các con số này không có ý nghĩa gì cả. Hai người ở chung nhà, hai máy đều cài Bluezone thì chỉ sau vài ba ngày, “tổng lượt tiếp xúc” có thể lên đến hàng chục lần - vẫn chỉ hai người đó với nhau.

Một ứng dụng muốn thành công cần có nỗ lực truyền thông đi kèm. Chuyên gia truyền thông sẽ nhấn mạnh thông điệp cần chuyển tải, loại trừ các thông điệp dễ gây hiểu nhầm và tìm cách dễ hiểu nhất để giải thích cho người dùng dù họ chỉ mới làm quen với công nghệ. Người ta không ngại chuyện lộ thông tin, họ chỉ không hiểu cài Bluezone để làm gì, hiệu quả như thế nào mà thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận