Giám sát điện tử với công dân trong đại dịch: Hết dịch thì sao nữa?

PHAN XUÂN LOAN (TỔNG HỢP) 09/05/2020 20:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 là lý do nhiều quốc gia đã bắt đầu sử dụng công nghệ để theo dõi sự di chuyển của công dân, phục vụ việc kiểm dịch và thiết lập liên lạc với bệnh nhân. Các tình huống khẩn cấp đã khiến quyền con người và quyền tự do bị đặt xuống hàng thứ yếu.

Artyom Kozliuk. Ảnh: Novaya Gazeta
Artyom Kozliuk. Ảnh: Novaya Gazeta

RosKomSvobody, một tổ chức xã hội Nga bảo vệ quyền tự do kỹ thuật số, đã thiết lập một bản đồ tương tác (https://pandemicbigbrother.online) về việc hạn chế quyền kỹ thuật số liên quan đến đại dịch. Một phần đáng kể của các quốc gia trên bản đồ thế giới được tô màu đỏ - có nghĩa ở đó các hình thức hạn chế kỹ thuật số khác nhau đã được áp dụng... Tờ Báo Mới Nga đã trò chuyện với người đứng đầu RosKomSvobody Artyom Kozliuk.

Cởi ra rồi có buộc lại ?

Có thể nói đại dịch đang “cởi trói” cho nhiều quốc gia về mặt giám sát điện tử người dân hay không?

- Tất nhiên rồi, khi lập bản đồ, chúng tôi đã tìm tới các ấn phẩm truyền thông địa phương và quốc tế, thông tin của chính quyền để tìm hiểu các biện pháp kiểm soát công dân được áp dụng ở các nơi và chúng khác nhau ra sao ở các nước. Chúng bao gồm việc dõi theo định vị địa lý, triển khai hệ thống nhận diện gương mặt, các nhiệm vụ cài đặt trước phần mềm…

Theo bản đồ, chúng tôi thấy rõ không chỉ Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu khác đã đưa ra các biện pháp hạn chế quyền tự do của công dân, mà cả ở Mỹ, các nước Mỹ Latin, châu Âu nữa. Tất cả đều được tiến hành dưới lý do chống lại đại dịch.

Dĩ nhiên, nói về việc chống virus corona, tất cả những biện pháp này thậm chí là hợp lý, nhưng xã hội cần biết rằng những biện pháp này sẽ phải gỡ bỏ sau dịch bệnh. Còn có những lo ngại lớn rằng những nước Nga, Trung Quốc và Iran sẽ không chấm dứt việc giám sát công nghệ, mà chuyển nó sang những lĩnh vực hoạt động khác của họ.

Đâu là nơi những kịch bản khó chịu nhất đang được triển khai?

- Trung Quốc nổi bật nhất. Nga đi theo con đường riêng của mình: đó là các mã QR và việc theo dõi lộ trình. Bây giờ người ta phải xin phép để di chuyển ở các khu vực khác nhau. Matxcơva đang triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt, một việc cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của công chúng.

Ở Kazakhstan, họ buộc phải cài đặt phần mềm đối với những người có tiếp xúc hoặc bản thân đã nhiễm bệnh. Ở một số quốc gia, người ta giám sát công dân qua các thiết bị bay không người lái, ở những nước khác họ thực hiện những quy trình khác.

Tình hình thay đổi mỗi ngày. Nếu hôm nay không có dữ liệu về một quốc gia, ngày mai chúng tôi đã có thể đánh dấu nó bằng màu đỏ trên bản đồ của chúng tôi. Thế nhưng chúng tôi không thể xếp hạng các quốc gia theo mức độ san bằng quyền công dân và sự tự do, bởi còn nhiều yếu tố khác nhau tác động đến chúng. Những biện pháp được đưa ra có thể được biện minh sâu sắc bởi luật pháp địa phương, mà đâu đó các luật lệ có thể tự do hơn.

Những kỹ thuật theo dõi người dân được áp dụng phổ biến nhất hiện là gì?

- Việc sử dụng hệ thống nhận diện gương mặt, theo dõi điện thoại. Điều này cũng bao gồm việc kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội - một số quốc gia khá nhạy cảm với các thông tin mà họ cho là giả.

Ngay cả ở Nga, các phương tiện truyền thông thường nỗ lực công khai tranh cãi lại các quyết định (của các cơ quan) này. Họ cố giải thích họ đã bị hiểu sai trong bối cảnh. Ngoài ra, họ có lý do để xuất bản những dữ liệu đó. Trong thực tế, những hạn chế như thế chính là tiến hành kiểm duyệt trong bối cảnh đại dịch.

Các ứng dụng truy dấu khác nhau cũng đã xuất hiện ở Anh và Tây Ban Nha. Những ứng dụng đó là gì? Chúng có giống với chương trình “Social monotoring” (Giám sát mạng xã hội) vừa được tung ra ở Nga không?

- Có thể có những sắc thái khác nhau trong các chức năng của chúng nhưng như chúng ta thấy, các ứng dụng của quốc gia có thể rất thô sơ, như “Social monitoring” ở Matxcơva. Có thể tìm thấy một số lượng lớn các lỗ hổng khiến người dùng có nguy cơ mất thông tin mật.

Đó là một trong các chi tiết hữu hình. Các sắc thái khác nhau chưa cho phép có một cơ sở thực tế, cần các nghiên cứu kỹ thuật để so sánh các ứng dụng: chương trình này hay chương trình khác mã hóa bao nhiêu lưu lượng, nó thu thập dữ liệu theo đúng luật pháp địa phương đến cỡ nào...

Các hạn chế được áp đặt ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, nhưng khác biệt chính là ở chỗ tại các nước dân chủ hơn thì khả năng cắt giảm các biện pháp như vậy sau đại dịch cao hơn ở các nước khác. Ở các chế độ dân chủ có sự kiểm soát của xã hội và hệ thống tư pháp hiệu quả hơn.

Camera giám sát với hệ thống nhận diện gương mặt trong metro Nga. Ảnh: RIA
Camera giám sát với hệ thống nhận diện gương mặt trong metro Nga. Ảnh: RIA

Tương lai hậu đại dịch là gì ?

Lấy “Social monitoring” làm ví dụ, liệu có thể việc cài đặt ứng dụng này trở thành một thông lệ vĩnh viễn trong khuôn khổ luật pháp về việc cài đặt phần mềm bắt buộc của Nga không?

- Vâng, bạn đã nhận xét đúng. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để những phương pháp kỹ thuật chính xuất hiện trên nền đại dịch, không biến thành chủ lưu và không xâm lấn sự tồn tại của chúng ta.

Các ứng dụng bắt buộc này có thể được gọi tên khác nhau, trong số đó có những tên gọi xem chừng vô hại: “Kiểm soát tình huống dịch tễ” hoặc “Kiểm tra sức khỏe”. Các cơ quan hữu quan có thể yêu cầu tất cả phải cài đặt chúng, bất kỳ ai đăng ký vào một cơ sở y tế nào đó.

Kết quả là ứng dụng thu thập những định vị địa lý, ghi lại sự di chuyển của bạn và ghi nhớ những người bạn đã liên hệ. Tất cả những động thái này được thực hiện dưới danh nghĩa bảo trợ sức khỏe.

Đã có tình trạng một loạt dịch vụ nước ngoài bị chậm lại do dịch bệnh. Có thể xem đó là sự vi phạm quyền kỹ thuật số không?

- Vâng, có thể, nhưng ở Nga hiện nay vẫn còn đang duy trì được tính trung lập của mạng (net neutrality): các công ty liên quan tới Internet (như các nhà cung ứng, các công ty khai thác viễn thông) không phải ưu tiên cho lưu lượng này hay khác. Bằng ngược lại, họ có thể phải đối mặt với những hậu quả kỹ thuật và kinh tế.

Ở các nước châu Âu, nhiều công ty khai thác viễn thông cũng muốn ưu tiên lưu lượng cho các cuộc gọi video hay tin nhắn Messenger. Đúng theo nghĩa đen, nếu muốn sử dụng Skype, WhatsApp hay xem phim bộ trên Netflix, bạn phải trả một khoản bổ sung, nếu không lưu lượng sẽ rất chậm hoặc nhà điều hành sẽ cắt hoàn toàn. Không trả thêm tiền? Hãy chấp nhận sống thiếu Messenger và Netflix.

Tuy nhiên, ở một số nước cố loại bỏ tính trung lập của mạng, cũng có những phản ứng xã hội. Nhiều công ty IT đang phản đối. Đó là một xu hướng nguy hiểm mà hậu dịch bệnh có thể trở thành phổ quát.

Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ sống trong thế giới, nơi nhà nước sẽ quyết định cho hay không lưu lượng lớn cho kênh này hay khác, như YouTube chẳng hạn. Hiện nay là dịch bệnh, nhưng ngày mai có thể là những bất ổn xã hội.

Chuyện gì sẽ xảy ra với các quyền kỹ thuật số của chúng ta hậu đại dịch?

- Tôi không thể tiên đoán những công nghệ nào sẽ xuất hiện trong tương lai (hiện nay cần chú ý đến việc phát triển Internet vệ tinh). Thế nhưng hiện nay đã có nguy cơ vi phạm bí mật truyền thông, duy trì việc kiểm duyệt toàn diện, hạn chế quyền di chuyển và vi phạm quyền bí mật đời tư bằng cách giới thiệu hệ thống nhận diện gương mặt vẫn chưa đạt sự đồng thuận trên thế giới. Vẫn chưa có sự kiểm soát và hiểu biết dân sự về việc giám sát video đang vi phạm bao nhiêu quyền và tự do của chúng ta.■

Trò chuyện với Interfax, Valery Fadeev, người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền trực thuộc tổng thống Nga, cho rằng cần phải quay lại vấn đề thực hiện quyền kiểm soát công dân sau khi kết thúc tình hình lây lan của virus corona.

“Chủ đề kiểm soát kỹ thuật số không đơn giản, thậm chí nguy hiểm. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì sự an toàn, công dân sẵn sàng đồng ý với gần như toàn bộ kiểm soát kỹ thuật số, nhưng câu hỏi đặt ra là sau đó sẽ ra sao? Chúng ta cần phải thảo luận nghiêm túc về vấn đề này, thoát khỏi tình huống này.

Nhiều người, không chỉ trong số các quan chức, mà cả trong giới kinh doanh, sẽ thích sự phát triển của kiểm soát kỹ thuật số.

Chúng ta hiện nay đang nằm dưới sự theo dõi kỹ lưỡng của các thiết bị, máy tính, mạng xã hội... Mọi giao dịch đều được ghi lại bởi các hệ thống điện tử, mỗi người đều được các camera trên đường phố nhận ra...

Họ còn đang nói về việc tiền mặt sẽ bị hủy trong tương lai gần. Đề tài kiểm soát kỹ thuật số rất nghiêm trọng, nhưng bây giờ tôi nghĩ chưa phải là thời gian để thảo luận về nó, toàn bộ chương trình nghị sự đang tập trung vào việc chống lại dịch bệnh, nhưng trong một hoặc hai tháng nữa sẽ cần phải quay lại với nó”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận