Giảm dùng tiền mặt, giảm kinh tế phi pháp

LOAN PHƯƠNG 08/06/2019 17:06 GMT+7

Việc chuyển dần nền kinh tế sang các phương thức giao dịch phi tiền mặt sẽ góp phần quan trọng chặt đứt những “vòi bạch tuộc” kinh tế phi pháp.

Ảnh: Intheblack
Ảnh: Intheblack

Như mọi hoạt động kinh tế khác, các hoạt động kinh tế phi pháp cần phương tiện giao dịch và tiền mặt được ưa thích bởi không để lại dấu vết dòng tiền. Việc chuyển dần nền kinh tế sang các phương thức giao dịch phi tiền mặt, bởi thế, sẽ góp phần quan trọng chặt đứt những “vòi bạch tuộc” kinh tế phi pháp.

Các hoạt động kinh tế phi pháp (cũng được gọi là kinh tế đen, kinh tế ngầm, kinh tế bóng tối - dù đôi khi các cách gọi này có thể gây nhầm lẫn với lĩnh vực kinh tế phi chính thức) là những hoạt động thương mại vận hành bên ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định và thuế khóa.

Các hoạt động này đương nhiên bao gồm việc kinh doanh vi phạm pháp luật rõ ràng như buôn bán hàng cấm (ma túy, vũ khí, buôn lậu…), buôn người, đánh bạc phi pháp…; nhưng còn cả những hoạt động kinh tế khác ở các khoản mờ hơn như kê giá tài sản để trốn thuế, nhận lương ngoài sổ sách để né bảo hiểm xã hội, lừa đảo để nhận trợ cấp xã hội…, gần như tất cả đều vận hành toàn bộ hoặc một phần qua công cụ chi trả tiền mặt trực tiếp.

Nền kinh tế đen gây ra thiệt hại cho những người đóng thuế trung thực, làm xói mòn sự tin cậy với hệ thống thuế và phúc lợi xã hội cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Trong khi kinh tế ngầm là một vấn đề đã lâu dài với gần như mọi quốc gia, những phức tạp và đe dọa mới đang nảy sinh do những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và công nghệ thời gian qua.

Điều này khiến các biện pháp kiểm soát hành chính, và cả pháp luật, không phải lúc nào cũng hiệu quả nữa, trong khi việc chuyển đổi dần sang không dùng tiền mặt - một biện pháp nhấn mạnh vào kỹ thuật và công nghệ - chắc chắn sẽ hữu ích hơn nhiều, nhất là ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Các ước tính là khác nhau, nhưng đều cho rằng quy mô nền kinh tế ngầm ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP. Một nghiên cứu của Đại học Fulbright đưa ra ước tính này. Báo cáo “Thu hẹp quy mô kinh tế ngầm tại Việt Nam qua thanh toán điện tử” do EY thực hiện theo sự ủy nhiệm của Hãng thẻ tín dụng Mastercard đưa ra con số 21,5% GDP vào năm 2016.

Các hoạt động này ước tính gây ra thâm hụt ngân sách tương đương 2,4% GDP, theo báo cáo “Thu hẹp quy mô kinh tế ngầm”, và 3,5-6,1% GDP theo một nghiên cứu khác - “Nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam lớn tới mức nào?” - của tác giả Nguyen Thai Hoa vào tháng 3-2019, đăng trên tạp chí Economic Affairs.

Để giảm bớt quy mô của lĩnh vực kinh tế ngầm, báo cáo “Thu hẹp quy mô kinh tế ngầm” đề xuất và phân tích các giải pháp: bắt buộc sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán đối với một số loại hình kinh doanh, ưu đãi thuế với người tiêu dùng, ưu đãi thuế với đơn vị bán hàng (không dùng tiền mặt), bắt buộc trả lương bằng hình thức điện tử, bắt buộc trả phúc lợi bảo hiểm xã hội bằng hình thức điện tử, giới hạn tối đa việc thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng.

Việc một báo cáo do Mastercard tài trợ thực hiện khuyến khích việc giảm bớt dùng tiền mặt là dễ hiểu, nhưng những lợi ích thực tế của việc chuyển dần sang thanh toán điện tử thực sự là không thể phủ nhận.

Báo cáo “Nền kinh tế phi chính thức” viết: “Rõ ràng là Việt Nam vẫn còn khả năng đáng kể để tăng nguồn thu thuế. Nếu phạm vi của nền kinh tế phi chính thức được kiểm soát và giảm bớt, hay nói cách khác, nếu nhiều pháp nhân hơn được khuyến khích tham gia các lĩnh vực chính thức, thuế thu được có thể tăng 2-3% GDP mà không cần tăng gánh nặng thuế lên lĩnh vực kinh tế chính thức.

Hơn thế, việc chính thức hóa nền kinh tế không chỉ giúp đảm bảo ổn định và bền vững cho ngân sách - nhờ mở rộng cơ sở thuế và giảm mức thuế, mà còn cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Cũng cần nói thêm, tăng thu ngân sách không chỉ là lợi ích duy nhất của việc giảm sử dụng tiền mặt. Có thể kể thêm ở đây các tác động xã hội phụ trợ khác của việc giảm bớt dùng tiền mặt: minh bạch hóa các dịch vụ công, giảm tham nhũng vặt, định hướng và kiểm soát các nguồn lực cho chính sách phúc lợi chính xác và hoàn chỉnh hơn, tạo sức ép để hiện đại hóa hệ thống ngân hàng…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận